Tập đoàn thông tin báo chí đồ sộ…sụp đổ
Posted on 09/08/2011 by Doi Thoai
Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Hai, 08 tháng 8 2011
Khởi đầu của tập đoàn thông tin báo chí lớn bậc nhất thế giới này là tờ báo The News of the World (Tin tức Thế giới), thành lập ở Anh quốc từ năm 1843, cách đây 168 năm. Một nhà báo người Úc quê quán ở thành phố Adelade đã mua lại tờ báo này năm 1968, rồi từ đó liên kết, mở rộng công ty thành một tập đoàn thông tin – báo chí đồ sộ bậc nhất thế giới.
Hình: Reuters |
Đó là ông Rupert Murdoch, sinh năm 1931 ở thành phố Melbourne, Úc, năm nay 80 tuổi. Sau khi du học ở Anh, tốt nghiệp khoa kinh tế – kinh doanh, từ năm 26 tuổi ông đã kế nghiệp cha, làm chủ nhiệm tờ báo Sunday Times ở thành phố Perth, rồi kiêm luôn chủ nhiệm tuần báo theWestern Australia. Năm 1964 ông ra thêm tờ báo The Australia là tờ báo hàng ngày đầu tiên có phát hành trên toàn nước Úc.
Năm 1968, ông sang Anh, sau khi làm chủ nhiệm tờ the News of the World, ông mua luôn tờ báo The Sun và tờ The Times, rồi cả tờ tuần báo The Sunday Timesliên kết lại trong công ty News Corporation do ông làm chủ tịch.
Đến năm 1986, News Corporation bành trướng mạnh sang Hoa Kỳ, sau khi ông Murdoch nhập tịch Mỹ năm 1985. Ông lập ra Công ty truyền hình Fox Broadcasting Company, áp dụng những kỹ thuật truyền hình hiện đại nhất, rồi đến năm 2007 ông bỏ ra 5 tỷ mua lại báo The Wall Street Journal của hãng Dow Jones. Ông còn bỏ ra 1 tỷ đôla mua lại cơ sở truyền hình Star TiVi của Hồng Kông, khống chế cả hệ thống truyền hình châu Á. Từ đó đại công ty thông tin – báo chí the News Corporation của Rupert Murdoch trở thành người khổng lồ vô địch trong làng thông tin quốc tế, có 800 công ty vệ tinh ở 50 nước, với số vốn 5 tỷ đôla, gần như nắm độc quyền trong lĩnh vực truyền thông, thông tin về chính trị, kinh tế, tài chính, văn học, văn nghệ, âm nhạc, thể thao… Tài sản riêng của ông lên đến hơn 7 tỷ đôla. Ông là người có sức mạnh chi phối thời cuộc đứng hàng thứ 13 của toàn thế giới, theo tuần báo Forbes năm 2010.
Ảnh hưởng chính trị của ông trở nên rất mạnh và ăn sâu trong công luận quốc tế, đặc biệt là ở Anh quốc. Ông là người thân cận của bà Thủ tướng Margaret Thatcher thuộc đảng Bảo thủ, rồi sau đó là bạn và «người cố vấn trên thực tế» của Thủ tướng Tony Blair, và đặc biệt là của Thủ tướng David Cameron của đảng Lao động hiện nay.
Đại họa đột nhiên đến với News Corporation và ông Murdoch từ cuối năm 2006. Lúc đầu chỉ là những lời đồn, loan truyền dần thành dư luận dai dẳng, rằng các báo và đài truyền hình của công ty này thâm nhập vào các hệ thống chính trị đương quyền, tạo ảnh hưởng cho các phe phái, các chính đảng chính trị, tự làmmất tính khách quan, công bằng và bình đẳng, là điều cực kỳ cấm kỵ trong xã hội dân chủ.
Điều tệ hại là ông Murdoch cho các nhân viên, quan chức cấp cao của công tythâm nhập sâu vào hệ thống chính quyền cao nhất của nước Anh để tham gia lèo lái dư luận; người của ông thâm nhập cả vào văn phòng của thủ tướng nước Anh, với vai trò là cố vấn về thông tin truyền thông, còn đóng vai người phát ngôn của thủ tướng trên thực tế.
Một vấn đề hệ trọng nữa là đã có khá nhiều bằng chứng là ông Murdoch đã lơi lỏng, vô trách nhiệm trong việc quản lý công ty, để cho viên chức công ty nhiều lần nghe lén điện thoại của chính quyền và của tư nhân, lại còn dám nghe lén điện thoại của các thành viên quan trọng trong Hoàng gia Anh, một điều vi phạm cực kỳ nghiêm trọng theo tập quán và luật pháp nước Anh.
Vẫn chưa hết. Từ những sai lầm nghiêm trọng trên đây, cơ quan điều tra, an ninh của các nước Anh, Hoa Kỳ, Đức, Pháp… cũng như báo chí của các nước này đều nhất loạt vạch ra một cái tội lớn khác nữa của đại công ty Murdoch là chạy theo thị hiếu hèn kém của một bộ phận xã hội, chuyên đi tìm những tin tức giật gân, đi săn tin, moi tin, mua tin thuộc về đời tư của các nghệ sỹ, ngôi sao tivi, điện ảnh, sân khấu, của các chính khách để kiếm lợi nhuận một cách thấp hèn, làm ô nhiễm, đầu độc môi trường xã hội.
Đi cùng với xu hướng làm ăn bất chính này là việc đút lót, hối lộ các viên chức, nhất là các nhân viên cảnh sát, an ninh, phản gián, tư pháp… để có được những tin tức cơ mật, giật gân, độc đáo, ăn khách nhất, đã thành nếp làm ăn của đại công ty Murdoch. Một số sỹ quan cấp cao của Cơ quan An ninh quốc gia Anh Scotland Yard đã bị công ty mua chuộc, với những chứng cớ rõ ràng.
Vụ án Murdoch đang được mở rộng 2 tháng nay, làm chấn động làng báo quốc tế. Quốc hội Anh đã mở một cuộc điều trần về vụ án này. Ủy ban thông tin của Quốc hội Anh đã họp phiên đặc biệt giữa tháng 7-2011 để nghe chính ông Rupert Murdoch giải trình. Tại phiên họp, ông Murdoch buồn rầu thú nhận đã có nhiều sai sót, lỏng lẻo trong quản lý kinh doanh, nhưng vẫn còn loanh quanh, đổ tại hoàn cảnh khách quan, công ty quá lớn, quá nhiều nhân viên, cai quản không xuể chứ không phải cố tình làm sai từ khâu lãnh đạo. Cuối cùng ông than thở: «Ngày này là một ngày nhục nhã của tôi».
Thủ tướng Anh đang vất vả chống đỡ với công luận về vụ án lớn chưa từng có về truyền thông – báo chí này. Ông «lấy làm tiếc» đã tiếp nhận cán bộ của công ty Murdoch vào làm chuyên gia về quan hệ công chúng của chính phủ. Ông bị chất vấn và điều tra về việc trong 14 tháng làm thủ tướng, ông đã có đến 26 lần liên lạc với đại công ty News Corporation, để có thể chịu ảnh hưởng của công ty phạm pháp này trong một thời gian dài.
Dù sao, đại công ty the News Corporation oanh liệt một thời đã bắt đầu sụp đổ. Uy tín quốc tế của nó đã giảm sút tệ hại trong cái gọi Vụ bê bối truyền thông của Thế kỷ. Tiêu biểu cho sự đổ vỡ hoành tráng này là sự cáo chung của tờ báo The News of the World; báo này đã ra số cuối cùng để vĩnh biệt độc giả vào giữa tháng 7-2011, sau 168 năm tung hoành ngang dọc.
Bài học lớn nhất rút ra từ sự phá sản của «người khổng lồ thông tin» Rupert Murdoch là giữ gìn đạo đức truyền thông. Quy mô khổng lồ, vốn lớn mà làm gì nếu không lương thiện.
Truyền thông có đạo đức nghề nghiệp là tôn trọng sự thật, giữ bản chất trong sáng, công bằng, khách quan, không thiên vị, không dùng thủ đoạn mua chuộc, hối lộ, không chạy theo thị hiếu thấp kém, không lao theo chuyện giật gân thuộc về đời tư của bất cứ ai, không dùng những biện pháp phạm pháp như nghe lén điện thoại, lấy cắp thông tin riêng trên internet…
Đây là một bài học sâu sắc sinh động cho mọi công ty, tổ chức truyền thông báo chí ở mọi nơi, cho mọi nhà báo trên thế giới, đặc biệt là cho ngành thông tin báo chí các nước độc đoán, độc đảng, buộc phải từ bỏ trách nhiệm thông tin trung thực cho xã hội, do bị chăn dắt chặt bởi đảng cầm quyền chuyên chế.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét