8.10.11

Tin tong hop8/10/11

Tiền đầu tư chảy về đâu?
Một lượng tiền đã chảy vào bất động sản, chứng khoán, vàng và USD. Nhưng một số vốn khác đang treo lơ lửng chờ đợi, nghe ngóng những diễn biến mới từ nền kinh tế. 

Hiện nay sức hút vào kênh gửi tiết kiệm không còn như trước nữa. Ảnh: HTD 
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng ở TP.HCM, với trần lãi suất tiền gửi là 14%, nhiều ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn về việc huy động vốn. Những ngân hàng nhỏ hiện nay mỗi một ngày lượng tiền huy động giảm từ 5 tỉ đến 20 tỉ đồng mỗi ngày. 

Kênh đầu tư tiết kiệm giảm mạnh 
Điều đáng nói là không chỉ các ngân hàng nhỏ bị hụt lượng tiền huy động mà một số ngân hàng lớn cũng giảm. Tính từ đầu tháng 9 đến nay số tiền huy động toàn bộ hệ thống ngân hàng đã giảm đi 0,26%, tương đương với khoảng 6.500 tỉ đồng. 
Theo GS-TS Võ Thanh Thu, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngày 7-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra văn bản siết các ngân hàng không được huy động vượt trần 14%/năm thì nhiều người đã đi rút tiền không gửi nữa. Trước đây nhiều ngân hàng huy động ở mức 18%-19% mà vẫn thiếu vốn, nay siết lãi suất huy động không quá 14% ngân hàng càng khát vốn hơn. 
“Trong bối cảnh lạm phát, không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng đã phải hy sinh vì mục tiêu chung. Trong tình hình lãi suất tiền gửi 14% mà lạm phát vẫn gần 20% thì tiền lời từ gửi tiết kiệm vẫn không bù lại được so với lạm phát. Đồng tiền ngày càng mất giá, người dân như đang ăn mòn vào tiền của mình” - bà Thu nói. 
“Người ta vẫn hay nói lãi suất thực âm hay thực dương là bởi so sánh lãi suất với lạm phát. Hiện nay tiền đồng đã mất giá 15% thì sức hút vào kênh gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước nữa cũng là điều dễ hiểu” – GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, nhận định.
Chứng khoán ấm lên 
Trong bối cảnh kinh tế thế giới, sự liên thông giữa các nền kinh tế với nhau đang tác động mạnh đến diễn biến ở mỗi quốc gia. Chính vì thế diễn biến kinh tế Việt Nam thực sự rất khó lường. Không chỉ người dân mà các nhà đầu tư đang dè chừng hơn là nhảy vào lựa chọn. 
“Theo tôi, khi chứng khoán giảm, bất động sản chững lại thì một lượng tiền đã chảy vào bất động sản và chứng khoán. Một lượng tiền cũng đã chảy vào vàng và USD. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng vốn đang nằm “án binh bất động” chờ đợi, nghe ngóng những diễn biến tiếp theo” - TS Nguyễn Ngọc Ảnh, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, nhận định. 
Theo số liệu Sở Giao dịch Chứng khoán của TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán HN, tổng giao dịch tháng 9 tăng khoảng 10.000 tỉ đồng so với tháng 8. Tuy nhiên, sau đó đến cuối tháng 9 đầu tháng 10, lượng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán có dấu hiệu giảm. Nguyên nhân thứ nhất là do giới đầu tư làm động tác chốt lời. Thứ hai, thời điểm này giá vàng có đợt giảm mạnh nên có thể một dòng tiền đã đổ qua kênh đầu tư vàng. 
Mấy ngày vừa qua, tỉ giá biến động rõ rệt. Cụ thể USD tự do cao hơn USD trong ngân hàng 500-600 đồng. Theo nhiều chuyên gia, đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người dân đã rút tiền mua USD. Vì tâm lý chung của người dân là cái gì tăng là chạy theo. 
Yên Trang


NHNN sẽ cấp hạn ngạch bán vàng trong nước.....! 
NHNN sẽ cấp hạn ngạch bán vàng trong nước, quản lý linh hoạt mua bán vàng tài khoản, chuyển đổi có điều kiện tối đa 30% vàng huy động thành tiền... 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị một loạt các động thái mới, kể cả sửa đổi một số văn bản pháp quy, nhằm dập tắt có hệ thống các “cơn sốt” vàng, kiểm soát thị trường, đưa giá vàng trong nước về ngang bằng với giá thế giới. 
Sẽ cấp hạn ngạch bán vàng trong nước 
Hàng trăm ngàn lượng vàng có thể sẽ được cơ quan quản lý cho phép các ngân hàng bán ra thị trường từ nguồn vàng huy động thông qua hình thức cấp hạn ngạch (quota). Đây là con số mà NHNN dự kiến sau khi làm việc với những tổ chức tín dụng có số dư huy động vàng lớn nhất hệ thống. 
Lượng vàng mà mỗi ngân hàng được phép bán ra thị trường được ấn định cụ thể trong hạn ngạch. Kèm theo hạn ngạch bán vàng là giấy phép đặc biệt cho phép các tổ chức tín dụng được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro với quy mô mua/bán tương đương số vàng bán/mua tại thị trường nội địa. 
Những ngân hàng nào sẽ được phép bán vàng? Theo nguồn tin đáng tin cậy, năm ngân hàng đã được chọn. Ngoài số dư huy động vàng lớn, năm tổ chức tín dụng này còn phải đảm bảo một số tiêu chí khác, trước hết là đáp ứng các điều kiện về chỉ số an toàn trong hoạt động. 
Quản lý linh hoạt mua bán vàng tài khoản 
Về mặt kỹ thuật, những ngân hàng mở trạng thái bán vàng trong nước, phải cân bằng trạng thái bằng cách mua vàng tài khoản ở nước ngoài trong vòng 24 giờ. NHNN sẽ có tổ chuyên trách giám sát liên tục hàng ngày tài khoản vàng ở nước ngoài cũng như cập nhật lượng vàng bán ra trong nước của từng ngân hàng. 
Việc đặt ra thời hạn 24 giờ, rõ ràng, là nhằm chống rủi ro biến động của giá vàng quốc tế một cách tối đa. Các ngân hàng, như vậy, sẽ chỉ là người môi giới và được hưởng một mức phí nhất định. Người mua vàng trong nước mới là người gánh chịu rủi ro giá vàng. Họ có thể có lời nếu giá vàng quốc tế lên và lỗ nếu giá quốc tế xuống. 
Từ đây, câu chuyện không phải là thiếu nguồn cung nữa. Nếu anh muốn mua vàng, các ngân hàng sẽ bán cho anh. Lời ăn lỗ chịu, anh chịu trách nhiệm về hành động của mình. Sẽ không còn động thái “bảo hiểm” giá vàng nội địa theo dạng đầu cơ: tình trạng giá quốc tế lên, giá vàng trong nước lập tức nhảy lên theo; giá quốc tế hạ, giá trong nước giảm từ từ hoặc được neo. 
NHNN ấn định mức chênh lệch của giá vàng trong - ngoài nước là 400.000 đồng/lượng quy đổi theo tỷ giá chính thức (hiện nay là 20.834 đồng/đô la Mỹ). Mức này để bù đắp các chi phí, kể cả giá thành gia công vàng miếng, phí giao dịch ngoại tệ để nhập khẩu vàng trong trường hợp cần thiết. Khi thị trường ổn định, tức chênh lệch giá dao động xung quanh mức trên, các ngân hàng sẽ đóng trạng thái vàng nước ngoài. 
Việc mở - đóng trạng thái có thể linh hoạt theo cung cầu thị trường và được giải quyết rất nhanh. Nếu xảy ra trường hợp hết vàng do nhu cầu đột biến chẳng hạn, NHNN chủ động cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng với số lượng đủ mức cần thiết. Con số mà các ngân hàng ước tính chừng 10 tấn. 
Một khi nhập vàng, nguồn tin của chúng tôi cho biết, các ngân hàng phải tự lo ngoại tệ. Tuy nhiên cơ quan quản lý có thể xem xét hỗ trợ một phần nhu cầu ngoại tệ. Về phía mình, các tổ chức tín dụng phải cam kết bán vàng ra ngay khi chênh lệch giá nội - ngoại vượt quá 400.000 đồng/lượng. Những ngân hàng đã cam kết mà không bán ra, hoặc bán cầm chừng, hoặc chỉ bán một phần số lượng đã được cấp, sẽ bị rút giấy phép ngay lập tức. 
Chuyển đổi có điều kiện tối đa 30% vàng huy động thành tiền 
Để thực thi việc bán vàng, cần phải sửa đổi một số quy định hiện hành. NHNN đã hoàn tất dự thảo thông tư mới sửa đổi một số điều của Thông tư 11/2011 ngày 29-4-2011 quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng. Khoản 2 điều 1 của dự thảo nêu rõ: “Tùy theo tình hình biến động thị trường, NHNN cho phép tổ chức tín dụng được chuyển đổi tối đa 30% số dư tồn quy vàng huy động thành tiền trong thời hạn nhất định”. 
Dự thảo liệt kê các tiêu chí để được chuyển đổi: ngân hàng có kinh nghiệm xuất nhập khẩu, kinh doanh, huy động, cho vay vàng từ năm năm trở lên; có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, có quy chế quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng; có hệ thống mạng lưới phân phối rộng rãi; không vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong các tiêu chí này, tiêu chí sau cùng nặng nhất vì việc vi phạm nếu xem xét kỹ mức độ thì sẽ có ngân hàng bị loại. 
Trong hồ sơ chuyển đổi vàng huy động và mở tài khoản ở nước ngoài, ngoài việc báo cáo số liệu huy động, cho vay, xuất, nhập khẩu, lời lỗ kinh doanh vàng trong vòng sáu tháng gần nhất, các ngân hàng phải trình đề án chuyển đổi và mở tài khoản bảo hiểm rủi ro. Đề án, theo nhận xét của giới tài chính, sẽ gắn trách nhiệm của từng ngân hàng với những ràng buộc cụ thể. 
Dự thảo, theo thông tin mới nhất, sau khi có ý kiến của Chính phủ và các bộ, ngành, sẽ được ban hành trong tuần tới. Việc ra đời và thực hiện nó có khả năng là một bước ngoặt trong điều hành, quản lý vàng. Chiến dịch vàng, nếu có thể gọi như thế, sắp mở màn!
Theo (InfoTV) 


Tăng lương: Vừa có hiệu lực đã lỗi thời 
TP - Ngày 6-10, PV Tiền Phong có mặt tại nhiều vùng công nghiệp trên cả nước. Theo phản ánh của nhiều công nhân, mức lương cơ bản 2 triệu đồng/tháng (vùng 1), tuy giúp công nhân tăng thêm vài trăm ngàn đồng/tháng, nhưng vẫn không đủ sống. Bởi lương tăng không theo kịp tăng giá...
Nhiều lao động trẻ sau khi đọc thông tin tuyển dụng buồn rầu ra về vì mức lương doanh nghiệp trả quá thấp Ảnh: Hồng Vĩnh. 

Chủ trọ dọa tăng giá 
Kim Chung và Vân Nội (huyện Đông Anh-Hà Nội)) là hai xã tập trung nhiều công nhân thuê trọ. Các công nhân thuê trọ ở đây chủ yếu làm việc cho các Cty nước ngoài đóng tại KCN Thăng Long. Chị Lương Thị Hồng (Tam Dương, Phú Thọ) hiện đang làm việc tại Cty Panasonic với mức lương 4,3 triệu đồng/tháng (gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp). 
Hồng cho biết, bắt đầu từ tháng 10 này, Cty Panasonic bắt đầu tăng lương cơ bản thêm 400 ngàn đồng/tháng cho công nhân. Hồng và người bạn cùng phòng làm việc theo kíp, mỗi kíp từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối. 
“Được tăng lương thì ai cũng mừng nhưng cứ mỗi lần tăng lương, bọn em lại lo âu thắc thỏm. Lo vì tiền thuê nhà, điện, nước, thức ăn, đồ uống... sẽ tăng theo” - Hồng nói. 
Hồng cho biết, mấy ngày qua, nghe tin công nhân được tăng lương, bà chủ nhà đã bắt đầu đánh tiếng đòi tăng giá thuê phòng từ 500 nghìn lên 700 nghìn/tháng”. 
Khi hỏi đến chuyện Cty đã tăng lương hay chưa, Hà Thị Thương (Tam Nông, Phú Thọ) rầu rĩ nói, mức lương tối thiểu hiện được Cty Daiwa đã cao hơn quy định của Nhà nước nên tổng lương chắc sẽ không thay đổi. Hiện, ngoài lương tối thiểu gần 2,5 triệu đồng/tháng, Cty trả thêm gần 500 nghìn tiền phụ cấp xăng xe, phụ cấp chuyên cần cho công nhân. 
“Nói là công nhân được tăng lương nhưng đâu có thấy. Cứ mỗi lần tăng lương là bọn em bị vạ lây vì giá cả leo thang chóng mặt, giá thuê phòng tăng” - Thương nói. 
Nghe tin công nhân được tăng lương, sáng 6-10, nhiều thanh niên đổ xô đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại bảng tin KCN Thăng Long. Tuy nhiên, sau khi xem mức lương, nhiều người thất vọng ra về. Phạm Hồng Tuấn (23 tuổi, Na Hang, Tuyên Quang) cho biết, đã học xong nghề lái xe nhưng ở Na Hang không ai thuê nên khi nghe tin công nhân được tăng lương, vội vàng bắt xe xuống Hà Nội để tìm cơ hội. 
“Em đọc mãi nhưng Cty nào cũng thông báo mức lương chỉ nhỉnh hơn lương cơ bản tí xíu. Mức lương đó thì không thể đủ trang trải chi phí thuê nhà, tiền ăn, ở lại Hà Nội” - Tuấn nói. 
Tăng lương chưa theo kịp tăng giá 
Cty cổ phần May Bắc Giang, hiện có 9 nghìn công nhân cũng đang tính mức lương trung bình 2 triệu đồng/tháng đối với công nhân mới (cao hơn gần 500 nghìn đồng/tháng so với mức lương tối thiểu do nhà nước áp dụng từ 1-10 đối với các DN vùng III), chưa kể các chi phí khác. 
Ông Nguyễn Hữu Phải, Giám đốc Cty cổ phần May Bắc Giang cho biết: Nếu không có chế độ lương, thưởng hợp lý sẽ khó giữ chân công nhân nên việc tăng lương tối thiểu đã được DN áp dụng từ lâu. Hiện nay, mức lương tối thiểu do nhà nước áp dụng từ 1-10 vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và khó có thể bảo đảm đời sống cho người lao động. 
Tại Đồng Nai, nơi tập trung lượng công nhân lớn nhất nhì các tỉnh phía Nam, khá nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương cho công nhân. Chị Nguyễn Thị Lý làm việc tại Cty Pouchen nhẩm tính với mức lương 3.66 hiện nay lương chị tăng thêm mỗi tháng hơn 700 ngàn đồng. Chị cho biết: “Dù sao mỗi tháng cũng được thêm ít nuôi con”. 
Tuy nhiên phần đông các công nhân đều không có thâm niên cao nên việc tăng lương tính ra cũng chỉ được vài ba trăm ngàn đồng tháng. 
Chị Phạm Thị Nam làm việc tại Cty Taiwang VN cho rằng: “Từ hơn 1 năm nay giá cả đã tăng nhiều rồi, nên tăng thêm được mấy trăm ngàn cũng chẳng hơn là bao, chỉ sợ nghe lương tăng một thì giá cả ngoài chợ đã tăng lên mười”. 
Theo Sở Lao động và Thương binh xã hội (LĐ-TBXH) Đồng Nai các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều thực hiện đúng quy định về tăng lương của Chính phủ, thậm chí từ tháng 8, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng lương, để giữ chân người lao động. 
Ông Trần Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TBXH Đồng Nai cho biết: “Việc điều chỉnh lương đã thành thói quen trong doanh nghiệp, thậm chí có doanh nghiệp còn tăng cao hơn mức lương tối thiểu quy định. 
Tại Đồng Nai mức tính lương được chuyển từ vùng 2 sang vùng 1 nên người lao động cũng được hưởng thêm quyền lợi”. Cũng theo nhận định của ông Hoàng thì việc tăng lương hiện nay đối với người lao động vẫn không cải thiện được nhiều hơn đời sống của công nhân. 
Phong Cầm- Mạnh Thắng - Nguyễn Trường 


Pháp Luân Công 'thiền tập thể' tại TP HCM
BBC-Cập nhật: 08:06 GMT - thứ năm, 6 tháng 10, 2011 
Cuộc tọa thiền ôn hòa trước LSQ Trung Quốc đã bị giải tán 

Cuộc tọa thiền tập thể của nhóm học viên Pháp Luân Công trước cửa lãnh sự quán TQ ở TP HCM nhân vụ xử hai học viên ở Hà Nội sáng thứ Năm 6/10 đã nhanh chóng bị giải tán. 
Một người tham gia cuộc tọa thiền, ông Nguyễn Văn Nghĩa, nói với BBC rằng nhóm học viên khoảng 30 người, gồm "đủ loại thành phần và lứa tuổi". 
Ông Nghĩa nói từ TP Hồ Chí Minh: "Cuộc tọa thiền bắt đầu vào khoảng 7:30 sáng trước tòa lãnh sự ở Quận 1, chừng một tiếng sau thì công an tới hốt cả nhóm đi". 
"Chúng tôi tham gia ngồi thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc với hai đòi hỏi: Trung Quốc phải chấm dứt việc đàn áp Pháp Luân Công ở trong nước họ; và chính phủ Việt Nam cần trả tự do cho hai người bị bắt vì phát thanh thông tin về Pháp Luân Công." 
Phiên xử học viên Pháp Luân Công Vũ Đức Trung và anh rể ông, ông Lê Văn Thành, tội 'Đưa trái phép thông tin trên mạng viễn thông' đáng ra phải diễn ra vào buổi sáng 6/10, nhưng bị hoãn vào phút chót. 
Cho tới 8 giờ tối giờ Việt Nam, phần lớn nhóm học viên Pháp Luân Công ngồi thiền trước lãnh sự quán Trung Quốc đã được cho về nhà. 
Ông Nguyễn Văn Nghĩa nói với BBC rằng công an khi giải tán đám đông không sử dụng bạo lực, nhưng "có lôi kéo mọi người rất dữ". 
Ông cũng nói có người mặc áo vàng in dòng chữ của môn phái Pháp Luân Công "đã bị lột áo". 
"Họ giải thích việc tụ tập không có phép như vậy là gây mất trật tự trị an. Họ cũng lập biên bản và nói sẽ xử phạt hành chính những người tham gia." 
Việt Nam, tuy chưa bao giờ chính thức cấm Pháp Luân Công, luôn bác bỏ rằng môn phái này tồn tại ở trong nước, và nói chỉ có người tập luyện dưỡng sinh vì sức khỏe. 
Một số nhân chứng khác cho hay buổi tập công buổi sáng thứ Năm tại công viên Lê Văn Tám cũng đã bị công an giải tán "bằng cách phun nước". 
Các học viên Pháp Luân Công đã tập họp tại công viên này để tập công vào khoảng 5:30 sáng, sau đó một nhóm rút đi để tham gia hoạt động ngồi thiền. 
Hoãn phiên tòa
Trong khi đó bà Lê Thị Thu Hoà, vợ bị cáo Vũ Đức Trung trong phiên xử ở Hà Nội, cho hay bà nhận được tin hoãn xử từ tòa án khi vừa đặt chân tới cổng tòa án. 
Ông Trung, nguyên giám đốc Công ty Phần mềm Nhân Hòa, và Lê Văn Thành, anh rể của ông Trung, bị bắt từ tháng 6/2010. 
Luật sư Trần Đình Triển, người tham gia phiên tòa xử với tư cách là luật sư biện hộ cho ông Vũ Đức Trung cũng nhận được thông báo này vào hôm thứ Năm 6/10. 
Việc trì hoãn phiên tòa lần này là do Cục tần số Vô tuyến điện Bộ Thông tin và Truyền thông làm văn bản yêu cầu. 
Cục này tham gia phiên xử với tư cách cơ quan giám định, ông Triển cho biết. 
“Thường là một vụ án hình sự thì kể cả luật sư vắng mặt và nếu giám định viên có trong hồ sơ vụ án, để đảm bảo cách xét xử một cách nhanh chóng thì người ta vẫn tiến hành bình thường.” 
Ông nói thêm: “Trong trường hợp này, cho dù Cục tần số Vô tuyến điện đóng vai trò như cơ quan giám định, hay một nhân chứng và cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì cũng không có lý do gì để trì hoãn phiên tòa.”
Học viên Pháp Luân Công kể chuyện 
Một người theo môn phái Pháp Luân Công ở TP Hồ Chí Minh kể chuyện công an giải tán cuộc ngồi thiền trước lãnh sợ quán TQ hôm 6/10. 

Trong bản cáo trạng, Cục này đã tiến hành thanh tra và đưa ra kết luận rằng những thiết bị của công ty phần mềm Nhân Hòa chưa có giấy phép sử dụng. 
Luật sư Triển nói ông “rất cần Cục tần số tham gia tố tụng cho vụ án này” nhằm làm rõ mức độ vi phạm của ông Vũ Đức Trung. 
Dựa vào Luật Bưu chính viễn thông, mức sóng mà thiết bị này phát tán ra chưa đủ lớn để bị truy tố hình sự, ông Triển nói thêm. 
Ông nói vẫn chưa nhận được thông tin gì về phiên tòa xét xử tiếp theo tuy nhiên, dự tính sẽ diễn ra vào cuối tháng 10/2011. 
Hai ông Trung và Thành đã bị bắt khẩn cấp ngày 10/06/2010 vì cáo buộc vi phạm điều 226 ‘đưa lên mạng những thông tin trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng’. 
Cục Tần số Vô tuyến điện Bộ Thông tin và Truyền thông đã thu giữ ba hệ thống máy phát sóng và các phương tiện kỹ thuật "phục vụ việc phát sóng trái phép" đặt tại hai địa chỉ ở ngoại thành Hà Nội. 
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nói qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã xác định rằng vào khoảng giữa năm 2007, ông Trung "trở thành hội viên một môn phái bị cấm tại nước ngoài". 
Theo Viện Kiểm sát, việc phát sóng đã được thực hiện từ tháng 4/2009 cho đến khi bị phát hiện là tháng 6/2010 với thời lượng từ 5h đến 23h hàng ngày. 
Luật sư Triển cũng cho biết hiện nay Nhà nước Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào cấm môn phái này, vốn bị chính phủ Trung Quốc cho là 'tà đạo' và cấm hoạt động ở trong nước
----------------------------
Viettin: Người Việt chống Tầu không được, mà người Tầu chống Tầu cũng không xong ! Xem ra Đảng đã hết mình vì đàn anh Trung Quốc.


Khắp nơi ... đều loạn:
Kẻ gian đột nhập tiệm vàng lấy 3,8 tỷ đồng
07/10/2011 09:16:46 
Vào lúc 8h ngày 6/10, chị Lý Thị Hậu (28 tuổi, trú tại nhà số 30 Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, HN) là chủ hiệu vàng Kim Phúc đến cơ quan công an trình báo bị mất trộm.
Buổi sáng cùng ngày khi tỉnh dậy, chị Hậu phát hiện kẻ gian đột nhập qua cửa sổ tầng 1, vào nhà phá khoá kỹ thuật ở tầng 2, mở hòm đựng tài sản, lấy đi một số vàng, tiền, trị giá 3,8 tỷ đồng.
Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp CA quận Long Biên tổ chức khám nghiệm hiện trường và tổ chức điều tra truy xét. 
Trước đó, ngày 4/9, tại tiệm vàng Liêm Minh ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM cũng xảy ra một vụ việc tương tự. Lợi dụng lúc chủ tiệm khi chở gia đình đi ăn tối, kẻ gian đã đột nhập tiệm vàng lấy đi 50 lượng vàng 24K, 80 lượng vàng 18K và 500 triệu đồng, tổng thiệt hại khoảng 5,5 tỉ đồng. 
Bắc Lưu (Tổng hợp)


Khi kinh tế ... xuống tới đáy:
Bỏ hoang 8 con tàu bạc tỉ
07/10/2011 10:51:12 
Ngày 6/10, ông Đỗ Trung Hiệp -Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa) - cho biết cách đây hai năm, Công ty Biển Đông ở TP.HCM (hiện đã giải thể) thuê bến neo đậu tám con tàu lớn chuyên đánh bắt xa bờ mang tên “Đại Dương” và “Biển Đông” tại cảng Hòn Rớ. 
“Những chiếc tàu này khi mới vào cảng còn nguyên vẹn, hoạt động tốt, nhưng sau đó vì chủ tàu không trả lương cho các thuyền viên nên họ tháo bán dần các bộ phận trên tàu rồi bỏ đi sạch” - ông Hiệp nói. Cách đây sáu tháng, do lo ngại những chiếc tàu này gây ô nhiễm môi trường, Ban quản lý cảng Hòn Rớ đã “đuổi” chúng về bãi cạn phía đông cách cảng khoảng 300m. 
Những chiếc tàu bạc tỉ chỉ còn lại phần xác hư hỏng nặng - Ảnh: Tuổi trẻ 
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Trường - Trưởng phòng kinh doanh Công ty Cho thuê tài chính 2 - thừa nhận tám chiếc tàu nêu trên thuộc sở hữu của công ty này. Ông Trường cho hay đây là những chiếc tàu mà nhóm ông Lê Xuân Ninh “cá ngừ” thuê của công ty ông, sau đó làm ăn thua lỗ không trả vốn gốc lẫn lãi rồi bỏ mặc ở đó. 
Ông Trường cho hay “nhóm ông Ninh” thành lập hàng loạt công ty TNHH chuyên ngành sản xuất, khai thác thủy hải sản tại TP.HCM, sau đó thuê tài chính để hoạt động. “Chúng tôi đã kiện nhóm ông Ninh ra tòa, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đang điều tra vụ việc này” - ông Trường nói. 
(Theo Tuổi trẻ) 


Phó phòng CSGT mất chức vì dùng bằng giả
07/10/2011 10:49:58 
Ngày 6/10, Trưởng Phòng tổ chức cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng đã công bố quyết định miễn nhiệm chức Phó phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đối với trung tá Nguyễn Văn Phong vì sử dụng bằng cấp 3 bất hợp pháp. 
Lớp đại học luật khóa 3, hệ vừa học vừa làm (ĐH Luật Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng tổ chức) có 133 học viên, nhưng chỉ có 132 sinh viên được trao bằng tốt nghiệp. 
Theo xác nhận của tiến sĩ Lê Văn Long (Phó Khoa tại chức ĐH Luật Hà Nội) và tiến sĩ Nguyễn Phương Lan (thanh tra đào tạo), thí sinh duy nhất bị loại khỏi khóa học này là ông Nguyễn Văn Phong. 
Dù hai môn thi tốt nghiệp của ông Phong đạt điểm khá, điểm trung bình toàn khóa cũng tốt, nhưng do vị trung tá này sử dụng văn bằng cấp 3 bất hợp pháp để đi học nên Hội đồng kỷ luật (giáo sư, tiến sĩ Hoàng Thế Liên chủ trì) đã hủy toàn bộ kết quả học tập của ông này. 
(Theo VNE) 


Buộc thôi việc ông Nguyễn Văn Tâm (*)
07/10/2011 09:44:49 
Ngày 6/10, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Long An đã có cuộc họp lấy ý kiến việc thi hành kỷ luật về mặt chính quyền đối với ông Nguyễn Văn Tâm, cán bộ Chi cục QLTT tỉnh. 
Theo ông Đặng Văn Lớp, Giám đốc Sở Công Thương, Sở đã thống nhất kỷ luật buộc thôi việc ông Tâm và sẽ ban hành quyết định này theo đúng trình tự pháp luật. Trước đó, ông Tâm đã bị cách chức về mặt chính quyền và bị khai trừ ra khỏi Đảng… 
Riêng ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh (kiêm nhiệm), có nhiều sai phạm trong lãnh đạo cơ quan, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Long An đề nghị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền, trình UBND tỉnh xem xét. 
Trường hợp bà Trần Thị Tuyết Hoa (vợ ông Minh, được ông Minh bổ nhiệm trái tiêu chuẩn), Đảng ủy khối đề nghị Sở Công Thương thu hồi quyết định bổ nhiệm sai. Theo ông Lớp, tới đây Sở cũng sẽ giải quyết dứt điểm vụ bà Hoa.
(Theo Pháp luật TP.HCM)
(*): Nhân vật trong vụ án sát hại nhà báo Hoàng Hùng 


Thứ Sáu, 07/10/2011 - 06:39Lạng Sơn: 
Hàng trăm tiểu thương lãn công, chợ Đông Kinh tê liệt
(Dân trí) - Từ sáng 3/10, để phản đối Công ty Cổ phần Chợ Lạng Sơn về việc truy thu tiền, tăng giá thuê quầy… hơn 600 tiểu thương tại chợ Đông Kinh đã lãn công, ngừng bán hàng khiến chợ Đông Kinh tê liệt. 
Những quầy hàng được phủ bạt kín ngừng mọi giao dịch mua bán. (Ảnh: Báo Lạng Sơn).

Theo phản ánh của các tiểu thương, nguyên nhân khiến bà con bất bình ngừng bán hàng là do Công ty cổ phần chợ Lạng Sơn truy thu số tiền đã hết hợp đồng từ tháng 1 đến tháng 9/2011; điều chỉnh tăng giá quầy, địa điểm kinh doanh và thu chênh lệch giá từ 1/1 đến 30 /9/2011. Trước quyết định của phía công ty, các tiểu thương đã có ý kiến đề nghị nhưng vẫn không được giải quyết nên đã xảy ra tình trạng bãi chợ. 
Trước sự việc các tiểu thương đồng loạt đóng cửa không bán hàng khiến chợ Đông Kinh tê liệt, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì cuộc họp liên quan đến sự việc với sự tham dự của Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Công ty cổ phần Chợ Lạng Sơn và Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Văn Bình kết luận việc điều chỉnh giá thuê quầy bán hàng, Giám đốc Công ty CP chợ Lạng Sơn đã tổ chức thực hiện đúng theo nghị quyết được thông qua tại Đại hội Đồng cổ đông từ tháng 4/2011và đã được sự đồng tình chấp hành của các hộ kinh doanh tại các chợ: Chi Lăng, Bờ Sông, Chợ Đêm. Và hiện nay việc điều chỉnh giá đang tiếp tục được triển khai tại Chợ Đông Kinh nhưng còn nhiều vướng mắc giữa các tiểu thương và Công ty CP chợ Lạng Sơn. 
Để Chợ Đông Kinh trở lại hoạt động bình thường, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Giám đốc Công ty CP chợ Lạng Sơn tiếp thu các kiến nghị của các hộ kinh doanh để báo cáo ngay Hội đồng quản trị công ty theo Luật doanh nghiệp, xin ý kiến xử lý đối với các kiến nghị của hộ kinh doanh. 
Trong khi chưa có ý kiến của Hội đồng quản trị, phía Công ty tạm thời chưa thu phần chênh lệch tiền thuê quầy giữa giá mới và giá cũ. Đồng thời yêu cầu Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty CP chợ Lạng Sơn tiếp tục vận động các hộ kinh doanh bán hàng trở lại bình thường, tránh tạo ra những hình ảnh không tốt đối với du khách, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và du khách tới Lạng Sơn. 
Bước đầu giải quyết sự việc, ngày 4/10 Công ty CP chợ Lạng Sơn đã ra nghị quyết không thu tiền chênh lệch giữa giá thuê quầy cũ và mới. Thời điểm thực hiện mức giá mới được tính từ tháng 5/2011. 
Trao đổi với PV Dân trí chiều 6/10, thượng tá Hoàng Anh - Trưởng Công an TP Lạng Sơn cho biết: “Sau khi việc bãi chợ Đông Kinh xảy ra, lực lượng công an của thành phố cũng đã có mặt để đảm bảo trật tự. Cho đến thời điểm hiện tại, một số tiểu thương tại chợ Đông Kinh đã hoạt động trở lại. Hiện phía Công ty CP chợ Lạng Sơn và các tiểu thương vẫn đang tiếp tục trao đổi đi đến thống nhất mở cửa bán hàng để chợ Đông Kinh hoạt động trở lại”. 
Anh Thế - Quốc Đô 


'Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam lạc quan tiếp tục giảm'
Khảo sát của Công ty kiểm toán Grant Thorton cho hay, trong quý 3, chỉ còn 38% doanh nghiệp Việt Nam lạc quan vào nền kinh tế, giảm 16% so với quý 2. 
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quốc tế của Công ty kiểm toán Grant Thorton, trong quý 3, sự lạc quan toàn cầu về nền kinh tế đã giảm so với quý 2. Tại Việt Nam, nếu như trong quý 2 có tới 54% số doanh nghiệp được hỏi lạc quan về nền kinh tế thì đến quý 3, tỷ lệ này giảm xuống còn 38%. 
Chỉ còn 38% doanh nghiệp Việt Nam lạc quan vào nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà. 
Giám đốc Điều hành của Grant Thornton Việt Nam Ken Atkinson cho biết, đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông thấy có nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam bi quan về tương lai đến như vậy. 
Theo Ken Atkinson, 72% doanh nghiệp Việt Nam đang phải gánh chịu các khoản vay quá cao và 50% thiếu vốn lưu động. Các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng lương đang tạo thêm áp lực cho lạm phát. 70% số người được hỏi cho biết tiền lương, tiền công tăng lên trong 12 tháng tới sẽ tương ứng hoặc cao hơn tỷ lệ lạm phát. 
Ken Atkinson cho hay, hiện nay các vấn đề Việt Nam cần phải tiếp tục giải quyết là lạm phát và lãi suất. Thị trường chứng khoán vẫn còn ảm đạm, phần nào phản ánh sự mất lòng tin của doanh nghiệp trong năm nay, thậm chí kéo dài đến năm sau. 
Bill Hutchison Giám đốc cao cấp dịch vụ tư vấn của Grant Thornton cho hay, Việt Nam và châu Âu đang đối mặt phải đối mặt với sự chuyển mình chậm chạp của nền kinh tế và cuộc khủng hoảng nợ quốc gia. Thêm vào đó, cuộc suy thoái kép ở nhiều nước châu Âu đã tác động đáng kể vào Việt Nam. 
Trên toàn cầu, sự lạc quan đã sụp đổ từ 31% xuống còn 3%. Sự lạc quan của doanh nghiệp tại Bắc Mỹ giảm từ 43% xuống chỉ còn 3%, Liên minh Châu Âu từ 34% xuống 0%. Ed Nusbaum, Giám đốc điều hành của Grant Thornton International cho biết, đây là những số liệu tệ nhất kể từ năm 2009, thời điểm các nước ở giữa cuộc suy thoái toàn cầu. 
Hoàng Lan

Không có nhận xét nào: