P.Thảo (Dân Trí) - “Tôi cho rằng, tuần hành cũng là một hành động để thể hiện lòng yêu nước của người dân với chủ quyền biển đảo”, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nêu quan điểm.
“Buồn vì đánh giá người dân tự phát”
Tại buổi thảo luận của Quốc hội chiều 5/8, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, tình hình biển Đông có diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chủ động đấu tranh ngoại giao, có các biện pháp đồng bộ để nêu cao chủ quyền, phản đối những hành vi gây hấn. Chính phủ cũng đã có báo cáo về vấn đề này.
Tuy nhiên, đại biểu vẫn chưa hài lòng, chưa yên tâm khi tình hình biển Đông còn rất phức tạp. Đại biểu kỳ vọng nhiệm kỳ này “cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa”.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho biết, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước hiện tượng ngư dân Việt Nam đánh bắt ở ngư trường của mình bị tàu nước ngoài xua đuối. Tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam cũng bị cắt cáp. Ngoài ra còn nhiều hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo khác.
Nhận xét Chính phủ đã kịp thời có báo cáo và các chương trình gắn với phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng ông Tuân đề xuất Quốc hội cũng cần có chính kiến, yêu cầu Chính phủ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế các vùng biển đảo như nào để kết hợp được việc bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia.
Ông Tuân gợi ý: “Nếu Chính phủ tạo ra, củng cố được các tuyến vành đai vững chắc trên biển đảo bằng các chương trình phát triển kinh tế như vận tải biển, khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản thì lúc đó người dân cũng có nhiều điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển để bảo vệ chủ quyền”.
Đại biểu cũng đặt vấn đề Quốc hội cần xem xét hành động thế nào, làm gì để người dân thể hiện lòng yêu nước một cách đúng đắn. Nói về những cuộc tuần hành hòa bình của người dân để phản đối tình trạng xâm phạm chủ quyền, ông Tuân bày tỏ đã rất buồn về những thông tin cho rằng người dân làm cái này cái kia, mổ xẻ đó là hành động tự phát hay tự giác. “Tôi cho đó cũng là một hành động để thể hiện lòng yêu nước của người dân với chủ quyền biển đảo của chúng ta” – ông Tuân nói.
Ăn uống kham khổ hơn để đối phó lạm phát
Đề cập đến tình hình tăng trưởng, thu ngân sách đạt được 6 tháng đầu năm ông Nguyễn Bá Thuyền phân tích, kết quả đạt được là do lạm phát mang lại, không phải do sản xuất phát triển. “Đồng tiền mất giá ghê gớm. Ngày xưa đi chợ tiền xu, giờ tiền nghìn. Như vậy là tiền mất giá cả nghìn lần. Người dân mất niềm tin vào tiền đồng” – ông Thuyền phân tích.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng: "Yếu kém điều hành đẩy lạm phát lên" (ảnh: Việt Hưng).
So sánh với lần lạm phát trước (2008) dẫn tới dư nợ tín dụng buộc phải thắt dưới 30%, lần này mục tiêu là dưới 20%, đại biểu cho rằng còn khó khăn hơn nhiều. Ông Thuyền đề nghị bổ sung thêm gói kích cầu kinh tế như lần trước nhưng cần tập trung chủ yếu cho nông nghiệp, nông dân, không để xảy ra tình trạng dùng đồng tiền hỗ trợ để đáo nợ ngân hàng, không mang lại tác dụng.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng làm phép so sánh tình hình hiện tại với lần lạm phát 2008. Gói kích cầu triển khai sau chính sách thắt chặt đột ngột khi đó được cho là một nguyên nhân dẫn tới lần lạm phát này. Tuy nhiên, ông Đáng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là khiếm khuyết của nền kinh tế, yếu kém trong điều hành đã đẩy lạm phát lên chứ không phải vì kích cầu.
Ông Đáng khái quát, từ năm 2007-2010, giá tiêu dùng đã tăng tới hơn 60%, trung bình cao hơn cả mức tăng trưởng 7-8% hàng năm. Giá trị thực của tăng trưởng theo đó không nhiều, thậm chí “âm”. Đời sống người dân theo đó ngày càng khó khăn hơn, nhất là khi mặt hàng tăng giá cao nhất là lương thực thực phẩm.
“Thịt, trứng, rau mấy tháng qua giá đã tăng cao gấp đôi. Người lao động đành đối phó bằng cách ăn uống kham khổ hơn” – đại biểu day dứt. Đại biểu kiến nghị các chính sách điều hành kiên quyết, hiệu quả hơn, nếu không thì mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15-17% trong năm nay cũng khó lòng đạt được.
Cùng chung lo lắng này, đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nêu con số, so với tháng 12/2010, giá tiêu dùng đến tháng 6 đã tăng 13%, trong đó lương thực thực phẩm tăng 21%. Đầu tháng 7 vừa qua giá thực phẩm tiếp tục tăng. Bà Hương yêu cầu tập trung điều hành giá điện, xăng dầu từ này đến cuối năm. Việc “thả” giá điện theo thị trường, bà Hương nhấn mạnh, cần chọn thời điểm thích hợp để triển khai, không phải trong một vài tháng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét