Thêm một vụ cưỡng chế đất đai ở Dak Nong
Gia Minh, biên tập viên RFA
2011-04-28
Một vụ cưỡng chế người dân mới diễn ra tại xã Dak Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong khiến những người dân trong cuộc phải có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi công luận quốc tế đưa lên mạng Internet.
Kêu cứu ra công luận quốc tế
Khác với một số đơn kêu cứu lâu nay thường xuất hiện trên mạng, mà địa chỉ nơi nhận thường là các vị lãnh đạo cấp nhà nước, và các cấp liên quan ở trung ương cũng như địa phương.
Đơn tố cáo khẩn cấp của 56 hộ dân với trên 500 nhân khẩu tại xã Dak Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nong lại chỉ gửi cho công luận quốc tế. Đơn đề ngày 21 tháng tư vừa qua.
Vụ việc cưỡng chế đến mức khiến người dân điạ phương phải có đơn kêu cứu như thế được những người trong cuộc giải thích. Trước hết, một số người dân tộc Mơ Nông sinh sống tại đó cho rằng đó là đất của cha ông họ từ xưa đến nay nên họ mong muốn được sinh sống tại đó:
"Từ ngày 19 cho đến 20, 56 hộ dân bản địa đã sống ổn định tại đó từ ‘thời khai thiên lập địa’, ngay trước thời Mỹ- Ngụy đồng thời có công chống Mỹ, ổn định rồi. Đến ngày 19 tháng tư, không hiểu lý do các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện họ chặt phá hết cây trồng của chúng tôi, phá nhà cửa, đốt hết.
Họ yêu cầu bà con di dời nhà cửa, súc vật nuôi… để trả lại đất cho dự án, cho lâm nghiệp… Họ không chỉ lấy số đất đó cho công ty này, công ty kia mà còn sang nhượng với nhau. Tôi chỉ thấy giấy thông báo chứ họp dân không có. "
Trong khi ấy, một số người kinh đến lập nghiệp tại đó cũng cho biết:
"Đó là đất rừng đã khai phá, khai thác gỗ hết rồi, mình phải tự dọn ra để làm. Chúng tôi là dân nghèo khổ, vào đó dọn dẹp rồi trồng cây, lập nên vườn. Bây giờ họ giải tỏa nhà cửa, chặt đốt hết và đuổi đi.
Đó là đất rừng đã khai phá, khai thác gỗ hết rồi. Chúng tôi là dân nghèo khổ, vào đó dọn dẹp rồi trồng cây, lập nên vườn. Bây giờ họ giải tỏa nhà cửa, chặt đốt hết và đuổi đi.Một người dân xã Dak Ngo
Tôi là dân xã Dak Ngo, bây giờ bị ‘màn trời, chiếu đất’. Họ còn bắt nhốt năm người. Họ đọc lệnh, xét nhà, thu tài liệu như điã ghi hình, giấy tờ đi khiếu kiện. Họ còng tay ông Lộ Văn Phải luôn mà…"
Theo những người dân bị cưỡng chế thì có người được cấp hộ khẩu, và địa phương có cấp chính quyền xã quản lý họ, "Có một số có hội khẩu tại đó, còn số khác có hộ khẩu ở chỗ khác tại tỉnh Dak Nông."
Còn vấn đề giấy tờ sử dụng đất vẫn không được cấp và tình trạng đó được giải thích như sau:
"Họ không làm cho người bản địa chúng tôi mà chỉ cấp giấy phép, quyền sử dụng đất cho các nhà doanh nghiệp, nhà giàu mua đất mỗi cuốn sổ trên 200-300 héc ta một lô."
Phía chính quyền địa phương có giải thích ra sao về những cáo buộc mà người dân đưa ra?
Ông Nguyễn Văn Tư, trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra của huyện Tuy Đức khi trả lời:
"Thực tế chuyện cưỡng chế, giải tỏa có thông báo rõ ràng, chứ không phải tự làm thế được. Sống phải có luật pháp, không nói tầm bậy như thế được, sống phải có hợp pháp chứ không thể sống vô gia cư bất hợp pháp như thế."
Giải thích của chính quyền
Ông Lê Văn Minh, chủ tịch xã Dak Ngo đưa ra giải thích:
"56 hộ dân này không phải là người đã có hộ khẩu tại địa phương. Hộ khẩu của họ ở tỉnh Bình Phước, họ đã được hưởng chế độ ‘dân tộc’ tại đó. Nay về đây họ muốn lập buôn làng cũ. Do gia đình con cái đông, họ muốn mở rộng thêm đất cho con cái họ với lý do mồ mả ông bà, tổ tiên của họ trên đây.
Chúng tôi cũng đã xác minh làm rõ; nếu khó khăn sẽ giúp; nhưng thực tế họ về đây để phá rừng nên phải cưỡng chế. Thực tế số có đất là do phá rừng mà có. Chính quyền không quản lý được. Nay phải làm thế nào để chấp hành ‘kỷ cương, phép nước’. Họ đâu có đăng ký tạm trú tạm vắng gì mà đòi hỏi chính quyền địa phương phải giải quyết vấn đề này.
Đòi hỏi của họ, chính quyền địa phương khó giải thích, họ không trình báo. Họ có hộ khẩu nơi khác, có nhà cửa nơi khác rồi, lên đây mua bán không qua chính quyền. Khi cưỡng chế chúng tôi có thông báo, mà họ không thông.Ông Minh, CT xã Dak Ngo
Tôi làm chủ tịch xã từ năm 2006, đã xác minh nhiều và đề nghị chính quyền tỉnh nếu hợp thức hóa được thì hợp thức. Nhưng thực tế nằm ngoài khu vực qui hoạch để thành lập thôn, mà đất là đất thuộc công ty lâm nghiệp, diện tích rừng sản xuất, chưa được chuyển đổi nhưng bà con vào thâm canh, phá rừng làm nương rẫy.
Đòi hỏi của họ, chính quyền địa phương khó giải thích, họ không trình báo. Họ có hộ khẩu nơi khác, có nhà cửa nơi khác rồi, lên đây mua bán không qua chính quyền. Khi cưỡng chế chúng tôi có thông báo, mà họ không thông."
Tình trạng thu hồi đất cuả người dân để thực hiện các dự án phát triển hiện gây ra bao vụ khiếu kiện ở khắp các điạ phương tại Việt Nam. Phía người dân trong cuộc và chính quyền điạ phương, trong hầu hết các vụ việc đều không thống nhất được phương án giải quyết. Người dân bị mất đất cho rằng họ bị xử ép không thỏa đáng trên nguyên tắc giải quyết ổn định cuộc sống cho dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét