Nguyễn Chính Kết
Trong cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ chống độc tài cộng sản, chúng ta cần tận dụng mọi phương cách đấu tranh. Trong cuộc đấu tranh không cân sức với cộng sản hiện nay, chúng ta không có sức mạnh quân sự, kinh tế, tài chánh… như đối phương. Muốn chiến thắng, chúng ta phải mượn sức của những thế lực mạnh.
Nhờ sự giao thương, viện trợ, giúp đỡ CSVN, tiếng nói của các chính phủ tự do trên thế giới được CSVN tương đối nể trọng, rất nhiều trường hợp các chính phủ này đã ép buộc CSVN phải thi hành những điều họ yêu cầu. Do đó, chúng ta cần nhờ các chính phủ này giúp chúng ta áp lực CSVN phải tôn trọng các quyền căn bản của người dân trong nước, hay thực hiện một điều gì đó có lợi cho quốc gia dân tộc.
Ở các nước tự do dân chủ, chính phủ gồm những người do dân bầu lên. Để được người dân dồn phiếu cho mình hầu đắc cử hoặc tái đắc cử, họ phải hứa thực hiện và phải thực hiện những gì người dân mong muốn, thỉnh nguyện, yêu cầu. Do đó, lá phiếu của người dân là điều họ cần và muốn nhắm tới. Vì thế, lá phiếu bầu cử là một lợi khí mà người dân có thể tận dụng để yêu cầu chính phủ thực hiện những nguyện vọng của mình.
Nếu người Việt tại một thành phố, một tiểu bang biết dồn phiếu cho một ứng cử viên để họ đắc cử, chắc chắn vị dân cử ấy sẽ phải tôn trọng và tìm cách thỏa mãn những nguyện vọng của khối người Việt trong vùng ấy. Do đó, trong cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản, lá phiếu là một sức mạnh mà người Việt quốc gia hải ngoại có thể tận dụng cho mục đích đấu tranh của mình.
Sau khi các ứng cử viên đắc cử, chúng ta cần gặp gỡ họ, cho họ biết những nguyện vọng chính đáng của cộng đồng Người Việt chúng ta, để nhờ họ vận động tại Quốc hội, với chính phủ nước sở tại thực hiện những nguyện vọng ấy. Đó là lobby, hay vận động hành lang.
Ông Scott Flipse, Giám đốc Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Thế giới, một người có tình cảm đặc biệt với người dân Việt Nam, cho biết: tại Hoa Kỳ, người Việt chúng ta lobby rất nhiều so với các dân tộc khác, nhưng kết quả không thành công bằng những dân tộc ấy. Vì thế, ông đã chỉ cho chúng ta một vài khiếm khuyết trong phương cách lobby của chúng ta, mong chúng ta cải thiện để lobby hữu hiệu hơn. Hai khiếm khuyết ông đưa ra là:
1) Chúng ta lobby một cách rất rời rạc, riêng lẻ
Người Việt Quốc gia có rất nhiều nhóm, tổ chức, đảng phái đã lobby tại Quốc Hội, tại Bộ Ngoại Giao… Nhưng rất tiếc mỗi nhóm, mỗi tổ chức, mỗi đảng phái chỉ lobby với tư cách riêng của mình, nên những thỉnh cầu của chúng ta chỉ là thỉnh cầu của những tập thể nhỏ, không lôi kéo được sự quan tâm của chính phủ Hoa Kỳ. Theo ông Scott, muốn được chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đặc biệt, chúng taphải lobby với tư cách tiếng nói chung của cả khối người Việt tại Hoa Kỳ. Tiếng nói chung đó chắc chắn sẽ có đủ sức mạnh khiến chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm. Nếu chỉ có những tiếng nói của đảng này, nhóm nọ, tổ chức kia… độc lập nhau, thậm chí thỉnh cầu những điều khác nhau, thì tình trạng đó tương tự như ánh nắng mặt trời, sức nóng tuy vô cùng lớn, nhưng không tập trung vào một điểm duy nhất, nên chẳng tạo nổi một đám cháy nhỏ. Nhiều cộng đồng dân tộc khác nhỏ hơn cộng đồng người Việt, tiềm năng kém hơn chúng ta rất nhiều, nhưng vì họ có tiếng nói chung, nên những nguyện vọng của họ được chính phủ Hoa Kỳ quan tâm thỏa mãn hơn những nguyện vọng của chúng ta. Nếu cứ lobby cách riêng lẻ và rời rạc, chúng ta sẽ không đạt được kết quả mong muốn.
2) Chúng ta chỉ lobby ở trung ương mà bỏ quên địa phương
Việc lobby chính giới, muốn hữu hiệu, phải bắt đầu từ các địa phương chứ không phải từ trung ương. Nghĩa là người Việt tại mỗi tiểu bang cần phải vận động chính giới tại tiểu bang của mình. Nhờ vậy, trong các buổi họp Quốc hội, khi những thỉnh cầu của chúng ta được đưa ra biểu quyết, mới có đông nghị sĩ và dân biểu biết đến mà bỏ phiếu cho những thỉnh cầu ấy. Nếu chỉ vận động một vài nhân vật quan trọng tại Trung ương, hay một vài nhân vật nổi tiếng đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam mà thôi, thì trong hội nghị của các nghị sĩ dân biểu, sẽ chỉ có một vài vị biết đến những nguyện vọng của chúng ta thôi. Hầu hết những vị khác vì chưa biết đến những nguyện vọng ấy sẽ không bỏ phiếu thuận, khiến điều chúng ta đã lobby sẽ không có kết quả.
Khi vận động ở địa phương, các nghị sĩ hay dân biểu sẽ dễ dàng chấp nhận những đề nghị của chúng ta vì họ muốn chúng ta bỏ phiếu bầu cho họ trong cuộc bầu cử sắp tới. Do đó, trong những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, sức mạnh của chúng ta nằm trong lá phiếu bầu cử của mình. Rất nhiều người Việt tị nạn dường như không ý thức được lợi thế này để tận dụng nó vào việc tranh đấu.
Đương nhiên, không phải chỉ người Việt quốc gia chúng ta mới biết lobby, bọn cộng sản nằm vùng tại hải ngoại cũng biết làm điều đó. Nếu chúng ta không lobby, hoặc lobby không đúng cách như ông Scott Flypse đã từng lưu ý chúng ta, thì chính phủ các nước có thể sẽ chịu ảnh hưởng của bọn cộng sản nằm vùng tại hải ngoại, nếu họ biết lobby đúng cách hơn chúng ta.
Ngày xưa, VNCH bị mất vào tay Cộng sản, không phải vì chế độ dân chủ Miền nam yếu hơn chế độ cộng sản Miền Bắc. Chúng ta không thua cộng sản về cuộc chiến ở trong nước, mà thua chúng vì cuộc chiến ở hải ngoại. Phe thân cộng hay phe phản chiến đã ảnh hưởng được chính phủ Hoa Kỳ mạnh hơn chúng ta, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ vẫn đứng cùng một phe với chúng ta.
Vì thế, thiết tưởng chúng ta nên quan tâm đến những góp ý của ông Scott Flipse và chỉnh lại cách lobby của chúng ta.
Sau đây là một vài đề nghị:
a) Lobby tại địa phương
− Trước hết, Cộng đồng Người Việt Quốc gia tại mỗi tiểu bang nên có một nhóm chuyên trách việc lobby tại địa phương. Nhóm này phải có thẩm quyền đại diện cho Cộng đồng Người Việt Quốc gia tại tiểu bang ấy.
− Khi có những vấn đề chung cần lobby, thiết tưởng các tổ chức, đoàn thể, đảng phái… tại địa phương nên phối hợp với tổ chức của cộng đồng để lobby với danh nghĩa cộng đồng. Có như thế những yêu cầu của chúng ta mới dễ dàng được chính quyền địa phương lắng nghe và quan tâm hơn.
− Các Cộng đồng Người Việt Quốc gia tại các tiểu bang nên liên lạc để thống nhất với nhau về những thông tin cung cấp và yêu cầu cần đệ đạt. Cần tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” giữa những nhóm lobby tại các tiểu bang, điều này rất bất lợi và làm giảm giá trị những yêu cầu mà những nghị sĩ, dân biểu đại diện chúng ta trình bày trong những buổi họp tại Quốc hội Trung ương.
b) Lobby tại trung ương
− Khi lobby, chúng ta nên kết hợp nhiều thành phần, nhiều tổ chức, đảng phái, đoàn thể khác nhau, để có một tiếng nói chung. Tránh tình trạng lobby riêng lẻ theo kiểu mạnh ai người ấy làm, mạnh đoàn thể nào đoàn thể ấy nói. Nếu phái đoàn lobby gồm đại diện của nhiều cộng đồng địa phương hợp lại thì tiếng nói của phái đoàn ấy sẽ có giá trị rất lớn.
− Tại mỗi quốc gia, cần có một Ban Đại diện chính thức cho Cộng đồng Người Việt tại quốc gia ấy, hay một Ban Điều Hợp Các Cộng đồng Người Việt Quốc gia tại các tiểu bang, tỉnh bang (hay các tập thể lớn liền dưới cấp quốc gia). Ban Đại Diện (hay Ban Điều Hợp) và Chủ Tịch của Ban này cần được dân chúng bầu lên trong một cuộc bầu cử hợp pháp, tự do và công bằng. Điều này hết sức cần thiết để tiếng nói của Người Việt Quốc gia tại mỗi nước có đủ sức mạnh khiến chính phủ các cấp tại quốc gia ấy phải quan tâm.
Những đề nghị trên đây chắc chắn không mới mẻ gì, và trong quá khứ đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhưng chưa thành công. Tuy nhiên, không thể vì thế mà chúng ta thất vọng không tiếp tục nỗ lực nữa. Việc Người Việt Quốc gia tại mỗi nước có một tiếng nói chung, một Ban Đại Diện chính thức là một thách đố mà chúng ta phải quyết tâm vượt qua và thực hiện nếu chúng ta thực tâm muốn thành công trong cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản và xây dựng đất nước.
Ngày nay, tại hải ngoại, chúng ta chiến đấu với cộng sản không phải bằng súng đạn ngoài chiến trường, mà bằng việc lobby trong chính trường nước sở tại và nhiều phương cách khác (biểu tình, tẩy chay cờ đỏ sao vàng, tẩy chay văn hóa vận, v.v…) Hiện nay, số người Việt quốc gia tại hải ngoại đông gấp bội số cộng sản nằm vùng, đó là một lợi thế của chúng ta. Chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới việc vận động các chính phủ đang có ảnh hưởng mạnh trên Bộ chính trị CSVN. Chúng ta cần lobby mạnh hơn, khôn ngoan hơn và hữu hiệu hơn bọn cộng sản nằm vùng thì chúng ta mới chiến thắng. Nếu chúng ta cứ tiếp tục đấu tranh trên chính trường cách rời rạc, không thống nhất như trước, đồng thời bỏ ngỏ chính trường tại địa phương mặc cho bọn nằm vùng cộng sản thao túng, thì… làm sao chúng ta chiến thắng được?
Houston, ngày 2/10/2011.
Nguyễn Chính Kết
Filed under: Nguyễn Chính Kết, Tác Giả Ngoài Nước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét