Ông Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức vào trận
Thời gian bắt đầu khai mạc đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) XI chỉ còn được đếm bằng ngày. Ai sẽ là nhân vật thay thế Nông Đức Mạnh, người chắc chắn sẽ phải về vườn sau đại hội này?
Thời điểm mà ông Nguyễn Tấn Dũng lựa chọn để “xuất trận” đã đến. Đầu tiên là công điện hỏa tốc ban hành chiều ngày 30/12/2010, số 2402/CĐ – TT của ông thủ tướng đương nhiệm gửi cấp kỳ đến các bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Tài chính, Thông tin-Truyền thông, Công thương và Giáo dục-Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tất cả các tỉnh thành cùng nhiều cơ quan, ban ngành khác, với nội dung chỉ thị “tăng cường an ninh chính trị, an toàn xã hội để bảo vệ đại hội Đảng và tết Nguyên đán”. Cần nhắc lại rằng, công việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội không thuộc trách nhiệm của Bộ quốc phòng, mà thuộc Bộ công an và Uỷ ban nhân dân. Nhưng công điện 2042 đã yêu cầu quân đội vào cuộc(?).
Việc tổ chức đại hội Đảng Cộng Sản là một hoạt động chu kỳ cố định được biết trước nhiều năm, tại sao ông Dũng không gửi công điện, hay thậm chí là chỉ cần một văn bản thông báo nội bộ mang tính nhắc nhở trước đại hội khoảng một vài tháng là đã đủ. Rất dễ hiểu, Ông chọn cách gửi công điện khẩn để tăng tầm quan trọng và thể hiện vị thế thống lĩnh tuyệt đối các lực lượng vũ trang, cũng như vai trò đặc biệt của mình đối với đại hôi Đảng lần thứ XI này.
Ngay hôm sau, tức là ngày 31/12/2010 các phương tiện truyền thông, báo chí của nhà nước Việt Nam Cộng Sản đã đồng loạt loan tải và đưa tin về công điện nói trên. Thông thường, đã thành lệ, trước kỳ đại hội Đảng nào hay thậm chí chỉ là trước dịp lễ tết nào thì vấn đề an ninh chính trị xã hội của Việt Nam đều được thắt chặt, không cần sự nhắc nhở của chính phủ. Lần này thì khác, đặc biệt khác hơn là công điện khẩn 2042/CĐ – TT lại được phổ biến công khai trên báo, đài, không mang tính nội bộ như lệ thường.
Tiếp đến, ngày 02/01/2011 báo VN Express – Một trang báo khá nổi tiếng của nhà nước, lại công bố kết quả bình chọn của mình, chọn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “nhân vật của năm 2010”. Bỏ quên luôn những thất bại thảm hại về kinh tế vĩ mô mô hình “Doanh nghiệp nhà nước”, những lép vế về ngoại giao đáng xấu hổ trước thế lực của Trung Quốc, báo VN Express nhấn mạnh với những dẫn chứng hùng hồn về các “thành tựu kinh tế nổi bật”, cũng như những thành công “chói sáng” trên mặt trận quan hệ ngoại giao quốc tế, nhờ công sức và nỗ lực của ông thủ tướng. Đây là một thắng lợi lớn của ông Nguyễn Tấn Dũng và rộng hơn, là thế lực của ông ta.
Hôm nay, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại tung thêm một đòn mạnh hơn, đó là bài viết dường như không có tiêu đề, các báo tự đặt tiêu đề hết sức kỳ lạ là: “Bài viết đầu năm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”. Nội dung đề cập toàn diện các vấn đề kinh tế, chính trị xã hội, và đặc biệt là đề cập đến quyền lực của Đảng Cộng Sản.
Tuy có cương vị là Uỷ viên Bộ chính trị, nhưng ông Dũng chỉ là người đứng đầu một cơ quan của ĐCSVN. Ông không thể có quyền thay mặt đảng để tuyên bố, xin trích: “Tuy nhiên, khi đổi mới kinh tế đã đạt được những thành tựu to lớn, các quan hệ kinh tế đã có sự thay đổi cơ bản, cần thiết phải tiến hành đồng thời đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị để thúc đẩy đổi mới toàn diện. Điều này thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng ta về bước đi và biện chứng phát triển của tiến trình đổi mới”. Rõ ràng chủ ý của ông thủ tướng là muốn nói đến vị thế của cá nhân mình trước ĐCSVN và trước kỳ đại hội tới.
Cuối cùng, trong lời kết của bài viết nói trên ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng Đại hội sẽ đề ra một Chiến lược đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Tổ chức thực hiện tốt Chiến lược mà trước hết là thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2011 là việc làm thiết thực đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đi vào cuộc sống”. Như vậy đấy! Một bài viết không có tựa, chỉ đánh số 1,2,3.., không có phần đặt vấn đề mở đầu, nhưng phần kết thì lại nhấn mạnh đến đại hội ĐCSVN lần thứ XI.
Như đã đề cập đến trong hai bài viết trước của người viết bài này, nói về khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên làm tổng bí thư ĐCSVN khóa tới. Ngoài việc bổ nhiệm thêm hai thủ tướng và hàng chục bộ trưởng các bộ quan trọng được cất nhắc, hàng trăm các vị trí bí thư, chủ tịch các tỉnh thành, thứ trưởng các bộ, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế quan trọng được thay mới từ năm 2007 đến nay, ông Dũng đã củng cố vững chắc thế lực của mình.
Và với những thông điệp ngầm từ công điện 2042, cùng với những phát biểu mới nhất của ông Nguyễn Tấn Dũng, có vẻ như hình dáng của vị tân tổng bí thư ĐCSVN đang dần lộ diện. Nhưng kết quả cuối cùng thì vẫn sẽ còn phải chờ xem, các thế lực ngoài nước có thể tác động được gì lên kết quả cuối cùng…
Lê Nguyên Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét