24.11.11

Dân trí và Dân biểu Sài Gòn


Đại biểu Hoàng Hữu Phước và đại biểu Đỗ Văn
Đương (phải) từng có những phátngôn gây tranh luận
Sự kiện dân biểu Sài Gòn Hoàng Hữu Phước phát biểu về luật biểu tình tại Quốc hội gợi tôi nhớ đến một trường hợp dân biểu Sài Gòn khác khi Quốc hội khóa 13 khai mạc vào tháng Tám vừa qua.
Ông Đỗ Văn Đương – dân biểu Sài gòn, được Thời báo Kinh tế Việt Nam trích dẫn phát biểu rằng "Tôi không nghĩ lạm phát ở nước ta cao nhất khu vực…Theo tôi phải xem lại chỗ này".
"Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn."
“Tôi thấy gần đây giá cả giảm, giá sắt thép giảm hơn, nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị".
"Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất”, dân biểu Đương nói thêm.
Việc ông nghị Đương lẫn lộn khái niệm sức mua so sánh tương đương (PPP) với so sánh giá tuyệt đối giữa Sài Gòn và Thượng Hải và khái niệm lạm phát, cũng có thể là một tương đồng thú vị với việc ông nghị Phước lẫn lộn nực cười khái niệm biểu tình với chống chính phủ, việc “dân trí thấp” với việc hạn chế quyền cơ bản trong Hiến pháp.
"Tại sao tại một thành phố như Sài Gòn, có nền tảng pháp quyền và dân chủ đại nghị bén rễ hàng trăm năm vào dân trí và mạch sống xã hội, lại có những dân biểu như thế này là đại diện"
Hai ví dụ này gợi ra một câu hỏi. Tại sao tại một thành phố như Sài Gòn, có nền tảng Pháp quyền và dân chủ đại nghị bén rễ hàng trăm năm vào dân trí và mạch sống xã hội, lại có những dân biểu như thế này là đại diện?
Về lịch sử hình thành, Sài Gòn rất khác biệt với Hà Nội. Khi người Pháp chiếm Gia Định năm 1859, Nam Kỳ, không như Bắc Kỳ sau này thành xứ bảo hộ, là xứ thuộc địa trực trị bởi người Pháp, và nền móng cơ bản về quản lý xã hội và pháp quyền kiểu phương Tây đã được thực thi ở đây, thúc đẩy sự phát triển dân trí cho một lượng dân cư đa sắc tộc, dễ dàng đón nhận cái mới hơn.
Khi người Pháp rút, Sài gòn là thủ đô của liên tiếp “Đệ Nhất Cộng hòa”, tức thời Ngô Đình Diệm và “Đệ Nhị Cộng hòa”, tức thời Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, với tâm quyền phân lập, chế độ dân chủ nghị viện, với trưng cầu ý dân, biểu tình, vận động tranh cử đảng phái trở thành mạch chính trong dân trí và đời sống chính trị miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau năm 1975, những định chế chính là Hội đồng Nhân Dân, Mặt trận Tổ Quốc, thay thế chế độ dân chủ nghị viện trước kia.
Tuy nhiên dân trí và dân biểu Sài Gòn vẫn còn những hiện tượng nổi bật, đại diện cho những người Việt Minh Kháng chiến chống Pháp và những trí thức miền Nam tham gia Mặt trận Giải phóng Dân Tộc chống Mỹ sau này.
Đó là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người đã nắm giữ vai trò Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, người, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM năm 1988, có bài phát biểu gây tiếng vang, với nội dung “Dân chủ không thể có bằng sự ban ơn.”
Nhiều năm gần đây ở thời kỳ đổi mới, còn đâu đó đọng lại hình ảnh ông nghị Khoa, đại biểu Đặng Văn Khoa, tại các cuộc họp Hội Đồng Nhân Dân TP HCM, người có biệt danh "ông hội đồng", "khẩu đại bác", nhờ chất vấn sắc bén và những bằng chứng xác thực là các hồ sơ, mô hình minh họa phanh phui các vụ việc tiêu cực, tham nhũng.
Thử lý giải
"Cơ chế hiệp thương để chọn lựa ứng cử viên, thực chất là một quá trình thỏa thuận kín và từ trước các chỉ tiêu phân bổ về danh sách ứng cử giữa các lực lượng, tầng lớp, tín ngưỡng, tổ chức chính trị và tổ chức xã hội."
Có lẽ nếu thử lý giải qua loa thì có thể như thế này.
Cơ chế hiệp thương để chọn lựa ứng cử viên, thực chất là một quá trình thỏa thuận kín và từ trước các chỉ tiêu phân bổ về danh sách ứng cử giữa các lực lượng, tầng lớp, tín ngưỡng, tổ chức chính trị và tổ chức xã hội.
Ví dụ dân biểu Đương, ngành Kiếm sát thuộc khối Nội chính, nếu được cơ quan đồng ý cho ra ứng cử và được “chấm”, thì có thể phân bổ về một tỉnh/quận/huyện sao cho sự pha trộn có suy tính giữa các ứng viên trong đơn vị bầu cử, đủ để lý lịch ứng cử viên được “chấm” đó nổi bật, cộng thêm sự “định hướng” cho người đi bầu cử của đơn vị tổ chức bầu cử, đảm bảo khả năng trúng cử cao.
Có lẽ tương tự như vậy với dân biểu Phước, khi có định hướng tăng lượng dân biểu là doanh nghiệp, ngoài Đảng cho Quốc hội khóa 13.
Có điều, sẽ hiểu được khi dân biểu như đại diện thuộc khối Nội chính Đương phát biểu về vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát mà ông chưa am hiểu lắm. Và sẽ là ngây thơ khi hy vọng dân biểu Đương phát biểu đóng góp để giảm đi tình trạng “án tại hồ sơ” của ngành Tòa Án Kiểm Sát.
Tuy nhiên sẽ là xấu hổ nếu chấp nhận dân biểu Phước, thay vì phát biểu đóng góp cải thiện tình trạng mất đi lợi thế so sánh của nền kinh tế Sài Gòn, lại phát biểu một cách “vĩ cuồng” về luật biểu tình, làm đại diện cho khối doanh nghiệp kinh doanh của Sài Gòn trong Quốc hội.
Tác giả hiện đang sống và làm việc tại Tp. HCM. Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả.

Không có nhận xét nào: