Song Chi - Nguoiviet
Cuối cùng thì vịnh Hạ Long cũng lọt vào danh sách 7 “ứng viên” kỳ quan thế giới mới theo công bố của ban tổ chức cuộc bầu chọn New7Wonders. Cùng với khu rừng rậm nhiệt đới Amazone (Mỹ), thác Iguazu (Brazil và Argentina), đảo núi lửa Jeju (Hàn Quốc), đảo Komodo (Indonesia), công viên quốc gia Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines) và núi Bàn (Nam Phi).
Vịnh Hạ Long. (Hình: Internet
Tuy nhiên, theo tổ chức NewOpenWorld, đây chỉ là danh sách tạm thời và sẽ còn thay đổi. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào đầu năm 2012.
Trừ báo chí nhà nước, thử lướt qua một số bài viết, ý kiến trên các diễn đàn độc lập, blog cá nhân, không mấy ai tỏ ra vui mừng trước kết quả này, thậm chí ngược lại.
“...Ngược với sự hồ hởi mừng vui ‘cả nước reo hò’- với tôi, chuyện Hạ Long ‘chiến thắng’ là một tin buồn. Buồn vì cuối cùng sự gian xảo lại chiến thắng, những phương cách phản văn hóa lại lên ngôi trong một cuộc bầu chọn văn hóa.” (“Có một cuộc bầu chọn khác”, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất)
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh nhận xét, khi một ca sĩ mua một thúng simcard điện thoại phát không cho fan của mình để họ nhắn tin thì bị báo chí đánh cho bầm giập vì “chơi không đẹp”, vậy mà với sự kiện bầu chọn cho vịnh Hạ Long, nhà nước lại cổ xúy cho hành động này.
Chưa kể, vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO, một tổ chức danh tiếng hơn nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Chẳng khác nào đã là hoa hậu Việt Nam lại dự thi hoa hậu tỉnh (“Hoa hậu VN dự thi Hoa hậu tỉnh”, Nguyễn Thế Thịnh)
Trên blog RFA đã từng có bài “Kệch cỡm như bầu chọn vịnh Hạ Long”. Bởi chỉ có ở Việt Nam, từ Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân cho tới lãnh đạo của các ban ngành mới tổ chức cả một cuộc họp “bàn phương án huy động tổng lực để bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”.
Chỉ riêng ông bộ trưởng văn hóa-thể thao-du lịch chẳng hạn, không chỉ tích cực bầu chọn và vận động người khác, ông còn... vận động tới cả đứa cháu gái 5 tháng tuổi “bấm” bình chọn cho Hạ Long, khiến nhà thơ Ðỗ Trung Quân phải kêu lên “Hãy cứu lấy trẻ con”!
Nhà báo Trương Duy Nhất: “Nhìn cảnh Quốc Hội nghiêm trang bầu Hạ Long, thấy cảnh ngài phó thủ tướng đến bộ trưởng, bí thư, chủ tịch và công chức các tỉnh thành, đội ngũ hùng hậu những thanh niên xung kích áo xanh, những giáo sư, tiến sĩ, sinh viên học sinh, những nhà báo, nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, chân dài... hò hét bầu cho Hạ Long, khiến không thể không liên tưởng đến hình ảnh ‘đàn cừu’ trong câu nói nổi tiếng của Giáo Sư Ngô Bảo Châu”.
Trước đó, một số người đã từng lên tiếng cảnh báo về việc New Open World Corporation chỉ là một tổ chức tư nhân, hoạt động nhờ tiền tài trợ, tiền quảng cáo... Ðồng thời, tổ chức UNESCO đã xác nhận họ không hề liên quan đến cuộc bầu chọn New7Wonders này.
Vậy thì tại sao phải mất thì giờ, lôi kéo từ các cán bộ lãnh đạo cấp cao, các ban ngành cho tới mọi người dân ném tiền qua cửa sổ cho một cái danh hão như thế.
Nhà nước viện lý do nếu vịnh Hạ Long được lọt vào danh sách 7 kỳ quan thế giới mới thì sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài. Nhưng nhiều người cũng đã vạch ra rằng nếu muốn cải thiện hình ảnh về du lịch Việt Nam, muốn lôi kéo thêm khách đến với Việt Nam và những người đã đến sẽ còn quay trở lại chứ không phải hầu hết là... đi luôn như hiện nay, Việt Nam cần phải có những việc làm thiết thực hơn nhiều.
Ðó là nâng cấp hạ tầng cơ sở, đường sá giao thông, cải thiện cung cách dịch vụ, ngăn chặn mọi trò chặt chém vô tội vạ, ăn xin, móc túi...; bảo vệ môi trường thiên nhiên trong lành, không bị ô nhiễm... Riêng vịnh Hạ Long thì còn phải chú ý đến tiêu chuẩn an toàn trên những chiếc thuyền du lịch sau sự cố hai tàu chở khách bị chìm khiến nhiều người tử vong trong những năm vừa qua.
Nhưng tất cả những lời cảnh báo hay đóng góp ý kiến chân tình đó vẫn bị bỏ ngoài tai. Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục vận động nhân dân lao vào cuộc bầu chọn và có những biện pháp khuyến khích như nhắn tin trúng thưởng... Báo chí chính thống được “lệnh” phải tuyên truyền tối đa, cũng góp phần không nhỏ tạo nên cơn sốt bình chọn cho vịnh Hạ Long.
Lại nhớ đến những ví dụ tương tự về việc chạy theo những cái danh hão, cổ xúy cho lòng tự hào dân tộc một cách quá đáng, trong khi những việc thiết thực thì lại không làm.
Như chuyện Giáo Sư Ngô Bảo Châu đoạt Huy chương Fields của Hiệp Hội Toán Học Quốc Tế (IMU). Còn nhớ lúc đó từ các lãnh đạo, báo chí truyền thông cho tới người dân Việt Nam đều như “lên đồng”.
Không ai phủ nhận chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về Giáo Sư Ngô Bảo Châu và thành tích mà ông đã đạt được. Nhưng đừng vì sự thành công của giáo sư mà vơ vào tất tần tật như thể đó là công lao của Việt Nam, là thành tựu của nền giáo dục Việt Nam. Giáo Sư Ngô Bảo Châu đúng là đã có cái nền tốt là giáo dục gia đình, giáo dục ở thời trung học phổ thông. Nhưng nếu không được học tập/làm việc trong những môi trưởng đào tạo/nghiên cứu chuyên nghiệp của Pháp, Mỹ, liệu ông có thành công như vậy không?
Thay vì vui sướng quá mức, lẽ ra chúng ta nên đặt lại câu hỏi làm thế nào để giáo dục Việt Nam ở bậc đại học, cao học... tốt hơn, có thể đào tạo ra những con người như Ngô Bảo Châu. Làm sao để môi trường sống và làm việc ở Việt Nam có thể thu hút được nhân tài chứ không phải sau khi thành đạt, dù có muốn cống hiến cho đất nước, họ cũng vẫn phải chọn lựa môi trường khác tốt hơn như ngay chính Giáo Sư Ngô Bảo Châu.
Sự kiện 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cũng thế. Ðâu phải trên thế giới này chỉ có mỗi Hà Nội là thủ đô 1000 năm tuổi. Có hàng chục thủ đô như vậy, trong đó có những thành phố cực kỳ nổi tiếng như Paris (Pháp), London (Anh), Rome (Italia), Athens (Hy Lạp), Prague (CH Séc)... cho tới Bắc Kinh (Trung Quốc), Cairo (Ai Cập), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ)...
Nhưng chẳng có nước nào đang còn nghèo, phải vay nợ nước ngoài chiếm 42% tổng sản lượng quốc nội GDP và còn quá nhiều vấn đề kinh tế-xã hội phải giải quyết như Việt Nam lại chơi sang, tổ chức một đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội quá tốn kém. Mà theo báo chí trong nước, là 94,000 tỷ VNÐ tức 4.5 tỷ USD, chiếm 10% GDP cả nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa được công khai, minh bạch trước quốc dân.
Chưa kể, hàng loạt công trình được xây dựng nhân dịp này, sau khi hoàn thành một thời gian ngắn đã bị xuống cấp, hư hỏng do thi công vội vã cho kịp tiến độ hoặc do tham nhũng.
Kỷ niệm 1000 năm của Hà Nội, câu hỏi đáng lẽ phải được đặt ra, đó là không chỉ “tuổi thọ” mà thành phố có những gì để chúng ta có quyền tự hào? Và Hà Nội cần phải làm gì để thực sự trở thành một thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại?
Thói chuộng hình thức, ưa chạy theo những thành tích phù phiếm, lãng phí tiền bạc, thời giờ của nhân dân... đã thành những “căn bệnh khó chữa” của cái nhà nước này.
Nhưng ngẫm cho kỹ, mọi việc nhà nước VN đã, đang và sẽ làm, kể cả những việc tưởng như rỗi hơi nhất cũng là có lý do. Ðó là kích động lòng tự hào đất nước, dân tộc nhằm lôi kéo sự chú ý của người dân vào những chuyện phù phiếm để nhất thời quên đi bao nhiêu vấn đề nan giải khác của xã hội.
Nhất là hiện tại, khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình xấu nhất về kinh tế kể từ năm 2006. Với nạn lạm phát cao nhất Châu Á, nợ nước ngoài tăng nhanh, hàng loạt các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ, vỡ nợ, phá sản, thậm chí bị kiện cáo ở nước ngoài như Vinashin, đời sống của người dân ngày càng khó khăn...
Cộng với những “căn bệnh mãn tính” như nạn tham nhũng, bất công trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, đạo đức xã hội xuống cấp, những quyền tự do tối thiểu của con người chưa được tôn trọng... đã chỉ ra những khuyết tật trầm trọng của mô hình thể chính trị lâu nay. Mô hình đó càng nguy hiểm trong hoàn cảnh Việt Nam đang đứng trước âm mưu bành trướng ngày càng lộ rõ của Trung Quốc.
Tất cả, đã bị người dân tạm thời quên đi khi lao vào cơn say tự hào 1000 năm Thăng Long-Hà Nội hoặc bình chọn cho Hạ Long!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét