Hậu Chí Phèo
Mr. Đỗ - Sau khi đánh chết Bá Kiến trong một cuộc ẩu đả tưng bừng trước nhà Chị Dậu, Chí Phèo nghiễm nhiên trở thành chủ nhân ông của làng Vũ Đại, được đông đảo dân chúng ủng hộ hết mình. Kết thúc trận kịch chiến ấy, Phèo từ một tay bợm nhậu bỗng chốc biến thành người hùng. Trong mắt dân chúng, kể cả một số kẻ thù xưa của Phèo, hắn là một trang hảo hán, là người soi đường chỉ lối.
Trên cương vị mới, Phèo bắt đầu tận hưởng hương vị chiến thắng và thi hành chính sách chăn dân do người anh lớn cai quản làng bên là Lão Hạc tư vấn. Đối với đám bạn nhậu đầu trộm đuôi cướp thuở xưa, ai biết điều thì Phèo cất nhắc lên các vị trí như phụ trách phòng sưu thuế, chỉ huy đội trị an hoặc ít ra cũng cầm loa, gõ mõ. Ai bướng thì Phèo cho vào hợp tác xã, suốt ngày bán mông cho trời, bán mặt cho đất. Đám dân chúng ủng hộ Phèo cũng không khá hơn. Tất cả đều bị lùa vào hợp tác xã. Họ làm lụng quần quật suốt ngày, không còn thời gian để suy nghĩ, thành ra não bộ và lá gan họ teo tóp đến thảm hại.
Đối với tàn quân của Bá Kiến thì khỏi phải nói, Phèo triệt tận gốc. Sợ quá, lũ này di tản sang các làng lân cận. Kẻ không chạy được thì đành ở lại làng Vũ Đại, ngậm đắng nuốt cay như chú hổ bị gã thợ săn Thế Lữ nhốt trong cũi sắt chờ ngày lên bếp lò để hóa thân thành cao hổ cốt.
Chính sách của Phèo thế mà hay. Dân làng Vũ Đại nghe răm rắp. Vì sợ. Khi không đám cận thần của Phèo chỉ đánh rắm một phát cũng có khối người nôn mật xanh mật vàng, chết không kịp ngáp. Làng Vũ Đại tuyệt đối an bình là vì thế.
Nhưng cùng với thời gian, Phèo đối mặt với nhiều mối lo mới. Nhờ tiếp xúc với các làng xã văn minh hơn, đám dân đen Vũ Đại ngày càng khôn ra. Một bộ phận trong số họ vẫn tin Phèo vô điều kiện như con cái tin cha mẹ, nhưng không ít người bắt đầu nghi ngờ Phèo, họ mày mò tìm hiểu bản chất lưu manh trong con người hắn ta. Đám cháu chắt Bá Kiến trong và ngoài làng cũng dần dà tìm cách ngóc đầu dậy. Thậm chí đôi lúc chúng đi lại nghênh ngang, đánh rắm một cách công khai mà chẳng hề nể sợ ai hết. Phèo tức lắm, hắn tìm đủ mọi cách để lập lại trật tự. Hắn vận dụng mọi ngón nghề của một bợm nhậu: đập bàn, dằn ly, xô ghế, thậm chí thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Phèo còn vận thêm mấy chiêu mà người anh lớn là Lão Hạc tư vấn như siết cổ, bịt mồm, bóp mũi. Nhưng chẳng ăn thua.
Giữa lúc tình hình làng Vũ Đại đang nước sôi lửa bỏng, Phèo đang nghiến răng trợn mắt thì Lão Hạc lại xuất hiện cùng mấy con vàng của lão. Lâu nay, cứ mỗi lúc Phèo gặp khó khăn là Hạc ta lại dẫn chó tới để tư vấn cho Phèo cách giải quyết, tất nhiên là có lệ phí hẳn hòi. Lúc thì lão mượn vài cô gái đẹp về đấm lưng, lúc khác lại xin dăm cặp gà tơ về nhắm rượu. Nhưng lần này khác, Hạc ta sấn tới và chẳng nói chẳng rằng lùa nguyên cả bầy trâu của làng Vũ Đại về. Phèo ức, nhưng nhìn lũ vàng nhe nanh trợn mắt của Lão Hạc, hắn ta hồn vía lên mây.
Phèo sợ, nhưng đám dân đen thì không. Họ kéo nhau ra cổng làng Vũ Đại, bắc loa mồm chửi Lão Hạc om sòm. Cả đám con cháu Bá Kiến trong và ngoài làng cũng nổi máu địa phương, đồng tâm hợp lực chửi rủa, rên xiết. Dàn đồng ca Vũ Đại càng hát càng khí thế. Phen này Lão Hạc già nua kia chỉ có đường thủng màng nhĩ mà thôi. Muốn yên thì hãy trả trâu.
Quả thực chưa bao giờ làng Vũ Đại chứng kiến một sự đoàn kết keo sơn đến thế. Khi máu địa phương, lòng tự tôn làng xã nổi dậy, lũ dân đen thật thà, đám bợm nhậu bị thất sủng, một vài kẻ có lương tâm trong số cận thần của Phèo cùng tàn quân Bá Kiến đã dẹp bỏ bất đồng để hướng mũi tấn công về kẻ thù chung có tên là Lão Hạc. Đây cũng là cơ hội vàng cho Phèo ta chấn hưng dân khí, củng cố sức mạnh địa phương, xây dựng tinh thần đoàn kết để đưa làng Vũ Đại tiến lên một tầm cao mới.
Thế nhưng, một mặt do quá khiếp nhược, sợ đám dân đen làm mếch lòng anh Hạc thì nguy to, mặt khác do sợ các thế lực Bá Kiến thuở xưa trỗi dậy và lo rằng dân chúng học được cách đứng lên tranh đấu thì sẽ gây nhiều nguy cơ cho chế độ cai trị gia trưởng của mình, nên Phèo ta quyết dẹp trò chửi rủa. Một mặt hắn bảo với dân làng: "Các con hãy về đi, chuyện anh Hạc đã có cha Chí đây lo. Các con cứ ăn no ngủ kỹ. Mai mốt trâu sẽ tự động về nhà. Đừng tụ tập chửi bới kẻo bị đám con cháu Bá Kiến lợi dụng, làm mất hòa khí giữa Vũ Đại ta và anh Hạc. Thằng Kiến thì các con biết rồi đấy. Nó ác, dâm, đểu. Nó là thằng khốn nạn. Các con phải nhớ điều ấy".
Cùng với lời khuyên giải như cha răn con, Phèo còn cho tay chân ra cổng làng giải tán dân chúng. Sau đó đi điểm mặt các nhân vật chủ chốt để tẩm quất. Hắn còn ra lệnh cho đám lâu la làm nghề đánh kẻng, gõ mõ, vác loa không được chửi Lão Hạc, không hùa theo dân đen, không cho bọn tàn quân Bá Kiến cơ hội lợi dụng, hãy ca ngợi tình đoàn kết giữa Chí Phèo và Lão Hạc.
Biện pháp của Phèo lần này cũng phát huy tác dụng. Vào những ngày tiếp sau đó, chẳng còn mống dân đen nào tụ tập trước cổng làng. Trò chửi bới Lão Hạc tuyệt nhiên không. Một vài kẻ dám ho khan, đánh rắm thì bị tay chân của Phèo đánh đập tơi tả.
Nhưng có một điều Phèo không nhận ra. Đó là giờ đây đã có thêm nhiều người ghét hắn. Đám cháu chắt Bá Kiến đã đành, đám bợm nhậu bị thất sủng chẳng nói làm chi. Ngay trong số dân đen từng tin Phèo vô điều kiện giờ cũng có thêm nhiều người nghi ngờ hắn, thậm chí oán hắn. Phèo đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng để tập hợp dân chúng xây dựng làng Vũ Đại giàu mạnh khiến Lão Hạc không còn dám làm càn.
Giờ đây Phèo đang rất cô độc. Hắn không còn tâm trí nghĩ đến chuyện đòi lại đàn trâu nữa.
Sau khi dẹp được đám dân làng chửi rủa Lão Hạc, Phèo ta rất khoái chí. Chưa bao giờ hắn thấy rõ được uy quyền của mình như thế này. Giữa lúc hắn đang giương giương tự đắc thì ái thiếp Thị Nở tâu lên:
"Bẩm quan lớn, quan lớn biết tại sao đám dân đen có thể làm loạn không?"
"Ơ, con này hỏi kỳ... Thế tại sao nào?"
"Bẩm, tại chúng biết nói."
"Ơ, người thì phải biết nói chứ."
"Dạ bẩm, tại chúng biết nói nên chúng mới liên hệ với nhau được. Tại chúng biết nói nên chúng mới chửi anh Hạc được. Tại..."
"Thôi...", Phèo đập bàn quát lớn. Đây chính là điều Phèo hiểu rõ nhất. Ngày xưa nếu bị câm thì hắn đã không thể tru tréo trước cổng nhà Bá Kiến mỗi ngày được rồi. Phèo hiểu rõ rằng chính trò chửi bới liên hồi đó đã khiến lão Kiến hết chịu nổi mới dẫn đến trận thư hùng trước nhà Chị Dậu năm nào. Kết cục là Chí Phèo đả bại Bá Kiến để điều hành làng Vũ Đại. Nếu Phèo không biết nói, không thể chửi rủa thì hắn đã không có ngày hôm nay. Quả thực tiếng nói là một thứ vũ khí nguy hiểm.
"Hay!", Phèo thét lên khiến Thị Nở giật nảy mình. "Giỏi, ngươi đúng là ái thiếp của ta. Ngươi đúng là con đàn bà tóc dài mà đầu cũng dài hiếm hoi trên thế gian này. Ngươi chẳng những biết nấu cháo hành mà còn biết trò chơi quyền lực".
Thị Nở bẽn lẽn: "Hổng dám đâu." Đoạn ả nói tiếp: "Thế quan lớn sẽ làm gì nào?"
"Ngươi không phải dạy khôn ta. Ta tự có cách."
Ngay ngày hôm sau, Chí Phèo ra bố cáo bắt dân làng Vũ Đại không được nói, phải câm hoàn toàn. Ai vi phạm sẽ bị cắt lưỡi. Chỉ có Phèo và đám cận thần mới có đặc quyền nói.
Kể từ giờ phút đó làng Vũ Đại im ắng như bãi tha ma. Từ đầu đến cuối làng, người ta gặp nhau chỉ gật gật vài cái coi như "chào xã giao". Lũ trẻ con có lỡ khóc ré lên thì bố mẹ chúng vội vàng dùng tay bịt miệng, lấy giẻ nhét vào hoặc, áp dụng công nghệ hóa màu, dùng băng keo dán miệng. Cũng có vài trường hợp bức bối quá chịu không nổi, ho khan vài tiếng, thế là bị đám thuộc hạ của Phèo cắt lưỡi ngay lập tức.
Tình hình trên kéo dài được một thời gian thì cậu Nam Cao ở cuối làng nghĩ ra một chiêu mới để lách luật: đánh rắm. Số là Chí Phèo chỉ ra lệnh cấm nói chuyện nên việc đánh rắm không bị coi là phạm pháp. Thế là dân Vũ Đại chuyển qua đánh rắm thay cho nói. Người ta quy ước đánh một phát có nghĩa là "hello", đánh hai phát là "good bye", ba phát là than vãn, bốn phát là chửi thề. Vân vân và vân vân.
Phong trào đánh rắm phát triển đến mức nhiều người luyện được các chiêu thức thượng thừa. Người ta chẳng những có thể đánh các câu đơn giản như "chào bác", "chào cô" mà còn có thể đánh "tôi ghét lão Phèo", "lão Phèo thật độc ác". Có người đánh một lúc được vài trăm phát là chuyện thường, y như bắn súng liên thanh vậy. Lũ trẻ con mới mở mắt cũng học đánh rắm. Tình hình đánh rắm tại làng Vũ Đại phải nói là "trăm hoa đua nở", đủ thứ âm thanh, mùi vị, thậm chí màu sắc nữa.
Chuyện này làm cho Phèo và đám thuộc hạ đau đầu nhức óc. Cấm đánh rắm chăng? Phèo phân vân không biết xử trí thế nào. Giữa lúc đó Thị Nở xuất hiện. Thị Nở lâu nay luôn hiện ra đúng lúc và mang theo nhiều phương án cứu rỗi đời Phèo, thuở cơ hàn thì bát cháo hành hoặc cái bánh bèo nhão nhoẹt của thị, còn lúc Phèo có quyền lực thì Nở tư vấn các giải pháp quản lý xã hội vĩ mô.
"Phải cấm dân làng đánh rắm thôi", Phèo phán.
"Ấy chết, cấm nói thì được, cấm đánh rắm thì không. Không nói người ta vẫn có thể sống, còn không đánh rắm thì chỉ có nước vỡ bụng mà chết", Nở phân tích. Thị còn nói với Phèo rằng nếu cấm dân đánh rắm thì làng Vũ Đại sẽ bị các làng bên, trừ làng Lão Hạc, phê phán là gia trưởng, độc tài. Lỡ có ai đó vỡ bụng chết vì ứ hơi thì Phèo sẽ bị phê phán là vi phạm nhân quyền. Thế nên tuyệt đối không được cấm đánh rắm.
"Thế phải làm thế nào?", Phèo hỏi.
"Phải siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm", Nở thì thào vào tai Phèo. Sau đó Nở còn nói nhiều thứ nữa, nhưng chỉ cho một mình Phèo nghe thôi.
Ngay ngày hôm sau, Phèo ra bố cáo cho toàn dân làng Vũ Đại: Phàm là người thì ai cũng phải đánh rắm. Đó là quyền lợi thiêng liêng nhất. Làng không cấm. Nhưng do có nhiều kẻ lợi dụng việc đánh rắm để phá hoại trị an nên từ nay làng sẽ siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm. Tất cả mọi người chỉ được đánh rắm ở mức độ vừa phải và rắm phải thơm. Ai đánh rắm to, thối sẽ bị phạt nặng. Ai vi phạm nhiều lần sẽ bị trát lỗ ~~~, khỏi đánh rắm luôn.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, Phèo thành lập một nhóm đặc nhiệm với thành viên là các bợm nhậu biết điều từng vào sinh ra tử với hắn ở tất cả quán xá trong làng. Ngày ngày đám này đi khắp làng dỏng tai lên nghe xem có ai đánh rắm lớn, lâu lâu lại khịt khịt mũi xem kẻ nào đánh rắm thối để đem ra trừng trị.
Kể từ đó hoạt động đánh rắm ở làng Vũ Đại đi vào khuôn phép thấy rõ. Các cao thủ đánh rắm trong làng không còn đất dụng võ. Bí quyết đánh rắm từng chuỗi dài như bắn súng máy ngày càng mai một, đi dần đến chỗ thất truyền.
. Bookmark the permalink.
Thêm Bình luận Mới
Showing 1 comment