Một câu hỏi lớn không lời đáp?
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp nghe các em sinh viên phát biểu công khai những thắc mắc của mình trong một cuộc họp mặt bàn về giáo dục. Nhất là về một đề tài thiết cốt với các em và với cả nền giáo dục đại học của ta.
Đó là buổi thuyết trình và thảo luận về “Tinh thần đại học” tại hội trường trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM ngày 22/3/2011 vừa qua, nằm trong khuôn khổ những buổi “cà phê học thuật” do một bộ phận nho nhỏ của trường là “Trung tâm tư vấn Hướng nghiệp và Phát triển nguồn Nhân lực” lập ra (cái tên trung tâm và cái tên “cà phê học thuật” đều rất khiêm tốn, rất “giảm khinh” cho những sinh hoạt trí tuệ vô cùng thiết yếu của đại học). Tôi đi dự, phần quan trọng là để hiểu tâm sự những người chủ tương lai rất gần của đất nước, để xem “sĩ tử trí”, “sử tử khí” đã ra đến thế nào sau 35 năm được hưởng sự giáo dục ghê gớm của chúng ta, nhất quán từ nhà trường ra xã hội (may ra còn lại giáo dục gia đình có thể có chút nào sai biệt tùy trường hợp). Nói 35 năm, vì trước đó, cũng nơi này, các sinh viên Văn khoa Sài Gòn đã hiên ngang tranh luận, đã xuống đường tranh đấu, đã làm cho Khánh Ly – Trịnh Công Sơn thành danh với những bài ca phản chiến. Nói 35 năm, vì một diễn giả chủ yếu của buổi hôm ấy, TS Sử học Bùi Trân Phượng, người nữ hiệu trưởng đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam, người đã có sáng kiến mở ra môn học “Tư duy phản biện” trong trường để rồi sau đó chắc ai đó “chỉ đạo” phải xóa đi, làm tan đi trong cái môn gọi là Kỹ năng tư duy nói chung hay gì đó, đã thành thật bộc lộ rằng: “Tôi ưu tiên tuyển dụng những thầy tốt nghiệp ở Âu Mỹ và ở Sài Gòn trước năm 1975”.Tôi không thất vọng vì không có gì phải bất ngờ mà chỉ thương cảm sâu xa cho con em mình khi nghe những câu hỏi của các em “học sinh cấp 4” giữa hội trường Đại học, đại loại như: “Các thầy (tức các diễn giả là các vị giáo sư, trí thức đáng kính) thành đạt được như thế này chắc là do gặp được ân sư. Vậy xin chỉ cho em cách nào để tìm được ân sư của mình?”. Phải chăng câu hỏi đó cho thấy rõ đâu là “tinh thần” của đại học chúng ta hôm nay? (Chị Bùi Trân Phượng sau đó cho biết mình được nghe sinh viên hỏi hoài hoài những câu tương tự). Phải chăng tinh thần “tìm ân sư – tìm thầy” của các em hôm nay sẽ dễ dàng chuyển thành “chạy thầy” – bí quyết sống còn – trong xã hội mà các em tham dự ngày mai, hay ngược lại, đó chính là thành quả của cả một xã hội “chạy thầy” (cái gì cũng phải “chạy” và cũng “chạy” được) kết đọng vào giáo dục, như cái vòng khép kín “con gà – quả trứng”?
Nhưng có một câu hỏi khiến tôi đau nhói lòng. Câu hỏi duy nhất khá thành thật nói lên một nỗi băn khoăn lớn của sinh viên hôm nay. Sau khi nghe cô giáo Phượng trình bày những nỗ lực của trường Hoa Sen mà cô là hiệu trưởng trong việc xây dựng thói quen tự do tư duy cho sinh viên (đúng ra phải nói là “phục hồi” vì thói quen đã từng có nhưng đã mai một sau 35 năm), một em giơ tay. Em hỏi: “Nếu trong nhà trường em có thể có tự do trong học thuật, thì ra xã hội, Ở ĐÂU CÓ CÁI TỰ DO ẤY?”
Câu hỏi chìm nghỉm trong những câu hỏi của các “học sinh cấp 4”!
Và không ai trả lời, tất cả các vị thuyết trình viên, các giáo sư và trí thức đáng kính, không ai trả lời.
Ngay sau buổi thuyết trình, tôi chất vấn mấy vị thuyết trình viên vì sao không trả lời câu hỏi về TỰ DO của em kia. Các vị chỉ cười. Một vị còn vừa cười vừa đùa: “Hổng dám trả lời đâu!”
Nhớ lại, khi còn là phóng viên một tờ báo lớn, hai lần tôi đã tình cờ biết các vị trí thức, văn nghệ sĩ nhớn của ta nghĩ sao về câu hỏi ấy.
Một lần, sau khi nghe nhà văn Nguyễn Quang Sáng ca ngợi một số tiểu thuyết vừa được giải thưởng trong một cuộc họp báo, tôi xin phỏng vấn ông. Ông lắc đầu quầy quậy. Ra uống bia thân mật, tôi chất vấn vì sao ông không chịu trả lời. Ông bảo: “Với ai chứ với mày tao nói lăng nhăng sao nổi. Bây giờ tao trả lời thật, liệu mày đăng được không? KHÔNG CÓ TỰ DO TƯ TƯỞNG THÌ LÀM SAO CÓ TÁC PHẨM HAY!”. Cả bàn bia cười tóe. Huề.
Lần khác, khi Nhà nước ta hào hứng tuyên bố phải xây dựng ngay nền “kinh tế tri thức” (đang là mốt toàn cầu!), tôi tìm người bạn cũ, khi ấy là nhà tin học hàng đầu, có vị trí lãnh đạo trong ngành, để phỏng vấn. Anh cũng lắc. Và “nói cho nhanh”: KHÔNG CÓ TỰ DO THÔNG TIN THÌ LẤY ĐÂU RA KINH TẾ TRI THỨC!”
TỰ DO? TỰ DO? TỰ DO?
“MỘT CÂU HỎI LỚN KHÔNG LỜI ĐÁP
ĐẾN TẬN BÂY GIỜ MẶT VẪN CHAU” (?)
Vì đó là câu hỏi từ thời “Các vị La hán chùa Tây Phương” (thơ Huy Cận).
Vì đó là câu hỏi mà gần 100 năm trước Phan Châu Trinh đã muốn dân tộc Việt Nam trả lời nhưng không được chấp nhận, để hôm nay những người tâm huyết như nhà văn Nguyên Ngọc và các đồng chí quyết tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của ông (xây dựng con người tự chủ để xây dựng một dân tộc tự chủ).
Vì đó là câu hỏi mà 80 năm trước các thầy Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… mới chỉ biết trả lời một vế: TỰ DO cho đất nước bị ngoại thuộc chứ chưa phải TỰ DO cho mỗi con người.
Vì đó là câu hỏi hôm nay các thầy, các bậc cha chú vẫn không dám hoặc không được phép trả lời công khai trên lớp, trong cơ quan, trên báo chí, trong hội thảo. Tuy hầu như ai cũng có thể trả lời.
Đó là nguyên nhân sâu xa nhất, nguyên nhân “hệ thống” khiến cho “giáo dục của ta ra đến nông nỗi này” như tiếng than đứt ruột của thầy Hoàng Tụy trong đêm nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh tổ chức cực hoành tráng ở Rex Hotel đêm 24/3/2011 vừa qua.
Nhưng hôm nay, có lẽ là lần đầu tiên câu hỏi ấy vang lên công khai trên một diễn đàn Đại học. Có nghĩa là nó đã nằm trong đầu, trong tim không ít thanh niên không cam chịu mãi mãi làm “học sinh cấp 4”. Nếu các bậc thầy, các bậc cha chú vẫn giữ “sự im lặng đáng sợ” trước câu hỏi ấy, thì thế hệ trẻ sẽ tự tìm ra câu trả lời của mình. Vì biết hỏi, tức là sắp biết trả lời.
Hoàng Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét