Thế hệ 36 tuổi
Những em bé sinh ngày 30 tháng Tư năm 1975, hôm nay đã 36 tuổi. Ngày cậu con trai út đủ 36 tuổi, tôi nói với cháu: “Trong đầu bố mẹ vẫn nghĩ như con còn nhỏ lắm.
Nhưng nhớ lại, hồi nhà mình chạy qua Canada, thì bố cũng chỉ bằng tuổi con bây giờ thôi!”
Những bạn trẻ 36 tuổi, ở nước ngoài hay ở trong nước, gọi là họ đã trưởng thành không đủ. Ðúng ra, họ là những người lớn, mà thế hệ cha anh thường không biết. Họ lớn hơn chính các bậc cha chú hồi cũng 36 tuổi! Một “thanh niên” gốc Việt Nam sống ở Ðức, Philipp Roesler sinh trưởng ở Khánh Hòa, đã từng được cử làm bộ trưởng Kinh tế, rồi làm phó thủ tướng của Bang Saxony Thấp (Niedersachsen); rồi sau đó, lên làm Bộ trưởng Y tế trong chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Tất cả xảy ra trong cùng một năm, khi Dr. Philipp Roesler đúng 36 tuổi. Năm nay 38, anh lại được bầu làm lãnh tụ đảng Tự Do Dân Chủ, một đảng chính trị lớn ở Ðức, để lên làm phó thủ tướng chính phủ liên bang! Các bạn trẻ Việt Nam 36 tuổi nếu được tự do phát triển, nhiều người không thua kém gì Dr. Philipp Roesler!
Ba phần tư dân số Việt Nam, kể cả người Việt sống ở khắp thế giới bây giờ, ở tuổi từ 36 trở xuống. Họ là tương lai của nước Việt Nam. Thế hệ cha anh phải thành tâm cầu nguyện họ được mọi điều may mắn để thành công. Họ may mắn là nước Việt Nam may mắn! Họ thành công thì hy vọng nước Việt Nam thành công.
Thế hệ 36 tuổi bây giờ may mắn hơn chúng tôi vì khi sinh ra chiến tranh đã chấm dứt. Những bạn ở trong nước thiếu may mắn hơn chúng tôi hồi 20, 30 tuổi. Tuổi đó là lúc chúng tôi lăn mình vào các công tác giúp ích đồng bào. Lập hội đoàn, đi cắm trại, tổ chức học sinh, sinh viên đi làm công tác xã hội. Thời Hoàng Ðạo viết Mười Ðiều Tâm Niệm, năm 1940 ông đã hô hào giới trẻ đi “làm việc xã hội,” như chính ông đã làm. Phải giúp ích xã hội, đó là điều tâm niệm của nhiều thế hệ thanh niên sau đó. Không phải là những việc mà người lớn đã “động viên” mình làm! Phải giúp ích với tinh thần tự nguyện, tự do! Thời nay ít có cơ hội như vậy.
Nhưng hiện giờ ở trong nước vẫn có rất nhiều đoàn thể thanh niên theo đuổi các công tác xã hội. Trong khuôn khổ các chùa, nhà thờ, vẫn có các đoàn Phật tử, các Hướng đạo Công Giáo sinh hoạt. Ðó là những môi trường để rèn luyện chí khí, tập sống chung theo lối dân chủ. Khi các thanh niên họp nhau làm việc, chắc chắn họ muốn quyết định mọi việc chung theo các quy tắc dân chủ; đoàn thể nào không dân chủ thì các bạn trẻ sẽ không muốn gia nhập. Chắc chắn, trong sinh hoạt đoàn thể các bạn trẻ sẽ tập được tinh thần giúp ích, thói quen tôn trọng công ích. Ðời sống tập thể, tự nguyện và tự do, là nơi nuôi dưỡng tinh thần, chuẩn bị xây dựng một xã hội công dân, nền tảng của mọi thể chế dân chủ tự do. Tôi được tin nhiều bạn Hướng đạo ở miền Nam đang tìm cách cho phong trào Hướng đạo được chính thức hoạt động lại, sau khi bị giải tán năm 1975. Họ còn muốn phục hồi lại sinh hoạt Hướng đạo ở miền Bắc. Ðó là những tin mừng. Ước vọng của tuổi trẻ, thế nào rồi cũng thành công!
Thế hệ 36 tuổi nhìn quá khứ khác cách nhìn của thế hệ cha, anh. Cách nhìn thế giới của lớp trẻ bây giờ khác hẳn thời chúng tôi. Họ vượt lên trên biên giới quốc gia, họ thấy một thế giới mở rộng. Chuyện gì xẩy ra ở Tunisia, ở Syria, những người ở lứa tuổi 30 đều biết. Ðặc biệt là những người sống ở nước ngoài, quê hương của họ là cả thế giới. Một người bạn tôi có ba đứa con. Hôm rồi tôi nghe một người khác nói, cháu lớn nhất đang ở Canada, gần đây cháu thứ nhì sang Pháp, còn cô con út đang ở đâu đó bên Tàu! Chính anh bạn này, trước dậy Vật lý ở một đại học Canada nay đã về hưu, tình cờ đang ở Phi Châu vài năm. Anh bạn tôi có lần báo tin mừng: Ðã tìm được một tiệm phở trong thành phố Yaoundé, thủ đô Cameroun! Hai vợ chồng anh đã dậy cách nấu ăn Việt Nam, cho nhiều người bạn ngoại quốc. Cuối Tháng Năm 2011 anh sẽ dậy một lớp về Tứ Diệu Ðế, Bát Chánh đạo và Phật Giáo Việt Nam. Người Việt Nam sống khắp thế giới, địa bàn sống của giới trẻ Việt Nam bây giờ cũng là cả thế giới, không như thế hệ chúng tôi hồi xưa không bao giờ tính chuyện sống ở ngoài nước mình!
Ngay trong giới trẻ ở nước ngoài, nhiều người vẫn thấy mình dính dáng mật thiết với nước Việt Nam, một cách tự nhiên. Hồi 1975, 76, trong một buổi họp với các trưởng Hướng đạo ở Montrea1, tôi bất đồng ý kiến với một bạn trẻ về việc giáo dục trẻ. Tôi đề nghị khi huấn luyện các em lớn lên ở nước này, họ là công dân Canada, có bổn phận với nước Canada, không nên đặt kỳ vọng sẽ dậy các em những bổn phận đối với nước Việt Nam quá xa xôi. Anh bạn tôi, trẻ hơn mươi tuổi, đã kịch liệt phản đối. Anh nghĩ rằng mình phải hun đúc tinh thần yêu nước Việt Nam cho những em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Vấn đề này chắc bây giờ cũng còn nhiều người tranh luận.
Nhưng anh bạn trẻ của tôi đã làm đúng điều anh tin tưởng. Bây giờ, cô con gái anh ở tuổi 30, sinh ra và lớn lên ở Montreal, đang hoạt động tích cực trong một phong trào trẻ vận động dân chủ tự do cho Việt Nam! Chính cháu đã chọn lý tưởng đó, chọn con đường phục vụ cho quê hương của cha mẹ mình! Cuống rún của cha mẹ vẫn nối liền đến đời con cái!
Con gái tôi, sinh ở Sài Gòn, lớn lên ở Canada, đã về Việt Nam hồi 30 tuổi, đi thăm quê nội, quê ngoại lần đầu. Cháu kể khi đứng lễ trước ngôi mộ ông nội giữa cánh đồng làng thì cảm thấy rõ ràng mình có liên hệ thân thiết với mảnh đất quê hương và những thế hệ tổ tiên đời trước. Cháu đã tới một làng quê ở Quảng Trị thăm một ngôi trường mẫu giáo nơi mà mẹ con cháu có đóng góp để giúp cô giáo và học sinh. Cháu dậy các em bé những trò chơi và các bài hát Hướng đạo, những bài mà cháu học từ nhỏ. Lòng cháu tràn ngập một niềm vui lớn. Trở về, cháu nói cảm thấy rõ mình là người Việt. Khi dậy nhạc ở Ðại Học Mahidol bên Thái Lan, vợ chồng cháu mời các giáo sư và nhạc sinh Việt Nam sang tham dự những cuộc tập họp và thi tài giữa các nhạc sinh Ðông Nam Á; cháu rất vui mừng khi gặp các nhạc sinh Việt Nam xuất sắc so với nhạc sinh các nước khác. Cháu vẫn hãnh diện về tài năng của người cùng giống Việt như mình.
Những bạn trẻ 36 tuổi ở trong nước không có dịp đi qua những kinh nghiệm đó. Ðối với họ, trách nhiệm đối với dân tộc, với lịch sử, cha ông, là một điều tự nhiên. Họ dính liền với quê hương, nhưng đồng thời cũng coi thế giới có thể là nhà của mình. Hầu như ai cũng khao khát được ra nước ngoài học hỏi. Và những bậc phụ huynh ở thành phố cũng chỉ muốn con mình được đi du học. Thời chúng tôi còn trẻ cũng vậy. Các bạn sẽ học được gì khi ra ngoại quốc? Ðiều quan trọng nhất là tập nếp sống tự do. Cuộc sống tự do có nhiều cách thể hiện lạ lắm!
Con gái một người bạn tôi sinh ra ở Mỹ năm nay chưa 36 tuổi, cháu đã về thăm Việt Nam khi mới ngoài 20. Cháu đi một mình, nhưng về đến nơi thì được họ hàng trong Nam, ngoài Bắc đón tiếp, thương yêu. Trước khi đi Việt Nam cháu không bao giờ nói tiếng Việt, trừ khi bị bắt buộc; nhưng sau một tháng cháu đã nói tiếng Việt thông thạo. Và khi trở về Mỹ cháu nhất định chỉ nói tiếng Việt khi gặp hàng chú bác, bạn bè của cha mẹ. Cháu được “Việt Nam hóa” không phải vì nhờ một tháng “du học” trong nước, mà vì suốt hai mươi năm cha mẹ, cô chú đã làm gương cho cháu những cách ăn ở theo tình nghĩa, đạo lý của người Việt.
Khi về nước, cháu cũng hiến tặng cho bà con họ hàng những món quà mà cháu không ngờ tới. Ðó là phong cách sống rất hồn nhiên, vô tư, thành thật, thẳng thắn của một đứa trẻ lớn lên và sống ở một nước dân chủ. Ở Hà Nội mọi người trong họ đều công nhận cháu là một “con ngố”. Nó ngây thơ, tin tưởng ai cũng như mình. Nhưng họ hàng thấy là “con ngố” này đã được giáo dục y như các cụ dậy ngày xưa. Cứ sống lương thiện, chính trực, tin người và nghĩ ai cũng tin mình, kính cẩn và giản dị khi đối xử với người chung quanh. Quen sống ở nước ngoài, cháu dám bầy tỏ ý kiến riêng của mình, khi muốn nói không là nói không, không hề ngần ngại. Cháu lắng nghe học hỏi và bắt chước ngay những lời nói, cử chỉ do các chú bác, anh em chỉ cho. Cháu tôn kính với mọi người nhưng không có thói quen sợ hãi. Cháu đối xử bình đẳng với bất cứ ai trong xã hội, không phân biệt quan với dân, sang hay hèn. Con bé ngố đó tiêu biểu cho một tâm hồn tự do và trong sáng, giản dị. Một tháng cháu sống trong vòng tay âu yếm của họ hàng bà con, cháu cũng hiến tặng cho mọi người hình ảnh một thanh niên được sống không khí lành mạnh và tự do từ thủa nhỏ. Nhìn cách sống của cháu người chung quanh có thể cảm thấy một nền giáo dục tự do trong một xã hội tự do có thể đào tạo nên những con người lương hảo.
Thế hệ các thanh niên Việt Nam trên dưới 20 tuổi, dù ở trong nước hay ở nước ngoài, đều có thể tập lối sống hiền lương chính trực. Cha mẹ các em trong thâm tâm cũng đều muốn như thế. Chính các bạn thanh niên phải chọn lối sống chính đại, quang minh, tin người và giúp đời; các bạn sẽ xây dựng một nước Việt Nam theo lối sống lương hảo. Chắc chắn đó phải là một nước tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét