6.5.11

Phùng Cung giữa trăng sao và mộ chí


Phùng Cung giữa trăng sao và mộ chí


Phùng Cung (18/7/1928 – 9/5/1998)
Trăng qua song sắt
Trăng thăm ngục
Bỗng ta chợt tỉnh – sững sờ
Trên vai áo tù
Trăng vá lụa
Ngày xưa ơi!
Xa mãi đến bao giờ…
(Trăng Ngục – Phùng Cung)

Những người không uống rượu thường (hơi) nhạt nhẽo. Tôi ít khi giao du với họ. Ông Nguyễn Mộng Giác là một người như thế. Bởi thế, trong suốt thời gian ông ấy còn sống độc thân (tại chỗ) chúng tôi chỉ ngồi lâu được với nhau – đằm thắm và tương đắc – chỉ độ mươi lần.
Có lần, ông Giác có tâm sự chi buồn, và (chắc) buồn ghê lắm. Thoáng thấy tôi, đương sự mừng ra mặt, lật đật lôi đâu ra một chai ruợu bự, và hào sảng rót ngay ra hai ly đầy ắp.
Sau vài lần cạn ly đầy (rồi đầy ly cạn) thì nhà văn Nguyễn Mộng Giác (bỗng) biến thành một… nhà thơ. Ông cao giọng đọc thơ Phùng Quán:
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất…
Rồi trầm giọng bình thơ Khoa Hữu:
“Thơ không còn là món trang điểm đua tranh sức chói lọi nơi cung đình. Thơ không còn là món đưa cay trong những cuộc say túy lúy. Thơ không còn là cái áo giáp cho người ta phùng xòe trước đám đông và che dấu những thân thể suy nhược. Thơ không còn là khẩu hiệu cho những cuộc biểu dương lực lượng… Thơ là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…” (*)
Coi mới hết có nửa chai mà thằng chả đã “xỉn” hết biết luôn! Thay vì nói rằng “tiền là chiếc nạng vững chắc cho người già, là chỗ dựa cho những người thất thế từ đó đứng lên làm lại cuộc đời…” thì ông Nguyễn Mộng Giác nói lộn thành “thơ”. Ở đâu mà ra cái thứ thơ văn bảnh bao và ngon lành (quá cỡ) như vậy, cha nội?
Tôi cũng thường xuyên uống quá chén, và nói quá lời như thế, nên chả bao giờ bận tâm đến những câu phát ngôn (ẩu tả) theo kiểu đó. Tưởng đâu là nghe qua rồi bỏ, và sẽ quên luôn, như thường lệ. Tưởng vậy mà không phải vậy.Hôm rồi, từ Canada, chị Lâm Thu Vân ghé qua California và có cho tôi tập Truyện Và Thơ của Phùng Cung (**). Tôi đọc gần hết đêm, rồi thức luôn tới sáng chỉ vì (chợt) nhớ lại những câu thơ mà Nguyễn Mộng Giác đã lớn tiếng ngâm nga mấy năm về trước:
Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất …
Bữa rượu hôm ấy, không chừng (dám) tôi say chớ không phải là ông Giác. Nhận là mình uống say, hay viết dở, là điều (hơi) khó đối với rất nhiều người – trong số đó có tôi. Dù vậy, xem xong thơ Phùng Cung tôi không chối được rằng:
Sứ mệnh thơ ơi
Trong sáng tuyệt vời!
Thơ quả đã giúp cho Phùng Cung sống sót, sau những năm dài tù ngục, và là chỗ dựa cho những người thất thế (như ông) đứng lên làm lại cuộc đời.Và cuộc đời te tua, tả tơi, bầm dập của Phùng Cung cũng khiến tôi thốt nhớ đến những người cầm viết khác – cùng thời với ông – những kẻ đã dựa vào thơ văn chỉ để kiếm chút công danh, hay bổng lộc. Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, sở dĩ ông Trần Thanh Mại được mời về làm cột trụ ở Viện Văn Học là nhờ vào công lao chống… Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy nhiên, trong cuốn Trần Thanh Mại Toàn Tập (Văn Học xuất bản năm 2004) người ta đã không thấy có in lại những bài viết đấu tranh quyết liệt và nẩy lửa này. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã nhắc đến sự “thiếu sót” đó với (đôi chút) mỉa mai:
“…Toàn tập chỉ là những gì còn ‘ăn khách’ được với hôm nay? Còn những ‘miếng xấu hổ’ ‘khạc chẳng ra nuốt chẳng vào’ thì thôi, đành theo ý ai đấy giấu nhẹm đi để người ta quên đi một thời người cầm bút phải thoá mạ nhau túi bụi ‘cho vừa lòng bề trên’ … Có lẽ như thế cũng là cách xử sự hữu lý chăng?”
Giời ạ! Tưởng sao chứ như thế thì có gì đâu là lạ. Trước đó 20 năm, năm 1984, người ta cũng đã chứng kiến cách “xử sự cho vừa lòng bề trên” (gần như thế) trong Tuyển Tập Xuân Diệu:
“Nếu khi khai sinh, nhiều bài thơ của ông có lời đề tặng ở bên cạnh như Đi thuyền tặng Khái Hưng, Đây mùa thu tới tặng Nhất Linh, Vô biên tặng Hoàng Đạo thì trong công trình mà ông đích thân tham gia chuẩn bị là Tuyển tập Xuân Diệu ở trên vừa nói, những giây mơ rễ má đó được ông xoá sạch.”
“Sợ liên lụy vì những người bạn cũ, trong các tài liệu chính thức, chẳng hạn, tiểu sử bản thân, đề ở đầu Tuyển tập Xuân Diệu (mà đọc kỹ thấy đúng giọng ông, tức do ông tự tay viết ra) nhà thơ giấu biệt chuyện mình đã từng là một thành viên của Tự lực” “Và có lẽ chịu sự chi phối của ông – những lời năn nỉ thiết tha – nên các tài liệu nghiên cứu về ông, các giáo trình đại học viết về văn học trước 1945, hoặc trong Từ điển văn học in ra năm 1984, chuyện này cũng được lờ đi hoàn toàn.”“Đúng là Xuân Diệu chưa kịp viết hồi ký. Nhưng giá có viết nữa, thì chắc ông không định viết tiểu sử như ông có thực, mà sẽ chỉ viết tiểu sử của ông như nó nên có, như ông bạn đọc biết”. (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người, Phương Nam Corp., 2002, 319 -320). Xuân Diệu đã không có dịp “đẽo gọt đời mình cho vừa với lịch sử” nhưng Tố Hữu thì có. Cuối đời, ông ấy đã cố “đẽo” mình theo hình ảnh… Bụt! Những lời tâm sự của Tố Hữu – trước khi nhắm mắt – nghe (rất) đôn hậu, thiết tha và (vô cùng) thương cảm:
- Tôi đặc biệt cảm ơn nghệ sĩ Hoàng Cầm về những lời phê bình sắc sảo, chính xác và chân thành của anh bốn mươi năm trước đây đối với thơ tôi.
- Tôi khâm phục tài năng và ý chí của nghệ sĩ Đặng Đình Hưng. Đối với tôi, cuộc đời anh Hưng là một bài giảng cao cấp về niềm tin ở sự thật.
- Trần Đức Thảo là một mẫu mực của lòng say mênghiên cứu và sáng tạo vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên lĩnh vực triết học. Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần khẳng định được vị trí tiên phong của đội ngũ trí thức cách mạng kiệt xuất và hùng mạnh…
- Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất.
- Quang Dũng là một trong những cánh chim đầu đàn của nền thơ cách mạng Việt Nam thế kỷ 20.
- Sau Quang Dũng và Hoàng Cầm, Trần Dần cũng là cây bút hạng nặng.
- Ngoài ra, phải kể đến Hữu Loan, Lê Đạt và Phùng Quán, ba nhà thơ ba vẻ khác nhau nhưng cùng sâu sắc, nóng bỏng tính chiến đấu không kém phần lãng mạn. – Nhà văn Phùng Cung cũng cần phải được minh oan cùng với truyện ngắn Con ngựa già của chuá Trịnh.Cần lắm. Con ngựa già của chúa Trịnh chỉ là con ngựa già của chúa Trịnh mà thôi, không có ẩn ý gì xấu như bốn mươi năm trước đây một số người lầm tưởng… (Nhật Hoa Khanh, Gặp Tố Hữu Tại Biệt Thự 76 Phan Đình Phùng, 2004, không ghi nhà xuất bảnhttp://www.talawas.org/)
Mô Phật! Cuối cùng Tố Hữu đã buông đao, sau khi đã làm cho vô số cuộc đời bị “rạn vỡ, bị ruồng bỏ và bị lưu đầy” – nếu nói theo lời Phùng Quán. Và đó chỉ là những chuyện nhỏ, những hiện tượng lẻ tẻ và cá biệt của văn học thời “cách mạng”.
Ở bình diện tập thể, còn nhiều vụ đáng ngại hơn nhiều. Xin đơn cử một thí dụ:
“Trong cuốn Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam, Những Guơng Mặt Trí Thức, tập Một, do Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Ân và Tạ Ngọc Liễn sưu tầm và biên tập, nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin Hà Nội xuất bản năm 1998, các soạn giả đã chọn ra 71 nhân vật mà họ vinh danh là những trí thức Việt Nam tiêu biểu trải qua 770 năm lịch sử, với 9 thời đại và thời kỳ (Trần, Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa V.N.)”.
“Nhưng nhìn vào danh sách là chúng ta thấy ngay sự ăn gian của những người làm sách: trong suốt 720 năm (1225 – 1945) họ chỉ chấm có 38 nhân vật tức 53 %. Đó là Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Hồ Nguyên Trừng, Nguyễn Trãi, Triệu Thái, Lê Thánh Tông, Lê Sĩ Liên, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Lê Qúi Đôn, Lê Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Võ Trường Toản, Phan Huy Chú, Vũ Phạm Khải, Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Thuật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Quang Bích, Lương Văn Can, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn An Ninh, và Phạm Tuấn Tài.” “Trong 50 năm sau cùng (1945 – 1995), họ đưa ra một số lượng khổng lồ là 33 người, tức 47 %. Trong số 33 tên, chỉ trừ giáo sư Hoàng Xuân Hãn sống ở Pháp, còn lại 32 tên không ai khác hơn là những đảng viên cao cấp của Đảng Cộng Sản Việt Nam và những người phục vụ chế độ cộng sản. Đó là Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát ….” (Trần Anh Tuấn, “Khi Chính Trị Chi Phối Văn Hoá,” Khởi Hành Aug. 1999).
Theo truyền thống, những người độc quyền lãnh đạo cũng sẽ là những kẻ độc quyền đi vào lịch sử. Truyền thống này được giữ vững suốt từ thời phong kiến đến… nay, ở Việt Nam. Nó chỉ chấm dứt khi bắt đầu có hiện tượng viết… chui. Phùng Cung là một trong những người làm thơ chui như thế. Khi cố “đẽo gọt” đời mình cho thành một “thi sĩ bồ tát” (chắc chắn) Tố Hữu đã không biết rằng chân dung, cũng như chân tướng, của ông đã được “tạc” xong – vào năm 1972, tại trại biệt giam Bảo Thắng, Lào Cai – bởi Phùng Cung:
Tội nghiệp nhà thơ!
Bơ vơ một nẻo
Hết móc ruột moi gan
Lại réo tên chỉ mặt
Bởi không biết sống
Nên không biết chết
Nửa thế kỷ
Bị lưu đầy
Trong cõi tung hô.
Tương tự, khi quý vị lãnh đạo đảng CSVN chen lấn để đi quá giang (cho bằng được) vào lịch sử – có lẽ – không ai ngờ rằng nhân cách và trình độ trí thức của họ cũng đã được Phùng Cung ghi nhận từ lâu, trước đó:
Đất nước tôi
Triền miên bất hạnh
Tụi mặt dầy – tay bẩn
Tim rắn – lời cừu
Văn hoá lớp hai
Điều hành cuộc sống
Đám “văn hoá lớp hai” này (chắc) “chưa bao giờ nhìn kỹ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng… Bởi vì bất kỳ ai trò chuyện với các nấm mồ, đối thoại với các vì sao đều sẽ tốt hơn, nâng cao được nhân bản, giảm đi sự tàn ác, bất công với đồng loại. Họ đều sẽ hiểu cái phù du, cái vô nghĩa lý của kiếp người” [Bùi Ngọc Tấn, Chuyện Kể Năm 2000 (Toronto: Thời Mới, 2000), 279].Phùng Cung cũng đã nhiều lần ngước nhìn như thế, với nỗi băn khoăn tương tự:
Tôi đứng trong đêm
Ngửng đầu nhìn cao xa
Vọng hỏi
Có phải nước mắt con người
Đằm đằm dội xuống
Mà trên thiên cầu
Bao vì sao xao xuyến đổi ngôi.
Tôi (trộm) nghĩ thêm rằng nếu chợt có lúc “nhìn kỹ vào những nấm mồ hay để cả một buổi tối nhìn lên bầu trời thăm thẳm, lấp lánh những ngôi sao im lặng” thì “tụi mặt dầy tay bẩn” (rất có thể) cũng sẽ thôi làm những chuyện lố lăng, kịch cỡm – như đẽo gọt đời mình, hay cố chen chân (cho lọt) vào lịch sử.
TNT
(*) Nguyễn Mộng Giác, ed. Thơ Khoa Hữu. California: Văn Học, 1977.(**) Truyện Và Thơ Chưa Hề Xuất Bản. Phùng Cung. California: Văn Nghệ, 2003.
1
0
 
Rate This
Đăng trong Tưởng Năng Tiến
Be the first to like this post.

6 Responses to Phùng Cung giữa trăng sao và mộ chí

  1. Lu Hà
    Tâm sự đôi dòng về thơ ca Cộng Sản
    Nhân dịp Bác Tưởng Năng Tiến viết bài về cố thi sĩ Phùng Cung, những đóng góp cuả ông trong văn đàn chống nền mạo hoá mácxít và lên án bọn thi si lớp 2 như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, v.v… Tôi cũng xin có bài tâm sự với Bác và các bạn đọc về văn thơ tuyên huấn cuả người cs
    Trong lịch sử thơ ca cuả loài người từ các ông Đỗ Phủ, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đào Tiềm, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến ,Tản Đà v v…chẳng có ai vì thơ mà phải ngồi tù,bị tra tấn đánh đập hoặc bị đấu tố xỉ nhục đến mức phải tự cầm dao cưá cổ mình như ông Trần Dần, hoặc bị đảng trù dập phải về quê đóng gạch xe đất như ông Hữu Loan cả. Sao mà ngày xưa không có cộng sản người ta làm thơ sướng thế, tha hồ mà viết mà sáng tạo.
    Bàn chất thơ là tình cảm, những vần điệu nỉ non, mượt mà êm tai du dương hồn người, động viên người ta hãy cố gắng mà sống mà vươn lên.Làm thơ rất khó phải có hứng có duyên gặp đúng người đúng cảnh mới làm được. Những bài thơ do cảm xúc bột phát không bị gò ép miễn cưỡng thương là những bài thơ hay nhất. Đời thuở nhà ai làm thơ phải theo luận cương văn hoá cuả ông Trường Chinh nào đó, theo đúng đường lối văn nghệ cuả Đảng, không đi chệnh quan điểm giai cấp hơi một tí là bị chụp mũ nâng quan điểm. Cưỡng ép như thế thì bố thằng nào có hứng có cảm xúc mà làm ra thơ. Hoạ hoằn lắm mới có cơ may gặp cảm xúc, có hứng cảm thì ngườì thi sĩ không dám viết. Liệu viết ra có bị lên án quy chụp, vợ con mình có bị khổ luỵ vì bài thơ mình viết ra không?. Cứ loanh quanh mãi với những chuyện vụn vặt tủn mủn , những củ hành củ tỏi cuả đảng thì thời cơ để sáng tạo, cảm xúc qua rồi. Mấy thập kỷ qua ta cứ bị khổ sở hành hạ điếc tai về những câu khô khẩu hiệu suông cuả ông Hữu, những bài vè ca ngợi non sông hùng vĩ cuả ông Viên, những bài phê bình giở ông giở thằng chỉ được cái bẻm mép văn vẻ nhưng rỗng tuếch cuả Hoài Thanh.Thật là khổ nhục vô cùng cho cái hiện thực xã hội chủ nghiã, mà làm quái gì có văn thơ hiện thực xã hội chủ nghiã kia chứ. Chỉ là một xã hội nghèo nàn phải đi xếp hàng dài dằng dặc để mua mấy bià đậu và một bát mắm tôm…Nghe cái anh chàng Phạm tiến Duật làm thơ như đấm vào tai nhưng lại đươc ca ngợi như thơ cuả viện sĩ hàn lâm. Còn ông Hồ Chí Minh không biết làm thơ, thì lại ca ngợi là một nhà thơ lớn cuả thời đại. Làm sao một ngườì có trái tim tàn bạo độc tài như vậy lại có thiên bẩm làm thơ kia chứ?. Ông ấy là người Việt Nam cả đời không làm nổi được một bài thơ tiếng Việt nào cho ra hồn. Thi sĩ lớn mà cả đời chỉ có một lần hát ra bốn câu con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi:
    „Năm này hơn hẳn mấy năm qua
    Thắng trận tin vui khắp nước nhà
    Nam Bắc thi đua đánh giặc mỹ
    Tiến lên toàn thắng ắt về ta“ .
    Thật là hài hước vô cùng ,cả cuộc đời cuả đại thi sĩ văn hào cuả dân tộc mà chỉ có một vài bài công khai cóc ghẻ như vậy. Ừ thì cũng biết gieo vần thật, nhưng nó chỉ ở trình độ nông dân mới thoát nạn mù chữ thôi, nghe giọng thơ nó quê muà nôm na vô cùng, chẳng xứng đáng chút nào với khuân mặt văn sĩ lớn cuả thời đại cả, với người có tác phẩm cầm nhầm cuả ông Hồ nào đó ở bên Tàu. Tập thơ Nhật Ký trong tù, tôi đã đọc rồi cũng bình thường thôi, nhưng tài nghệ làm thơ còn gấp hơn ông Hồ người Việt Nam nhiều lắm. Các bạn có ai còn nghe một bài thơ tiếng Việt nào cuả ông Hồ xứng đáng với tầm vóc thi sĩ lớn cuả thế kỷ 20 chưa? Ngay đến tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ mà còn cứt ra quần, làm thơ với ông Hồ khó vô cùng lại còn tấp tểnh đòi làm thơ chữ Hán kia? Khó tin lắm nhưng nhiều người bảo tập Ngục trung Nhật Ký đâu phải là cuả ông Hồ, mượn tạm cuả một bạn tù nào đó có tên là Hồ Chí Minh. Thưa các bạn, tôi cũng không sành gì về thơ ca lắm nhưng với tôi là kẻ còn dốt về thơ phú nhưng đọc tập thơ này tôi cũng muốn nổi khùng lên, hay ở chỗ nào? Cũng có vài ba bài mang ý nghiã giáo dục hay như câu:
    „Gạo đem vào giã bao đau đớn
    Gạo giã xong rồi trắng tựa bông
    Sống ở trên đời ngưoì cũng vậy
    Gian nan rèn luyện cũng thành công.“ Nghe thì tàm tạm lọt lỗ tai đấy nhưng cũng nôm na lắm, còn tất cả chỉ là những câu ngêu ngao giải buồn thôi như ông già bị bệnh đái rắt, thỉnh thoảng hứng lên thì són ra vài câu cho đỡ buồn. Thơ phú như vậy mà con cháu ông Hồ dám bảo là những áng văn thơ tuyệt thế sánh ngang với cụ Nguyễn Trãi, thật chả ra thế nào cả, nói ngang như cua mà cũng cố nói cho được. Mấy tay đầu nậu thì có ai thơ phú cho ra hồn đâu. Có Xuân Diệu vài bài trước năm 45 thì khá, nhưng nhạt lắm như nước ốc. Theo tôi anh chàng này làm thơ chỉ đẻ khoe chữ thôi, có thể anh ta có học vấn, anh ta có một kho từ nhất định nên anh ta tung chiêu chơi trò gép chữ, làm cho ta loá mắt lên ví thấy thơ anh ta ghép vần quá, trắc bằng đâu vào đấy cả. Ta dễ bị lạc vào mê hồn trận bát quái cuả ngôn từ. Xin lỗi tôi có cảm giác thơ Xuân Diệu như là những lời vô nghiã, rất vần nhưng tối nghiã nhiều chữ đọc kỹ rất mâu thuẫn với nhau. Xin lỗi chữ nọ chửi mẹ chữ kia. Đọc thơ tình mà không thấy có tình. Thà cứ quê muà như anh chàng Bính lại hoá hay, chữ nghiã đơn giản thôi nhưng còn có bóng dáng các cô ả còn hình dung ra mông me vú vê cuả các ả , hay da riết như Hồ Dzech, hay sôi sục trí tưởng tượng về ái dục như anh chàng Hàn Mạc Tử. Đã là nam nhi thì thơ phải bốc lên chứ cho tỏ mặt anh hào,như thuyền căng buồm gặp gió biển tình, cột buồm phải dựng thẳng lên chứ, sao lại ỉu xìu lên như anh chàng Diệu. Nghe không thấy thơ chỉ thấy gào lên la lối về TÌNH YÊU. Đọc thơ các vị cùng thời với Xuân Diệu sao mà cảm thấy rạo rực đáng yêu thế, tôi có cảm giác còn nghe thấy tiếng rên tiếng thở khò khè cuả một cô nào đó chả may mắc bệnh xuyễn… Xin lỗi có thể tôi nói hơi quá, nhưng nó là sự cảm nhận cuả giới tính nam tính với đàn bà. Còn ông Diệu thì tôi chẳng thấy có cảm giác gì cả cứ iủ xìu xìu, như thơ cuả một anh chàng đồng tính luyến aí cả đời chưa biết mùi mồ hôi đàn bà mà cũng đòi làm thơ tình. Thử hỏi trong xã hội ta trai tráng khoẻ mạnh có khả năng sinh sản nhiều hay mấy chàng đồng cô đồng bóng nhiều? Từ ngày ông Diệu theo Đảng thì cùng ca kíp với Tố Hữu,Chế Lan Viên, Hoài Thanh thội gọi là các cai thầu văn nô Cộng Sản, chả tích sự gì cả chỉ là những hòn đá tảng cản đường các thi sĩ chính danh có tâm hồn với thi ca, ngăn cản sự sáng tạo cuả họ thôi. Chán lắm.Tôi có làm bài thơ cái Bánh Vẽ để tặng riêng chàng thi sĩ cộng sản Chế Lan Viên. Cũng muôn chép ra đây đẻ chia sẻ với các bạn
    Cái bánh vẽ cuả Anh
    Ngẩn ngơ chiếc bánh vẫn say màu
    Bịt mũi khen ngon quen thói xưa
    Hối tiếc làm gì đừng nói nữa
    Cả đời buôn bán bánh cho nhau
    Bán rẻ lương tâm thật chứ sao?
    Hay rằng nhầm lẫn hiểu chưa ra
    Chả may số kiếp đời thi sĩ
    Thế kỷ dã tràng cát biển xa….
    Anh cứ lu loa vu oán ai
    Khen chê bánh vẽ nịnh xu thời
    Ăn năn hối cải làm chi nữa
    Thể giới bên kia để tiếng cười
    Tôi viết vài câu nhắn nhủ ai
    Có gan sống thẳng nói ra lời
    Chính danh quân tử là thi sĩ
    Khi vẫn còn nhau ở cõi đời
    Bánh vẽ nhập nhằng từ nước nga
    Trung hoa đại lục cũng tôn thờ
    Đua chen nhắm mắt vào bàn tiệc
    Men rữa cuồng say vọng thánh ca
    Mấy đưá đàn em cũng ngỡ ngàng
    Nhồm nhoàn nhai chiếc bánh hư không
    Theo nhau anh cả thân tôi mọi
    Cho cả cuộc đời con số không
    Cái bánh thật tình đâu có xa
    Mà anh chậm chạp chẳng tìm ra
    Nưả già thế kỷ đi buôn bánh
    Ở tận phương trời xa cách ta
    Tổ quốc việt nam chẳng thiếu gì
    Danh nhân thứ thiệt xuốt bao đời
    Trong lò tôi luyện hồn dân tộc
    Hun đúc anh minh của giống nòi
    Sinh thời tính khí anh như thế
    Mê muội a dua chạy học đòi
    Trí tuệ của anh mòn sáo rỗng
    Còn kêu giả thiệt để ai hay?…
    Anh đã giã từ thế giới này
    Sợ gì di cảo để cho đời
    Cho thêm rối rắm người bàn tán
    Muộn quá đi anh đã lỗi thời
    Thế giới còn đây soi sáng cho
    Bầu trời trí tuệ mộng đầy thơ
    Thiếu gì tuấn kiệt buồn sao sớm
    Di cảo cho thơ anh khỏi lo…
    Tôi biết rằng anh quá tự hào
    Sứ mù thằng chột được làm vua
    Đỉnh cao trí tuệ khen muì bánh
    Bột lọc công nông nhân mác lê
    Anh cứ thở than nơi chín suối
    Lời từ để lại với bàn dân
    Ma vương họp lại bàn mưu tính
    Gỡ gạc thi nhau di cảo văn
    Bây giờ đổ tội lẫn cho nhau
    Né tránh làm sao kẻ dẫn đầu
    Trách nhiệm về anh đừng chối nưã
    Bao nhiêu oan khổ nợ gây ra
    Con cháu giờ đây oán trách anh
    Bao nhiêu thứ giả bán cho đời
    Trái tim hư đốn thơ lường gạt
    Thế kỷ lầm than lệ ứa rơi
    Tôi rất ngạc nhiên di cảo thơ
    Bài thơ bánh vẽ nửa ngâm nga
    Ra điều anh vẫn còn hy vọng
    Giấc ngủ ngàn thu ai biết đâu?
    Thôi thế ra đi một bóng ma
    Hết rồi hiển hách những thời qua
    Còn đâu bánh vẽ mà mua bán
    Tiệc riệu tôn thờ ca tụng nhau…..
    20.6.08 Lu H à
    (Nhân đọc di cảo thơ cuả Chế lan Viên)
    0
    0
     
    Rate This
  2. littleghost
    Ông CU KI là người chân-thật,nghĩ sao nói vậy.Hạng người này không gây nguy-hiễm cho đồng loại.
    0
    2
     
    Rate This
  3. Manh Tiến Hoàng
    Hay quá bác Tưởng Năng Tiến ơi! em đọc đi đọc lại mãi bài viết ngắn gọn và quá siêu này của bác và cuối cùng là phải lưu lại. Rất cảm ơn bác.
    1
    0
     
    Rate This
  4. littleghost
    Những cây bút máu ,vẫn cố rặn cho ra vài chữ màu xanh!—Những cây bút bẫn,lại cố vẽ vài nét hình sạch-sẽ!Thời đốn mạt ,văn-tâm là như thế! Văn chương ơi,lộn kiếp đến bao giờ!

Không có nhận xét nào: