7.1.11

Ý kiến công dân về Đại hội Đảng lần thứ 11

Ý kiến công dân về Đại hội Đảng lần thứ 11

Nam Nguyên, phóng viên RFA....2011-01-05
Đại hội ĐCS Việt Nam lần 11 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 19/1 sắp tới, một sự kiện chính trị trọng đại vì Việt Nam theo chế độ XHCN, một đảng duy nhất nắm quyền cai trị.
AFP photo/Hoang Dinh Nam

Áp phích tuyên truyền được nhìn thấy khắp nước VN trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 vào đầu năm 2011.
Không kể 3 Đại hội Đảng đầu tiên, 7 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức mỗi 5 năm một kỳ. Tương lai đất nước xoay chuyển theo chiều hướng nào có thể được định hình trong Đại hội đảng, cụ thể Đại hội đảng lần thứ hai tháng 2/1951 ở Tuyên Quang khởi xướng ‘Cải cách ruộng đất’ để lại những hậu quả được mô tả là khủng khiếp.
Những Đại hội Đảng sau thống nhất được chú ý nhất là Đại hội lần thứ sáu tháng 12/1986, từ Đại hội này chính sách đổi mới được khởi xướng và thực hiện, kịp thời cứu vãn sự sụp đổ của toàn bộ chế độ. Gần đây nhất Đại hội lần thứ mười cuối tháng 4/2006, khi con số Đảng viên đã lên tới 3,1 triệu, Trung ương Đảng đã đưa ra một quyết định quan trọng đó là Đảng viên được phép làm kinh tế.

Mục tiêu đề ra

Ở các kỳ Đại hội Đảng, sự kiện đáng chú ý nhất là việc bầu ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ mới, từ đó bầu Bộ Chính trị, rồi Tổng bí thư và những người đứng đầu các cơ quan trung ương của Đảng. Trung ương Đảng cũng chọn sẵn các vị trí lãnh đạo đất nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, tuy nhiên về nguyên tắc thẩm quyền việc bầu chọn thuộc về Quốc hội nhiệm khóa mới.
Những người quan tâm tới thời cuộc chờ đợi những thay đổi gì ở kỳ Đại hội Đảng lần thứ 11. TS Nguyễn Đăng Vang Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Định phát biểu:
“Tất cả mọi người đều muốn Đại hội đề ra được các chính sách kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như bối cảnh của thế giới. Đặc biệt các vấn đề mà Việt Nam đã cam kết, bây giờ hội nhập rồi mình không thể tách biệt riêng một mình được mà nó sẽ đan xen lẫn nhau.
Tất cả mọi người đều muốn Đại hội đề ra được các chính sách kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam cũng như bối cảnh của thế giới.
TS Nguyễn Đăng Vang
Điều thứ hai là phải tăng cường dân chủ trong đảng cũng như trong xã hội để làm sao tạo ra một sức mạnh tổng thể nhắm tới một xã hội tiến bộ nhanh, đảm bảo công bằng, đảm bảo vùng nghèo và vùng giàu không có khoảng cách chênh lệch quá lớn, để cho mọi người được hạnh phúc hơn.”
Liệu với thể chế chính trị hiện tại, chế độ xã hội chủ nghĩa với một đảng lãnh đạo có thể thực hiện được hết những mục tiêu vừa nêu hay không? Đại biểu Nguyễn Đăng Vang đáp lời:
“Tùy vào hoàn cảnh, tùy vào điều kiện mà giải quyết từng bước một, tham khảo những bài phát biểu của ông cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak trong dịp đánh dấu 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, thấy rằng ‘trong bối cảnh một nước có những hoàn cảnh khác nhau thì cũng phải giải quyết theo hoàn cảnh đó’.
Tôi cho rằng vấn đề một đảng hay nhiều đảng chắc chắn đang được nghiên cứu và tìm cách cho nó phù hợp nhất trong quá trình hội nhập của Việt Nam.”

Dân nghĩ gì?

Không phải người dân Việt Nam nào cũng chú ý tới những thông tin liên quan tới Đại hội đảng. Ngay cả giới trí thức cũng vậy, nữ kiến trúc sư Trần Thanh Vân cư ngụ tại Hà Nội, một người ngoài đảng tỏ ra khá bàng quan về sinh hoạt chính trị mà báo chí cho là hết sức hệ trọng:
000_Hkg4426251-200.jpg
Một công nhân đang treo biểu ngữ chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản XI ở Hà Nội ngày 04 tháng 1 năm 2011. AFP photo
“Thật tình tôi không quan tâm, từ xưa đến giờ chứ không phải hôm nay. Tôi là một công dân rất nghiêm túc, từ nhỏ đến giờ tôi luôn nghĩ rằng nếu vào Đảng thì tôi sẽ bị khai trừ, bởi vì tôi hay phát biểu khác mọi người, tôi không có ‘kỷ luật’. Nói nghiêm chỉnh tôi là người sống hết sức tự do, cho nên tôi không vào Đảng thì tôi sẽ không phạm lỗi. Tôi cũng không có chức vụ nào trong chính quyền, ở cơ quan nhà nước trước đây tôi cũng không nhận chức vụ nào. Đây là nguyên tắc sống của tôi.”
Người dân cũng có thể theo dõi thông tin về Đại hội Đảng nhưng theo kiểu “đó không phải là chuyện của mình”. Người nông dân miền Tây Nam bộ quanh năm với ruộng lúa, ao cá phát biểu:
“Đại hội Đảng mấy “ổng’ dựng lên tự mấy ông ấy bầu, mình không biết vô phần đó, mình không liên quan, ông nào lên cũng như ông nấy cũng không thay đổi được cái gì. Cuối cùng dân lúc khó không có ông nào chia sẻ.” 
Một trí thức lão thành, Luật sư Trần Lâm nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng khó kỳ vọng những thay đổi lớn về  chính trị trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 11. Ông nói:
Đại hội Đảng mấy “ổng’ dựng lên tự mấy ông ấy bầu, mình không biết vô phần đó, mình không liên quan, ông nào lên cũng như ông nấy cũng không thay đổi được cái gì.
Một nông dân miền tây
“Đòi hỏi dân chủ phải có đối lập, phải có đa nguyên hay phải có hai phái. Nhưng bây giờ đối lập anh nào nhoi ra thì đã bắt ngay, như vậy làm gì có đảng đối lập. Nếu không có đảng đối lập thì không bao giờ có dân chủ thực sự được. Thế nhưng bây giờ người ta đang đấu tranh làm sao để những người cầm quyền mở rộng dân chủ ra, phải thay đổi đi thì đây là một cuộc đấu tranh còn lâu dài.”
Từ dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ mười một, người dân Việt Nam được hiểu rằng con đường tương lai vẫn là xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sẽ khó có những thay đổi chính trị cơ bản sau Đại hội đảng, tuy nhiên người dân có thể đặt hy vọng vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Dù tụt hậu quá xa với các nước láng giềng như Malaysia, Thái Lan… Đảng Cộng sản Việt Nam nhắm tới mục tiêu đạt thu nhập bình quân đầu người 2.100 USD vào năm 2015.      

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: