Tự do ngôn luận
Trần Quốc Việt (danlambao) trích dịch - Quyền tự do thể hiện của những người khác cũng chính là một phần quyền của tôi. Nếu tiếng nói của ai đó bị dập tắt thì tôi bị tước đi cái quyền được nghe. Hơn nữa tôi chưa từng bao giờ gặp hay nghe nói đến ai đấy mà tôi sẽ tin tưởng phó thác cho họ công việc quyết định trước những gì mà tôi hay bất kỳ ai khác được phép nói hay đọc...
*
*
Từ trước bình minh của lịch sử con người, các bạo chúa đã dựa vào tư tưởng rất chính xác rằng lời của họ là luật, hay tuyệt đối. Các hoàng đế thời tiền La Mã và La Mã tìm cách che dấu điều này trong ý tưởng chính họ là những siêu nhân và họ được thần thánh hoá ngay khi còn lúc sinh thời.
Các bạo chúa về sau tuyên bố trị vì theo "thần quyền của các quân vương," một sự khẳng định tồn tại cho đến thế kỷ thứ 18. Tất cả những kẻ nối ngôi hiện đại, từ Hitler đến Khomeini đến Kim Chính Nhật, đều nhất mực khẳng định chỉ có một người hay một đảng hay một cuốn sách tiêu biểu cho chân lý tuyệt đối, nên thách thức chân lý ấy là ngu xuẫn hay còn tồi tệ hơn thế. Nhưng chỉ cần một chú bé buột miệng thốt ra sự thật khó chịu là hoàng đế trần truồng như lúc sinh ra, và như thế, toàn bộ lâu đài quyền lực tuyệt đối bắt đầu sụp đổ.
Người lớn, tất nhiên, là "chín chắn" hơn, nếu không truyện cổ tích ấy sẽ chẳng hay đến như thế. Từng trải trong đời, người lớn có thể luôn luôn nghĩ ra đủ bao nhiêu lý do để im lặng và khiến người khác im lặng theo. Chẳng hạn, chúng ta có thể nên thảo luận chuyện tình dục trên sách báo? Hay công khai bất đồng với chính quyền trong thời chiến tranh? Hay đụng chạm đến tư tưởng ấp ủ của ai đó? Lưỡi và bút dù tự do nhưng không phải lúc nào cũng tạo ra những kết quả làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn hay thoải mái hơn.
Ý kiến riêng của tôi là ý kiến rất đơn giản. Quyền tự do thể hiện của những người khác cũng chính là một phần quyền của tôi. Nếu tiếng nói của ai đó bị dập tắt thì tôi bị tước đi cái quyền được nghe. Hơn nữa tôi chưa từng bao giờ gặp hay nghe nói đến ai đấy mà tôi sẽ tin tưởng phó thác cho họ công việc quyết định trước những gì mà tôi hay bất kỳ ai khác được phép nói hay đọc. Theo tôi hiển nhiên là tự do thể hiện gồm có việc ta có thể nói với những người khác những điều mà họ có thể không muốn nghe và, trên hết, tự do thể hiện phải mở rộng đến những người có tầm suy nghĩ khác.
Hầu hết tất cả các vụ án tự do ngôn luận nổi tiếng trong lịch sử nhân loại đều liên quan đến khái niệm báng bổ kỳ lạ, mà thực ra chỉ là khái niệm đơn giản cho rằng có những điều ta hoàn toàn không thể nói hay nghe. Phiên toà xử Socrates liên quan đến tội là cách suy nghĩ của ông đã khiến những người trẻ bất kính với các đấng thần linh. Trong phiên toà xử Galileo, những khám phá của ông về thiên văn được coi phá hoại giáo điều cho rằng trái đất là trung tâm và đối tượng của sáng tạo. Phiên toà Khỉ Scopes ở Dayton, Tennessee liên quan đến lời buộc tội rằng tác phẩm Về nguồn gốc các loài của Charles Darwin là báng bổ và đồi bại và cả sai trái. Chúng ta hồi tưởng những lúc khi các chính quyền, cũng như thường các đám đông cuồng nộ, quyết định nhắm mắt bịt tai họ và những người khác, rồi chúng ta lắc đầu tự hỏi họ lấy quyền gì.
Quyền sở hữu chân lý duy nhất là thứ quyền rỗng tếch. Hơn nữa, giống như các thị trường khác, các thị trường về tư tưởng và thông tin bị thiệt hại bởi sự bóp méo và chúng không phản ứng tốt với sự kiểm soát chắp vá vụng về. Nhắc đến thị trường, chúng ta hãy lưu ý đến công trình của nhà kinh tế người Ấn Độ Amartya Sen, người đã chứng minh rằng ở quốc gia nào có thông tin không bị kiểm duyệt thì nơi đó chưa từng bao giờ xảy ra nạn đói lớn nào cả. Đói kém hầu như luôn luôn xảy ra không phải do thiếu hụt thực phẩm mà do chính quyền, bất chấp dư luận, ngu ngốc tích trữ trong những thời khủng hoảng. Hãy nhớ điều này bất kỳ khi nào ta nghe ai nói tự do thể hiện là điều xa xỉ.
Trong đời nghề nghiệp của mình, tôi đã có dịp đến hàng chục quốc gia đang trải qua các cuộc khủng hoảng về chiến tranh hay nghèo khổ hay xung đột tôn giáo. Tôi có thể nói hết sức chắc chắn rằng ở bất kỳ nơi nào ánh sáng của tự do thể hiện và tranh luận bị dập tắt thì bóng tối nơi đấy càng rất dày dặc hơn, càng khắc đậm hơn, và càng kéo dài thêm ra. Nhưng thôi thúc muốn bịt kín tin xấu hay những ý kiến không hợp lòng sẽ luôn luôn là một thôi thúc rất mạnh, chính vì thế mỗi thế hệ cần phải tiếp tục chiến đấu cho trận chiến tái khẳng định quyền tự do ngôn luận.
Lời người dịch: Christopher Hitchens là nhà văn và nhà báo người Mỹ gốc Anh kỳ cựu và nổi tiếng về những bài viết phản biện về tự do ngôn luận, qua đó ông bảo vệ hùng hồn và cương quyết quyền tự do ngôn luận của tất cả mọi người.
Nguồn: Tạp chí Reader's Digest số tháng Tư 2011
. Bookmark the permalink.
Thêm Bình luận Mới
Hiển thị 2 bình luận