Việt Nam chuẩn bị sửa đổi hiến pháp
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2011-03-26
Tại phiên họp thứ chín là kỳ họp cuối của quốc hội Việt Nam khóa 12, trong báo cáo của chánh phủ trình bày trước diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hiến pháp, hầu bảo đảm quyền dân chủ của người dân, tăng cường pháp chế, kỷ luật.
Đỗ Hiếu ghi nhận ý kiến từ nhiều công dân Việt Nam thuộc các khuynh hướng chính trị, vị trí xã hội, vùng đất sống khác nhau, cùng trình bày quan điểm về việc “sửa đổi hiến pháp”.
Không đơn giản
Từ Hà Nội, ông Dương Trung Quốc, thành viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu đơn vị Đồng Nai lên tiếng ủng hộ kiến nghị của chánh phủ, muốn sửa đổi hiến pháp để thích ứng với sự tiến triễn của đất nước theo xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên theo ông, thực tế sẽ không đơn giản:“Câu nói của Thủ tướng chính phủ, tôi nghĩ là ông nói ra một nguyên lý rất cơ bản, chắc là sẽ tìm được sự đồng thuận của tất cả mọi người, kể cả tôi, nhưng cái khó nhất là ở Việt Nam, chúng ta phải tìm mô hình hơi đặc thù; nếu như chúng ta biết đến lịch sử nhân loại phát triển thì chúng ta thấy nó có những bước đi, có những yếu tố riêng của mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ, nhưng nó cũng có những nét chung.
Thí dụ như vấn đề Tam Quyền Phân Lập là gần như trở thành một vấn đề chung của nhân loại rồi, nhưng ở Việt Nam hiện ngay vẫn cố gắng tìm cái mô hình, không hoàn toàn như vậy, cho nên nguyên lý mà ông Thủ tướng đưa ra hoàn toàn đúng, nhưng đạt được cái nguyên lý ấy, là một bài toán hết sức khó, khó là vì làm sao Việt Nam trong quá trình hội nhập tiếp cận được với tất cả giá trị phổ quát của nhân loại, nhưng vẫn giữ được cái đặc thù của Việt Nam.
Tôi hoan nghênh nguyên lý ấy; thế còn cái việc mà cụ thể hóa như thế nào trong bản hiến pháp được sửa đổi, chắc sẽ là một cuộc trao đổi lâu dài, tôi không dám lạm bàn ngay vào thời điểm này.Ông Dương Trung Quốc
Việc mỗi quốc gia tìm cái đặc thù riêng của mình về mặt lịch sử, tôn giáo, văn hóa là điều hết sức xác đáng nhưng với Việt Nam đó là bài toán chưa được giải mã hết. Tôi hoan nghênh nguyên lý ấy; thế còn cái việc mà cụ thể hóa như thế nào trong bản hiến pháp được sửa đổi, chắc sẽ là một cuộc trao đổi lâu dài, tôi không dám lạm bàn ngay vào thời điểm này.”
Với tư cách là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, ông Dương Trung Quốc bày tỏ niềm hy vọng là:
“Chắc chắn đứng về lâu dài, một ngày nào đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng phải hội nhập với thế giới, về các giá trị phổ quát, vì đây là bước tiến của nhân loại.”
Nói chứ không làm
Vừa rồi là ý kiến của một đại biểu quốc hội, từng phục vụ hai nhiệm kỳ và sẽ ứng cử vào cơ quan lập pháp thêm một nhiệm kỳ nữa tại đơn vị Đồng Nai. Một người dân từng làm việc cho nhiều chế độ cầm quyền, trước khi đất nước chia đôi, sau hiệp định Geneve 1954, nay đã về hưu, ông Hợp nói lên cảm nghĩ của mình khi đón nhận thông tin qua báo đài, về việc sửa đổi và bổ sung hiến pháp:“Đừng nghe người ta nói hãy xem người ta làm; nói thì nghe hay lắm nhưng có làm thế đâu, chả có nhà nước pháp quyền nào mà lại là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đấy là một cách nói thôi; thế còn sửa gì, mà có sửa người ta cũng không theo cái người ta nói đâu.
Đừng nghe người ta nói hãy xem người ta làm; nói thì nghe hay lắm nhưng có làm thế đâu.Ông Hợp
Đấy là kinh nghiệm của những người ở Việt Nam thì thấy rất rõ, chẳng hạn như vừa rồi cái vụ Vinashin mà bảo không ai mắc khuyết điểm, không kỷ luật ai cả. Quốc hội có những người nói rằng, ăn trộm một con vịt thôi mà còn bị kỷ luật, bị tù huống hồ là bao nhiêu nghìn tỷ như thế mà không ai mắc khuyết điểm thì thật là người dân không chịu, người ta không nghe được.
Cũng có những đại biểu phát biểu như thế đấy, nhưng mà thôi, người ta làm thì cứ làm, bởi vì chế độ này là toàn trị, người dân Việt Nam chán rồi, chả muốn nói gì cả. Bây giờ có cái tâm lý là mọi người lao đi mà kiếm sống, họ không để ý đến chuyện gì cả, đấy là cái nguy hiểm nhất đối với một dân tộc.”
Đĩa hát cũ
Một công dân Việt Nam sinh trưởng tại Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, nay định cư ở Pháp, nhà văn Vũ Thư Hiên cho rằng đề nghị sửa đổi hiến pháp là một câu chuyện từng được lập đi lập lại bao nhiêu lần rồi:“Bình thường tôi ít để ý tới những tuyên bố vì giống như đĩa hát cũ, dùng nhiều quá thì nó rè, không nghe ra gì cả, thành ra là, theo tôi tốt nhất thì người ta hãy làm cái động tác rất bình thường, thí dụ như trưng cầu dân ý, xem rằng có nên có một nước mà chỉ có một đảng cai trị không, hoặc là tất cả các đại biểu nhân dân được bầu bán tử tế, đàng hoàng, cùng bàn bạc trong một quốc hội có đầy đủ các thành phần để bàn việc nước.
Tôi nghĩ rằng câu đó (sửa đổi hiến pháp) không những tôi mà bất cứ ai ở Việt Nam cũng trả lời giống tôi, cái đĩa hát ấy cũ quá rồi.”
Ông cũng trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề “độc đảng hay đa đảng”:
“Cái xu thế của thời đại ngày nay không có gì cưỡng nổi, tất cả các nước đều phải theo chế độ dân chủ, mà dân chủ là phải có đủ mọi thành phần, chứ tôi không muốn dùng chữ đa đảng vì thật sự ra, các đảng họ có mặt hay không có mặt, ra đời, vào lúc nào, có uy tín trong dân thế nào, để ở trong quốc hội bàn bạc việc nước, là chuyện khác với có nhiều đảng hay không.
Tất cả các đảng họ sẽ xuất hiện trên xu hướng, phương pháp, mục tiêu đấu tranh thế nào, đoàn kết lại một số người, thì phải là những đảng đàng hoàng, đứng đắn, chứ còn nếu đa đảng để chỉ gọi là đa đảng thôi, điều đó không có nghĩa là sẽ có nền dân chủ.”
Tôi nghĩ rằng câu đó (sửa đổi hiến pháp) không những tôi mà bất cứ ai ở Việt Nam cũng trả lời giống tôi, cái đĩa hát ấy cũ quá rồi.Nhà văn Vũ Thư Hiên
Có nhiều ý kiến đăng tải trên báo chí nhận định rằng, quốc hội Việt Nam từ khi đảng cộng sản lên cầm quyền năm 1945 tới giờ chưa thật sự là quốc hội của nhân dân mà chỉ là quốc hội của đảng, tức là các đại biểu do đảng cử, dân bầu.
Theo báo chí thì sửa đổi hiến pháp là một cơ hội tốt để nâng cao dân trí, thúc đẩy dân chủ hóa công việc quản lý đất nước, vì thế giới trí thức, chuyên gia cần tích cực tham gia nghiên cứu, thảo luận, hầu hoàn chỉnh hiến pháp.
Tuy nhiên, bao lâu mà các quyền tự do căn bản của người dân chưa được thực thi trọn vẹn như quyền tự do ứng cử, bầu cử mà còn bị lắm hạn chế thì nhân dân Việt Nam sẽ không thể có một quốc hội đại diện cho mình và vì thế người ta chưa hy vọng sẽ có một hiến pháp dân chủ mà người dân hằng trông đợi.
Được biết, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy Ban Thường Vụ quốc hội, có nhiệm vụ nghiên cứu những đổi mới về thảo luận, sửa đổi, bổ sung hiến pháp Việt Nam được tài trợ ngân khoảng 700 ngàn đô la, trong năm nay, phần lớn do viện trợ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc.
Dự án này kéo dài 18 tháng với mục tiêu tạo sự đổi mới của quốc hội trong hoàn cảnh hội nhập hiện nay mà hoạt động đáng chú ý nhất là tìm hiểu, khảo sát, tổ chức, thu thập ý kiến để sửa đổi hiến pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét