36 năm đã qua, kể từ ngày 30-4-1975, ý nghĩa thật sự của ngày lịch sử này vẫn còn là vấn đề tranh luận.
Ngày 30-4 năm nay gợi lại cho mỗi người Việt Nam chúng ta những suy nghĩ và tình cảm ra sao? Sau 36 năm vẫn còn những suy nghĩ và tình cảm khác biệt, thậm chí trái ngược nhau. Đã đến lúc tòan dân ta, Bắc và Nam, trong và ngoài nước, có thể đi đến một lập trường thống nhất đối với ngày lịch sử này hay không ?
Hình: Wikipedia |
Phải chăng đó là ngày Toàn thắng, ngày Giải phóng miền Nam, ngày Thống nhất Tổ quốc, ngày Hòa bình trở lại sau 30 năm chiến tranh, ngày Đỉnh cao lịch sử, dân tộc ta đánh thắng 3 đế quốc: Nhật Bản ở châu Á, Pháp ở châu Âu và Hoa Kỳ ở châu Mỹ. Có thật thế không?
Phải chăng đó là ngày Quốc hận, ngày Quốc thù. ngày Quốc nhục, ngày Phục thù, ngày gãy súng, tan hàng, ngày Mất nước, ngày bị đồng minh phản bội, bỏ rơi, ngày chống Cộng, ngày Cộng sản thôn tính miền Nam. Có phải thế không?
Sau 36 năm, sự chia rẽ Bắc Nam vẫn còn đó, dai dẳng, nặng nề. Tùy theo chỗ đứng, tùy theo lập trường chính trị, nhận thức và tình cảm đối lập, tưởng như không thể hòa giải, điều hòa được giữa những người Việt với nhau. Sẽ chia rẽ, khác biệt, đối lập đến tận bao giờ?
Danh xưng đất nước, lá cờ đất nước, quốc ca đất nước cũng vậy.
Một bên là danh xưng vĩnh viễn, dứt khoát là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là lá cờ đỏ sao vàng, là bài Tiến quân ca.
Một bên là danh xưng Việt Nam Cộng hòa, là cờ vàng 3 sọc đỏ, là quốc ca «Này công dân ơi» …
Hai lập trường đối lập, không thể nhân nhượng, hòa giải. Ai cũng nhận mình là đúng, là phải, là có lý.
Thật ra đã có những dấu hiệu, những suy nghĩ, những tình cảm khác, tuy còn tản mạn, nhưng có chiều phát triển, cần thúc đẩy để lan rộng mạnh mẽ thành lập trường chung.
Đó là: trong chiến tranh, tuy có người thắng kẻ thua, nhưng thật ra người thật sự thua, thật sự thất bại là nhân dân, là nhân dân cả 2 miền. Con em nhân dân 2 miền chết trận hàng mấy triệu trên chiến trường, nhân dân 2 miền chết vì bom đạn cũng hàng triệu khắp cả nước.
Thất bại lớn nhất trong ngày 30-4-1975 là không thực hiện hòa hợp và hòa giải dân tộc, vì đảng Cộng sản Việt Nam đã «ăn quỵt» lời hứa danh dự hòa giải và hòa hợp dân tộc. Thay vào đó đảng Cộng sản đã thực hiện trên thực tế chính sách chiếm đóngmiền Nam, trả thù Việt nam Cộng hòa bằng tù đầy trong hàng trăm trại tù thảm khốc mang tên «trại cải tạo».
Trong chiến tranh và sau chiến tranh, đảng Cộng sản đã thực hiện nền chuyên chính vô sản, thực tế là nền chuyên chính của đảng Cộng sản, nền chuyên chính của Bộ Chính trị áp đặt lên miền Bắc rồi lên toàn bộ đất nước sau ngày 30-4-1975.
Điều ngày càng rõ ràng là nhân dân cả 2 miền Bắc và Nam đều chung một số phận bị tước quyền tự do, bị mất quyền công dân, đều như bơ vơ trên đất nước mình, ngày càng hiểu nhau, thương yêu đùm bọc nhau, chung một đối tượng đấu tranh là ách thống trị của đảng Cộng sản, cụ thể là của Bộ Chính trị (mà ông nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An gọi là Vua tập thể 14 vị ), chung một đòi hỏi là thay đổi hệ thống cai trị sang đa nguyên đa đảng, sang nền pháp trị nghiêm minh, sang một xã hội công dân thật sự trong toàn quốc.
Đã đến lúc thống nhất ý chí, nguyện vọng nhân dân cả nước, nhân dân trong và ngoài nước, cùng chung khẩu hiệu và mục tiêu đấu tranh, chấm dứt chia rẽ Nam – Bắc, chia rẽ trong – ngoài nước, tìm ra mẫu số chung, từ đó nhân lên gấp bội thế và lực, đi đến một tập hợp lực lượng chính trị chung để đọ sức với đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn đang diễn ra.
Nhìn xa và trông rộng, nhân dân ta cần chung sức tìm ra phương cách thống nhất nhận thức và hành động, tìm ra danh xưng của chế độ mới sẽ xây dựng (nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam chẳng hạn), một lá cờ mới (cờ vàng có hoa sen 5 cánh trắng hay màu hồng ở giữa chẳng hạn), một quốc ca mới… sẽ do một Quốc hội mới được một cuộc tổng tuyển cử thật sự tự do bầu ra quyết định.
Hiện nay khẳng định một danh xưng, một lá cờ, một quốc ca cho tương lai gần hay xa đều là quá sớm, không có lợi cho cuộc đấu tranh chung.
Tình hình mới đang đặt Đoàn Viết Hoạt cạnh Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đan Quế cạnh Vi Quốc Hồi, Nguyễn Tiến Trung cạnh Lê Thị Công Nhân, linh mục Chân Tín cạnh linh mục Nguyễn Văn Lý và linh mục vùng Xã Đoài Nghệ An, cô sinh viên Huỳnh Thiện Vy cạnh cô Phạm Thanh Nghiên, anh Điếu Cày bên Người buôn gió…, chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên, làm nhà máy điện nguyên tử ở Bình Thuận, chuyện phá sản của Vinashin, chuyện nguy cơ đồng bằng sông Cửu Long nhiễm mặn, chuyện cực lớn xây dựng chế độ dân chủ chân thực…là vấn đề của cả nước, của cả cộng đồng dân tộc, cần được quan tâm bàn luận rộng rãi, không phân biệt trong Nam ngoài Bắc, trong với ngoài nước.
Làn sóng dân chủ tự do ở Bắc Phi lan rộng sang Tây Phi, lan vào Trung, Cận Đông, tác động đến cục diện toàn cầu thúc đẩy nhân dân Việt Nam ta chung lòng chung sức sáng suốt nắm bắt thời cơ, thống nhất dân tộc trong một cuộc đấu tranh rộng lớn chưa từng có cho độc lập, dân chủ, tự do, hòa bình và phát triển, xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc, với truyền thống nhân ái yêu thương đùm bọc lẫn nhau từ ngàn xưa.
Xin chớ mãi nhìn về phía sau, hãy chú mục vào toàn cục hiện tại và nghĩ đến tương lai, với tấm lòng rộng mở, trí tuệ minh mẫn và tình tự dân tộc trong sáng.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét