Trong tuần qua, theo nguồn tin trên website WikiLeaks thì một bức điện mật năm 2002 của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Phnom Penh đề cập đến sự kiện Ngoại trưởng Hor Namhong của chính quyền Cam Bốt hiện nay có quá khứ làm trưởng trại giam Boeung Trabek cho Khmer Đỏ ngay sau khi chế độ này cướp được quyền lực. Khu vực Boeung Trabek hiện nay nằm trong thủ đô Phnom Penh và không xa trại tù Tuol Sleng.
Nội dung bức điện mật được trích dẫn từ một phúc trình không ghi ngày tháng trong hồ sơ tòa đại sứ Mỹ nói, ông Hor Namhong trở lại xứ Chùa Tháp sau khi Khmer Đỏ nắm quyền. Sở dĩ ông không bị giết do vì ông là bạn học của Ieng Sary, cựu Ngoại trưởng Khmer Đỏ hiện nay đang bị tống giam chờ xử tội.
Vẫn theo nội dung bức điện mật, khi làm trưởng trại giam, ông Hor Namhong và bà vợ đã hợp tác để sát hại nhiều tù nhân ở trại giam Boeung Trabek.
Trên website của bộ Ngoại giao Cam Bốt ngày 15/7/2011 đưa ra thông báo nói Ngoại trưởng Hor Namhong phản đối quyết liệt về lời tố cáo ông làm trưởng trại giam cho Khmer Đỏ. Trước đó vào ngày thứ Năm, bộ Ngoại Giao đã triệu mời đại biện lâm thời (Phó đại sứ) Jeff Daigle của sứ quán Mỹ đến để than phiền và nói nội dung bức điện mang tính chất dựng chuyện nói xấu quá mức đối với cá nhân Ngoại trưởng Hor Namhong. Trong cuộc gặp mặt, Ngoại trưởng Hor Namhong cũng yêu cầu ông Jeff Daigle báo cho bộ Ngoại giao Mỹ biết là những cáo buộc trong bức điện mật hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Vì sao Ngoại trưởng Hor Namhong bị nghi ngờ từng có hợp tác với chế độ diệt chủng 1975 -1979 ?
Chính Ngoại trưởng Hor Namhong từng tuyên bố trước công luận rằng ông là nạn nhân của ngục tù ghê rợn dưới chế độ Khmer Đỏ. Và cũng đã thắng kiện mỗi khi ông thưa ra tòa những người nói ông làm trưởng trại tù.
Không phải mới có nghi vấn về hành tung của ông Hor Namhong vào thời kỳ Khmer Đỏ cầm quyền. Cách đây vài năm, một nhà báo người Khmer đã viết một bài đăng trên nhật báo Anh Ngữ tại Phnom Penh là Cambodia Daily, trong đó có nói đến hoạt động của ông Hor Namhong khi làm trưởng trại tù Boeung Trabek. Tuy nhiên, sau đó nhà báo này đã bị viên Ngoại trưởng kiện ra tòa về tội vu khống cá nhân và tung tin sai sự thật. Sau cùng ông Ngoại trưởng thắng kiện.
Gần đây nhất là vào ngày 25/4/2011, lãnh tụ đối lập Sam Rainsy đã bị tòa án Phnom Penh xử khiếm diện 2 năm tù giam và phải đóng 2.000 Mỹ Kim tiền phạt vì trong một phát biểu trước công chúng năm 2008 có nói tới chuyện Ngoại trưởng Hor Namhong phục vụ cho chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary với vị trí một trưởng trại giam tại khu vực Boeung Trabek. Trong phán quyết của tòa án Phnom Penh nói ông Sam Rainsy mang tội gièm pha chê bai và kích động sự đối xử phân biệt.
Theo tường thuật của báo mạng Phnom Penh Post số ra ngày 13/7/2011, thì trong bức điện mật của tòa đại sứ Mỹ tại Phnom Penh ghi ngày 6/6/2002 có những dữ kiện không khác với dữ kiện do ông Sam Rainsy đưa ra. Tuy nhiên trong một bức điện mật khác của tòa đại sứ Mỹ được công bố ngày 12/7/2011 lại nói rằng khi đại sứ Mỹ ở Phnom Penh năm 2008 là ông Joseph Mussomeli có cuộc gặp riêng tư với ông Hor Namhong vào tháng 5/2008 và đã nghe ông Hor Namhong kể lại thời gian ông bị giam trong nhà tù Khmer Đỏ. Ông Hor Namhong từng được bạn tù giao nhiệm vụ đứng đầu một “ủy ban tù nhân” trong một trại tù gồm 3 trại ở sát cạnh nhau. Và cũng theo ông Hor Namhong kể lại cho viên đại sứ Mỹ thì “có chứng cứ cụ thể là ông nằm trong danh sách những tù nhân có thể bị mang đi hành hình”.
Vẫn theo báo mạng Phnom Penh Post, bức điện mật thứ hai nói ông Sam Rainsy đã so sánh ông Hor Namhong với thành phần tù nhân “Kapo” có nhiều đặc quyền được bọn cai tù dùng làm “chim mồi” hay thành phần tù nhân dễ dạy bảo được cho ăn nhiều hơn, no hơn, với mục đích dùng chúng làm công cụ kiểm soát, đàn áp những người tù khác trong hệ thống trại tập trung khét tiếng của Đức Quốc Xã giai đoạn 1939 -1945.
Tiết lộ của Wiki leaks có ảnh hưởng đến vụ xét xử tội ác Khmer Đỏ hiện nay không ?
Sau cuộc bầu cử đa đảng lần đầu tiên diễn ra năm 1993, chức vụ quan trọng về đối ngoại thuộc về đảng Bảo Hoàng, và Hoàng Thân Norodom Sirivudh, người anh em cùng cha khác mẹ với cựu Vương Sihanouk, được giao giữ ghế Ngoại trưởng.
Tuy nhiên trước cuộc bầu cử Quốc Hội năm 1998, thì vào tháng 7/1997 đảng Nhân Dân Cam Bốt của những người Cộng sản cũ đã tiến hành đảo chính đổ máu để đánh bại lực lượng quân sự và chính trị của đảng Bảo Hoàng. Sau đó vị trí Ngoại trưởng được giao cho người có vị thế quan trọng trong đảng Nhân Dân và phải là thân cận với người cầm đầu đảng. Vì thế chức vụ này đã rơi vào tay ông Hor Namhong từ đó cho đến nay.
Có một số dữ kiện thực tế mà người chú ý đến chính trường xứ Chùa Tháp nhận thấy rằng ông Hor Namhong sẽ tiếp tục ổn định sự nghiệp chính trị của cá nhân ông. Thứ nhất, qua hai vụ kiện, tòa án - bị chính quyền chi phối - đưa ra phán quyết để ông thắng kiện trong hồ sơ tố cáo ông làm trưởng trại tù. Thứ hai, sự bất đồng hiện nay giữa Liên Hiệp Quốc và chính quyền Cam Bốt về chuyện nên hay không nên tiến hành truy tố thêm các nhân vật trung cấp của Khmer Đỏ.
Hiện tại Tòa Án Xử Tội Ác Diệt Chủng dự tính đưa ra xem xét thêm hai hồ sơ, đó là: Vụ Kiện 003 gồm hai bị cáo Meas Muth, nguyên tư lịnh hải quân Khmer Đỏ, và Sou Met, nguyên tư lịnh không quân Khmer Đỏ. Còn Vụ Kiện 004 bao gồm 3 bị cáo sau, Im Chem - nguyên chủ tịch tỉnh Banteay Meanchey, và hai phó bí thư Đảng bộ Khu là Yim Tith hay Ta Tith, và Aom An hay Ta An. Tuy nhiên, thủ tướng Hun Sen quả quyết rằng không cần truy tố thêm.
Chế độ diệt chủng tại xứ Chùa Tháp là con đẻ của học thuyết chính trị Marx-Lenin. Một số người đang vinh thân phì gia nhờ làm “chính trị” và bám chặt bộ máy cầm quyền, dĩ nhiên, không muốn ai soi rọi về quá khứ họ từng cúi đầu nghe lời Khmer Đỏ để thảm sát lương dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét