Nguyên hiệu trưởng Sầm Đức Xương quyết kháng án
“Tòa đã tuyên bản án quá nặng đối với chồng tôi. Nếu chồng tôi có tội tại sao những người có tên trong bản danh sách đen (16 người, trong đó có nhiều quan chức, lãnh đạo tỉnh Hà Giang – PV) lại không bị đưa ra xét xử?”- bà Nguyễn Thị Toán, vợ ông Sầm Đức Xương
*
(NLĐO) – Theo đúng quy định, ngày 25-3 là hạn chót để Sầm Đức Xương gửi đơn kháng án tới TAND tỉnh Hà Giang.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 26-3, bà Nguyễn Thị Toán, vợ ông Sầm Đức Xương, cho biết bà vừa vào Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Giang thăm chồng. “Chồng tôi sức khỏe vẫn tốt nhưng một mực cho rằng bản án mà TAND tỉnh Hà Giang dành cho mình không công bằng. Ông ấy nói với tôi là kiểu gì cũng kháng án tới cùng Nhiều người cùng phạm tội đó (hành vi mua dâm người chưa thành niên – PV) sao lại chỉ có một mình ông ấy phải chịu tội. Ông ấy đã hoàn chỉnh đơn và nộp cho lãnh đạo trại tạm giam, đóng dấu để chuyển tới TAND tỉnh Hà Giang theo đúng thẩm quyền”, bà Toán nói và cho biết bà cũng đã xác minh sự thực thông tin này qua cán bộ trại tạm giam.
Bà Nguyễn Thị Toán. Ảnh: Đỗ Du
Tại phiên tòa ngày 10-3, dù không nhận được giấy báo của TAND tỉnh Hà Giang nhưng qua báo chí bà Nguyễn Thị Toán biết tin và đã có mặt theo dõi phiên xét xử. Sau khi tòa tuyên án, bà đứng lặng người và nói với phóng viên: “Tòa đã tuyên bản án quá nặng đối với chồng tôi. Nếu chồng tôi có tội tại sao những người có tên trong bản danh sách đen (16 người, trong đó có nhiều quan chức, lãnh đạo tỉnh Hà Giang – PV) lại không bị đưa ra xét xử?”
Cũng trong chiều 26-3, ông Mai Văn Hùng, Chánh tòa hành chính – TAND tỉnh Hà Giang (chủ tọa phiên xử ngày 10-3) cho biết chưa nhận được thông tin về việc bị cáo Sầm Đức Xương kháng án. Theo quy định, một thẩm phán không được xét xử một vụ việc hai lần và lần tới TAND sẽ cử một thẩm phán khác xử phiên phúc thẩm.
Tối 25-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Dương Trí Tuệ (người bào chữa cho bị cáo Sầm Đức Xương) cho biết: Những chứng cứ buộc tội của cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang đối với ông Xương đều không thuyết phục và một chiều khi chỉ dựa vào lời khai của hai bị cáo Thúy và Hằng mà không có các bằng chứng khác thuyết phục hơn như tinh trùng của ông Xương để lại trong bộ phận sinh dục của các nạn nhân, hình ảnh hay video clip…
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 10-3. Ảnh: Đỗ Du
Mặt khác, theo luật sư Tuệ, các cơ quan điều tra của Hà Giang cũng vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra kết tội Sầm Đức Xương khi lấy lời khai của các bị hại khi Thúy và Hằng đang là vị thành niên tuy nhiên nhưng trong quá trình thu thập chứng cứ có những lúc không có người giám hộ. “Các lời khai từ một phía không đúng trình tự, thủ tục tố tụng… không phù hợp với lời khai của các chứng cứ khác trong vụ án. Trong phiên xét xử hôm 10-3, tôi đã hỏi đại diện VKSND tỉnh Hà Giang: “Nếu tại phiên tòa hôm nay, các cháu dưới kia (những người có quyền, nghĩa vụ liên quan được triệu tập tới tòa – PV) khai rằng có bán dâm cho người nhà đại diện VKS thì VKS chối thế nào, nhận thông tin đó ra sao”. Họ đều im lặng không trả lời”. Ông Tuệ nói và cho biết nếu dựa trên lời khai của các nạn nhân, ngoài Sầm Đức Xương còn có nhiều người khác cũng mua dâm, vậy tại sao chỉ có một mình Sầm Đức Xương bị truy tố?
Trước đó (ngày 10-3), TAND tỉnh Hà Giang mở phiên tòa xét xử vụ án môi giới, mua dâm người chưa thành niên xảy ra trên đaị bàn thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Kết thúc phiên xử kín, tòa đã tuyên phạt bị cáo Sầm Đức Xương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Lâm 9 năm tù giam về tội mua dâm người chưa thành niên, thấp hơn 18 tháng so với bản án sơ thẩm lần 1 đã bị tuyên hủy. Hai bị cáo Nguyễn Thúy Hằng bị tuyên phạt 36 tháng tù và Nguyễn Thị Thanh Thúy 30 tháng tù, cả hai đều được hưởng án treo; giao cho chính quyền địa phương nơi hai bị cáo cư trú có trách nhiệm giám sát, quản lý và giáo dục. |
Thế Kha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét