“Tôi yêu sự đổi mới và trung thành với tương lai”
Posted on 11/06/2011 by Doi Thoai
Hạ Đình Nguyên
Viết từ TP Sài Gòn
Cập nhật: 02:58 GMT – thứ năm, 9 tháng 6, 2011
Tôi mải ngồi café cùng người bạn từ Côn Đảo ngày xưa nói chuyện “Nguyên phong”, rồi nhanh chóng chuyển sang thời sự. Một thời sự thật đáng buồn, đáng giận.
Sáng Chủ Nhật ngày 05 tháng 06 tôi được tin quá muộn!
Trong khi kinh tế suy sụp, người người thiếu việc làm, bàn ghế ở Trung ương xếp chưa xong, thì bọn Đế quốc mới Bắc Kinh khiêu khích trắng trợn xâm phạm lãnh hải.
Tối hôm qua tôi đọc lại hịch của Tướng Giáp kêu gọi toàn dân chiến đấu chống bọn giặc Bắc Kinh xâm lược (1979), hùng khí của lời văn bốc lửa căm thù, chẳng chút ngán ngại.
Có cả ảnh của tù binh, lại một o du kích người dân tộc, cầm súng đăm đăm canh giữ cho tù binh Trung Quốc đi trong trật tự – lại có chút xót xa trong lòng về o du kích người dân tộc với chính sách dân tộc không nghiêm túc.
Tôi chắc giờ này, ở khắp nơi trong thành phố, trong góc nhà, trong quán café, trong công viên, trong sở làm, người ta cũng cùng bàn tán như chúng tôi, ai ai cũng nóng lòng trước hiện tình đất nước.
Tôi hay tin quá muộn, sáng nay biểu tình ở Trung tâm Thành phố. Có cụ Nguyễn Đình Đầu, có các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập và các anh chị khác cùng với một số thanh niên, thế mà tôi không hay.
Có cả anh Hồ Cương Quyết (người Pháp) – người mà cách đây 40 năm sát cánh cùng chúng tôi, chung trong chiến tuyến chống Đế quốc xâm lược.
Thời sôi nổi
“Hiện tình đất nước” là một chủ đề sục sôi trong các buổi hội thảo của sinh viên, trí thức của thế hệ chúng tôi thời đó. Một loại hình sinh hoạt mà năng lượng được thăng hoa làm cho thanh niên chúng tôi trở nên có lý tưởng và cũng từ đó mở ngỏ cho chúng tôi đi theo con đường cách mạng, chống đế quốc xâm lược, và qua đó Thanh niên Thành phố có điều kiện biểu lộ và rèn luyện bản lĩnh yêu nước của mình.
Những tháng ngày ấy, chúng tôi xem thường tương lai riêng mà dấn thân hăng hái vào đại cuộc.
Tôi mơ ước những ngày ấy trở lại với thanh niên ngày nay. Tôi mơ ước giảng đường không phải là nơi giam hãm người trẻ trong cuộc đánh đố với áo cơm, với chữ nghĩa.
Giảng đường phải là nơi thăng hoa của cuộc sống, thoát lên khỏi phạm vi hẹp hòi của cá nhân đời thường, để trở thành lớp người tinh túy của xã hội, làm cho xã hội đi lên, từ đó cung cấp cho xã hội những người lãnh đạo xứng đáng, dũng lược và trí tuệ.
Thanh niên và cả người già cũng đều hướng tới tương lai, sống cho tương lai của đời người và tương lai của dân tộc. Không ai sống vì quá khứ! Tại sao phải trung thành với quá khứ như một thứ chủ nghĩa nệ cổ ?
Những người nệ cổ chỉ vì quyền lợi các “thái ấp” mà giam hãm nhân dân trong vòng lạc hậu bằng một loại trật tự hủ lậu của mình.
Thời gian trải qua, mọi vật biến động, thế giới thay đổi, mỗi thời đại đặt ra vấn đề mới của nó. Thanh niên không nhất thiết phải trung thành với quá khứ, nó có thể biến ta thành mụ mẫm và ngu độn.
Bác Hồ ngày xưa, ông không đi theo con đường của quá khứ, của lớp cha chú (Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,…), ông để lại quá khứ sau lưng, ông thoắt biến đi để tìm kiếm cái mới đáp ứng được thời cuộc. Ông đã trung thành với tương lai. Đó là tương lai độc lập dân tộc, không chịu làm nô lệ, là tương lai của dân chủ, của tiến bộ …
Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện đang làm gì với cái quá khứ rất vẻ vang của mình? Đang loay hoay với bàn ghế và thái ấp, hay hì hục vác thuyền lội qua sông?
Cái trước đem lại thối nát, tham nhũng. Cái sau làm cho mỏi mệt và mất trí. Cả hai tác động hỗ tương làm cho toàn cơ thể dân tộc suy kiệt, bải hoải.
Học tập Bác Hồ là học tập dũng khí. Thanh niên phải mạnh dạn quẳng đi những gì đang lạc hậu với thời đại, phải công khai yêu nước không núp dưới bóng dáng nào khác và xây dựng một chủ nghĩa dân tộc Việt Nam trong cộng đồng thế giới, không thêm một tĩnh từ nào nữa.
Đổi mới
Có một người bạn công an về hưu, buổi tối điện lại hỏi tôi rằng tôi có tham gia biểu tình không? Tôi nói rằng không, vì không hay tin kịp. Anh bảo rằng đừng để bọn Việt Tân lợi dụng.
Tôi không biết Việt Tân là ai, không cần biết. Không vì sợ chó cắn mà ngăn cản không cho đánh đuổi thằng ăn trộm. Việt Tân có cơ quan an ninh lo. Thanh niên và người dân cần phải cất lên tiếng nói của mình.
Thanh niên không sợ bọn đế quốc mới Bắc Kinh, chỉ cay vì bọn Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà. Nghe đồn rằng có bọn đó, và bọn đó đang lũng đoạn nhiều mặt.
Cả ngày có nhiều bạn cũ điện hỏi khi nào có tập hợp nữa, tôi nói là tôi không biết, khi biết tôi sẽ gọi. Tuổi trẻ chúng ta dám hi sinh, Tuổi già càng không ngại. Chúng ta sẵn sàng góp hạt bụi của mình vào trận cuồng phong này vậy.
Buổi tối đọc trên mạng, có người cán bộ Đoàn cũ, không biết đứng về phe nào và nhân danh ai để đứng ra ngăn cản cuộc tập họp. Anh ta thô lỗ răn dạy: đấu tranh phải có phương pháp… Đấu tranh với kẻ thù đâu chỉ phải chờ đợi và nghe theo lời bảo ban của Nhà nước?
Nhân dân đã chờ đợi và thất vọng . Nhân dân phải có tiếng nói của mình, phải có lực lượng của mình, có cách biểu hiện của mình. Giáo điều hóa tư tưởng Xã Hội Chủ Nghĩa đưa đến hệ quả tất yếu là Giáo hội hóa Đảng Cộng sản.
Đừng loay hoay bảo vệ thuyền mà coi thường con nước.
Tôi yêu sự đổi mới và trung thành với tương lai – Thanh niên đều như thế !
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, nguyên chủ tịch Ủy ban tranh đấu Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Quý vị có ý kiến gì xin chia sẻ với Bấm Diễn đàn BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét