Những người theo chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán cần chấm dứt mấy trò trịch thượng lố bịch này!
Dân chúng Việt Nam thỉnh thoảng lại nghe được những tin rò rỉ từ nhà đương cục, cho biết, nay Sứ quán Trung Cộng nhắc nhở việc này, mai họ lại răn dạy việc khác, mốt họ lại cằn nhằn một việc khác nữa, v.v.
Có người đặt câu hỏi, các nhà đương cục của ta hồi này mắc nhiều điều sai trái, chắc là họ đã làm gì đó phương hại đến tình hữu nghị với người “anh em đồng chí”, người láng giềng “bốn tốt”, người chiến hữu “mười sáu chữ vàng”, thì Trung Cộng mới phản đối chứ.
Để góp phần làm rõ các sự kiện này, tôi thiết nghĩ, chúng ta thử điểm vài sự kiện xem sao.
Sự kiện thứ nhất, có lần một chuyên gia kinh tế Việt Nam phát hiện việc các “đồng chí” Trung Cộng thu vét tôm với giá rất cao, đưa về nước, ngâm tẩm thuốc kháng sinh, rồi bán lại với giá rất hời để mấy nhà xuất khẩu tôm ngây thơ của Việt Nam tưởng bở, bán được đắt, rồi lại mua được rẻ để xuất qua Mỹ. Đương nhiên sau kết quả kiểm dịch, người Mỹ đã tẩy chay hàng tôm Việt Nam vì kháng sinh quá liều. Đàn em Việt Nam được bài học về một chiêu… được gọi là… “thương mại đểu” của đàn anh Trung Cộng. Đến khi sự việc này được tiết lộ trên công luận, thì nhà đương cục Trung Cộng lại cằn nhằn nhà đương cục Việt Nam, tại sao lại nêu sự việc ấy trên công luận để làm xấu mặt “đồng chí” (!)…
Sự kiện thứ hai, khi các phương tiện truyền thông Việt Nam cảnh báo cho dân chúng về tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng ngâm tẩm chất độc hại của Trung Cộng đang lan tràn trên thị trường Việt Nam, thì “đồng chí” láng giềng “bốn tốt” lại lên tiếng cằn nhằn không nên làm thế! Làm thế là bôi nhọ Trung Cộng. Họ bảo Việt Nam cần phải bảo vệ tình hữu hảo với người bạn “Mười sáu chữ vàng”… Một số nhà báo Việt Nam cũng thành thật muốn giữ tình “hữu nghị anh em đồng chí”, đã không muốn nói trắng phớ cái tên Trung Cộng trong những vụ xấu chơi, mà gọi tránh đi là cái “nước lạ”. Ấy thế mà lại hay, vì từ đó, cái khái niệm “nước lạ” trở nên biệt danh của những hành vi đểu cáng của cái anh bạn láng giềng mà ai ai cũng đều có thể chỉ tận tay day tận trán, và biết đích xác cái “nước lạ” ấy,… hắn là ai rồi.
Mới đây thì đến sự kiện thứ ba, là tập truyện ngắn dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Anh của một nhà văn gốc Trung Quốc, đang cư ngụ ở Mỹ. Khi được nghe câu chuyện Sứ quán của cái “nước lạ” Trung Hoa Cộng sản hình như lại có ý nhăn nhó về việc truyền bá một câu chuyện “bôi nhọ lãnh tụ”, tôi cứ phân vân tự hỏi: Ô hay, cái ông Đại sứ của “nước lạ” này mới lạ làm sao! Ông đâu phải quan Toàn quyền đang cai trị đất nước Việt Nam? Sứ quán Trung Cộng đâu phải các Ban Bệ của Trung ương Đảng CSVN? Sứ quán Trung Cộng cũng đâu phải một Cục, Vụ nào đó của các Bộ trong Chính phủ Việt Nam. Mà dẫu họ có là tất cả những thứ đó, thì họ cũng phải hiểu rằng, thời đại ngày nay đã khác lắm rồi chứ! Đâu phải như năm mươi năm trước,… người ta mớm lời cho dân Việt Nam gọi Stalin là ông, rồi gọi Mao Trạch Đông bằng bác? Rồi bảo dân chúng tôn các vị ấy là “lãnh tụ”, và sùng bái các lãnh tụ ấy như những ông thánh sống? Thời đại ấy xa lắm rồi các “đồng chí” sứ quán lẩm cẩm ạ.
Nhưng nghĩ cho cùng thì vẫn cứ phải hỏi, vậy Sứ quán của cái nước Trung Cộng này lấy tư cách gì mà cằn nhằn nhà đương cục Việt Nam về đủ mọi chuyện trên đời mới được chứ? Dân chúng Việt Nam nghĩ mãi không ra. Hay là mấy anh Tàu khựa này lú lẫn tưởng rằng mình vẫn còn đang sống giữa thời mông muội hàng ngàn năm trước, vẫn u u minh minh ngủ mơ rằng, họ vẫn là mấy ngài Đô hộ sứ đang ngồi chĩnh chện trên đầu trên cổ bọn dân ngu ở xứ Giao Châu (?)
Nhầm to đấy mấy “đồng chí” láng giềng “Bốn tốt” thắm tình “Mười sáu chữ vàng” ơi.
Dân Việt Nam thấm thía cái “tình đồng chí” của bọn đế quốc xâm lược Đại Hán lắm rồi (!) Chúng tôi vừa nhắc lại vài sự kiện rất gần đây để các “đồng chí” nhớ cho: Mọi sự việc tương tự kể ở trên, dân chúng Việt Nam đều đã ghi vào sổ nợ cả đấy, và không quên cộng vào món nợ xâm lược đẫm máu sâu dày cả ngàn năm trên đất nước này. Dân Giao Chỉ không quên đâu, không bao giờ quên đâu các “đồng chí” nhé. Chúng tôi chỉ xin nêu vài việc như thế, tạm gọi là “múa vài đường quyền” cho biết nhau chút thôi, chứ tội ác của các “đồng chí” với dân tộc Việt thì viết cả đống giấy đồ sộ bằng cái Vạn lý Trường thành của nước Trung Hoa cũng không đủ đâu, các “đồng chí” ạ.
Khi nghe các vụ cằn nhằn lần trước, tôi không mấy quan tâm, vì tôi không làm kinh doanh, tôi cũng chẳng phải nhà báo, nhưng lần này, không hiểu sao tôi thấy ngứa ngáy, vì tôi đang làm việc ở nước ngoài, không có trong tay bản dịch, chẳng hiểu mô tê thế nào nên đã chịu khó bỏ ra mấy ngày nghỉ cuối tuần để đọc nguyên bản tiếng Anh xem có câu chuyện nào trong tập truyện ngắn A Thousand Years of Good Prayers của nữ nhà văn nổi tiếng Li Yi Yun từng giành được giải thưởng quốc tế Frank O’Connor 2005, có thể gọi là “bôi nhọ” bộ mặt lãnh tụ của của cái “nước lạ” này không, thì quả thực, tôi tìm mãi không ra. Tôi hơi ngờ ngợ… có một truyện có thể làm họ chạm nọc chăng. Đó là truyện Bất tử. Tôi tóm tắt để bạn đọc cùng suy ngẫm. Lẽ tự nhiên, khi tóm tắt câu chuyện, tôi chỉ nhắc đến những thứ nhập tâm nhất trong mạch tư duy liên quan vụ việc này. Tôi có thể bỏ sót rất nhiều chi tiết và ý tứ mà tác giả tâm đắc. Nếu có điều đó, xin tác giả lượng thứ.
Chuyện kể như sau: “Thời đó, quần chúng cách mạng sùng bái lãnh tụ lắm. Lãnh tụ nói gì quần chúng đều nghe theo răm rắp. Lãnh tụ bảo đàn bà Hán phải đẻ-nhanh-đẻ-mạnh. Ai đẻ nhanh, đẻ mạnh thì được phong anh hùng. Thế là bọn đàn bà, con gái hùng hục đẻ… như gà. Lãnh tụ nói, tuy dân ta mới có 500 triệu, nhưng cứ chấp cho đế quốc Mỹ ném bom nguyên tử, ta chết một nửa vẫn còn 250 triệu để làm cách mạng thế giới. Vì nhu cầu cách mạng thế giới mà phải đẻ tiếp. Lời lãnh tụ còn nghiêm hơn cả lời cha mẹ. Ảnh lãnh tụ treo khắp nơi. Trước kia, các cô vợ trẻ mang bầu kháo nhau, muốn con xinh đẹp thì ngắm ảnh diễn viên, kiểu như Shirley Temple. Bây giờ cách mạng rồi không được ngắm diễn viên nữa, mà ngắm lãnh tụ. Một bà mẹ trẻ đã làm như vậy. Bà ngắm lãnh tụ, ngắm miệt mài, ngắm suốt chín tháng mười ngày. Kết quả là sinh hạ một chú bé… không giống bố,… cũng chẳng giống mẹ, mà… giống lãnh tụ như đúc, cứ như thể là… là … con đẻ của lãnh tụ vậy. Bà mang niềm hãnh diện, bù đắp nỗi đau vô hạn là chồng bị Ủy ban cách mạng đập chết vì tội phản cách mạng. Phản cách mạng vì trong lúc say rượu giữa đám bạn bè trót nói một câu gì đó xúc phạm cách mạng. Thế là cả hai mẹ con bị vùi dập, bị hắt hủi, bất kể cái dáng vẻ uy nghi của lãnh tụ trên bộ mặt của thằng con. Thằng con lớn lên theo năm tháng, càng lớn lên càng giống lãnh tụ. Thế rồi một sự kiện bất ngờ xuất hiện, lãnh tụ băng hà, toàn dân đau xót như chính bố mình chết. Rồi ở đâu đó người ta bàn chuyện dựng phim về lãnh tụ vĩ đại. Người ta đi khắp đất nước để tìm kiếm diễn viên đóng vai lãnh tụ. Chàng thanh niên có dáng vẻ y chang lãnh tụ được hưởng niềm phấn chấn vô biên khi trúng tuyển. Nó mang lại niềm vinh quang cho cả làng. Nhưng rồi dần dần nó cảm thấy khó chịu trong niềm vinh quang ấy, vì không bao giờ dám bỏ cái áo bành tô thùng thình và cái kính dâm khủng sau cái mũ kéo sụp để che bộ mặt lãnh tụ khi tiếp xúc với dân chúng. Kể cả khi lên sàn nhảy, ôm các em trong các quán bar, anh ta vẫn phải mang tấm áo bành tô và kính dâm với cái mũ kéo sụp để che đậy che đậy cái thân hình và bộ mặt lãnh tụ khả kính. Thậm chí khi máu đàn ông nổi lên, đi tán gái cũng phải che phủ chùm hụp như thế. Nhưng rồi cái gì phải đến tất sẽ đến. Khi cái máu đàn ông bùng phát đến mức không chịu đựng được, thủ dâm cũng không giải tỏa được, thì “lãnh tụ” của chúng ta đành tìm đến mấy em gái điếm,… nhưng rồi… khi lên giường, chàng vẫn lúng túng, không biết làm cách nào để lột bỏ đống áo quần bề bộn chất đầy thân thể. Nghĩ là anh lúng túng vì còn trai tơ, em gái điếm đã, bằng nghệ thuật tài tình, nhanh chóng giúp anh làm lộ nguyên hình cái thân thể lõa lồ của lãnh tụ ra. Thế là em nhận ra anh diễn viên lãnh tụ… Thật như bắt được vàng. Tên ma cô của em đóng giả cảnh sát xông vào đòi anh nộp phạt vì tội làm ô uế nền đạo đức vô sản, bắt nộp một quả thật đậm, rồi hắn còn đòi anh phải mua lại những ảnh và phim quay lén với giá trên trời… Anh ta không chịu, vì tin là người ta sẽ bênh vực anh, sẽ bênh vực cái người đã có công lao tái hiện chân dung lãnh tụ vĩ đại của lịch sử… Thế là các ảnh trần tục của “lãnh tụ” được phát tán, tai tiếng khắp đất nước hùng vĩ… Anh cầu cứu khắp nơi, nhưng tuyệt nhiên không có ai bênh vực. Vì chẳng may, đúng lúc đó, nước cộng sản đàn anh Liên Xô đã sụp đổ, không ai còn sùng bái lãnh tụ nữa. Rồi những tội ác và sự bê bối của lãnh tụ được lan truyền. Sự nghiệp của anh cũng theo đấy mà đổ vỡ tan hoang… Anh sống vật vờ cho đến cuối đời. Cuối cùng anh trở về làng xưa, sám hối trước phần mộ của người mẹ bất hạnh … và rồi, anh quyết định thiến cái của quý để trả lại cho đấng tối cao. Đến khi anh chết, người ta tìm cái của quý ấy để đặt vào quan tài, thì mới sực nhớ ra, nó đã bị vứt bỏ bên mộ của bà mẹ đáng thương, không ai lượm về. Chắc là con gì đó đã ăn mất rồi. Thế là anh chết không toàn thây. Lại thêm một điều bất hạnh”. Chuyện không hề hé lộ vị lãnh tụ mà chàng trai này đóng thế đích danh là người nào.
Nghĩ cho cùng thì các quan Đại Hán hơi dại. Nếu họ không gây sự với nhà đương cục Việt Nam thì tôi không bao giờ viết bài này, mặc dầu tôi sưu tập được rất nhiều chuyện về việc họ lèm bèm với các nhà đương cục Việt Nam. Tuy nhiên tôi viết bài này cũng không với mục đích bênh vực các nhà đương cục Việt Nam, và cũng chẳng phải để gây sự với kẻ đã cằn nhằn nhà đương cục Việt Nam. Tôi chẳng có gì liên quan đến ai trong số họ… Tôi viết vì mong muốn nhắn gửi một thông điệp khác. Tôi cũng biết thân phận của đất nước mình, không gây sự với láng giềng, nhất là với nước láng giềng khổng lồ, tham lam, hiếu chiến, hèn hạ và tàn độc như tên đế quốc cộng sản Trung Hoa.
Nhân việc các quan Đại Hán cà khịa với Việt Nam về việc bôi nhọ gương mặt lãnh tụ vĩ đại của họ, mà họ vốn có cái mộng vĩ cuồng tôn lên thành lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới, tôi muốn nói để họ biết rằng, câu chuyện Bất tử mà tôi vừa tóm tắt một cách rất thiếu sót trên đây chưa đến mức “bôi nhọ” lãnh tụ của họ lắm đâu. Người viết truyện rất ý tứ chứ đâu có lộ liễu. Chị đã “giải thiêng” một cách khéo léo và kín kẽ, dưới bút pháp trào lộng, những cái mà ở thế kỷ XX gần như một nửa nhân loại hay hơn thế đã tôn sùng theo kiểu bái vật giáo, và nay thì chỉ trừ lác đác vài ba chính thể còn khư khư ôm chặt, còn phần lớn nhân loại đã “giải thiêng” xong. Dân Việt Nam biết quá nhiều về lãnh tụ của quý quốc. Đến như tôi, không phải là nhà Trung Quốc học, cũng chẳng phải nhà Mao-học, thế mà trong tay tôi cũng có hàng chục cuốn sách về Mao, trong đó có 3 cuốn mà tôi đọc kỹ nhất viết từ nhiều góc nhìn khác nhau: Cuốn thứ nhất, đang bán đầy ở các vỉa hè Hà Nôi, là bản dịch tiếng Việt cuốn Mao Trạch Đông ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng. Đây là cuốn sách kể về công và tội của lãnh tụ với cách mạng cộng sản Trung Hoa. Cuốn thứ hai, là bản dịch tiếng Việt cuốn hồi ký của Lý Chí Thỏa, bác sỹ riêng của lãnh tụ, viết về cuộc sống dâm dục trác táng bệnh hoạn của lãnh tụ giữa cung đình Trung Nam Hải. Cuốn thứ ba, một cuốn sách gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi, có tên là Mao – Histoire inconnue (Mao – Thiên lịch sử chưa được biết đến), bản dịch tiếng Pháp từ nguyên bản tiếng Anh của hai tác giả Trương Nhung (người Hoa) cùng chồng là Jon Halliday (người Anh). Vợ chồng Halliday đang cư ngụ tại Anh Quốc. Không hiểu khi họ xuất bản cuốn sách này, Sứ quán Trung Cộng ở Anh Quốc có trịch thượng gọi điện cự nự Bộ Ngoai giao Anh Quốc hay không? Cuốn sách đó còn “bôi nhọ” tư cách của lãnh tụ một cách “kinh hoàng” hơn rất nhiều so với tập truyện ngắn vừa được ra mắt độc giả Việt Nam. Đó là thiên lịch sử lừa thầy, phản bạn, chèn ép đồng chí, bịa đặt và nhận vơ công lao chiến tích, cài bẫy trách nhiệm chiến bại,… của lãnh tụ. Tất cả thiên lịch sử gian hùng ấy đã đẩy lãnh tụ lên hết nấc thang này đến nấc thang khác trong hệ thống quyền lực.
Không ai bôi nhọ được bộ mặt lãnh tụ của họ đâu. Họ chỉ viết những sự thật về bộ mặt ấy thôi. Còn cái sự thật ấy có nhọ hay là không thì chúng ta nên dành để lịch sử phán xét.
Nhưng đó không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng mà tôi muốn nhắn nhủ với các “đồng chí” Trung Cộng: Nếu các “đồng chí” muốn có bên mình một nước láng giềng Việt Nam hữu nghị, thì xin các “đồng chí” phải bỏ cái thói trịch thượng Đại Hán đi. Các “đồng chí” đừng lầm tưởng rằng, mua chuộc được vài ba người có quyền lực là xong, dù cho với những thủ đoạn ấy, các “đồng chí” có thể, hôm nay lấn thêm được dăm tấc đất, ngày mai cắt thêm được mấy vạt rừng, ngày mốt gặm nốt những gì dân Việt Nam hớ hênh, không đủ tài cảnh giác với mấy nhà cầm quyền tham nhũng và bọn xâm lược nham hiểm. Lịch sử đã chứng tỏ rằng, dù cho bọn Đại Hán mua được bọn cầm đầu bán nước, như kiểu Lê Chiêu Thống và Trần Ích Tắc, thì trên mảnh đất này vẫn luôn xuất hiện những con người anh hùng quả cảm, mưu lược, lãnh đạo dân chúng nổi lên đánh cho quân xâm lăng và bọn bán nước đại bại.
Đế quốc Trung Cộng cần rút bài học lịch sử, như đã dạy trong tư tưởng cổ đại Trung Hoa: “Cùng tắc biến”. Thời chiến tranh Triều Tiên, ngay cả khi quân đội Trung Cộng với trang bị đầy mình bằng vũ khí Liên Xô, đã đánh Nam Hàn dường như đại bại, dồn quân đội Nam Hàn xuống tận Phú Xuân, vênh váo những tưởng sẽ nuốt trọn Nam Hàn trong gang tấc, thế mà, ở bước đường “Cùng” này, quân đội Nam Hàn, với sự hợp lực của quân đội Mỹ, đã quật cường phản công, đuổi quân đội Trung Cộng chạy ngược trở lại phía Bắc, buộc phải ngồi đàm phán, lấy vĩ tuyến 38 phân chia các vùng chiếm đóng. Bài học lịch sử từ chiến tranh Triều Tiên cần được rút ra ở đây là: Khi đế quốc Trung Cộng dồn Việt Nam đến đường “Cùng”, nó chắc chắn sẽ “tắc biến”.
Các “đồng chí” cứ ngẫm mà xem, dân Việt, bất kể là dân ở quốc nội hay hải ngoại, dù giữa họ còn nhiều bất đồng chính kiến, dân tộc chưa thực sự hòa giải và hòa hợp, bức tường ý thức hệ còn ngăn cách nghiệt ngã giữa một nhóm nhà cầm quyền với dân chúng, nhưng ý chí chống quân xâm lược Đại Hán Trung Cộng của dân tộc này thì bất di bất dịch.
Điều cuối cùng tôi muốn nhắc lại: Trong xu thế hội nhập của thế giới đương đại, chủ nghĩa sô-vanh (chauvinism) dân tộc đã quá lỗi thời. Những người theo chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán cần chấm dứt trò trịch thượng lố bịch này.
Thế giới đã thấy rất rõ Trung Cộng đang ráo riết mở rộng vũ trang, liên tục gây hấn với hầu khắp các nước láng giềng, quyết tâm nuôi tham vọng thay thế Mỹ làm đội lính sen đầm quốc tế. Cứ cho rằng, ngay cả khi thế giới này vẫn cần những đội lính sen đầm quốc tế, thì cái thứ “văn hóa” vu vạ, lật lọng, xâm lấn, đổi trắng thay đen, buôn gian bán lận của chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán vẫn chưa cho họ đủ tư cách tối thiểu để làm những người lính sen đầm quốc tế đâu.
Những kẻ theo chủ nghĩa sô-vanh Đại Hán hãy nhớ, cổ nhân Trung Hoa có lời răn dạy bất hủ: “Tu Thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ”. Bỏ thói trịch thượng mới chỉ là công việc của giai đoạn “Tu Thân”, còn xa mới nói được đến giai đoạn trở thành đội lính sen đầm quốc tế để “Bình Thiên Hạ”.
Với một đất nước Trung Hoa giàu mạnh, hòa hiếu, tư cách các nhà lãnh đạo Trung Hoa đứng đắn, thì hà cớ gì người dân Việt Nam không chào đón họ như sứ giả của hòa bình và hữu nghị, như đồng minh và chỗ dựa tin cậy ở khu vực này?
Đương nhiên, Nếu bọn sô-vanh Đại Hán vẫn không chịu từ bỏ hẳn ý đồ biến miền Tây Thái Bình Dương thành ao nhà của họ bằng những thủ đoạn bẩn thỉu và hèn hạ, nhất là trò vu vạ kẻ khác xâm lược, rồi gây hấn hàng ngày với chiêu bài “phản kích tự vệ”, kích động những thần dân trung thành của Vương Triều Trung Cộng thành bọn cướp biển tàn ác, giết người cướp của không ghê tay, thì đất nước Việt Nam sẽ còn mãi mãi là cái gai trước mắt họ. Họ phải rất tỉnh táo nhận ra điều này: sau khi họ dương oai diễu võ ở khu vực Biển Đông, thì tất cả các quốc gia hữu quan đều đã nhất tề đứng dậy, cách này hoặc cách khác, để chứng minh cho họ thấy, họ không dễ gì khuất phục được ý chí chống xâm lược của các nước lân bang. Nhưng thật sự họ không tỉnh táo. Bằng cớ là họ lại trịch thượng lên án các nước vùng Đông Nam Á chạy đua vũ trang. Thật đúng như câu ngạn ngữ Trung Hoa “Quan châu phóng hỏa lại cấm dân đen thắp đèn”.
Tôi viết những dòng này với tư cách là hậu duệ của một dòng danh gia vọng tộc gốc Hán. Tộc phả còn ghi rõ, cụ tổ của tôi nguyên là quan Đô hộ sứ của Nhà Đường ở đất Giao Châu vào nửa đầu thế kỷ X. Ông lấy một bà vợ người Giao Châu. Do bất mãn với Đường triều, ông đã chọn Giao Châu làm nơi cư ngụ, nguyện làm thần dân của Giao Châu. Ông đã dưỡng dục lớp lớp con cháu, mở mang dòng tộc ngày càng phồn thịnh để phụng sự đất Giao Châu, tức Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Nguồn: Bauxite
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét