6.5.11

RFI Điểm Báo 06.05.2011


RFI Điểm Báo 06.05.2011

  • Dân Pháp thuộc diện tiêu xài mạnh tay nhất Châu Âu 
  • Nỗi kinh hoàng của dân Cam Bốt tại vùng giao tranh với Thái Lan
  • Trung Quốc : Tốc độ sa mạc hóa nhanh chóng của vùng Tân Cương
  • Những hồ sơ khác tại Pháp và thế giới
Thứ sáu 06 Tháng Năm 2011
RFI 
Dân Pháp thuộc diện tiêu xài mạnh tay nhất Châu Âu 
Trên bình diện xã hội, Le Figaro và Les Echos đều nêu bật một sự kiện lý thú. Đó là « Người Pháp tiêu xài nhiều hơn các láng giềng châu Âu », tựa của Les Echos, trích dẫn số liệu của Viện Thống kê Pháp Insee vừa được công bố. Le Figaro thì nêu sự kiện một cách hóm hỉnh hơn :«Người Pháp, một trong những nhà vô địch tiêu thụ ở châu Âu».
Theo số liệu của Insee, mức tiêu thụ của người Pháp cao hơn đến 13% mức bình quân của 27 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu. Đây là số liệu từ một công trình nghiên cứu thực hiện năm 2009.
Tại một siêu thị thuộc hệ thống Carrefour, Pháp.
Tại một siêu thị thuộc hệ
thống Carrefour, Pháp. Reuters
Công tâm mà nói, dân Pháp chưa hẳn là người tiêu thụ số một tại châu Âu. Đứng đầu danh sách này là Luxembourg, thứ hai là Anh Quốc, và lần lượt theo sau là 6 nước Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch, tiêu thụ cao hơn trung bình châu Âu từ 12% đến 16%. Như thế tại Pháp, tiêu thụ nội điạ là yếu tố vững chắc của giúp kinh tế tăng trưởng.
Nhưng, nhìn chung, mỗi nước mỗi cá tính. Le Figaro cũng như Les Echos tìm hiểu cách lối tiêu xài của người Pháp và các láng giềng, đã nêu bật một số yếu tố : người Đức sẵn sàng tiêu xài nhiều hơn các láng giềng để trang trí nhà cửa, mua sắm tủ bàn, trong lúc người Tây Ban Nha hay người Ý thì lại chi tiêu nhiều cho nhà hàng và khách sạn. Người Anh thì dễ dàng bỏ tiền mua sắm quần áo, giầy dép.
Còn người Pháp, theo Le Figaro, do vấn đề văn hóa, tiêu pha nhiều hơn cho việc mua thức ăn, thức uống về dùng ở nhà. Theo tờ báo, người Pháp bình quân mua nhiều cá hơn người Đức, cao hơn gấp 3 lần, và mua thịt cũng nhiều hơn. Người Pháp cũng mua rượu nhiều hơn, cao hơn mức trung bình châu Âu.
Bên cạnh đó thì người Pháp cũng chi tiêu cho nhà ở, cho phương tiện chuyên chở, cho giải trí, sức khoẻ, giáo dục, nhiều hơn là các láng giềng. Ngược lại thì dân Pháp hà tiện hơn trong lãnh vực quần áo, và ít đi nhà hàng hơn.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhắc lại là giá cả ở Pháp cao hơn trung bình châu Âu, đến 14%. Đó cũng là một điều lô gíc vì giá cả thường cao hơn ở những nước mà mức sống cũng cao hơn.
Phụ nữ châu Âu trăn trở trước đòi hỏi dung hòa đời sống gia đình và xã hội
La Croix cũng chú ý đến châu Âu, nhưng nêu bật một vấn đề xã hội : sự trăn trở của các phụ nữ trước nhu cầu cân bằng hai cuộc sống nghề nghiệp và gia đình.
Theo La Croix, mọi bà mẹ ở châu Âu đều muốn dung hòa được hai khía cạnh nói trên trong cuộc sống của mình. Đây cũng là kết luận của một cuộc thăm dò dư luận của tổ chức mang tên Phong trào Thế giới của các Bà Mẹ, gọi tắt là 3M hay MMM (Mouvement mondial des mères).
Cái vòng luẩn quẩn mà họ phải chịu đựng là như sau : do thời gian và môi trường làm việc căng thẳng, khó khăn, cuộc sống gia đình của họ bị ảnh hưởng, con cái không được chăm sóc đúng mức. Vấn đề cân bằng hai cuộc sống này ngày càng trở nên cần thiết, nhưng cũng nan giải.
La Croix trích dẫn phương châm của một phụ nữ Slovakia rất quan tâm đên các vấn đề xã hội : « Một gia đình lương thiện là một công dân lương thiện ; một gia đình vững vàng là một xã hội vững vàng ; một gia đình có kiến thức là một công dân có kiến thức». Theo La Croix, đấy cũng là một lời nhắn nhủ đối với lãnh đạo các nước, vì theo La Croix, tại nhiều quốc gia châu Âu được thăm dò, phần đông các bà mẹ đều mong muốn chính quyền lưu ý đến những khó khăn của họ trong việc tìm kiếm một sự cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc làm.
Ở Pháp và Ý, nguyện vọng đó đã trở thành bình thường, nhưng theo tờ báo, đó là điều mới mẻ hơn ở các nước Đông Âu. Tại Hungary chẳng hạn, 40% phụ nữ đã nêu bật vấn đề này.
Giải pháp đề nghị hiện nay khác nhau tùy theo hoàn cảnh mỗi nước. Đối với phụ nữ Hungary, thì phải cải thiện môi trường làm việc nói chung, lương hướng phải cao hơn, nhất là đối với người cha là chủ gia đình. Nhưng đối với người Bỉ, cách giải quyết là kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ có con nhỏ, thời gian làm việc uyển chuyển hơn. Theo một bà mẹ, vấn đề là ngày làm việc không nên quá dài, đó là điều rất quan trọng. Hãy giúp cho các bậc cha mẹ ít ra là có thời giờ để đi đón con ở trường học. Mối bận tâm của phụ nữ Thụy Điển là làm sao có được quyền chọn lựa, đi làm hay ở nhà mà cuộc sống không bị ảnh huởng.
Nhưng dù cho giải pháp đề nghị có khác nhau, nhưng có đến 96% người được hỏi tán đồng điều thứ 16 của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền, theo đó « Gia đình là yếu tố tự nhiên và cơ bản của xã hội, và gia đình phải có quyền được xã hội và nhà nước bảo vệ ».
Nỗi kinh hoàng của dân Cam Bốt tại vùng giao tranh với Thái Lan
Còn nhìn sang châu Á, La Croix hôm nay chú ý đến khu vực biên giới Thái Lan – Cam Bốt trong bài phóng sự tựa đề « Những người tỵ nạn Cam Bốt trở về làng trong nỗi khiếp đảm ». Khiếp đảm là vì họ chờ đợi sẽ có xung đột mới, mà họ là nạn nhân.
Bài báo trích lời một phụ nữ, Ok, cho là bà không muốn trở về nhà chút nào vì e ngại giao tranh tiếp diễn. Một người khác cho là đã nghe tin là còn nhiều quả bom chưa nổ rải rác chung quanh làng.
Tác giả bài phóng sự mô tà cảnh nhà cửa tan nát trong làng Ta Mouan. Hai quả bom đã rơi xuống nhà bà Ok. Càng dễ hiểu là bà không muốn trở về làng.
Người dân trở về bị trắng tay nên phải trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước. Trước mắt thì quân đội Cam Bốt đưa họ trở về và cấp phát cho mỗi gia đình 5 chai nước mắm. Một người lính giải thích: “Chỉ có thế thôi, không có gì khác nữa để giúp dân chúng, ngay một ít gạo họ cũng không có để phân phát’’.
Phía Cam Bốt dự kiến cuộc chiến sẽ tái phát và chuẩn bị một khu đất mới đón người tị nạn.
Bài báo trên La Croix nhắc lại là từ thứ hôm thứ Ba đầu tuần, chính quyền Cam Bốt đã đóng dần dần các trại tạm thời đón người lánh nạn nơi các sân chùa, và đã đón đến 30.000 người. Nhưng đồng thời, họ đã cho trang bị một vùng đất cách xa biên giới 60 cây số, bên ngoài tầm pháo của quân đội Thái Lan, hầu đón những người mới phải di tản.
Theo Kim Rattana, đại diện tại chỗ của hiệp hội nhân đạo Caritas, họ đã đào 9 cái giếng nước, đặt bồn chứa cả 10.000 lít, cũng như đặt những máy phát điện. Lều trại cũng được dựng lên dần dần. Khu trại mới này dự kiến đón 5000 gia đình.
Cam Bốt rõ ràng là đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, mặc dù vùng biên giới đã ngớt hẳn tiếng súng trong mấy ngày qua.
Trung Quốc : Tốc độ sa mạc hóa nhanh chóng của vùng Tân Cương
Cũng nhìn về châu Á, nhưng Le Monde đưa độc giả đến vùng Tân Cương, Trung Quốc đang bị sa mạc hoá nhanh chóng. Những hệ thống cũ không còn đáp ứng nhu cầu về nước cho dân chúng.
Nguyên nhân một phần là do hạn hán, lượng mưa ngày càng giảm, nhưng theo bài báo, trích dẫn chuyên gia Trung Quốc, đó còn có nguyên nhân nữa là những quyết định sai lầm của chính quyền địa phương, đã cho nông dân lấy nước thẳng từ các mạch nước ngầm. Hậu quả của sự khai thác này là mực nước giảm mỗi năm từ 1,5 mét đến 2 mét.
Giới chuyên gia cũng quy tội cho chính sách đô thị hoá quá đà, cộng với việc quản lý kém cỏi nguồn tài nguyên nước, khiến hiện tượng sa mạc hóa càng nhanh hơn.
Theo Le Monde, nhiều đề án đang được nghiên cứu, trong đó việc trồng các những loại thảo mộc có khả năng dùng làm rào cản ngăn chặn sự xâm lấn của sa mạc, và mặt khác là những công trình giữ nước trên núi.
Những hồ sơ khác tại Pháp và thế giới
Chủ đề thời sự trên trang nhất báo Pháp hôm nay khá tản mạn. Nếu nhiều tờ báo tập trung trên những sự kiện khác nhau về nước Pháp, thì Le Monde nhìn rộng ra châu Âu, ghi nhận rằng việc thiết lập lại rào cản biên giới ở bên trong Liên Hiệp Châu Âu đang gây chia rẽ giữa các thành viên.
Libération nêu câu hỏi « Bóng đá Pháp có kỳ thị chủng tộc hay không ? », sau vụ tai tiếng quota trong ngành mà giới truyền thông đã phanh phui. La Croix trở lại vấn đề làm việc ngày Chủ nhật, mà tờ báo nhận thấy là rốt cuộc đã không có hiệu quả như giới thương mại chờ đợi.
Le Figaro và Les Echos thì chú ý đến mặt chính trị : còn một năm nữa là bầu lại tổng thống cho nên ‘’Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Filllon ra sức bảo vệ thành quả’’, như ghi nhận của Les Echos, còn Le Figaro thì nói đến việc ‘’Cánh hữu tung chiến dịch tấn công cho năm 2012’’.
Về các hồ sơ lớn thời sự quốc tế : ngoài hệ quả của chiến dịch diệt trừ Ben Laden, việc Tổng thống Mỹ Obama đến New York, và thăm hỏi gia đình nạn nhân loạt khủng bố cách đây 10 năm, còn có tình hình Trung Đông, chiến dịch đàn áp ở Syria hay là quyết định tài trợ cho phe nổi dậy ở Libya, tình hình tại chỗ, số phận những người ở Misrata, như Le Monde cho thấy qua bức ảnh trang nhất : mỏi mòn chờ tàu để thoát khỏi địa ngục Misrata.

Không có nhận xét nào: