1.7.11

Hậu quả cơn lũ bất ngờ ở Nghệ An


Hậu quả cơn lũ bất ngờ ở Nghệ An

2011-07-01
«Trời hành cơn lụt mỗi năm, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn». Câu thơ nói lên cuộc sống khó khăn của người dân miền Trung do thiên tai lũ lụt gây nên.

Ảnh do người dân Nghệ An gửi RFA
Nông dân nhổ lạc nhưng không kịp do nước ngập quá nhanh
Năm nay, dân Nghệ An lại bị một cơn lũ bất ngờ gây nên làm thiệt hại rất nhiều về đất đai và mùa màng. Tường An có bài tường thuật về những tổn thất của người dân sau cơn lũ bất ngờ này. 

Dân không kịp trở tay

Sau Hải phòng, Thanh Hóa, đến lượt các xã ở tỉnh Nghệ An cũng bị lũ lụt tàn phá. Mọi năm, người dân chờ đợi những cơn mưa bão đến vào tháng tám. Nhưng năm nay, cơn lũ đến sớm bất ngờ làm người dân không kịp trở tay. Đây là trận lụt mạnh và ập xuống các xã ven sông Lam của huyện Thanh Chương, Nam Đàn thuộc tỉnh Nghệ An. Cơn lũ đến một cách đột xuất và làm ngập mùa màng của nông dân, thiệt hại rất nghiêm trọng. Anh Thuyết, quê ở xã Nam Tân, Nghệ An cho biết :
"Mưa ở thượng nguồn thì mưa lớn, hai con sông lớn : sông Giăng, đối diện với hai con sông từ bên kia đổ vào, tức là sông Nậm Mộ và sông Nậm Nơm ở từ bên Lào đổ về thì số lượng lớn, có thể là một tiếng đồng hồ nó có thể là lên một mét nước, cho nên là ngập lụt biết bao nhiêu là héc ta quê. Lạc, có nơi gọi là đậu phụng, làm cho đồng bào ở xã bọn em trở không kịp, có nghĩa là mình thu hoạch không kịp, xảy ra mất mát lớn."
Thu nhập chính của dân vùng này là trồng lạc, vừng, sắn, ngô và lúa. Trận lụt ập tới đột xuất làm cho người dân có diện tích trồng ngô, lạc, những người làm cát gần sông trở tay không kịp. Hầu hết  người dân bỏ ăn cơm trưa để ra đồng nhổ lạc, bẻ ngô. Nhưng cũng không thu hoạch được bao nhiêu. Nhiều người dân đã mất trắng vì ruộng bị ngập nước, không thu hoạch kịp, anh Thuyết tiếp :
"Bên chỗ lúa mới gieo thì ngập cỡ 2/3, những chỗ đồng trũng, đồng thấp thì ngập hết. Mùa màng thì phải gieo lại. Một số không thu hoạch kịp chẳng hạn như ngô, hoặc một số sắn người ta gieo sắp tới tháng tám này là thu hoạch thì cũng mất mát lớn. Riêng xã bọn em thì tổn thất khoảng 2 đến 3 trăm triệu." 
Anh Trạch, quê ở Nam Lộc, Nam Đàn, Nghệ An cũng mất hàng chục triệu đồng vì trở tay không kịp do cơn lũ đến quá bất ngờ với một tốc độ nhanh chóng:
"Năm nay là lũ lên cấp tốc quá, lũ lên cấp tốc cho nên thiệt hại ở quê tôi và gia đình tôi là …. Nhà tôi và chòm xóm làm đất ở ngoài vực sông thì lạc không nhổ được hết. Nhà thì mất 3 sào, nhà thì mất 5 sào tùy theo từng nhà mất nhiều hay ít. Gia đình tôi mất 2 mẫu, trong đó 1 mẫu 3 là vừng. Vừng thì lên 4 lá rồi, đậu thì mới lên 3 lá. Nó gieo vừa được lên 3, 4 lá là nước vô ngập hết…" 
Hàng chục khối cát của dân "vạn chài" bị cuốn trôi. Có nhiều gia đình thiệt hại hơn 1/2 mùa màng và thu nhập của họ. Bên cạnh những mất mát về ngũ cốc, gia đình anh Trạch cũng sinh sống về nghề chài lưới, nhưng thu hoạch này cũng bị thiệt hại nặng nề vì bị nước cuốn đi. Anh nói tiếp:
"Rồi có cái sông, cá chúng tôi chưa tận thu được hết, lụt vô làm tràn không ngăn được. Nước đến ồ ạt thế là mình không tận thu được ngay, mất cả hàng chục triệu tiền cá, mất cả tấn vậy!" 
Dân nơi đây cho biết, có gia đình thiệt hại hơn nửa số mùa màng của họ, có người mất trắng cả tài sản. Anh Trường, một nông dân ở Nghệ An kể lại: "đến hôm nay, mưa đã giảm đi nhiều, nước bắt đầu rút đi, nhưng tất cả hoa màu đã bị chìm dưới bùn, cát nên người dân không mong gì cứu vớt được số ngũ cốc". Anh tiếp:
Gia đình chúng tôi lạc thì được vài sào, chờ cho hết nắng nhổ làm giống, lụt cuốn mất, vùi mất, năm ni không còn giống để mần vụ sau nữa! 
Bà Hương, Nghệ An
"Bắt đầu ngày 26 là nước vào, bây giờ  thì nước ra những cũng ra chưa hết được, còn gia đình thì có vài sào lạc, sáng định ra làm nhưng bùn đến đầu gối luôn, không thấy lạc chỗ mô nữa cả. Ở chỗ ngập nước thì gia đình làm 1 mẫu, nhưng mà còn 2 sào thì nhổ không kịp, bữa này là bùn vùi sâu quá. Sáng ra để rỡ nhưng bùn sâu quá không rỡ được. Nói chung là vùi không thấy lạc chỗ nào nữa cả, mất trắng luôn !!!" 
Bà Hương, cùng quê với ông Trạch, cũng than vãn là tất cả ruộng lạc của bà đã bị chìm ngập dưới cơn lũ, không còn giống cho mùa sau :
"Chừ thì, đa số họ gieo lúa với đậu, vừng, gieo được rồi, mạnh được rồi. Gia đình chúng tôi lạc thì được vài sào, chờ cho hết nắng nhổ làm giống, lụt cuốn mất, vùi mất, năm ni không còn giống để mần vụ sau nữa!" 

Chờ nhà nước hỗ trợ

Trên các đài phát thanh, truyền hình nhà nước thông báo sẽ cung cấp giống mới để gieo cho mùa sau. Tuy nhiên, người dân thấp cổ bé miệng không biết phải hỏi ở đâu, ông Trường nói :
nghean-250.jpg
Nước ngập trắng đồng. Ảnh do người dân Nghệ An gửi RFA
"Trên truyền hình thì nói cho giống để gieo lạc. Tất cả nghe là ai cần giống để gieo lại thì đăng ký nộp tiền để họ đưa giống về mà nghe trên truyền hình thì nói là ai mà …. Nói chung họ cho giống để tái sản xuất lại mà hợp tác xã thì nghe hô là nạp tiền, cái ni muốn hỏi nhưng không biết chỗ để mà hỏi thì bữa nay luôn tiện có chị ở đây thì cho hỏi nếu có cho thì để cho biết."
Do tình trạng bớt xén từ tỉnh thành đến địa phương, nên sự giúp đỡ từ chính quyền đến tay người dân đã bị ăn chặn đi rất nhiều. Ông Thuyết cho biết tình trạng thực tế về sự giúp đỡ ở quê ông :
"Thực chất mà nói thì tình trạng dân khổ cũng có khổ. Chế độ bây giờ thì dân cũng phải chịu khổ bởi vì nguồn thu nhập thì không lớn. Nguồn hỗ trợ trên trung ương thì lớn nhưng thực chất về địa phương thì hơi kém là bởi vì ở chỗ là cứ người này bớt xén người kia thì đâm ra là người nghèo thì không được bao nhiêu. Bây giờ hỗ trợ thì nói thật với chị chính phủ Việt Nam chỉ có nói hỗ trợ trên giấy tờ thôi chớ thực chất về người dân thì chẳng được bao nhiêu."
Bây giờ hỗ trợ thì nói thật với chị, chính phủ Việt Nam chỉ có nói hỗ trợ trên giấy tờ thôi chớ thực chất về người dân thì chẳng được bao nhiêu.
Anh Thuyết, Nghệ An
Cơn lũ bất ngờ năm nay đã gây khốn đốn cho toàn dân xã Nam Lộc, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An mà sự giúp đỡ của chính quyền thì chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nick Ant Bình đã kêu gọi trên face book của mình : «Người nông dân đã làm lụng vất vả để có được vụ mùa bội thu nhưng tiếc thay đã bị lụt cuốn trôi mất mùa màng của họ. Vì vậy nhà nước, các nhà chức trách phải tăng cường kiểm tra thiệt hại và hỗ trợ nông dân thêm chi phí để trả nợ mua phân và giúp nông dân vượt qua khó khăn này.»

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: