Từ bi kịch Quốc hận tới Ý thức Quốc Kháng
PARIS, ngày 29.4.2011 (QUÊ MẸ) – Nhân ngày 30.4.1975 ba mươi sáu năm sau, chúng tôi xin in lại bài xã luận trên Tạp chí Quê Mẹ phát hành tại Paris ngày 30.4.1978 (ba mươi ba năm trước đây) để đánh dấu một ý thức mới mà Quê Mẹ muốn gióng lên giữa sự tang thương và buồn thảm của người Việt lúc bấy giờ. Bài xã luận mang tựa đề “Từ Quốc hận đến Quốc kháng” qua ngòi bút phân tích của ông Võ Văn Ái. Toàn văn bài xã luận ấy như sau :
Từ Quốc hận tới Quốc Kháng
Quốc hận là ngày toàn dân căm phẫn vì biết mình bị lừa, vì những gì còn bán tín bán nghi, nay đã lộ nguyên hình : đó là chủ nghĩa Cộng sản tàn bạo và phi dân tộc, nói một đường làm một nẻo. Một thứ chính trị dựng trên qủy kế để thảm sát người, dựng trên dối trá để tiêu diệt sự hiền lương, dựng trên sự vọng ngoại để phá hủy tâm thức Việt Nam.
Nói bán tín bán nghi là không đúng. Thực ra chẳng ai nghi ngờ gì nữa về sự độc tài đảng trị, gian manh chính trị trong bản chất chủ nghĩa Mác Lê. Song người Việt Nam nói chung đã tưởng rằng chất Việt vẫn mạnh hơn chất Cộng trong con người Cộng sản Việt Nam. Thế nên mới bán tín bán nghi. Chẳng lẽ 30 năm sau cách mạng tháng 8.1945, con người Cộng sản Việt Nam vẫn còn manh động, thiếu thông minh, vẫn còn ấu trĩ về tinh thần và văn hóa Việt Nam, vẫn còn nô lệ vào suy-nhược-thức nước ngoài ?
Nhưng 30.4.1975, khi giây xích chiến xa Liên Xô hằn lên đường vào nội thành Huế, xuyên Đà Nẵng, Nhatrang, vào tới thủ đô Saigon, niềm bán tín bán nghi không còn nữa. Hết thắc mắc. Thôi nghi ngờ. Ai cũng rõ người Cộng sản Việt Nam vẫn dại khờ và ác độc như xưa. Họ đã quên ngôn ngữ và suy tư của dân tộc, nên nhân dân ngơ ngác nhìn họ như đã nhìn quân đội ngoại quốc trước kia. Giữa họ và chúng ta, sự cách biệt thật lớn. Trong khi chúng ta chờ đợi một cái bắt tay, một cái ôm vai, một dòng lệ rưng rưng không nói, thì họ đem đến một lưỡi lê sắt lạnh, vô tình, đâm suốt vào giữa lòng trái tim nóng hổi Miền Nam.
Những gương mặt vàng xanh, khắc khổ trên chiến xa hùng hậu loại đế quốc mới kia, không gợi ra nỗi lo âu khắc khoải của người mẹ thương con, người cha lo lắng, người anh trách nhiệm… mà chỉ biểu dương sự miệt mài trác táng tinh thần, như anh đồ nho miệt mài với hồ ly tinh, như người thờ bái vật lao khổ trước tượng thần. Những gương mặt sống trong mộng mị suy nhược. Sự hốc hác chưa nối liền với sinh khí. Một tình thương thiếu máu. Họ vào Saigon như kẻ thụy miên. Ba năm sau những bước chân ma đó, họ – những người Cộng sản Bắc Việt – vẫn chưa đi tới Saigon, vẫn còn thất thểu trên mộng mị ác nhân. Họ chưa đi vào tới tâm can dân, nên lòng dân không đón tiếp họ.
Toàn dân đã hận là hận sự dại khờ phá phách, hận sự phung phí di sản của tiền nhân, hận sự giam người không xét xử, đày người không lý do, giết người không gớm tay. Cho nên bung thức đầu tiên là niềm Quốc hận, mà kỳ thực chứa ngầm một ý thức Quốc Kháng.
Vì sao Quốc Kháng ? Ý thức Quốc Kháng là gì ?
Quốc Kháng là sự đối kháng của toàn dân. Tính chất tiêu cực của đối kháng là quốc hận và tính chất tích cực của quốc hận là quốc kháng.
Cuộc chiến tranh huynh đệ 30 năm qua được dẫn dắc bởi các thế lực quốc tế và những thiểu số lãnh đạo trong nước. Nhân dân không hề được tham dự. Các cường lực quốc tế đã lợi dụng hay bỏ rơi chúng ta như thế nào, điều đã rõ. Còn thiểu số lãnh đạo Cộng sản Việt Nam yếu kém về tinh thần và văn hóa Việt Nam như thế nào, chúng ta đã thấy. Bởi họ đang là nguyên nhân đau khổ trầm thống cho 50 triệu đồng bào. Nhưng họ chỉ là những kẻ thừa hành, kẻ tay chân, bộ hạ của một chủ thuyết phi dân tộc. Điều đáng quy trách nhất vẫn là bên phe những người không cộng sản. Sự phân hóa cực độ, vì bị nội tuyến cũng có, mà vì đầu óc hẹp hòi, thiển cận, ưu tư cá nhân và bè nhóm cũng nặng, đã là nguyên nhân đầu phá hoại sự kết hợp.
Chúng ta hay nhắc tới việc Lê Lợi khởi nghĩa mà không hề khởi sự khởi nghĩa. Chúng ta cứ nhắc tới hội nghị Diên Hồng, mà không nắm vững tinh thần Diên Hồng, không cùng nhau kết hợp, nên ngày 30.4.1975 đã tới, dẫn theo sự thất trận. Không cùng nhau kết hợp, nên lực lượng dân tộc yếu kém, cộng thêm ảo tưởng của những kẻ ngây thơ tin vào hòa giải mà không đồng lúc chấn chỉnh lực lượng để giữ thế đối thoại tương đồng, còn thêm sự phản bội của người Cộng sản Bắc Việt… Những lý do dẫn tới thất bại cho toàn nước Việt Nam, chứ không riêng gì phe không cộng sản. Cuộc thất trận của Miền Nam xẩy ra đồng lúc với cuộc thất bại của người Cộng sản Việt Nam. Bởi người Cộng sản Việt Nam đã không hoàn thành nổi con đường dân tộc, con đường văn hóa và tư tưởng Việt Nam. Riêng sự thất bại của chúng ta – những người không cộng sản – không phải là sự kiện mất Huế hay mất Saigon mà là chưa Việt hóa được người Cộng sản Việt Nam. Khi chúng ta đề cập tới những điều trọng đại này, người Cộng sản Việt Nam liền chạy trốn vào một vài thành quả tí hon của kế hoạch 5 năm, của con đường xe hỏa mới hoàn thành, của mấy chục cây cầu mới xây, của mấy trăm con lạch mới vét…
Thật ấu trĩ ! Xưa nay có chính thể nào mà không phải thực hiện những việc đương nhiên như thế ? Quốc sách một chính thể còn phải có những điều cao xa thần trí hơn nữa chứ ! Nội cái tầm nhìn thấp hẹp như thế đã biểu lộ sự sa đọa Việt Nam trong nhận thức và tư tưởng của người Cộng sản Việt Nam rồi.
Thực tế, ba mươi năm qua, 50 triệu dân bị giới lãnh đạo thấp kém chính trị và văn hóa lôi cuốn, hướng dẫn. Từ Bắc tới Nam. Nên ngày nay chúng ta mới khổ lụy như thế này.
Chiến đấu 30 năm để về thành tố giác người anh em ngụy với không ngụy, đày ải mẹ cha, cấm cản liên lạc, đóng cửa báo chí, đàn áp tín ngưỡng, chà đạp nhân quyền, người đi xa nước không được về thăm quê hương. 30 năm chiến đấu để đưa tới một hiện trạng tệ lậu hơn thời Pháp thuộc ! Thế không gọi là thất bại ư ?
Trong khi đó, những nhà lãnh đạo Miền Nam trước kia, các ông ở đâu ? Các ông đang hy sinh gì ? đóng góp gì cho tiền đồ dân tộc ?
30 năm, nhân dân bị kềm kẹp trên đe dưới búa bởi những nhà “lãnh đạo” như thế. Nhân dân chưa hề thấy giới lãnh đạo chịu nằm gai và dám nếm mật. Đây chính là mối quốc hận của toàn dân mà ngày 30.4.1975 đã hội tụ thành nhận thức.
Nhờ nhận thức này, mà toàn dân quyết tâm lấy thái độ đối kháng. Từ 30.4.1975 nhân dân biết ai chia xẻ khổ đau với mình, ai lợi dụng mình. Và kể từ đây, nhân dân không thể tin càn, dựa thế vào thứ lãnh đạo bù nhìn, tham nhũng và vụ lợi nữa. Nhân dân tự quyết, tự đảm lấy vận mệnh mình. Bây giờ nhân dân không chiến đấu cho Cộng sản, cho các thế lực nước ngoài, mà là chiến đấu cho Việt Nam. Toàn dân làm chủ, toàn dân lãnh đạo, và lần đầu tiên nhân dân mới thực sự tranh đấu để đảm trách sự truyền thừa của văn minh và nòi giống.
Như thế gọi là Ý thức Quốc Kháng. Từ thất bại tới quốc hận. Từ quốc hận tới Quốc Kháng chúng ta đã làm một bước nhảy vọt khổng lồ. Và trên bước nhảy này, đôi cánh thành công đã mọc ra. Một phương trời cũng được khai mở. Một sự đồng tâm đã được lẳng lặng hẹn hò. Trong nước cũng như ngoài nước. Ai dám nói tương lai chúng ta không sáng sủa ?
Võ Văn Ái
trích Tạp chí Quê Mẹ số phát hành ngày 30.4.1978
trích Tạp chí Quê Mẹ số phát hành ngày 30.4.1978
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét