Tường An, thông tín viên RFA
2011-11-13
Ngay từ đầu thế kỷ 20 người Việt đã có mặt tại Pháp.
Trước năm 1975 đây là cộng đồng Việt Nam lớn nhất tại hải ngoại. Tuy là một cộng đồng người Việt lâu đời nhất ở hải ngoại nhưng do tính đặc thù của văn hóa Pháp, sự đóng góp vào chính trường của người Việt tại đây còn rất hạn chế.
Phải có tiếng nói
Cách đây 2 năm Hội Người Việt thuộc đảng Cộng Hòa UVR (Union des Vietnamiens Républicains) được thành lập và lần đầu tiên cùng ra mắt chính thức trong Hội Đồng Quốc Gia Đa Văn Hóa của Pháp ngày 7 tháng 11 tại Paris, đánh dấu một thành công trong sự dấn thân của người Việt vào chính trường Pháp. Thông tín viên Tường An có mặt và gửi về bài tường trình sau đây:
Chúng ta đã làm việc với trái tim của chúng ta để biến giấc mơ thành hiện thực, đó là việc thành lập ra hội UVR (Union des Vietnamiens Républicains) - tạm dịch là Hội Những Người Việt thuộc đảng Cộng Hòa - để đem tiếng nói của chúng ta đến với các tổ chức chính trị. Đó là câu mở đầu trong lá thư mà Bùi Alain Kiệt-Sĩ, chủ tịch của hội UVR gửi đến các thành viên của hội. Sau 2 năm liên tục hoạt động để chứng tỏ thế đứng của mình, ngày 7 tháng 11 vừa qua, 11 thành viên Ban Chấp Hành UVR đã có mặt để đứng chung trong ngày ra mắt của Hội Đồng Quốc Gia Đa Văn Hóa tại Pháp tại Quận 8 Paris.
Trong xã hội Pháp chúng ta cần phải có tiếng nói. Đó là giấc mơ của UVR chúng tôi.CT hội UVR Bùi Alain Kiệt-Sĩ
Anh Alain Kiet Si nói về giấc mơ đó như sau:
"Chúng tôi là một nhóm, khởi đầu là mười mấy người, hoặc là thành viên ở trong UMP hoặc là thành viên của Hội đồng Nhân dân của nhiều thành phố. Nhóm chúng tôi gặp nhau cách đây 3 năm. Chúng tôi có một nhận xét là thế hệ trước của chúng ta đã cố gắng rất nhiều để hòa đồng trong cuộc sống và xã hội, để cho con cái chúng ta được học thành tài.
Bây giờ người Việt Nam ở Pháp nói chung rất được nể trọng vì chúng ta đã thành công trong vấn đề hòa nhập với cộng đồng Pháp về xã hội; đa số con cháu chúng ta đều thành công trong đời sống nhưng về mặt chính trị thì chúng ta vẫn còn vắng mặt. Đó là một trong những mục tiêu chính của hội UVR tức là muốn làm sao cho người Pháp gốc Việt Nam nhận thức được vai trò của mình, tầm quan trọng của mình. Trong xã hội Pháp chúng ta cần phải có tiếng nói. Đó là giấc mơ của UVR chúng tôi."
Anh Mai Quốc Minh, phó chủ tịch của UVR nói về những khó khăn khi dấn thân vào chính trường Pháp.
Hội đồng Quốc Gia Đa Văn Hóa (Conseil National des Français de la Diversité CNFD) được thành lập bởi cựu Bộ trường Olivier Stirn gồm 140 thành viên sáng lập với 20 quốc gia, trong đó có 5 thành viên Pháp gốc Việt. 5 trong số 14 thành viên Pháp gốc Á Châu là 1 con số không phải nhỏ nói lên sự đóng góp tích cực của các thành viên này.Chị Céline Nettavongs, Phó chủ tịch kiêm Phát ngôn nhân của hội cho biết cảm tưởng:
"Khi họ đề nghị tôi làm phát ngôn nhân cho CNFD là tôi lập tức nhận lời ngay. Công việc không phải dễ dàng. Dĩ nhiên sự chỉ trích thì cũng có khắp mọi nơi nhưng chỉ để làm giá trị thêm cho cánh hữu khi đã có những dấu hiệu xấu trong cuộc thăm dò bầu cử."
Chị Celine nói chị sẽ sống và chết trên đất Pháp; đó là quê hương thứ hai của chị vì thế phải đầu tư vào chính trị để tiếng nói của mình được lắng nghe và cũng để cho thế thệ con cháu mai sau.
Trong lá thư của anh Alain, anh nói đây chỉ là một bước khởi đầu. Anh cho biết những dự định trong tương lai để khẳng định thêm chỗ đứng của Người Pháp gốc Việt trong chính trường Pháp.
"Bước khởi đầu là sự có mặt của người Pháp gốc Việt ở trong hội của những người Pháp gốc ngoại quốc. Sự hiện diện của cộng đồng Việt Nam ở trong hội này rất là mạnh mẽ.
Bước tiếp theo mà chúng tôi muốn thực hiện là trước mắt là năm 2012 sẽ có ít nhất là 1 hay 2 ứng cử viên vào Hạ nghị viện ...CT hội UVR Bùi Alain Kiệt-Sĩ
Bước tiếp theo mà chúng tôi muốn thực hiện là trước mắt là năm 2012 sẽ có ít nhất là 1 hay 2 ứng cử viên vào Hạ nghị viện để sau đó đóng một vai trò quan trọng trong chính phủ nếu đảng UMP sẽ được bầu qua sự tái đắc cử của Nicolas Sarkozy.
Sau đó trong tất cả các kỳ bầu cử trong năm 2014 tức là có bầu cử của HĐND thành phố thì sẽ có những ứng cử viên người Pháp gốc Việt hiện diện trong tất cả các thành phố, nhất là những thành phố có số đông đồng bào của chúng ta ở đó. Đó là những bước mà chúng tôi muốn thực hiện."
Vào đầu thập niên 80, tỷ lệ nhập tịch của người Việt tại Pháp là 5%, một con số khá cao so với các cộng đồng khác. Cho đến đầu năm 2000 đã có khoảng 75% người Việt gia nhập quốc tịch Pháp, tuy nhiên phần lớn là vì lý do kinh tế, xã hội hơn là để tham gia chính trị. Do sự thờ ơ của người Việt cũng như những khó khăn về hành chính và lịch sử văn hóa của nước này, sự dấn thân của người Việt vào chính trường Pháp có thể nói là kém năng động hơn người Việt tại Mỹ hay Úc.
Sự hình thành của hội Người Pháp gốc Việt UVR là một sự khởi đầu cho những bước tiến mạnh mẽ hơn, tự tin hơn để khẳng định vai trò của mình trong mạng lưới chính trường khá phức tạp của nước Pháp.
Theo dòng thời sự:
- Người VN đầu tiên đắc cử Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ
- Trò Chuyện Cùng Các Nghị Viên Tái Đắc Cử Tại Quận Cam California
- Người Mỹ gốc Việt đắc cử Nghị viên thành phố Houston
- Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ kết thúc với tin không vui cho ứng cử viên gốc Việt
- Bất ngờ với ứng cử viên gốc Việt
- Một người gốc Việt trở thành Phó thủ tướng Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét