5.10.11

Việt Nam không nên vội vã nới lỏng chính sách tiền tệ


Việt Nam không nên vội vã nới lỏng chính sách tiền tệ

REUTERS

Trọng Nghĩa
Các nỗ lực của Việt Nam nhằm ổn định kinh tế và tiền tệ có thể bị suy yếu, nếu chính quyền buông lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Ông Benedict Bingham, đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Hà Nội đã lưu ý như trên trong một cuộc phỏng vấn ngày hôm qua, 04/10/2011, dành cho hãng tin Mỹ Bloomberg. Khuyến cáo được đưa ra vào lúc Việt Nam đang phải đối phó với một tỷ lệ lạm phát thuộc diện nhanh nhất châu Á.

Theo thẩm định của ông Bingham, nguy cơ là tất cả công lao khổ nhọc thực hiện trong năm nay để khôi phục uy tín và chứng tỏ với mọi người là chính quyền có “kỷ luật cần thiết” để thúc đẩy chương trình ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ bị xóa bỏ.
Theo hãng Bloomberg, thách thức đối với Việt Nam là làm sao khôi phục được niềm tin nơi các nhà đầu tư, đang bị sói mòn vì một loạt nhân tố xấu : Lạm phát trên 20%; thâm hụt thương mại nặng nề ; tình trạng gần như phá sản của Vinashin, tập đoàn đóng tàu lớn nhất của Việt Nam, cho thấy rõ các rủi ro trong hệ thống ngân hàng. Đồng tiền Việt Nam hiện thuộc loại yếu kém nhất châu Á so với đồng đô la Mỹ, chỉ thua đồng rupee Ấn Độ mà thôi.
Vào tháng Hai vừa qua, Việt Nam đã ban hành các biện pháp nhằm chống lại tình trạng giá tiêu dùng tăng vọt và để củng cố giá trị đồng nội tệ bằng cách siết chặt chính sách tiền tệ và tài chính. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chính quyền Hà Nội đã có dấu hiệu cho thấy là muốn thả lỏng chính sách này. Đối với ông Bingham, chương trình ổn định kinh tế vĩ mô đã ban hành chưa hoàn tất, do đó cần phải được tiếp tục.
Xin nhắc lại là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi đầu năm đă tăng lãi suất với mục tiêu ngăn chặn đà tăng trưởng tín dụng, kềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế. Thế nhưng, đến tháng Bảy vừa qua, định chế này đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 15% xuống còn 14% và một tháng sau đó, đã bắt đầu thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất của họ.
Chính các dấu hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ nới trên đã gây lo ngại, vì cho dù đã giảm đôi chút trong tháng 9 vừa qua, từ 23,02% xuống còn 22,42%, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn còn quá cao. Theo bản theo dõi 17 nền kinh tế châu Á của Bloomberg, Việt Nam vẫn là quốc gia có mức lạm phát cao nhất.
Trong tình hình đó, theo báo chí Việt Nam được hãng tin Anh Reuters hôm nay trích dẫn, thì trong năm 2011 này, mức thâm thủng mậu dịch của Việt Nam sẽ chỉ lên đến khoảng 10 tỷ đô la, một con số thấp hơn so với 12,6 tỷ đô la vào năm ngoái.
Tổng trị giá xuất khẩu dự trù tăng mạnh trong năm nay, là nguyên nhân giúp cho Việt Nam giảm được phần nào khiếm hụt thương mại. Việt Nam được hưởng lợi nhờ ba loại mặt hàng tăng giá trên thị trường quốc tế : nông sản, nguyên liệu thô và quặng mỏ.
TAGS: KINH TẾ - TÀI CHÍNH - VIỆT NAM

Không có nhận xét nào: