Tổng thống Obama rời Cannes hôm thứ Sáu với nét lạc quan là châu Âu có thể khắc phục các khó khăn kinh tế, một bước quan trọng tiến đến phục hồi kinh tế toàn cầu.

Nhưng ông và lãnh đạo các nước không thuộc châu Âu trong nhóm G20 muốn có hành động quyết liệt để nợ nần của Hy Lạp khỏi lây lan khắp châu Âu. 

Lãnh đạo châu Âu trong nhóm G20 hứa sẽ tấn công vấn đề nợ nần, nhưng hành động nhanh chóng cho vấn đề này, theo như trông đợi của chính quyền Obama, đã không trở thành hiện thực.

Ông Obama đề nghị thêm tư vấn và động viên cho lãnh đạo châu Âu nhưng không hứa giúp đỡ tài chính.

Dù vậy, Tổng thống Obama nói đã đạt vài tiến bộ tại Cannes. Ý, một trong những quốc gia mạnh của châu Âu, có thể tránh đi theo vết xe của Hy Lạp bằng cách để cho IMF giám sát tình hình kinh tế của họ. Lãnh đạo G20 đồng ý cho IMF thêm nguồn lực để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.

Các quốc gia trong nhóm G20 cũng quan tâm đến tình hình kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp.

Tổng thống Obama dùng dịp này để kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật sử dụng 447 tỉ để tạo công ăn việc làm.

Tổng thống Obama và phe Cộng hòa tại Hạ Viện đưa ra các dự luật tạo việc làm khác nhau. 

Lãnh đạo G20 ca ngợi dự luật của Tổng thống Obama và trong vài ngày tới ông sẽ quảng bá dự luật này với nhân dân Mỹ.

Mặc dù G20 dành nhiều thời gian để thảo luận về kinh tế châu Âu, Trung Quốc cũng hứa ra sức nâng giá đồng nguyên, một chuyện mà Tổng thống Obama đang kêu gọi.

Hoa Kỳ và các nước G20 khác hoan nghênh loan báo của Trung Quốc nhập thêm hàng thông qua chính sách mở cửa thêm thị trường. Chính sách này cũng phản ánh lo ngại của Trung Quốc rằng khó khăn tài chính của châu Âu có thể lây sang nước họ.

Trong những ngày tới Tổng thống Obama sẽ tiếp tục vận động dự luật tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ, trước khi ông lên đường đi dự các hội nghị quốc tế.

Ông sẽ đóng vai chủ nhà tại hội nghị APEC ở Honolulu, sau đó ông đi thăm Australia và kế tiếp là đến Indonesia dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á.