11.11.11

Kiên định chờ sung rụng


Phạm Trần Lần đầu tiên, một Nữ Phó Chủ tịch của Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã cảnh giác: “Ðảng muốn giữ được vai trò và uy tín để lãnh đạo, cần tập trung vào phòng, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong nội bộ Ðảng, xác định rõ trách nhiệm của đảng viên trong cuộc đấu tranh quyết liệt này.”

Bà Nguyễn Thị Doan, Giáo sư, Tiến sỹ, viết như thế trong tư cách Phó Chủ tịch Nước trên Báo Nhân Dân số ra ngày Thứ bảy, 05/11/2011. 

Với tựa đề “Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới”, bà nói: “Trong nước, tuy đã có thành tựu và kinh nghiệm của hơn 25 năm đổi mới, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, nhưng "nước ta vẫn phải đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta".

Những tệ nạn này không mới vì chúng đã có mặt trong đảng từ nhiều năm nay. Có mới chăng là những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đảng đang lan rộng ra trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”. 

Tình hình còn nghiêm trọng hơn khi bà Doan báo động hiện tượng đảng viên đã “xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội”, có nghĩa đã có nhiều người không còn muốn trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh như đảng yêu cầu. Ngược lại có không ít đảng viên đã “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” cho mình không còn là một đảng viên Cộng sản nữa ! 

Vì vậy, Bà Phó Chú tịch Nước mới đề nghị: “Do đó, cần xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Ðảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư"; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và có khả năng tổng kết, giải đáp những vấn đề thực tiễn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.”

Lời trông đợi của Bà Doan cũng “xưa như trái đất” vì trong suốt 10 năm làm Tổng Bí thư hai Khoá IX và X, Nông Đức Mạnh cũng đã nói như thế trước cán bộ, đảng viên trong nhiều lần hội họp nhưng chuyện đâu vẫn còn nguyên đó, không thay đổi được chút nào, nhất là yêu cầu sống theo lời Hồ Chí Minh dậy cán bộ, đảng viên phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Theo Bà Doan thì: “Thực tế vừa qua, một số đảng viên chưa xứng đáng là người lãnh đạo và lại càng chưa xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân mà có người lại tìm cách "xâm hại quyền lợi của dân", làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng và quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn diễn ra với tính chất và mức độ nghiêm trọng.” 

Giống như những lời tuyên bố “đao to búa lớn” của nhiều cấp lãnh đạo đảng trước đây, chuyện tham nhũng chống đến đâu phình to ra đến đấy hay cán bộ coi dân như những con mòng tha hồ hút máu, bóc lột đến tận khố rách áo ôm không còn là chuyện bất bình thường trong đảng nữa.

Bằng chứng đã được ghi trong Báo cáo Chính trị khóa X của Nông Đức Mạnh đọc trước Kỳ Đại hội tòan quốc đảng CSVN tháng 01/2011, theo đó: "Báo cáo đã xác định và nhấn mạnh cả hai khía cạnh về thách thức và nguy cơ, cụ thể là: “Nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”. 

Từ ngày kết thúc Đại hội đảng XI (19-01-2011) đến khi Bà Doan viết ra những tệ nạn trong cán bộ, đảng viên đã 11 tháng mà những thói hư tật xấu và thiếu sót ấy vẫn chưa thay đổi tốt hơn 1 ly thì uy tín đảng trong dân còn được bao nhiêu ?

Vì vậy Bà Doan mới nói: “Trước tình trạng này, Ðảng muốn giữ được vai trò và uy tín để lãnh đạo, cần tập trung vào phòng, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong nội bộ Ðảng, xác định rõ trách nhiệm của đảng viên trong cuộc đấu tranh quyết liệt này. Ðây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp ngay trong nội bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, thường xuyên tự phê bình và phê bình, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong, phong cách Hồ Chí Minh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ tham nhũng, tiêu cực.”

Nhưng đảng cũng đã hứa sửa sai, phê bình và tự phê bình từ nhiều năm rồi. Thậm chí lời hứa tu thân, tích đức của cán bộ, đảng viên còn được ghi trong Báo cáo Chính trị của Nông Đức Mạnh, theo đó: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; phê phán, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng....”

“Giữ gìn đoàn kết nội bộ; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên....Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng, nhà nước, mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.”

LÊ HỮU NGHĨA-NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

Nhưng không phải chỉ có Bà Doan mới nhìn thấy những căn bệnh hiểm nghèo trong cơ thể đảng. Chúng còn đầy rẫy trong bài viết của Lê Hữu Nghĩa, Tiến sỹ, Giáo sư, Phỏ Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trên mạng Báo Điện tử của Trung ương đảng ngày 21/10/2011. Bài viết mang tựa đề “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng ta trong tình hình hiện nay ”.

Nghĩa báo nguy: “Ở nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta giành được trong 25 năm đổi mới, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn ra nghiêm trọng, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi; tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... Bên cạnh đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch không ngừng đẩy mạnh âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” kết hợp gây bạo loạn lật đổ nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.” 

Lê Hữu Nghĩa đã xác nhận tình trạng xuống cấp gia tăng trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên y hệt như lời cảnh giác của Bà Doan khi cả hai thừa nhận các chứng bệnh “kinh niên” hết thuốc chữa này đang ăn mòn xương tủy đảng.

Ngòai ra Nghĩa còn báo động đã xuất hiện trong nội bộ hiện tượng “giậu đổ bìm leo” của những người muốn thấy đảng “đi mau” trong hòan cảnh tinh thần đảng viên xuống cấp. 

Nghĩa viết: “Trước tình hình đó, các thế lực cơ hội chính trị và một số người muốn phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đại diện cho con đường xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng “chủ nghĩa xã hội là con đường không có tương lai”, “đi vào ngõ cụt”, “đã bị lịch sử phủ định”; “ngày xưa trong thời kỳ phong kiến đã có chủ nghĩa xã hội đâu mà vẫn giữ được độc lập dân tộc”; “lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là do ý chí chủ quan của Đảng” hoặc “chủ nghĩa nào, chế độ nào cũng được, miễn là dân giàu nước mạnh….”

Nhưng theo Nghĩa thì đảng viên CSVN không nên dao động mà cần phải kiên định bám vững vào con đường đảng đã định hướng. 

Nghĩa nói hoang: “Toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới, không dao động trong bất cứ tình huống nào. Phải có những giải pháp hữu hiệu để chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong nội bộ ta, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đó cũng chính là yêu cầu tiếp tục rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của Đảng và cán bộ, đảng viên. Có như vậy, Đảng mới có đủ sức chiến đấu trước những tác động không thuận lợi của tình hình trong nước và thế giới.” 

Cùng “tát nước theo mưa” với Lê Hữu Nghĩa còn có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hưởng toe toét trên Báo Quân Đội Nhân dân ngày 30/10/2011 rằng: “Thực tiễn lịch sử cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thực sinh động làm cho nhân dân ta ngày càng vững tin hơn vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường mà cả dân tộc ta đang một lòng vững bước tiến về phía trước. 

Cần khẳng định rằng, chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là đi tiếp con đường cả dân tộc đã từng đi hơn tám thập kỷ qua; là nối tiếp hiện thực - thực tiễn CNXH đã có, đang có ở Việt Nam, chứ không phải là kiên định một "lý tưởng mơ hồ". Con đường cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn thể hiện đầy đủ khát vọng của mọi tầng lớp nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là giải pháp tổng quát duy nhất đúng, tối ưu, nhanh nhất và hiệu quả nhất để xây dựng đất nước Việt Nam thực sự dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ta thực sự ấm no, tự do, hạnh phúc và làm chủ thực sự cuộc sống và đất nước mình.”

Hưởng khoe rằng: “Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất Đảng ta rút ra từ thực tiễn lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng thời gian qua là, trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào cũng phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Với thế và lực của đất nước hiện nay, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta sẽ tận dụng được thuận lợi, tranh thủ được thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục nguy cơ, thực hiện thắng lợi những mục tiêu theo con đường đã chọn.”

BÌNH-TRỌNG CÙNG CHŨI ĐẦU XUỐNG CÁT

Thái độ quyết “kiên định” Chủ nghĩa ngọai lai Mác – Lênin của những cán bộ làm công tác tuyên truyền bây giờ cũng không có gì mới hơn những lý luận chổi cùn rế rách của Nguyễn Đức Bình, Giáo sư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và của Nguyễn Phú Trọng, người thay thế Bình và hiện nay là Tổng Bí thư đảng khóa XI đã đưa ra trước đây.

Bình viết trong loạt bài “Từ góc độ lịch sử và lý luận góp phần khẳng định, bổ sung, phát triển Cương lĩnh của Đảng năm 1991 (08-11-2008) rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin…" “…Đó là hệ tư tưởng và con đường cách mạng trước sau như một của Đảng ta và nhân dân ta - con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là tư tưởng cơ bản xuyên suốt Cương lĩnh của Đảng năm 1930, Cương lĩnh năm 1991, là đường hướng cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta hiện nay, không gì lay chuyển nổi. Giai đoạn hiện nay người cộng sản Việt Nam phải rất kiên định và sáng tạo hơn bao giờ hết trên đường hướng đó.”

Bình chính là người đã đứng trụ nhóm viết ra văn kiện lạc hậu, cực đoan, bảo thủ gọi là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991”, sau này được Bổ sung, phát triển thêm tại Đại hội Đảng XI tháng 01 năm 2011.

Cương lĩnh 1991 viết hoang tưởng rằng: "Chủ nghĩa xã hội hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử"

Đến Đại hội đảng XI, tuy Cương lĩnh được bổ sung nhưng điều cơ bản hão huyền, chũi đầu xuống cát này vẫn được Nguyễn Phú Trọng nhắm mắt lập lại: “ “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”

Giấc mơ “ếch ngồi đáy giếng” này của hai cái đầu đất bùn Nguyễn Đức Bình và Nguyễn Phú Trọng không những chỉ phản khoa học, đi ngược với thời đại tiến bộ của con người mà là lực cản cực kỳ lạc hậu cần phải bị gạt sang lề đường cho đất nước đi lên, nếu dân tộc không muốn sống tiếp với bi kịch há miệng chờ sung rụng. -/-

(11/011)


gửi Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào: