Có gì mà choáng với shock: Clip "Thiếu nữ mặc áo tứ thân múa cột"
Nguyễn Hướng Đạo - (danlambao) Dường như, lâu lâu trên mạng youtube phải xuất hiện vài clip được dân tình gọi là "gây shock", "choáng váng" thì mới đúng là Youtube kiểu... Việt Nam. Sau đó, những clip này lại được báo chí mạng, từ trang chính thống của Nhà nước cho tới báo lá cải giật tít, bình luận vô tội vạ khiến cho cách nhìn của dư luận bị bẻ cong.
Phải chăng đó mới là nguyên nhân gây ra sự "tạp nham" trong cuộc sống hiện nay cũng như cách tiếp cận thông tin của nhiều bạn trẻ Việt Nam?
Thực hư chuyện cô gái "mặc áo tứ thân múa cột"
Hôm qua, 05/05, các báo điện tử thi nhau đưa bài viết về một clip được gọi tên "Thiếu nữ mặc áo tứ thân múa cột". Không chỉ viết đơn thuần như vậy, hầu như tờ báo nào cũng thêm cái từ vô nghĩa "choáng" hay "sốc" ở phía trước.
Kết quả tìm kiếm trên Google cụm từ "choáng thiếu nữ mặc áo tứ thân múa cột" và "shock thiếu nữ mặc áo tứ thân múa cột". (Ảnh: Đạo Chip chụp từ màn hình)
Tìm xem clip này xem có gì mà người ta kêu la ghê gớm như vậy, người ta thấy hình ảnh một cô gái, có vẻ như nghệ sĩ hay diễn viên chuẩn bị diễn một tiết mục truyền thống. Thời gian đoạn clip được quay là lúc đoàn biểu diễn đang chuẩn bị chương trình cũng như giới thiệu, kêu gọi sự tham gia, đón xem của người dân. Qua lời MC, người ta có thể hiểu đây là chương trình văn nghệ trong lễ hội ở làng quê nào đó.
Khi tiếng nhạc xập xình cất lên, cô gái đã cao hứng nhảy theo bản nhạc dance sôi động rồi dần dần tiến tới một chiếc cột chống lều trại bằng tre ở phía trước để "múa cột", theo cách gọi của nhiều tờ báo điện tử. Sẽ chẳng có gì để người ta kêu gào nếu không phải cô gái này đang mặc bộ quần áo tứ thân truyền thống.
Nhún nhảy trong phút cao hứng...
rồi tiến tới cột tre để múa. (ảnh: Đạo Chip chụp từ màn hình)
Nếu đây là màn biểu diễn thì thật sự, cô gái kia đáng bị ném đá bởi "búa rìu dư luận". Thế nhưng, người ta đủ thông minh để nhận thấy đây chỉ là phút cao hứng trong khi MC vẫn đang giới thiệu chương trình, số lượng người tới xem cũng không nhiều.
Áo tứ thân (1) là một trang phục truyền thống, trở thành một nét văn hóa của dân tộc chúng ta. Không ai muốn ngợi khen những hành động của cô gái đó vì nó thực sự phản cảm. Những ai có tình yêu và tấm lòng gìn giữ truyền thống Việt Nam đều không ủng hộ điều này. Tuy nhiên, vin vào những hình ảnh ngẫu hứng của cá nhân mà chỉ trích, rồi đánh giá cả một xã hội thì cần phải xem lại.
Đã gọi là một phút cao hứng, ai chẳng từng trải qua trong cuộc sống và thường khi đó, người ta khó kiểm soát được hành vi của bản thân mình mà để cho cảm xúc tự do bộc lộ. Cô gái trong clip cũng vậy, những hành động nhún nhảy, múa quanh cột theo điệu nhạc dance chưa đủ để kết luận cô làm hỏng thuần phong, mỹ tục của người Việt.
Hơn nữa, việc người trẻ như cô đã có thể lên biểu diễn tiết mục truyền thống tại lễ hội dân gian còn khiến người ta thêm chút phấn khởi. Nếu để ý, ở cuối đoạn clip, cô gái đó trở về phía MC, cùng lúc có vài người mặc trang phục quan họ (2) tiến ra chuẩn bị cho buổi biểu diễn.
Mẫu trang phục của liền anh, liền chị trong. (ảnh: Wikipedia)
Một người phụ nữ Miền Bắc Việt Nam mặc áo tứ thân và đội nón quai thao; hình chụp đầu TK 19. - (ảnh, chú thích: Wikipedia)
Từ khi cuộc sống "trở nên hiện đại", người ta luôn lo lắng ngày nào đó những nét văn hóa dân gian sẽ bị mai một. Thực tế, số lượng người trẻ đam mê, học tập các loại hình nghệ thuật dân tộc càng ngày càng giảm.
Điểm xấu trong cách sinh hoạt của cư dân mạng Việt
Đã trở thành cách chia sẻ thông tin, nhiều cư dân mạng chúng ta vẫn hay chạy theo những bản tin có gắn chữ "hot", "sock" rồi "choáng". Không biết cách dùng này xuất phát từ đâu nhưng nó dần được các trang báo mạng, rồi cả những tờ báo in sử dụng để thu hút độc giả.
Thiết nghĩ, mỗi bản tin, hình ảnh tự nó mang giá trị thông tin cũng như sức ảnh hưởng tới dư luận. Việc gắn thêm những cái mác vô hồn như vậy sẽ chẳng làm cho bản tin được đánh giá cao hơn, thậm chí còn bị coi là "nhảm".
Mà đã gắn cái mác như vậy thì bài viết cũng phải cố bình luận, nhào nặn làm sao cho thật "giật gân", thật "hot", thật "shock". Hậu quả là người xem phải hứng chịu. Như vụ xôn xao mới đây nhất về clip "Thiếu nữ mặc áo tứ thân múa cột".
Cứ nhìn thì biết, số lượng từ "hot news", "sock news" trên các tờ báo nước ngoài đem so với ở Việt Nam thì quá khiêm tốn.
So sánh qua kết quả tìm kiếm Google "Tin hot, tin shock" và "Hot news, shock news".
(Ảnh: Đạo Chip chụp màn hình)
Thực tế còn "đau" hơn khi tìm hiểu sâu, các cụm từ "hot news", "shock news" lại thường được dùng tại các trang web xxx hoặc trang quảng cáo chứ không bao giờ được dùng tại các bản tin của hãng thông tấn nào cả.
Không biết, độc giả, đặc biệt những bạn trẻ có đánh đồng những bản tin như thế của báo chính thống lẫn báo lá cải với lời đăng quảng cáo hay nội dung trên web xxx?
Phải chăng đó mới là nguyên nhân gây ra sự "tạp nham" trong cuộc sống hiện nay cũng như cách tiếp cận thông tin của nhiều bạn trẻ Việt Nam?
Xem video "Thiếu nữ mặc áo tứ thân nhảy nhạc sàn"
Nam Định, ngày 06 tháng 05 năm 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét