30.12.10

Giám mục bị cản trở cử hành thánh lễ

Giám mục bị cản trở cử hành thánh lễ

Mặc Lâm, phóng viên RFA,,,,,2010-11-17
Giám mục địa phận Kontum Hoàng Đức Oanh đã gặp trở ngại khi đến những vùng heo hút của tỉnh Gia Lai để cử hành thánh lễ với giáo dân.

Photo courtesy of
Nhà thờ chính tòa Kontum catholic.org

Không những cản trở mà chính quyền còn đe dọa những giáo dân có nhà để Giám mục tới làm lễ khiến những người này đang sống trong tâm trạng hết sức lo lắng cho niềm tin tôn giáo của mình. Mặc Lâm có bài tường trình theo chính lời của giám mục Micae Hoàng Đức Oanh.

Vào ngày 11 tháng 09, Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh đã gửi một bức thư cho ông Phạm Thế Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai để trình bày những trở ngại mà ngài gặp phải trên đường rao giảng tin mừng tại một số địa điểm trong tỉnh, bức thư có nội dung như sau:
Kính thưa Ông Chủ Tịch,
Tỉnh Gialai hiện có huyện Kon Chro và huyện K’Bang được mệnh danh là huyện trắng. Người dân hiểu đó là những huyện đã quét sạch tàn dư mê tín dị đoan hoặc tàn dư tôn giáo. Giáo dân muốn vào làm ăn tại những nơi đó đều phải “tự nguyện bỏ đạo” tự khai “không tôn giáo”. Mỗi khi Giáo Hội xin đến phục vụ tôn giáo cho bà con giáo dân thì được trả lời vắn gọn “Ở đây không có nhu cầu tôn giáo, vì không có giáo dân”!
Tại Huyện Kon Chro :
Dịp Tết Nguyên Đán 2010 vừa qua, tôi, Giám mục Giáo phận Kontum, đến dâng lễ tại nhà một giáo dân, thôn 6, xã An Trung, nằm dọc xa lộ Trường Sơn Đông. Phía Giáo Hội có viết giấy trình báo Chính Quyền địa phương. Thánh lễ diễn tiến tốt đẹp! Sau đó, chủ nhà “được mời đi làm việc liên tục” chẳng còn giờ làm ăn! Kết cục chủ nhà được mời tự nguyện ký biên bản “nhận tội đã quy tụ người bất hợp pháp” và hứa “sẽ không mời linh mục tới làm lễ nữa”. Còn giám mục thì được quý cán bộ dằn mặt trước giáo dân với những lời đe dọa “nếu tiếp tục đến dâng lễ, sẽ bắt trói và nhốt!”
Tại Huyện K’Bang
Thì cũng kiểu đó, đến nỗi các gia đình công giáo – có lẽ “bị khủng bố” sau đó, không còn dám mời hay đón tiếp Giám mục hoặc linh mục vào nhà, chứ đừng nói tới chuyện dâng lễ!
Cụ thể, hôm nay đây, không một gia đình giáo dân nào dám công khai đứng ra cho mượn nhà để dâng lễ. Họ quá sợ! Sợ ai? Sợ gì? Ai có thể đưa ra câu trả lời thích đáng?
Kính thưa Ông Chủ Tịch,
Để sự việc được rõ ràng và cũng là để tránh những bất trắc xảy ra cho xã hội cũng như Giáo hội, chúng tôi xin đề nghị một giải pháp tạm thời trong khi chờ đợi Chính quyền cho phép xây dựng ít là tại mỗi huyện một ngôi thánh đường để người công giáo công khai gặp nhau, để nghe Lời Chúa, nghe Lời Giáo hội cùng đón nhận các bí tích.

Đe dọa giáo dân

Theo lời đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh thì ông sợ giáo dân không dám cho mượn nhà để dâng lễ, nên ngài xin ông chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho phép giáo dân dựng tạm túp lều ở một miếng đất nào đó tại Thị trấn Kanat và Sơn Lang để hàng tháng ngài có thể đến gặp gỡ và dâng lễ cho bà con có đạo. Giám mục Hoàng Đức Oanh hy vọng một thời gian sau, giáo dân sẽ bớt sợ sệt, lấy lại can đảm và cho mượn nhà.
gmoanh-catholic.org-200.jpg
Giám mục địa phận Kontum Hoàng Đức Oanh. Photo courtesy of catholic.org
Trả lời câu hỏi của chúng tôi tại sao trong khi hầu hết các họ đạo trên toàn quốc Việt Nam không cần phải xin phép để cử hành thánh lễ thì riêng tại tỉnh Gia Lai phải xin phép mới có thể gặp gỡ với giáo dân như vậy? Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh cho biết:
"Bởi vì chỗ đó chúng tôi chưa có nhà thờ, linh mục và mới kiếm ra một số giáo dân từ các nơi khác tới làm ăn vì nó là vùng sâu, vùng xa, các anh em địa phương họ coi như không có người chỉ đạo. Họ chưa hiểu rồi dần dà họ sẽ hiểu. Phải nói là anh em ở đó họ chả biết ông linh mục là ai mà lại càng không biết ông giám mục là ai cả. Họ sợ vấn đề an ninh."
Sau 57 ngày gửi đơn đi từ 11.09 đến 07.11.2010, do không nhận được bất cứ văn bản hay lời chối từ nào, nên sáng 07.11.2010 Giám mục Hoàng Đức Oanh đã lên đường tới Yang Trung, An Trung và Sơn Lang.
Theo thư gửi giáo dân đề ngày 11 tháng 11 năm 2010 Giám mục Hoàng Đức Oanh kể lại câu chuyện ngài bị ngăn cản không cho làm lễ:
Trước tiên ngài đến nhà ông Trần Đình Hinh, thôn 9 xã Yang Trung, huyện Kon Chro. Trên đường đi ngài nhận được tin báo công an xã đã đến nhắc nhở gia đình ông bà Hinh và cảnh cáo lần sau không được cho tổ chức lễ trong nhà.
Phải nói là anh em ở đó họ chả biết ông linh mục là ai mà lại càng không biết ông giám mục là ai cả. Họ sợ vấn đề an ninh.
GM Hoàng Đức Oanh
Khi tới nơi Giám mục Hoàng Đức Oanh dâng lễ tại nhà ông Bộ và bà Hệ nhưng khi vừa bước vào nhà thì ông chủ tịch xã và một cán bộ cũng vào theo. Ngài và các giới chức đại phương này trao đổi về chương trình lễ như giấy đã báo. Lễ xong, các ông này trở lại với 4,5 vị cán bộ thuộc nhiều ban ngành và đề nghị lập biên bản.
Vào buổi chiều cùng ngày ngài tới Sơn Lang, huyện K’Bang, cách An Trung khoảng 135km để dâng lễ tiếp. Đang đi thì 16 người gồm linh mục, tu sĩ, giáo dân và ngài bị một số dân quân chặn lại. Sau khi hỏi giấy tờ tùy thân và biết mục đích đến dâng lễ tại nhà ông bà Tuyền, một cán bộ yêu cầu ngài dừng lại chờ ý kiến chính quyền xã!
Thời gian trôi qua cho đến tối vẫn không được phép, nên ngài và những người tháp tùng phải quay trở lại.
Câu chuyện không ngừng tại đây vì ngay ngày hôm sau, ngày 08.11 Bà Hinh và ông Bộ bị mời lên Ủy ban làm việc. Cả hai đều được yêu cầu nhận tội. Tội của hai gia đình cũng như tội của Giám Mục là đã qui tụ người và tổ chức dâng lễ bất hợp pháp! Cả hai cũng được yêu cầu không tái phạm, không được mời linh mục hay giám mục về dâng lễ nữa!

Cần sự đồng cảm

Giám mục Hoàng Đức Oanh cho chúng tôi biết ngài sẽ ứng xử như thế nào trước việc ngăn cấm truyền giảng giáo lý công giáo từ phía chính quyền địa phương, ngài nói:
gxphuonghoa-catholic.org-250.jpg
Giáo xứ Phương Hòa tỉnh Kontum. Photo of catholic.org
"Tôi không nại tới trung ương mà tôi chỉ nại tới địa phương, chúng tôi cứ gặp gỡ nhau miết. Như trong tin mừng của Chúa bảo con cứ gõ, gõ miết, như cái bà góa ấy!
Cứ gõ miết cuối cùng thì ông quan tòa ổng cũng phải xử thôi. Cái quan điểm của tôi thì anh em tôi, tôi phải tới. Họ chưa hiểu tôi phải làm sao cho họ hiểu. Cho nên hôm nay chưa được thì tôi đợi ngày mai, mai chưa được thì mốt. Tôi cứ gặp gỡ, trao đổi với họ dần dần, ngã ngũ ra thì tôi nghĩ họ sẽ hiểu thôi."
Giám mục Hoàng Đức Oanh kết luận rằng những người hôm nay chưa hiểu lợi ích của tin mừng thì họ sẽ hiểu và chính bản thân ngài phải sửa sai trước khi muốn người khác sửa những sai sót của họ, ngài nói:
"Người ta chở tôi tới chỗ nọ chỗ kia, bắt đầu thì ai cũng khó chịu nhưng mà cuối cùng thì tụi tôi nghĩ về phía tụi tôi…thí dụ như tôi với anh tuy chưa biết nhau nhưng anh biết niềm tin tôn giáo là chuyện bình thường và là quyền lợi con người, thế nhưng có người lại không biết như vậy, hoặc người ta biết sai.
Chúng tôi sẽ gặp gỡ trao đổi để hai bên hiểu biết nhau và chúng tôi có kinh nghiệm khi đã hiều và thông cảm cho nhau thì mọi sự sẽ ổn cả.
GM Hoàng Đức Oanh
Biết sai nên chúng tôi tự đặt câu hỏi có thể vì chúng tôi chưa đàng hoàng, chúng tôi phải điều chỉnh lại cuộc sống chúng tôi để người ta biết, người ta thương mình chứ. Chúng tôi sẽ gặp gỡ trao đổi để hai bên hiểu biết nhau và chúng tôi có kinh nghiệm khi đã hiều và thông cảm cho nhau thì mọi sự sẽ ổn cả."
Có lẽ khi nghe được những tâm sự chân thành của một vị chủ chăn tại một vùng còn sơ khai đối với Thiên Chúa Giáo như vài huyện miền núi trong tỉnh Gia Lai thì các viên chức địa phương sẽ hiểu, bởi vì họ chưa từng được tiếp xúc với các nhà truyền giáo và trong thâm tâm họ những người này là thành phần nguy hiểm với cách mạng.
Thế nhưng những giới chức cao cấp hơn, những người nắm quyền lực ở trung ương, mặc dù đã biết quá rõ người theo đạo sẽ làm gì trong những buổi lễ tại nhà thờ, nhưng vẫn không chịu chia sẻ những nguyện vọng chính đáng của họ thì sao?

Không có nhận xét nào: