26.3.11

Việt Nam tuần qua


Việt Nam tuần qua

2011-03-25
Những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần lễ từ 20 đến 26 tháng 3 năm 2011.
AFP PHOTO / TEPCO VIA JIJI PRESS
Khói đen từ lò phản ứng thứ ba của nhà máy điện hạt nhân Tepco Fukushima hôm 23 tháng 3 năm 2011.

Nguy cơ mây phóng xạ

Mây phóng xạ từ Nhật theo gió bay tới Việt Nam vào cuối tuần này. 


Mặc dù giới khoa học cho biết là nồng độ phóng xạ hạt nhân đã giảm đi đáng kể sau khi vượt qua một quảng đường dài hơn 4 ngàn cây số từ Nhật Bản đến Việt Nam, nhưng tin tức về chất phóng xạ nguy hiểm này cũng khiến dư luận lo ngại.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do một ngày trước khi các đám mây phóng xạ đến Việt Nam, ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử Việt Nam, cho biết:
Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng Lượng Nguyên Tử đưa ra ý kiến về thông tin đó:
Cho đến ngày mai nó vẫn không quét qua ở Việt Nam, nếu có qua Việt Nam thì chắc là nồng độ cũng rất thấp, cho nên khả năng phát hiện được cũng rất là nhỏ.
Ô. Vương Hữu Tấn
“Cho đến ngày mai nó vẫn không quét qua ở Việt Nam, nếu có qua Việt Nam thì chắc là nồng độ cũng rất thấp, cho nên khả năng phát hiện được cũng rất là nhỏ. Đánh giá thì chúng tôi không thể có số liệu vì mình chưa có số liệu phát ra từ nguồn Nhật Bản là bao nhiêu đâu, đánh giá là khó, chỉ có điều là phóng xạ lan ra xa thì càng ngày càng loãng đi. Thứ hai là phân rã phóng xạ cũng làm giảm đi. Thứ ba, nếu trên đường đi, gặp mưa thì nó rơi lắng xuống biển, thế nên, đám mây có lẫn phóng xạ có đến Việt Nam thì hàm lượng hoặc nồng độ không cao. Tất nhiên là chúng tôi vẫn đang theo dõi, nếu có, thì sẽ kịp thời thông báo số liệu chính thức là bao nhiêu.”
Thông tin về mây phóng xạ từ Nhật bay sang Việt Nam đầu tiên do cơ quan theo dõi phóng xạ của Na Uy thông báo, sau đó được phía Việt Nam xác nhận. Theo đó, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của bụi phóng xạ sẽ là vùng bờ biển phía Nam Việt Nam.
Cùng với các đám mây bụi, thực phẩm nhiễm phóng xạ từ Nhật cũng là nỗi lo chung của nhiều nước nhập khẩu sản phẩm từ Nhật.
Tuần này, chất phóng xạ đã bắt đầu được phát hiện trong nước uống, rau cải, trái cây cùng nhiều loại nông phẩm khác của Nhật.
Trong lúc Việt Nam cho biết chưa có phương tiện để xác định độ phóng xạ trong thực phẩm, thì nhiều nươc trên thế giới như Hoa Kỳ, Nam Hàn, Đài Loan đã ra lệnh ngưng nhập khẩu các loại nông, hải sản từ khu vực bị nhiễm phóng xạ.

Vẫn phát triển điện hạt nhân

NinhThuan-250.jpg
Mô hình nhà máy điện hạt nhân sẽ xây dựng tại Ninh Thuận. Photo courtesy of VTC.
Thưa quý vị, vụ nổ nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản cũng bộc lộ những mâu thuẫn trong chính sách phát triển của Việt Nam: Một mặt nhìn nhận là chưa có đủ phương tiện để thẩm định nồng độ phóng xạ; mặt khác Việt Nam lại khẳng định quyết tâm theo đuổi chương trình điện hạt nhân.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do ngay sau vụ nổ lò phản ứng hạt nhân của nhà máy điện Fukushima, ông Nguyễn Nghị Điền, Giám đốc Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt khẳng định:
“Công tác xúc tiến đang rất khẩn trương. Nga sẽ xây nhà máy thứ nhất của Việt Nam. Hiện cả hai nước đang đàm phán khẩn trương để đi đến đàm phán chính thức, hai bên cũng chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi. 
Trong nghiên cứu khả thi này có nhiều tính toán về địa điểm, đầu tư… Địa điểm đã chọn là Ninh Thuận, nhưng khi chính thức cần phải có nghiên cứu sâu thêm ví dụ như  khoan để lấy số liệu về địa chất, rồi số liệu cụ thể về địa chất công trình, thủy văn… rồi mới đi đến quyết định chính thức. 
Đánh giá thì chúng tôi không thể có số liệu vì mình chưa có số liệu phát ra từ nguồn Nhật Bản là bao nhiêu đâu, đánh giá là khó, chỉ có điều là phóng xạ lan ra xa thì càng ngày càng loãng đi.
Ô. Vương Hữu Tấn

Những tác động về động đất, sóng thần trong quá trình tiền khả thi đã có xem xét, và đi đến kết luận có thể chấp nhận được. Nhưng trong nghiên cứu khả thi phải có nghiên cứu tiếp như khoan mẫu để lấy địa chất công trình của nền móng, trước khi có ký kết chính thức.
Nhà máy đầu tiên này sẽ chọn công nghệ của Nga là nhà máy PVR1000. Trong PVR1000 có một số loại và chưa có quyết định chọn chính thức loại nào. PVR1000 là loại nước áp lực thế hệ 3 và 3+, khác với nhà máy Fukushima là lò nước sôi thế hệ hai; đây là nhà máy đầu tiên của Nhật được xây dựng hồi năm 1971. 
Hiện nay trên thế giới công nghệ nước áp lực phổ biến nhất, rồi công nghệ lò nước sôi, và công nghệ lò nước nặng. Ngoài ra còn có một vài công nghệ nữa như ‘lò nhanh’, ‘lò khí’… Tuy nhiên trong 450 lò đang có trên thế giới, phổ biến nhất là công nghệ lò nước áp lực, sau đến lò nước sôi, và đến lò nước nặng.”
Trong khi đó, TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm thuộc Bộ Y tế thì nhìn nhận: Ngành Y tế Việt Nam chưa có thiết bị kiểm tra phát hiện phóng xạ trong thực phẩm.

Việt Nam trục xuất ba đảng viên Việt Tân

Về chính trị, tuần này Việt Nam đã trả tự do và trục xuất ba thành viên đảng Việt Tân bị công an thành phố HCM bắt giữ hồi tuần trước.
Về lý do bắt giữ những người Mỹ gốc Việt này, phát ngôn viên Bộ Ngoại Việt Nam bà Nguyễn Phương Nga cho biết: “Ba người này bị bắt khi đang kích động những người khác gây rối trật tự an ninh công cộng”.
viettan03142011-250.jpg
3 đảng viên Việt Tân mới bị bắt ở Việt Nam (ảnh nhỏ, từ trái sang): bà Jennifer Trương, ông Nguyễn Lý Trọng, và ông Nguyễn Quang Khanh. Courtesy Viettan.org
Tuy nhiên Việt Nam không cho biết vì sao đã nhanh chóng trả tự do và trục xuất 3 thành viên của một đảng chính trị tại Mỹ, mà Việt Nam lâu nay vẫn coi là tổ chức khủng bố?
Trong lĩnh vực kinh tế, tuần này chính phủ cho công bố các con số thống kê, theo đó lạm phát trong tháng 3 của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm vừa qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với tháng 3/2010, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 năm nay tăng tới 13,9%.
Trước thực tế này, chính phủ Việt Nam tuyên bố chống lạm phát sẽ là ưu tiên số 1 trong thời gian tới, đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng áp dụng chính sách tăng lãi suất và đặt ra hàng loạt các mục tiêu để ổn định kinh tế.
Về xã hội, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận một tuyên bố được coi là khá mạnh mẽ của Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Việt Nam.
Hoàn toàn trái ngược với chính sách sở hữu toàn dân mà đảng CSVN vẫn theo đuổi từ hơn 70 năm nay, ông Đặng Hùng Võ cho rằng: “Sở hữu tư nhân về đất đai là yếu tố tất yếu”.
Để bảo vệ cho các lập luận của mình về quyền sở hữu đất đai của người dân, TS Đặng Hùng Võ đã nêu ra một loạt các yếu tố mang tính “kỹ thuật” cũng như những nhận thức mới trong việc xác định sở hữu đối với đất đai tại Việt Nam.



Theo TS Đặng Hùng Võ, việc công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam, đặc biệt sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tham nhũng liên quan đến đất đai đang tràn lan tại Việt Nam.
Trong bài báo dài hai kỳ đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị, cựu Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ kết luận: “Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế, cần chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Ngoài những ý nghĩa đối với kinh tế, xã hội, nhân văn trong nước, điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.”

Không có nhận xét nào: