Tự vệ và tham vọng
Phan Long (BBC) - Vì sao chính phủ Miến Điện, một chính phủ được cho là đồng minh thân thiết của Trung Quốc đã biết nói: Không. Trong khi chính phủ Việt Nam lại chưa từng dám nói không với Trung Quốc, điển hình là vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên...
Việc Miến Điện quyết định ngừng xây đập thuỷ điện do Trung Quốc đầu tư đã trở thành tâm điểm dư luận ở Việt Nam.
Tổng thống Thein Sein nói trước Quốc hội Miến Điện rằng: “Chính phủ mà ông đang điều hành được lựa chọn bởi nhân dân, vì vậy, chính phủ này phải có nghĩa vụ tôn trọng nguyện vọng của nhân dân.”
Vì sao chính phủ Miến Điện, một chính phủ được cho là đồng minh thân thiết của Trung Quốc đã biết nói: Không. Trong khi chính phủ Việt Nam lại chưa từng dám nói không với Trung Quốc, điển hình là vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Sự kiện Miến Điện ngừng xây đập thủy điện phần nào cho thấy quốc gia trong khối Asean này đã đặt lợi ích kinh tế thấp hơn lợi ích về môi trường và nhất là lợi ích về an ninh, trước bối cảnh phải thường trực đối diện với một siêu cường quốc nhiều tham vọng như Trung Quốc. Điển hình là tham vọng áp đặt đường lưỡi bò trên Biển Đông.
Tham vọng lãnh thổ trên Biển Đông của Trung Quốc là mặt trời đen đang trồi lên trên toàn cõi Đông Á. Nếu Trung Quốc áp đặt được 'lợi ích cốt lõi' ngang ngược của họ thì không có gì ngăn được trong tương lai, cường quốc thiếu trách nhiệm này áp đặt những tham vọng lãnh thổ lên các quốc gia có liên quan khác.
Nhưng cũng chính tham vọng điển hình của Trung Quốc ở biển Đông lại đưa họ vào thế bị xa lánh, nghi ngờ và tự cô lập toàn diện.
Ám ảnh Biển Đông
Điểm qua một số thông tin gần đây, các quốc gia có liên quan đều nhìn vào nỗi ám ảnh Biển Đông do Trung quốc gây ra để có sự phát triển hơn nữa các khối đồng minh.
Mỹ - Úc - Nhật Bản - Ấn Độ, bộ tứ cường quốc hàng đầu này đã có những đối sách với Trung Quốc thẳng thắng hơn. Ngay cả với Việt Nam, dù dè dặt cũng nâng cấp những mối hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và gần đây nhất là Việt Nam – Hà Lan.
Thành công của Trung Quốc khi gây ra nỗi ám ảnh Biển Đông lại làm bừng tỉnh ý thức phòng thủ và liên kết phòng thủ của các quốc gia liên quan. Quan trọng hơn là làm sáng tinh thần yêu nước của hàng tỉ người dân trong khu vực trước hiểm họa từ Trung Quốc.
Một câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu Trung Quốc có dám tiến hành cuộc chiến xâm chiếm Biển Đông như một kiểu chiến tranh điển hình để phá thế, để thực hiện bước đi làm chủ các vùng biển chiến lược mà họ luôn nuôi tham vọng không?
Người ta có thể thấy sự chuẩn bị dư luận ráo riết qua những tuyên truyền kêu gọi tiến hành chiến tranh với Việt Nam và Philippines từ báo chí Trung Quốc.
Nhiều người Việt Nam quan tâm đến thời cuộc tin rằng không sớm thì muộn Trung Quốc sẽ gây chiến tranh trên Biển Đông. Qui mô chiến tranh có thể không vượt quá giới hạn hoàn thành mục tiêu cốt lõi độc chiếm Biển Đông để làm bàn đạp vững chắc cho những tham vọng vô biên của họ.
Riêng với Việt Nam, lịch sử đã cho thấy Trung Quốc không hề ngần ngại tiến hành chiến tranh xâm lược. Nhưng lịch sử cũng cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ được thoả mãn tham vọng điên rồ ở Việt Nam.
Việt Nam đã từng làm thất bại mọi tham vọng xâm phạm lãnh thổ, xóa bỏ độc lập dân tộc. Điều đó là nguyên nhân chính đang khiến Trung Quốc phải cân nhắc.
Nếu ngay trong trận đầu ra oai mà hải quân Trung quốc bại trận trong việc xâm chiếm toàn bộ Biển Đông thì không chỉ ê chề về mặt quân sự, mà còn là thảm họa ghê gớm cho toàn bộ tương lai của đế chế Trung Quốc.
Cự ly hành quân và tiếp vận từ các căn cứ hải quân trọng yếu ở tỉnh Hải Nam đến vùng biển Trường Sa là cái xương sống dễ bị đánh gãy nhất. Kể cả khi họ chiếm được các đảo ở Trường Sa thì chỉ cần một lực vừa đủ đánh vào cái xương sống yếu ớt đó cũng đủ làm sụp đổ tất cả tham vọng của họ.
Chính Thượng Đế đã ban tặng cho đất nước Việt Nam chiều dài địa lý thiêng liêng và chiều sâu yêu nước vô hạn để bảo vệ những lợi ích dân tộc sống còn.
Quân ủy Trung ương Trung Quốc hẳn biết tiềm lực có hạn của một quốc gia nhỏ như Việt Nam. Họ cũng dư biết so với họ các chiến thuyền của Việt Nam chỉ là những con châu chấu. Nhưng chính vì họ quá biết cái xương sống hải quân của họ yếu ớt ra sao nên họ chưa ra tay xâm lược.
Khi chính phủ của những người cộng sản đang điều hành đất nước Việt Nam và những chính phủ trong tương lai không biết nói không với từng bước đi ẩn hoặc hiện đầy mưu mô nham hiểm của Trung Quốc, không biết nói không với toàn bộ những tham vọng trí trá của Trung Quốc, để tự biến thành nhu nhược thì lúc đó Trung Quốc không cần tốn bom đạn cũng vẫn có thiệp báo tin mừng.
Lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng: Vì lẽ tự vệ sống còn, không dân tộc nào lại thua sút về mặt trí tuệ và lòng can đảm trước kẻ xâm lăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét