1.9.11

Một người Việt bị kết án tù về tội đưa người nhập cư trái phép vào Anh



Một người Việt bị kết án tù về tội đưa người nhập cư trái phép vào Anh

Người nhập cư trái phép trốn trong xe tải để vượt biên vào Anh (DR)
Người nhập cư trái phép trốn trong xe tải để vượt biên vào Anh (DR)

Anh Vũ
Tòa án Dunkerque miền tây bắc nước Pháp vừa tuyên án 3 năm tù giam và cấm nhập cảnh một người Việt Nam bị bắt quả tang đang đưa người vượt biên bằng xe tải vào Anh. Thường được gọi là Phong, người đàn ông 37 tuổi này có tên khai sinh là Nguyễn Khắc Đan.


Thông tín viên Lê Hải từ Luân Đôn
 
31/08/2011
 
 
"Theo lời khai của bị cáo trước tòa đại hình thành phố Dunkerque, số tiền kiếm được trong thời gian qua đủ để cho ông Nguyễn Khắc Đan gửi về nhà cho vợ xây biệt thự cạnh bờ biển trị giá hàng chục ngàn đô la. Ngoài ra, ông còn thừa tiền để bao nhân tình.
Cảnh sát đã theo dõi vụ này suốt 3 tháng liền và bắt quả tang người đàn ông này trên một chiếc xe công-ten-nơ từ cộng hòa Czech đi qua lãnh thổ Pháp để xuống cảng Calais vào nước Anh. Đây là tuyến đường vượt biên rất quen thuộc của nhiều sắc dân châu Á và cáo trạng cho biết giá để ông Phong này đưa một người trốn vào trong xe tải vào khoảng 2.500 euro.
Cảnh sát cho biết trong vòng 3 tháng ông ta đã làm dịch vụ cho 62 người vượt biên nhưng ông ta chỉ nhận có khoảng 20 người mà thôi. Trước tòa ông ta cho biết mình làm như vậy là vì nhân đạo, muốn giúp người thân ra nước ngoài, và đối xử với đồng hương tốt hơn các đường dây vượt biên khác. ông Phong cho rằng thu nhập hàng tháng từ công việc này chỉ vào khoảng 2500 euro mà thôi, theo nội dung phiên tòa được báo Anh Daily Mail thuật lại. Ông ta cũng nói rất quan tâm đến sức khỏe và tình trạng của người vượt biên, cho họ không gian rộng hơn để thở.
Đúng là giá để vào xe tải vượt biên sang Anh có khác nhau, tùy thuộc vào loại xe, tuyến đường và tình trạng trên đường. Người vượt biên có thể tự chui vào xe, hay bám vào trục dưới gầm xe, hoặc có người giúp cắt cáp bao quanh xe, chui vào trong, rồi lại lắp cáp lại như cũ. Có một số chủ xe cho người vượt biên chui vào nhưng đa số trường hợp họ bị người chui vào xe trong lúc đang ngủ.
Xe từ các nẻo đường tụ về cảng Calais, trước giờ vào bãi đậu xe của cảng thường ngủ lại ở các parking dọc đường theo qui định không lái quá số giờ qui định trong ngày và phải nghỉ ngơi đầy đủ. Quanh các parking đó là các khu tập trung của người vượt biên, còn gọi là bãi đáp, và mỗi một băng nhóm quản lý một khu vực như vậy, chuyên đưa người lên xe. Nếu bị phát hiện ở cửa khẩu thì người vượt biên bị trả về, và lại tìm đường trở về bãi đáp chờ xe khác. Có chủ bãi nhận tiền duy nhất một lần, làm dịch vụ chui xe cho đến khi nào người vượt biên đi lọt mới thôi.
Ngày xưa việc chui xe tải rất dễ dàng, nhưng ngày nay cửa khẩu nước Anh tăng cường thêm nhiều biện pháp phòng chống. Họ không chỉ đơn giản là kiểm tra kẹp chì niêm phong ngoài thùng xe, mà còn dùng máy soi X quang để phát hiện có người ngồi bên trong hay nằm dưới gầm xe, hoặc dùng máy đo nồng độ khí CO2 để biết có người hô hấp bên trong.
Thế nhưng lượng xe vào cảng quá đông và lực lượng biên phòng có giới hạn. Các đường dây đưa người cũng phát minh ra nhiều biện pháp mới và người vượt biên cũng sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm hơn. Ví dụ họ chui vào trong xe công-ten-nơ lạnh, nhưng may thì vào xe chở sữa hay ya-ua, còn tệ thì có thể chết cóng trong xe chở thịt hay cá đông lạnh. Nếu chỉ ngồi vài tiếng thì không sao, chứ còn khi xe dừng lại nghỉ qua đêm, hay vào đến nước Anh là chạy thẳng một mạch thì nguy cơ tử vong rất cao.
Một số đường dây phát cho người vượt biên bao plastic để trùm đầu vào đó, tránh phải thở ra ngoài bị máy đo CO2 phát hiện, nhưng làm như vậy có thể dẫn đến tử vong. Rồi khi vào đến đất Anh thì họ không dám nhảy xuống ở các trạm xăng hay là khu dân cư vì sợ cảnh sát bắt lại, mà nhảy trên các tuyến đường cao tốc. Từng có trường hợp tử vong phải gửi xác về Việt Nam, và không ít người bị gãy xương hoặc chấn thương khi nhảy xe như vậy.
Cảnh sát Pháp trong thời gian qua đã tăng cường xử lý vấn đề này. Họ từng mở chiến dịch dọn dẹp các bãi đáp, và nay là theo dõi để truy bắt những người làm dịch vụ chui xe. Thế nhưng các biện pháp này mang tính báo cáo và răn đe hơn là giải pháp thực sự, vì tuyến đường vượt biên trải dài từ Berlin sang đến cảng Dover rồi tỏa đi khắp mọi miền nước Anh vẫn tiếp tục hoạt động rầm rộ. Bắt được một chủ đường dây người Việt thì vẫn còn các mạng lưới chân rết khác. Nhiều đường dây thực hiện động tác gọi là bán người sang cho các đường dây do các nhóm sắc tộc khác thực hiện.
Tuyến đường vượt biên vào Anh không chỉ có xe tải, mà có người còn được thuê chở bằng xe ô tô hoặc tải nhẹ, đi vào các cảng ít bị chú ý, như vụ chiếc xe chở mì ăn liền chở đầy người Việt Nam bên trong, hay lẻ tẻ các vụ dùng hộ chiếu của người Anh gốc Việt để lên tàu vào ban đêm. Thậm chí có vụ chở người Việt vượt biên bằng máy bay thể thao nữa. Chuyện vượt biên vào Anh thường được coi là một phi vụ bình thường hay chuyện cơm bữa. Vào đến nơi thì họ có thể chờ đủ 11 năm để được cấp giấy tờ cư trú, hay chờ các đợt ân xá lớn, hoặc áp dụng nhiều thủ tục pháp lý khác nhau để có thẻ định cư và quốc tịch.
Câu chuyện người rơm, tức là cách gọi nôm na của người Việt cư trú bất hợp pháp ở Anh, cứ như thế sẽ còn là một câu chuyện dài, nằm trong con số 500.000 đến 1 triệu người nước ngoài sống trên đất Anh không có giấy tờ hợp lệ. Ước tính có chừng 10.000 đến 25.000 người rơm Việt Nam hiện nay trên lãnh thổ Anh Quốc".

Không có nhận xét nào: