Chống Trung Quốc là vi phạm pháp luật Việt Nam?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011-06-11
Một sinh viên của trường Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên vì ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi dân chủ hóa đất nước và chống Trung Quốc bành trướng xâm lược đã bị cáo buộc vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Ngoài ra sinh viên này còn bị nhà trường kỷ luật cho nghỉ học vĩnh viễn vì những lời buộc tội này. Để có thêm chi tiết về vụ việc Mặc Lâm có buổi phỏng vấn người thanh niên này, mời quý vị theo dõi.
Trước hết là giới thiệu của sinh viên Từ Anh Tú.
Vi phạm điều 88
Từ Anh Tú: Tôi là Từ Anh Tú, sinh năm 1986 và hiện nay đang ở Bắc Giang.
Mặc Lâm: Tú có thể cho biết chính xác chuyện gì xảy ra vào ngày 13-5-2011 không ạ?
Từ Anh Tú: Ngày hôm ấy tôi đang ngồi trong tiệm internet trước Trường Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên thuộc thành phố Thái Nguyên, đang đọc tin tức thì một nhóm công an gồm khoảng trên dưới 20 người ập vào và khống chế tôi. Sau đó thì họ tiến hành thẩm vấn ngay tại quán, từ 10 giờ cho đến 12 giờ trưa, tiếp tục sau đó thì họ đưa lên đồn công an và thẩm vấn đến tối thì họ thả về, và ngày hôm sau tiếp tục thẩm vấn.
Mặc Lâm: Sau chuyện thẩm vấn này thì họ cáo buộc anh về tội gì?
Từ Anh Tú: Dạ, họ cáo buộc tôi là vi phạm cam kết trước đây với cơ quan công an và vi phạm vào điều 88.
Mặc Lâm: Như vậy là trước đây Tú cũng đã bị công an bắt một lần rồi, phải không ạ?
Từ Anh Tú: Trước đây tôi cũng đã bị công an bắt và thẩm vấn rất nhiều lần, có những lần kéo dài một tuần liền.
Mặc Lâm: Và rồi ngay ngày 13 tháng 5 sau khi bị bắt thì họ có phát hiện trong máy computer Tú đang xài có những gì trong đó?
Thì họ có nói rằng tôi đã vi phạm cam kết trước đây mà họ đã ép tôi cam kết là không được mở ra những hòm thư, không được liên lạc hay là không được nhận bài viết ạ.Từ Anh Tú
Từ Anh Tú: Khi đó thì trong mail của tôi có 4 bài viết ạ. Đó là bài viết về dân oan ở Vinh biểu tình khiếu kiện; thứ hai là về việc đình công tại một nhà máy ở Hà Nội; thứ ba là về việc sinh viên Nguyễn Anh Tuấn công khai nói là có tài liệu của ông Cù Huy Hà Vũ; thứ tư là một bài viết về ông Cù Huy Hà Vũ.
Mặc Lâm: Vâng. Theo như chúng tôi nhận thấy thì cả 4 bài này đều không có cái gì gọi là vi phạm cái luật 88 như họ nói thì Tú có nói với họ chứng minh là vi phạm như thế nào không? Và họ đã nói như thế nào?
Từ Anh Tú: Thì họ có nói rằng tôi đã vi phạm cam kết trước đây mà họ đã ép tôi cam kết là không được mở ra những hòm thư, không được liên lạc hay là không được nhận bài viết ạ. Tôi nhận thấy đấy là một cái yêu cầu hết sức vô lý nên tôi tiếp tục lập ra những hòm thư để liên lạc với các bạn bè ở trên mạng. Và tôi thấy đấy là một chuyện hết sức bình thường và không hề vi phạm.
Bị đuổi học
Tuy nhiên những hành động đó đều bị công an Thái Nguyên coi rằng là mình đã vi phạm và không tôn trọng quyết định trước đây của họ, và họ lại tiếp tục một lần nữa về trường và yêu cầu nhà trường tiến hành kỷ luật. Sau đó, ngày 22 thì họ lại yêu cầu gia đình tôi lên, họ yêu cầu bố và mẹ tôi từ Bắc Giang lên Thái Nguyên mà lại không có thông báo trước cho tôi, cho đến khi bố mẹ tôi đứng trước mặt thì họ mới bắt đầu thông báo rằng "Bố mẹ cậu đã lên!". Đến ngày 30 thì họ tiếp tục về trường và yêu cầu trường có kỷ luật. Và ngày mùng 2 tháng 6 thì chính thức nhà trường ra quyết định đuổi học, buộc thôi học trở về địa phương với gia đình tôi ạ.Mặc Lâm: Khi nhà trường ra quyết định kỷ luật thì họ dựa vào lý do nào để đuổi học Tú?
Từ Anh Tú: Họ quy kết vào điều tôi đã vi phạm khoản 7-8 điều 6 về những việc mà học sinh sinh viên không được làm và buộc tôi phải rời nhà trường ngay trong ngày hôm ấy.
Mặc Lâm: Tú có thể cho biết điều khoản quy định sinh viên không được làm thì cụ thể là như thế nào không ạ?
Đến ngày 30 thì họ tiếp tục về trường và yêu cầu trường có kỷ luật. Và ngày mùng 2 tháng 6 thì chính thức nhà trường ra quyết định đuổi học, buộc thôi học trở về địa phương với gia đình tôi ạ.Từ Anh Tú
Từ Anh Tú: Trong phần 7 thì nói chung là quy định rất nhiều, chẳng hạn những việc sinh viên học sinh không được làm như là tàng trữ vận chuyển buôn bán trái phép chất nổ, hay là tàng trữ lưu hành và phát tán tài liệu có nội dung phản động, vân vân, nói chung là quy định rất nhiều ạ.
Nhưng mà ở trong cái thông báo của quyết định đuổi học thì ông hiệu trưởng chỉ nói chung chung, tức là "sinh viên Từ Anh Tú đã vi phạm vào khoản 7-8, điều 6 Quy định sinh viên học sinh, buộc thôi học trở về địa phương". Tức là trong cái thông báo quyết định đuổi học đấy thì không có một cái gì rõ nét ạ, kể cả thông báo gửi về địa phương tức là thông báo với địa phương về quyết định đuổi học tôi thì họ cũng không nói rõ mà chỉ nói chung chung là Tú đã vi phạm vào phần 7 và 8 điều 6 của quy định sinh viên ạ.
Không bao giờ dừng bước
Mặc Lâm: Vâng. Tú có thể cho biết là sau khi bị cáo buộc vi phạm điều 88, nếu mà được nói rõ ràng ngày hôm nay thì Tú sẽ nói về vấn đề gì? Tú có vi phạm điều này hay không?
Từ Anh Tú: Dạ. Tôi khẳng định là tôi không vi phạm vào điều ấy, vì tôi phải được tự do tìm hiểu chứ, tự do tìm hiểu thông tin. Đấy là chuyện hết sức bình thường trong bất kỳ xã hội văn minh nào cũng đều được phép, bởi vì tôi tìm hiểu những thông tin ngoài lề hay là "lề phải" hay "lề trái" thì đấy là việc hết sức bình thường.
Mặc Lâm: Vâng. Cho tới giờ, sau khi bị đuổi học thì Tú còn bị công an kêu lên để làm việc nữa hay không? Hay là họ vẫn theo dõi một cách âm thầm?
Từ Anh Tú: Dạ vâng. Sau khi về quê thì cho đến giờ phút này tôi chưa bị công an gọi lên để thẩm vấn, nhưng mà hiện tại thì cuộc sống đang rất nhiều khó khăn, tại vì hiên tại tôi đang bị rất nhiều áp lực không chỉ về phía gia đình còn từ phía xã hội nữa.
Đa số bạn bè tại Thái Nguyên đều ủng hộ và rất là tán thành việc tôi làm, nhưng mà không hiểu sao những việc đấy lại bị hội đồng kỷ luật nhà trường mà đứng đầu là ông hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn ra quyết định kỷ luật và cơ quan công an Thái Nguyên lại phản ứng một cách gay gắt như vậy.
Mặc Lâm: Và sau vụ việc này thì Tú có nghĩ rằng sẽ làm một đơn khiếu nại để gửi lên những cấp chức trách cao hơn hay không?
Chừng nào mà còn những hòn đảo của Việt Nam chưa trở về với tổ quốc thì chừng đó tôi sẽ không bao giờ dừng bước.Từ Anh Tú
Từ Anh Tú: Dạ vâng. Hiện tại tôi đã gửi một đơn khiếu nại, nhưng mà trước hết theo như luật định thì đơn khiếu nại phải gửi cho chính người ra quyết định đấy ạ. Tôi đã gửi đơn khiếu nại cho chính ông hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn của Trưởng Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên.
Mặc Lâm: Vâng. Khi mà bị quyết định buộc thôi học thì Tú đang học những gì và năm thứ mấy rồi?
Từ Anh Tú: Dạ, tôi lúc đấy đang học ngành điều dưỡng của Trường Cao Đẳng Y Tế Thái Nguyên và tôi chỉ còn một năm nữa là ra trường. Sau khi ra trường thì tôi sẽ học cử nhân điều dưỡng.
Mặc Lâm: Trước một tình hình đen tối như vậy, Tú có muốn chia sẻ gì với những bạn đồng trang lứa, đồng lý tưởng với mình hay không?
Từ Anh Tú: Trước hết tôi muốn nói rằng vấn đề của tôi không phải là vấn đề của một cá nhân mà là một vấn đề của cả xã hội, vấn đề của một hệ thống, của chế độ. Và tôi nghĩ rằng tôi không phải là trường hợp duy nhất, mà trong xã hội này còn rất nhiều trường hợp như tôi.
Và tôi hứa rằng dù gặp bất kỳ trường hợp khó khăn nào thì tôi cũng không bao giờ dừng bước trên con đường đấu tranh cho một đất nước Việt Nam tự do và dân chủ hơn, và nhất là chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Chừng nào mà còn những hòn đảo của Việt Nam chưa trở về với tổ quốc thì chừng đó tôi sẽ không bao giờ dừng bước. Và tôi mong rằng tất cả các bạn trẻ hãy dũng cảm đứng lên đấu tranh để làm gì cho tổ quốc.
Theo dòng thời sự:
- Ý đồ “định hướng” trong cuộc biểu tình 5/6?
- Giới trẻ không cúi đầu trước Trung Quốc
- Không khí biểu tình chống Trung Quốc tại TP. HCM
- Ghi nhanh về cuộc biểu tình ngày 5/6 ở Việt Nam
- Chính phủ VN không cho phép biểu tình chống Trung Quốc
- Hà Nội và Sài Gòn biểu tình chống Trung Quốc
- Kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét