Phải làm gì sau ngày hạ bệ độc tài?
Đặt câu hỏi “Phải làm gì sau ngày hạ bệ độc tài?” vào thời điểm này dễ làm bật lên lời phê bình “tính cua trong lỗ” hay “chưa đỗ ông nghè…”. Nhưng nếu nhìn vào các xoay trở ứng phó tại các nước hậu độc tài, từ các nước Liên Xô cũ đến các nước Bắc Phi, câu hỏi trên lại hàm chứa nhiều sự khôn ngoan của mỗi dân tộc.
Đặc biệt trong năm 2011 này, khởi đi từ cuộc cách mạng hoa lài thành công tại Tunisia vào những ngày đầu năm, sau đó thổi qua các nước tại Bắc Phi và Trung Đông, và đến nay đã có 3 cuộc cách mạng thành công, chấm dứt 3 chế độc độc tài tại Tunisia, Ai Cập và Libya.
Mặc dầu cả 3 quốc gia đều thành công trong việc chấm dứt chế độc tài, nhưng phương thức chọn lựa lại rất khác nhau. Tại Tunisia và Ai Cập người dân đã sử dụng đấu tranh bất bạo động, khác hẳn với cuộc nội chiến quân sự tại Libya. Nếu lấy việc xây dựng một thể chế dân chủ và canh tân đất nước làm mục tiêu tối hậu thì bước chấm dứt độc tài, tuy khó khăn và gian khổ, cũng chỉ là bước đầu. Lật đổ lãnh đạo độc tài là gỡ đi khối đá tảng để mở lối cho con đường dân chủ. Nhưng con đường đi đến dân chủ không thênh thang và bằng phẳng mà đầy trắc trở chông gai, đòi hỏi nhiều nỗ lực, trí tuệ và kiên trì.
Có nước thành công ngay với những cuộc bầu cử thực sự tự do đầu tiên, có nước rơi vào tình trạng bối rối. Có nhiều việc phải mất nhiều năm nghiên cứu và gọt dũa mới hoàn chỉnh, như hiến pháp, nhưng lại phải hoàn tất ngay trong vài tháng vì nếu không sẽ khó ổn định tình hình và các thế lực độc tài mới có thể trỗi dậy. Nhưng có phải việc gì cũng thuộc loại phải chuẩn bị lâu mà lại cần gấp như thế không?
Nếu theo sự cấp bách của thời gian, có lẽ nên chia thành 3 loại việc phải làm. Đó là những việc cần tức khắc, những việc cần làm trong trung hạn, và những việc dài hạn.
Những việc cần làm tức khắc
Vì mục tiêu cao nhất là đặt nền dân chủ nên quan tâm lớn nhất của những chính quyền đầu tiên hậu độc tài là đề phòng chính mình trở thành độc tài và ngăn chận mọi hình thức độc tài mới xuất hiện.
Sau chiến thắng của Cách Mạng Hoa Lài, nếu cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Tunisia hôm 27/10 vừa qua là một chỉ dấu đáng mừng cho tương lai của quốc gia này, thì tình trạng các tướng lãnh quân đội nắm quyền tại Ai Cập là điều đáng quan ngại. So với Ai Cập, tình trạng của Libya còn đáng quan ngại hơn nữa, vì với bản chất bạo động và tình trạng hợp tác mỏng manh giữa các bộ tộc trong cuộc nội chiến vừa qua. Ngoài mục tiêu chung là lật đổ chế độ độc tài Gaddafi, mỗi bộ tộc có ý đồ riêng. Thế giới chỉ có thể khuyến khích và trợ giúp các khuynh hướng dân chủ tại đây, nhưng khó có thể biết được Libya sẽ ra sao trong tương lai trước mặt.
Đó cũng chính là một trong những lý do căn bản của việc chọn lựa đấu tranh bất bạo động làm phương pháp chấm dứt độc tài. Bởi vì, sức mạnh của đấu tranh bất bạo động đặt nền tảng trên sức mạnh tổng hợp của quần chúng, với vũ khí đấu tranh là những việc cùng làm của số đông. Do đó, tại thời điểm tháo gỡ thành công chế độ độc tài, đại khối dân tộc xem thành quả đạt được là của chính họ và cũng chính họ phải bảo vệ thành quả đó, không cho các thế lực độc tài mới cướp đi. Ngay cả những ngưòi lãnh đạo phong trào cũng biết công sức tháo gỡ độc tài là của toàn dân và toàn dân sẵn sàng lật đổ tiếp những ai manh nha ý định trở thành lãnh tụ độc tài mới.
Bên cạnh đó, Đấu Tranh Bất Bạo Động là xu thế của nhân loại ngày nay; vì vậy, một chính quyền hậu độc tài, do kết quả của nỗ lực đấu tranh bất bạo động, chắc chắn sẽ được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng thế giới và nhanh chóng xác lập tính chính danh của nó. Đây là một yếu tố tích cực cho lực lượng dân chủ vào những ngày đầu nắm quyền và giúp giảm đi nguy cơ bất ổn chính trị. Đặc biệt nếu chính quyền mới còn quá yếu trong lúc các lực lượng quân sự chưa tập trung về trung ương, việc tận dụng các liên minh quân sự quốc tế để trấn áp các manh nha quân phiệt mới nổi lên trong nước là điều cần thiết. Và chỉ nên vận động các liên minh quân sự quốc tế như NATO, lực lượng bảo an Liên Hiệp Quốc, khối ASEAN, v.v… chứ không nên ôm chặt lấy chỉ MỘT chính quyền ngoại quốc. Người Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm xương máu về mặt này đến tận ngày hôm nay.
Một việc lớn thứ hai mà chính quyền hậu độc tài cần làm tức khắc là làm sao cân bằng giữa 2 nhu cầu: Công Lý và Ổn Định. Các chế độ độc tài trước đây tại Tunisia, Ai Cập và Libya đã nắm quyền trong nhiều thập niên, nên tội ác, kể cả “nợ máu”, đối với dân chúng của các chế độ này đều chất chồng. Vì vậy, những kêu gào đòi công lý và các ý muốn trả thù trong lòng người dân sau ngày đổi đời vang rền khắp nơi. Nếu không đáp ứng được những tiếng kêu đòi công lý đó, chính quyền mới sẽ mất dần lòng tin của người dân và dễ bị xếp vào cùng loại “đứa nào lên nắm quyền rồi cũng thế cả!”. Ngược lại, nếu chính quyền mới cho phép người dân tự đòi lại những gì đã mất, tự tìm đến trả thù những kẻ nợ máu gia đình họ, xã hội sẽ tiếp tục loạn lạc lớn và đó chính là cung cấp lý cớ cho những “bàn tay sắt” nổi lên “bình định xã hội” để trở thành những nhà độc tài mới. Tình trạng hỗn loạn lâu dài cũng biến đất nước thành miếng mồi ngon cho các toan tính lan lấn của ngoại bang dọc theo biên giới và ngoài khơi hải phận. Do đó, chính quyền trong giai đoạn chuyển tiếp cần chứng minh được với toàn dân sự nghiêm chỉnh và quyết tâm đem lại công lý cho đất nước, nhưng cùng lúc cũng rất nghiêm đối với mọi hình thức trả thù và hành xử ngoài khuôn khổ của luật pháp mới.
Và việc lớn thứ ba cần làm ngay của chính quyền hậu độc tài là giải quyết nhu cầu hàng ngày cho toàn dân. Dưới các chế độ độc tài, mọi sinh hoạt xã hội thường được điều hướng hoặc tập trung trong mục tiêu củng cố quyền hành của những kẻ cầm quyền hoặc đảng cầm quyền. Do đó, di sản của những chế độ đó để lại cho đất nước là tình trạng xã hội và kinh tế tồi tệ. Chế độ độc tài cai trị càng lâu năm thì tình trạng này càng trầm trọng. Ngoài ra, còn có xác suất cao các nhà độc tài cho lệnh phá hoại nhiều phương tiện hoặc vét sạch ngân khố quốc gia trước khi rời bỏ ghế cai trị. Vì vậy sẽ có rất nhiều vấn nạn trong mọi lãnh vực chính quyền chuyển tiếp cần phải giải quyết, và phải giải quyết nhanh chóng. Đầu tiên là những nhu cầu căn bản như miếng cơm manh áo đến cả các nhu cầu nước uống cho các thành phố; kế đến là những nhu cầu y tế, giao thông, tin tức,… Nếu những nhu cầu cấp thiết này không được giải quyết, đặc biệt là trong bối cảnh người dân còn đang hoang mang bất định, tình trạng bất ổn, thậm chí nổi loạn là điều dễ dàng xẩy ra. Cùng lúc đó, thành phần nắm giữ guồng máy kinh tế nên cực giàu trong chế độ trước (các đại gia đỏ trong trường hợp Việt Nam) sẽ tận dụng cơ hội này để tung tiền mua chuộc ảnh hưởng và lũng đoạn xã hội lâu dài, như đã thấy tại Nga và hầu hết các nước Liên Xô cũ.
Nhưng phía chính quyền mới cũng có 2 lợi điểm quan trọng. Trước hết, và có lẽ quan trọng nhất, là sự phấn chấn của toàn dân sau ngày đổi đời. Chính dân tộc xông vào tiếp tay chính quyền vì đây là xã hội CỦA HỌ và chính quyền này cũng là chính quyền CỦA HỌ. Việc giúp đất nước đi qua giai đoạn hiểm nghèo để mở sang trang mới cho nhiều thế hệ tương lai mang đầy tình yêu nước. Lịch sử của mỗi dân tộc, đặc biệt là dân tộc Việt Nam, có vô số bằng chứng về sức mạnh của một dân tộc khi lòng yêu nước dâng lên tột đỉnh. Lợi điểm thứ hai của chính quyền mới là sự hân hoan giúp đỡ của thế giới tự do. Việc tiếp tay với một dân tộc vừa thoát độc tài và đang vượt qua khó khăn trong ngắn hạn để nhập dòng nhân loại là điều hân hoan chung cho cả thế giới, góp thêm an ninh và hoà bình cho cả thế giới, mà không đòi hỏi một ngân sách quá lớn.
Những việc cần làm trong trung hạn
Có lẽ việc trung hạn quan trọng nhất là sự ra đời của bản hiến pháp mới, đặt nền móng và khung sườn cho thể chế dân chủ của quốc gia. Sứ mạng của bản hiến pháp mới là phải thích hợp với văn hóa, hoàn cảnh, nguyện vọng của mỗi dân tộc và phải đặt được nền móng dân chủ bền vững cho tương lai. Vì thế việc soạn thảo sẽ mất nhiều thời gian và viễn kiến. Một bản hiến pháp viết gấp rút và phải tu bổ liên tục sẽ tự nó mất dần giá trị. Ngược lại nếu mất quá lâu mới ra đời, bản hiến pháp sẽ không góp phần ổn định tình hình và có thể mất luôn cơ hội đặt nền móng dân chủ. Chính vì vậy mà ngày nay, hầu hết các lực lượng muốn tháo gỡ độc tài đều phải suy nghĩ về một bản hiến pháp tương lai cho dân tộc mình ngay trong giai đoạn còn đang đấu tranh.
Nối tiếp ngay sau bản hiến pháp mới là cuộc bầu cử tự do đầu tiên. Cùng lúc với việc bảo đảm tính trong sáng và công bằng, chính quyền mới cũng cần dồn nỗ lực giải thích trong dân chúng: Bầu cử là phương tiện để thanh lọc dần chính quyền nhưng không phải là phép lạ. Không thể có một chính quyền hoàn toàn trong sạch, đủ khả năng, có viễn kiến chỉ qua một lần bầu cử. Chính các sinh hoạt trong một xã hội tự do như báo, đài độc lập, tự do tiếp cận thông tin, v.v… sẽ giúp các người dân biết ngày một rõ hơn và chọn lựa chính xác hơn. Các giải thích này rất cần thiết để tránh các thất vọng, thậm chí mơ ước trở về tình trạng cũ như đã thấy tại Ba Lan và một vài nước Đông Âu. Người dân cần nhận chân thực tế. Với những tàn tích mà chế độ độc tài để lại đã ăn sâu vào đời sống của quốc gia trong nhiều thập niên, không ai có thể đòi hỏi là một sớm một chiều sẽ có thay đổi tận gốc những nhân sự và những tệ nạn trong xã hội. Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng nền dân chủ làm nền tảng cho sự ổn định và phát triển của đất nước, thì từng bước một, những thay đổi tích cực sẽ đến. Ngay cả trong trường hợp lựa chọn nhầm lẫn, nếu nền tảng dân chủ dựa trên hiến pháp mới vững chắc thì cơ hội điều chỉnh trong lần bầu cử tới và chuyển quyền một cách êm thắm vẫn còn nguyên.
Việc trung hạn quan trọng thứ nhì là nhu cầu băng bó xã hội. Trước hết phải chận đứng những vết thương đang xuất huyết trên cả nước và cùng khắp xã hội, từ các nguồn tàn phá môi sinh như Bôxít tại Tây nguyên, cạo rừng dọc biên giới,… đến các tệ nạn học sinh đánh nhau trên đường phố, phụ nữ bị đánh đập và đem bán giữa ban ngày. Kế đến, các tổ chức tôn giáo, các đoàn thể vô vị lợi cùng với chính quyền chăm sóc các nạn nhân bị đẩy ra và bỏ mặc bên lề xã hội. Cả nước dồn sức vào nỗ lực giáo dục, làm sống lại truyền thống đạo đức của cha ông, đánh thức tình nghĩa đồng bào ruột thịt, và chặn đứng các tệ nạn buôn người, trẻ em mãi dâm, phá thai, v.v…
Những việc làm dài hạn
Sau các nhu cầu ngắn và trung hạn, trách nhiệm lớn nhất của thế hệ hôm nay, đặc biệt là các chính phủ dân chủ đầu tiên, là kế hoạch đưa dân tộc bắt kịp đà tiến hóa của nhân loại. Đây là loại kế hoạch cho từng thập niên trước mặt.
Cụ thể là nỗ lực xây dựng nền tảng kinh tế và pháp lý để phát triển đất nước một cách quân bình. Với các bài học ngày nay, đất nước không thể phát triển bất kể cái giá phải trả về môi sinh. Đất nước cũng không phát triển theo khuôn mẫu lệ thuộc quá nặng nề vào mục tiêu xuất khẩu. Loại kinh tế đó làm lợi cho thiểu số cầm quyền là chính và chỉ chia lại cho toàn dân một phần lợi nhỏ, nhưng cùng lúc đặt đất nước vào tình trạng kinh tế bấp bênh và không nâng cao đời sống dân chúng một cách nhanh chóng. Mục tiêu tối hậu của phát triển là để phục vụ con người, phục vụ dân tộc, chứ không vì một lý do nào khác.
Song song với việc chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục là nhu cầu đào tạo chuyên gia trong mọi lãnh vực xã hội, từ nghiên cứu lịch sử đến phát minh điện tử. Đây là cơ hội để khối chuyên gia gốc Việt trên khắp thế giới góp phần giúp phát triển cấp tốc một tầng lớp chuyên gia mới cho đất nước. Người Việt Nam có cơ hội tập trung tinh hoa và các kinh nghiệm từ khắp các tụ điểm tân tiến trên thế giới nếu chính quyền mới làm được công việc nối kết hữu hiệu.
Và sau hết, nhu cầu mở rộng, đào sâu, và bồi đắp nền tảng dân chủ phải được tiếp tục. Bên cạnh các luật lệ bảo vệ các quyền tự do của con người, chính quyền cần khuyến khích mọi loại sinh hoạt đa nguyên và tạo cơ hội phát triển xã hội dân sự qua các đoàn thể phi chính phủ, vô vị lợi.
***
Xem ra việc tháo gỡ độc tài đã khó mà việc phục hồi lại đất nước sau nhiều thập niên bị độc tài làm băng hoại còn khó hơn gấp nhiều lần. Chính vì vậy mà phương pháp đấu tranh bất bạo động đã được người dân Việt Nam chọn lựa, trước tiên là để giảm thiểu tối đa những thiệt hại về nhân mạng và tài sản của đất nước; kế đến là để phát triển xã hội dân sự ngay từ bây giờ để chuẩn bị nền tảng phục hồi đất nước sau ngày đổi đời. Có rất nhiều việc lớn, nhỏ cần chuẩn bị ngay từ bây giờ và cần nhiều người, nhiều đoàn thể cùng làm.
Như các dân tộc đang khao khát tự do khác trên thế giới, dân tộc Việt Nam cũng sẽ vượt qua được mọi khó khăn trên con đường tiến đến dân chủ. Quay nhìn về quá khứ anh hùng của tiền nhân, với bao hy sinh xương máu mới để lại được cho chúng ta một đất nước gấm vóc hôm nay; nhìn về tương lai với những thế hệ Việt Nam bắt kịp với nhân loại, sống trong hạnh phúc và danh dự; những con người Việt Nam yêu nước hôm nay biết mình cần phải đóng góp những gì để dân tộc sớm có ngày được nếm mùi vị của lòng tự hào và yêu nước tột cùng mà người dân Bắc Phi đang say sưa.
2 Responses to Phải làm gì sau ngày hạ bệ độc tài?
- dong bao mien nam viet kieu tri thuc yeu nuoc neu khg co chinh phu ong diem lam gi tren 1trieu di cu vao nue khg co ong diem lam gi co tren 3tri dan ty nan cs lam gi co tren 300.000 chat xam tre hai ngoai.sau 2 nam tuc la ngay ky hiep paris 54 den 56 thi phan da ban giao cho csbk lam gi con nouc vnch .chi con nuoc cs khon nan hon bac trieu tien,lu an com qg tho ma cs san nhu thich nhat hanh nhom dai tri thuc ve quy lay da tiep tay toi ac cho csvn hay tinh lai sap bi csvn tan ndung treo co
- Việc khẩn cấp trước mắt là phá hủy chế độ cộng sản, ra khỏi cảnh bị Tàu cộng cai trị. Phải làm gì? Dân Việt Nam ở ngoài nước phải làm gì thêm nữa? Dân Việt trong nước phải làm gì? Phải trả lời