9.8.11

Nhiều thanh niên 'từ chối' tố cáo tham nhũng


Nhiều thanh niên 'từ chối' tố cáo tham nhũng

Tiến Dũng - 1/3 số thanh niên được hỏi cho biết đã gặp hiện tượng tham nhũng trong lĩnh vực y tế, cảnh sát giao thông và kinh doanh. Tuy nhiên, 40% số thanh niên được hỏi không tố cáo hành vi tham nhũng. “Khảo sát cho thấy nhiều thanh niên không tố cáo tham nhũng vì thấy không tác dụng, nhưng nếu không có tố cáo thì nhiều vụ việc lớn không bị vạch trần. Song quả thật, đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả và người tham nhũng thường có chức có quyền” - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Ngày 8/8, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển cộng đồng (CECODES) tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát liêm chính trong thanh niên Việt Nam.

Nghiên cứu này được tiến hành cuối năm 2010 thông qua phỏng vấn hơn 1.000 thanh niên được lựa chọn ngẫu nhiên trong độ tuổi 15-30 tại 11 tỉnh, thành và nhóm đối chứng gồm hơn 500 người ở độ tuổi trên 30. Khảo sát nghiên cứu các giá trị và thái độ của thanh niên đối với tính liêm chính cũng như những trải nghiệm và hành vi của họ liên quan đến tham nhũng.

Kết quả cho thấy, trong khi 95% thanh niên cho rằng trung thực quan trọng hơn giàu có, và thiếu liêm chính (gồm cả tham nhũng) sẽ có hại cho thế hệ trẻ và sự phát triển của đất nước nhưng vẫn có tới 1/3 thanh niên sẵn sàng “nới lỏng” định nghĩa về liêm chính nếu điều đó mang lại lợi ích kinh tế, giải quyết được công việc.

1/3 số thanh niên được hỏi cho biết đã gặp hiện tượng tham nhũng trong các tình huống có liên quan đến lĩnh vực y tế, cảnh sát giao thông và kinh doanh, trong khi chỉ 1/4 người lớn tuổi gặp hiện tượng này.

Có tới 40% trong số được hỏi trả lời là không chắc sẽ tố cáo hoặc chắc chắn sẽ không tố cáo hành vi tham nhũng. Lý do chính vì họ thờ ơ hoặc bi quan. 41% thanh niên có trình độ học vấn thấp cho rằng tố cáo tham nhũng không phải việc của họ, trong khi 41% thanh niên có trình độ cao lại cho rằng tố cáo chẳng giải quyết được gì.

“Có thể thấy giáo dục về phòng, chống tham nhũng vẫn chưa thành công trong việc phát triển một thế hệ thanh niên sẵn sàng và được trang bị đủ kiến thức để đấu tranh chống tham nhũng”, Giám đốc điều hành Tổ chức Hướng tới Minh bạch Nguyễn Thị Kiều Viễn nhìn nhận.

Ông Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thanh niên cho hay, hiểu biết của thế hệ trẻ về trung thực không còn như xưa bởi nhiều người nghĩ trung thực gắn với thiệt thòi, người trung thực bị coi là “khờ”.

“Kết quả nghiên cứu đặt ra vấn đề, tại sao thanh niên ghét giả dối nhưng lại chấp nhận thỏa hiệp với giả dối? Lỗi ở chính xã hội. Chúng ta không thể kêu gọi thanh niên trung thực khi xã hội đầy rẫy sự thiếu trung thực, tham ô, tham nhũng”, ông Khanh nhấn mạnh.

Cho rằng những số liệu này đặc biệt thú vị và gần với thực tế, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hoá giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng nhìn nhận đây là vấn đề lớn của xã hội.

“Khảo sát cho thấy nhiều thanh niên không tố cáo tham nhũng vì thấy không tác dụng, nhưng nếu không có tố cáo thì nhiều vụ việc lớn không bị vạch trần. Song quả thật, đấu tranh chống tham nhũng chưa đạt hiệu quả và người tham nhũng thường có chức có quyền”, giáo sư Thuyết nói.


. Bookmark the permalink.

Thêm Bình luận Mới

  • Image

Showing 1 comment

  • Chiêu bài tố cáo tham nhũng là cái bẫy của bọn cường hào mới, nhằm giúp chúng nhanh chóng và dễ dàng phát hiện ra những "cái gai" trong tổ chức của chúng, từ đó chúng tập trung mọi thủ đoạn để nhằm nhổ bỏ hay làm hủy hoại đi những cái gai này! Tôi cũng là một thanh niên ghét giả dối nhưng tôi cũng thấy chả có ích gì khi đối đầu với cả một hệ thống khốn nạn như vậy. Thực ra, cái tôi sợ không phải là bọn cường hào ác bá đội lốt quân tử bằng cách nói dối mà chính là thái độ và nhận thức của xã hội xung quanh mình. Nhà tôi năm anh em đều có bằng cử nhân, tuy nhiên, chỉ cần tôi có ý định làm những việc như tố cáo tham nhũng hay chống lại những điều trái tai gai mắt là bị phản đối ngay, và khốn nạn thay nhiều lúc mình bị coi là thằng "hâm", yên lành không muốn lại muốn sóng gió! Chán!

Không có nhận xét nào: