10.11.11

Luật nhà văn xứng đáng đưa vào Guinness


Hoàng Hường (Tuần Việt Nam) - "Nếu chỉ những hội viên Hội nhà văn được quy định là Nhà văn (trong đó ba phần tư không còn khả năng vi phạm luật!), thì bộ luật mà chúng ta đang bàn sẽ là bộ luật dành cho nhóm người ít nhất trên thế giới, đáng được đưa vào Guinness. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy nó không cần thiết rồi", nhà văn Tạ Duy Anh phát biểu về dự thảo Luật Nhà văn.


Bắt đầu từ một bài viết trên báo Pháp luật: Luật cần không có, lại thò ra Luật nhà thơ, lập tức trên các trang báo, diễn đàn Internet nổ ra làn sóng tranh cãi, bàn thảo sôi nổi.

Giới nhà văn, những đối tượng trực tiếp được nhắc đến trong dự thảo luật này, được dịp tha hồ vung vẩy câu chữ 'reo hò' dự luật đang phôi thai với đủ thể loại: thơ, văn, hò vè...

Nhân dịp này, phóng viên Tuần Việt Nam có cuộc trò truyện với nhà văn Tạ Duy Anh (Lão Tạ), và nhà văn Nguyễn Đình Chính về dự luật đang gây xôn xao dư luận này.

Nhà văn Tạ Duy Anh: dự luật đáng đưa vào Guinness

Dư luận đang hồi hộp với Luật nhà văn đang được Quốc hội đệ trình, soạn thảo, cá nhân ông là người viết văn, ông có ý kiến gì với Luật chưa biết mặt mũi ra sao đã gây ồn ào này?

Tôi không biết người đưa ra đề nghị này dựa trên lập luận nào? Bởi vì để xây dựng một bộ luật nào đó, trước hết phải căn cứ từ đòi hỏi cấp thiết của cuộc sống. Ví dụ luật chống tham nhũng, luật Biển Đông, luật biểu tình... là những vấn đề cuộc sống đòi hỏi và phải được luật hoá để công dân căn cứ mà hành xử.

Nếu không sớm có những bộ luật ấy, sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh hàng ngày mà mọi người, các cơ quan chức năng, Nhà nước không biết dựa vào đâu để đưa ra những quyết định hành động.


Nhà văn Tạ Duy Anh, Ảnh: VietNamNet

Còn luật nhà văn, nếu giả sử cần một bộ luật quy định riêng cho lĩnh vực hoạt động văn học, thì tôi chưa thấy có bất cứ sự cần kíp nào và cũng không hình dung ra bộ luật ấy nói về chuyện gì.

Bởi vì người theo nghề viết văn chỉ là một bộ phận dân cư rất nhỏ, nhỏ hơn bất cứ thành phần nghề nghiệp nào trong xã hội. Họ chẳng có bất cứ đặc quyền nào được quy định trong Hiến pháp. Họ là công dân phải chấp hành luật pháp chung cho mọi người và đã có hàng chục bộ luật như vậy, sao phải cần đến bộ luật cho nhà văn?

Trước khi có luật này thì phải thừa nhận Nhà văn là một nhóm người đặc biệt, làm nghề đặc biệt, được hưởng những thứ đặc biệt về mặt quyền lợi cũng như quyền miễn trừ...mà điều đó thì chỉ nên nói cho vui thôi.

Mà nếu có luật ấy thì đương nhiên là nó chỉ có thể áp dụng cho nhà văn. Trong khi đó nhà văn là danh hiệu đầy cảm tính.

Nếu chỉ những hội viên Hội nhà văn được quy định là Nhà văn (trong đó ba phần tư không còn khả năng vi phạm luật!), thì bộ luật mà chúng ta đang bàn sẽ là bộ luật dành cho nhóm người ít nhất trên thế giới, đáng được đưa vào Guinness thế giới. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy nó không cần thiết rồi.

Có người đã nói chúng ta hành xử 'luật rừng giữa rừng luật' để phản ánh tình trạng luật quá nhiều nhưng luật chưa nghiêm và nhiều hiện tượng xã hội vẫn đang rối loạn như hiện nay. Ông nghĩ sao?

Bởi vì có luật là một chuyện, có luật đáng là một tiến bộ về thể chế. Nhưng thi hành luật mới là vấn đề cốt lõi. Khi vẫn còn một bộ phận siêu công dân, tức là tự có luật riêng; khi vẫn còn những văn bản có thể cao hơn cả điều luật...thì luật pháp chưa thể nào nghiêm được.

Luật pháp không nghiêm thì có cả rừng luật vẫn không thể gọi là có luật thực sự và tất yếu đẻ ra luật rừng.

Luật rừng có ba loại: Loại thứ nhất của những kẻ ngồi trên luật, không coi luật ra gì và họ có tiền, có quyền để thực thi điều đó. Loại thứ hai của những kẻ không trông gì được vào luật pháp, lại không có tiền, không có quyền nhưng luôn mong muốn một sự công bằng nào đó. Loại thứ ba của những kẻ chông lại luật pháp một cách lén lút.

Cả ba loại này đều nguy hiểm như nhau, nhưng loại thứ hai và thứ ba tồn tại được là nhờ có loại thứ nhất.

Với tư cách cá nhân, ông có nhắn gửi điều gì đến nhà văn Hữu Thỉnh và ĐBQH Nguyễn Minh Hồng, hai người đưa ra đề xuất Luật Nhà văn?

Nghe nói ông Nguyễn Minh Hồng trả lời dư luận là ông ấy chỉ nói giúp chuyển ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh. Tôi nghĩ một đại biểu quốc hội thì không nên và không cần phải né tránh như vậy.

Có thể ông nghe ý kiến cử tri Hữu Thỉnh, nhưng đề xuất được đưa ra là của ông và xét cho cùng nó đâu có phạm tội gì mà phải sợ. Đưa ra đề nghị là một chuyện, có thành luật không lại là chuyện khác và đâu chỉ vài người mà làm được.

Dư luận cũng không nên chế diễu, miệt thị người đưa ra đề xuất, trừ phi đó là một đề nghị chỉ để đùa cợt dư luận. Cùng nhau bàn chuyện gì cần thiết, chuyện gì không cần,...là cách thức mọi người nên làm.

Cuối cùng, theo ông, QH chúng ta nên tập trung vào thảo luận điều gì quan trọng mà người dân quan tâm nhất hiện nay?

Có rất nhiều vấn đề quan trọng mà người dân đang quan tâm. Tôi chỉ nêu ba trong số đó: Thứ nhất là Chất lượng giáo dục, hiện vẫn ở mức rất đáng lo ngại, thứ hai là Chất lượng khám chữa bệnh đang ở mức vi phạm pháp luật và đạo đức trầm trọng và thứ ba là Chất lượng các dịch vụ công. Cả ba chuyện này đều cực kỳ cấp bách và đã tới giới hạn sức chịu đựng của người dân.




Nhà văn Nguyễn Đình Chính, Ảnh Hoàng Hường


Nhà văn Nguyễn Đình Chính: lố bịch!

Nếu được nhà văn Hữu Thỉnh và ĐBQH Nguyễn Minh Hồng mời đóng góp cho dự thảo Luật nhà văn, ông sẽ đóng góp gì?

Bản thân Hội nhà văn đã có điều lệ của Hội, quy định cũng rõ ràng, các hội viên cứ thế mà theo. Mà nhà văn có viết theo luật đâu. Ông Thỉnh cho rằng cần ra Luật nhà văn thì ông cứ nói thôi, còn tôi thật lòng chẳng quan tâm.

Ai cũng biết viết văn là phải căn cứ vào hiện thực đời sống. Nhà văn cũng là công dân bình thường, sống theo pháp luật hiện hành của Nhà nước, có gì đặc biệt hơn người khác đâu mà cần luật riêng.

Khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều chắc ông ta cũng chẳng viết theo luật nào. Người sáng tác chỉ theo luật riêng của người ta thôi, và viết những điều họ biết chứ không phải viết những điều người khác biết hay áp đặt. Sự khác nhau giữa nhà văn và bồi bút ở chỗ đó.

Người đề nghị luật này là chả hiểu gì về nhà văn... Thôi tôi không nói nữa, hoặc nói cũng chỉ hai chữ: lố bịch!

Hoàng Hường

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-11-08-luat-nha-van-xung-dang-dua-vao-guinness

Không có nhận xét nào: