Trưởng Thôn bây giờ có phải phiên bản Lý Trưởng ngày xưa ?
Nguyễn Quang Thiều - Cho dù thế nào thì một cộng đồng mà người đứng đầu không hiểu sự hệ trọng khôn cùng của văn hóa đối với sự sống của cộng đồng mình thì không có cách gì để cộng đồng đó phát triển. Nói một cách thô thiển với một hình ảnh vụng về thì kinh tế là thức ăn để nuôi hai cái chân chúng ta còn văn hóa làm ra đôi mắt chúng ta. Không có đôi mắt ấy, chúng ta suốt đời chỉ lần mò trong bóng tối mà thôi…
Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng. Đất nước Việt Nam được cấu thành bởi hàng ngàn cái làng. Bởi thế, những cái làng thực sự vô cùng quan trọng. Hay nói cách khác chính xác hơn là những cụm dân cư mang tính hạt nhân vô cùng quan trọng để làm nên lối sống của cả dân tộc. Một làng là một hạt nhân, một phường là một hạt nhân....Nhưng thực tế chúng ta lại đã và đang bỏ quên những hạt nhân này. Đó chính là mối nguy hiểm khổng lồ đối với đất nước mà sao chúng ta lại dửng dưng đến thế.
Chức trưởng thôn có cũng từ lâu lắm rồi. Thế mà bây giờ, không chỉ mình tôi mà rất nhiều người mới giật mình hỏi: Trưởng thôn, ông là ai ? Ông có phải là một nhânvật quan trọng không mà sao tôi lại viết về ông ? Tôi viết về điều này bởi vừa qua, tôi có dịp lang thang qua mấy vùng quê. Mỗi nơi tôi qua đều có bạn học cũ. Nên thế, tôi ghé lại nhà bạn hàn huyên đủ chuyện. Nhưng có một thực tế mà tôi chứng kiến là ở thôn quê bây giờ, thói du côn càng ngày càng làm cho tôi kinh hãi. Tôi đã thấy một đám thanh niên máu me đầy mặt vác đá, vác dao đuổi nhau. Nhìn những bộ mặt đằng đằng sát khi lướt trên xe máy chạy như điên trên đường làng, tôi rùng mình nghĩ đến một án mạng. Có thể vụ đánh nhau đó không gây ra án mạng chết người. Nhưng một "án mạng" văn hóa đã xẩy ra trong đời sống thôn quê. Đó là một cái chết của văn hóa.
Ngồi nói chuyện với mấy người bạn về những chuyện kinh hãi, tôi nghe một người thở dài và nói : " Bây giờ, các ông trưởng thôn, chủ nhiệm...tuyên bố : chỉ cần tiền, không cần văn hóa. Nghe vậy biết là hỏng hết rồi". Quan niệm chỉ cần tiền không cần văn hóa của ông trưởng thôn hay chủ nhiệm kia có phải là vấn đề phổ biến không, hay chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh ? Xin thưa, đó là một căn bệnh đang phổ biến. Nếu ông trưởng thôn nào đó không có quan niệm đó thì thực tế họ cũng chẳng bao giờ đặt văn hóa như một chiến lược để phát triển làng quê của họ. Tại sao những ông trưởng thôn lại như vậy ? Có mấy nguyên nhân cơ bản sau :
1. Trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là từ thời mở cửa đến giờ, chính quyền địa phương ở rất nhiều nơi chỉ lo phát triển kinh tế. Mà nền kinh tế này gọi là nền kinh tế dự án vì các địa phương chỉ lo săn tìm dự án. Và như vậy, chưa bao giờ văn hóa được bàn đến với một "tâm huyết" sùng sục như người ta bàn dự án. Thực tế văn hóa đối với hầu hết các địa phương chỉ như là một thứ trang sức hay cộng (+) thêm vào thành tích của xã nhà, huyện nhà, tỉnh nhà...mà thôi. Văn hóa chưa bao giờ trở thành một chiến lược sống còn đối với một cộng đồng. Vì thế mà các cấp chính quyền cơ sở chỉ nghĩ, chỉ coi văn hóa như là vật trang trí chứ không hiểu rằng đó là sức sống của một cộng đồng, một dân tộc.
2. Các ông trưởng thôn được dân bầu trong phạm vi người của thôn đó một cách ngẫu hứng hoặc bắt buộc chứ chẳng thấy ông trưởng thôn nào được đào tạo gì cả. Có những ông chỉ mới học hết lớp 7 cùng lắm là lớp 10 trước kia. Những ông này sống ở nông thôn không đọc sách, không đọc báo, không giao lưu với bên ngoài, không được bồi dưỡng, đào tạo...Thế rồi một ngày thôn cần trưởng thôn là những ông như vậy thành trưởng thôn. Những trưởng thôn như vậy không thể nào hiểu nổi một nghị quyết văn hóa rút ngắn từ huyện gửi về chứ nói gì đến những vấn đề khác. Những ông trưởng thôn như vậy chỉ có thể dùng trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Chứ với một thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những trưởng thôn như thế sẽ trở nên vô cùng "bi hài".
3. Mới đây, báo chí có đưa tin Nhà nước có chủ trương đưa khoảng mấy ngàn cử nhân về làm Phó Chủ tịch xã. Đó là một chính sách "siêu đúng" mà sao bây giờ mới làm mà làm như là "hoa lá" vậy. Một trưởng thôn trong thời đại này ít nhất phải có trình độ Trung cấp, Cao đẳng trở nên....Nếu không được học, được đào tạo như thế thì vốn kiến thức chung về văn hóa và xã hội của các ông trưởng thôn sẽ chẳng có gì. Chính vậy mà họ chẳng biết phải làm thế nào khi quản lý thôn xóm, chẳng có chiến lược hay chính sách gì để phát triển văn hóa làng họ, và quan trọng hơn tất cả là họ chẳng hề nhận thức được rằng văn hóa là sức sống duy nhất của con người.
Cho dù thế nào thì một cộng đồng mà người đứng đầu không hiểu sự hệ trọng khôn cùng của văn hóa đối với sự sống của cộng đồng mình thì không có cách gì để cộng đồng đó phát triển. Nói một cách thô thiển với một hình ảnh vụng về thì kinh tế là thức ăn để nuôi hai cái chân chúng ta còn văn hóa làm ra đôi mắt chúng ta. Không có đôi mắt ấy, chúng ta suốt đời chỉ lần mò trong bóng tối mà thôi.
Vì thiếu văn hóa hoặc không văn hóa mà cha mẹ không chạy đủ tiền để con cái mua xe máy nên có những đứa con đã đánh đập cha mẹ. Vì thiếu văn hóa mà anh em tranh nhau vài cm đất vườn gây nên những cái chết thương tâm, vì thiếu văn hóa mà ngày mồng 1 Tết thiêng liêng thanh niên cùng xóm, cùng làng vác dao chém nhau... Nhưng thực tế lại cho thấy, những ông trưởng thôn không có tác dụng gì trong việc giáo dục thanh thiếu niên ở làng mình. Có những ông trưởng thôn đau lòng và xấu hổ về những chuyện phi văn hóa diễn ra ở làng mình nhưng họ vô cùng hoang mang không biết phải làm gì. Họ không biết nói gì và hành động bắt đầu từ đâu. Họ không có tri thức và tư duy để hành động đúng. Họ còn không bằng những ông Lý Trưởng thời phong kiến. Có những nơi, trưởng thôn còn đứng về phía đám thanh niên họ mình để đánh đám thanh niên họ khác cùng làng.
Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng. Đất nước Việt Nam được cấu thành bởi hàng ngàn cái làng. Bởi thế, những cái làng thực sự vô cùng quan trọng. Hay nói cách khác chính xác hơn là những cụm dân cư mang tính hạt nhân vô cùng quan trọng để làm nên lối sống của cả dân tộc. Một làng là một hạt nhân, một phường là một hạt nhân....Nhưng thực tế chúng ta lại đã và đang bỏ quên những hạt nhân này. Đó chính là mối nguy hiểm khổng lồ đối với đất nước mà sao chúng ta lại dửng dưng đến thế.
Chúng ta phải bắt tay ngay việc đào tạo các trưởng thôn. Chúng ta không thể chọn trưởng thôn như bó đũa chọn cột cờ. Một trưởng thôn phải có những tiêu chuẩn bắt buộc. Chúng ta phải có những chính sách và chế độ cho các trưởng thôn. Hãy bỏ ngay quan điểm rằng cho trưởng thôn được hưởng một, hai trăm ngàn đồng mỗi tháng là tốt lắm rồi vì làm ruộng thu nhập lấy đâu mỗi tháng từng đó tiền. Xin thưa, quan điểm đó là ấu trĩ, là phiến diện, là quan liêu.
Nếu chúng ta đi dọc đất nước này nghĩa là chúng ta đi qua triền miên những cái làng. Một cộng đồng quá lớn. Thế mà hết làng này đến làng khác chỉ là một chính quyền với một ông trưởng thôn và mấy ông chủ nhiệm, phó chủ nhiệm...như thế thì chúng ta sẽ quản lý và giáo dục hàng chục triệu con người ở hàng ngàn cái làng như thế nào ??? Chẳng lẽ chúng ta cứ giả vờ yên tâm hay sao ???
NGUYỄN QUANG THIỀU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét