Nhân vụ Mường Nhé nói tới người Hmong
Hiện chưa rõ căn nguyên trực tiếp của vụ bạo động Hmong ở Mường Nhé nhưng các nguồn truyền thông trong và ngoài nước nhắc tới số phận của một cộng đồng sắc tộc Đông Nam Á thiếu may mắn từ hơn nửa thế kỷ qua.
Di cư xuống Đông Nam Á từ vùng nay thuộc Trung Quốc muộn hơn nhiều so với các nhóm Tày- Thái, và không giành được các vùng đất canh tác tốt như dân bản địa, người Hmong sau trở thành nạn nhân của các xung đột vũ trang trong thế kỷ 20.
Sang thế kỷ 21, trong lúc chưa giải quyết xong vấn nạn quá khứ chiến tranh, người Hmong, với sinh hoạt kinh tế bị tụt hậu so với nhiều sắc dân khác, đang cố tìm chỗ đứng trong không gian kinh tế cạnh tranh khốc liệt ở Lào và Việt Nam.
Mặt khác, vì tìm đến tín ngưỡng Cơ Đốc giáo và giữ liên hệ với người cùng sắc tộc sống lưu vong tại Hoa Kỳ, họ lại trở thành đối tượng cho vấn đề an ninh ở những quốc gia có thể chế cộng sản.
Nếu không kể đến một số nhà báo đam mê về châu Á, chuyện người Hmong ngày nay, vốn thường nổi bật lên bằng lời kể thống khổ của dân tỵ nạn, dễ bị các nước lớn trong và ngoài khu vực muốn quên đi.
Nạn nhân chiến tranh
Trong bài "Bấm Hmong Searching for a Home" (Người Hmong tìm một mái ấm), đăng trên trang Foreign Policy Journal (27/3/2011), tác giả Mỹ, Antonio Graceffo kể lại số phận cay đắng của các bộ tộc Hmong đi theo Pháp và Mỹ trong hai cuộc chiến Đông Dương nhưng bị bỏ rơi.
Trong trận Điện Biên Phủ, chừng 2000 lính Hmong được quân Pháp đưa sang Mường Thanh hỗ trợ cho cuộc chiến chống Việt Minh.
Theo bài báo, sau giai đoạn theo Pháp chống Nhật, lãnh tụ Vàng Pao của người Hmong tại Lào đã được đặc nhiệm Mỹ tuyển chọn để chỉ huy cuộc chiến bí mật đánh lại phe cộng sản Lào và Việt Nam.
Năm 1960, Đại tá Mỹ William Colby đã gặp ông Vàng Pao và chọn ông chứ không chọn một lãnh tụ Hmong khác là Touby Ly Fong.
Nhưng sau năm 1975, tướng BấmVàng Pao sang Mỹ và dặn lại các thuộc hạ tiếp tục không buông súng.
Vì thế, theo Antonio Graceffo, những nhóm kháng chiến Hmong còn chừng vài trăm người "bị quân Lào và Việt Nam truy đuổi như con vật" trong các vùng rừng.
Nếu ở trong rừng, người Hmong bị chết vì đói và bệnh tật hoặc bị quân đội Lào hạ sát. Nếu đầu hàng, họ sợ sẽ bị giết
Lời trích trong bài báo của Antonia Graceffo
Cùng họ là một số dân, gồm phụ nữ, trẻ em và người già, liên tục di chuyển, ẩn náu trong rừng sâu.
"Nếu ở trong rừng, người Hmong bị chết vì đói và bệnh tật hoặc bị quân đội Lào hạ sát. Nếu đầu hàng, họ sợ sẽ bị giết."
Theo Antonio Graceffo, dù tổng thống Kennedy đã quyết định rằng Lào "có vị trí trọng yếu cho cuộc chiến Việt Nam", và năm 1961 ra lệnh cho các đơn vị đặc nhiệm Raven của Mỹ xâm nhập vào Lào, Hoa Kỳ gần như bỏ rơi những cựu đồng minh khốn khổ này sau 1975.
Hàng nghìn người Hmong từ Lào đã vào các trại tỵ nạn Thái Lan để mong được đi Hoa Kỳ theo ông Vàng Pao nhưng gần đây, chính quyền Bangkok đã thỏa thuận với Vientiane đuổi họ về.
Tuy thế, bài báo cũng nhìn vào lý do vì sao chính quyền Thái không muốn để Bấmngười tỵ nạn Hmong đi Mỹ, nơi cộng đồng Hmong hiện có chừng 300 nghìn:
Tác giả trích bình luận rằng "Những người Hmong này gây ra nhiều vấn đề cho chính quyền Thái và Lào. Nếu cho họ sang Mỹ, có thể có ngay 20 nghìn người Hmong đột nhiên từ rừng chui ra đăng ký,"
Còn tại Lào, tình cảnh của một số du kích Hmong chống cộng sản còn thê thảm hơn.
Đại diện của người Hmong tại Hoa Kỳ nói "Chính thức thì cuộc chiến vẫn tiếp tục giữa người Hmong và phe cộng sản", dù ông Vàng Pao đã qua đời.
Số người thực sự chống đối hẳn cũng không còn nhiều trong tổng số gần nửa triệu người Hmong Lào.
Với Hoa Kỳ, cuộc chiến bí mật tại Lào nay không được nói đến nhiều.
Còn ở Việt Nam hiện nay, sự hiện diện nhiều năm của quân cộng sản miền Bắc ở Lào thời chiến tranh tàn khốc thường chỉ được nhắc đến qua các bài báo về "lễ truy điệu và an táng hài cốt Bấmliệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào".
Mưu sinh và tín ngưỡng
Nhưng gần đây, số phận của nhóm Hmong Lào và Hmong tại Việt Nam có thêm mối liên hệ ràng buộc mới qua tôn giáo và di cư xuyên biên giới.
Sau khi tin tức về cuộc bạo động của người Hmong tại Mường Nhé nổ ra, một số nguồn của người Hmong và giới vận động cho quyền thiểu số tại Hoa Kỳ cho hay, "có nhiều người Hmong chạy từ Việt Nam sang Lào".
Vùng Tây Bắc của Việt Nam và Thượng Lào từ mấy chục năm qua luôn là khu vực có ưu tiên cao về an ninh với chính quyền tại Hà Nội.
Bên cạnh những nghi kỵ lịch sử - người Hmong theo "phỉ Vàng Pao" - như một cách nói của truyền thông chính thống, điều làm vấn đề Hmong trở nên phức tạp hơn cả là khác biệt ngôn ngữ, tập quán giữa đa số quan chức chính quyền là người Kinh và sắc tộc thiểu số này.
Trong một phóng sự truyền hình và ảnh cho đài Al Jazeera hồi tháng 2/2011, các phóng viên Nick Ahlmark và Nicole Precel đã mô tả sinh hoạt của người dân Hmong một bản ở tỉnh Hà Giang và giải thích lý do vì sao họ không tin vào các dịch vụ y tế của nhà nước.
Lý do thứ nhất, theo Al Jazeera, là ngôn ngữ khác biệt vì đa số cán bộ y tế là người Kinh, lý do thứ nhì là vì người Hmong có truyền thống tín ngưỡng và phong tục khác.
Ngoài ra, theo hai nhà báo đã sống 8 ngày tại bản Hmong đó, "là sự không tin tưởng vào các cơ chế chính quyền cộng sản trong dân chúng địa phương":
Người Hmong chỉ tỏ ra bên ngoài thái độ tin vào chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và đường lối cộng sản
Bài trên Al Jazeera
"Giới nghiên cứu đã nêu ra rằng người Hmong chỉ tỏ ra bên ngoài thái độ tin vào chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và đường lối cộng sản. Trong từng căn nhà vách đất đều có ảnh ông Hồ Chí Minh và lá cờ cộng sản treo trên tường. Nhưng chúng tôi có cảm giác rõ rệt rằng người Hmong chỉ tỏ ra đi theo cách thức chung để khỏi gặp khó dễ. Bằng cách này, họ vẫn tiếp tục duy trì cách sống truyền thống và làm nhà chức trách cộng sản hài lòng vì họ đã đóng đúng vai trò của mình, mà không hề tin tưởng thực".
Cùng thời gian, dù truyền thông chính thức ở Việt Nam chưa bao giờ đồng ý với quan điểm này, các bài báo của chính ngành công an và bộ đội biên phòng thường thừa nhận công tác vận động quần chúng ở vùng Hmong là khó khăn.
Một bài trên Công an Nhân dân 13/9/2010 có tựa đề "Mường Nhé và câu chuyện hôm nay" mô tả hoạt động của ngành công an ở vùng này là "nhọc nhằn và nhức nhối".
Điều báo chí nước ngoài như bài của Nick Ahlmark và Nicole Precel chia sẻ quan điểm với truyền thông của nhà nước ở Việt Nam là lý do khoảng cách của các vùng này gây khó khăn cho sự giao lưu và hội nhập.
Nằm cách Điện Biên 200 km, các huyện như Mường Nhé, Mường Chà có lẽ là những nơi cuối chính sách Đổi mới kinh tế chỉ mới chớm tác động đến.
Các chuyển biến kinh tế từ thập niên 1990 tạo ra làn sóng di dân nội địa, với các sắc tộc, gồm cả nhóm Kinh chiếm đa số tại Việt Nam, nay di cư và định cư ngoài xa các vùng truyền thống.
Bản thân nhóm Hmong Việt Nam, hiện có chừng 800 nghìn trong cả nước, đã di cư khắp nơi, kể cả vào Cao nguyên Miền Trung.
Mường Nhé, một trong những huyện giàu đẹp về tài nguyên rừng, là một trong những điểm đến hấp dẫn của người Hmong.
Vẫn báo BấmCông an Nhân dân nói các cán bộ công an và an ninh Tây Bắc đã được cử vào Mường Nhé nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung từ mấy năm qua để thuyết phục, vận động người Hmong sở tại và những người "di cư tự do" tuân theo pháp luật.
Tờ báo này cũng nêu lên hoạt động của các "đối tượng" mà chính quyền cho là thủ phạm gây ra vấn đề an ninh ở Mường Nhé:
"Mục đích hoạt động của các nhóm đối tượng này là tập hợp lực lượng, tổ chức tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói xấu cấp ủy, chính quyền, kêu gọi người dân từ bỏ nương rẫy, di cư tự do…"
Chỉ trong vài năm qua, số người Hmong di cư tự do đến Mường Nhé ước tính lên hàng vạn.
Trong một trào lưu toàn vùng Đông Nam Á, số người Hmong tìm đến niềm tin vào đạo giáo mới đang gia tăng.
Các nhóm truyền Bấmđạo Tin Lành với Kinh Thánh bằng chữ Hmong dạng La-tinh đã đến với cộng đồng này ở Lào, các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam.
Báo chí Việt Nam nêu ra cáo buộc rằng có những nhóm Hmong nghe theo "đạo Vàng Chứ" thờ Thánh ba ngôi và tin vào một "miền đất hứa".
Các hoạt động này chỉ thêm vào các nghi kỵ giữa nhóm sắc tộc này và chính quyến đã có từ quá khứ chiến tranh và khiến các hoạt động tôn giáo "ngoài luồng" của họ trở thành vấn đề an ninh thêm trầm trọng với những nước cộng sản vốn muốn kiểm soát tôn giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét