12.11.11

Trung Quốc trấn áp các ứng cử viên độc lập


Trung Quốc trấn áp các ứng cử viên độc lập

Trung Quốc kỷ niệm 90 năm thành lập đảng Cộng sản.
Trung Quốc kỷ niệm 90 năm thành lập đảng Cộng sản.
REUTERS/Barry Huang

Thụy My
« Dùng bạo lực và hăm dọa để loại trừ các ứng viên độc lập tại Trung Quốc », đó là tựa đề bài báo của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh.

Bài viết mở đầu bằng khung cảnh bầu cử ở trường đại học Bưu điện Viễn thông ở tây bắc Bắc Kinh, sinh viên tập hợp lại đi bỏ phiếu theo từng lớp. Cũng giống như 4.348 đơn vị bầu cử khác ở thủ đô, trường đại học này được bầu trực tiếp ra ba đại biểu Hội đồng Nhân dân quận có nhiệm kỳ 5 năm. Tương tự, từ nay cho đến cuối năm 2012, hai triệu đại biểu sẽ được bầu ra tại các quận huyện trên toàn quốc, bằng phương thức dân chủ. Tác giả nhấn mạnh, dân chủ chỉ trên nguyên tắc.
Các « đại biểu nhân dân » ở cơ sở này có rất ít quyền hành, trong hệ thống độc đảng của Trung Quốc. Nhưng điểm đặc biệt của cuộc bầu cửu năm nay là có hàng trăm ứng cử viên độc lập, trong đó tại Bắc Kinh có khoảng ba chục người, đã tự ra ứng cử. Những người này vận động tranh cử trên các mạng xã hội. Đa số bị gạt ra ra khỏi danh sách các ứng viên chính thức, họ hy vọng cử tri sẽ ghi tên họ trong phiếu bầu ở ô « ứng viên khác ».
Tại trường đại học Bưu điện Viễn thông, ứng cử viên độc lập được mọi người nói đến là ông Hứa Chí Vĩnh, giáo sư luật học 38 tuổi, một khuôn mặt tên tuổi của xã hội công dân Trung Quốc. Trong một quán cà phê kín đáo, một sinh viên năm thứ tư cho phóng viên Le Monde biết, anh đã ghi vào phiếu bầu tên ông Hứa Chí Vĩnh, và nhiều bạn học cũng đã bầu cho ông. « Ông ấy đấu tranh bảo vệ cho kẻ yếu, đó là một con người can đảm ». Người đứng đầu danh sách các ứng cử viên chính thức là ông hiệu trưởng Phương Tân Hưng. Ông này là người đã đưa ra khái niệm « Vạn Lý Trường Thành ảo » nhằm kiểm duyệt trên mạng internet, vì thế ông cũng bị cư dân mạng đả kích dữ dội.
Có điều ông Hứa Chí Vĩnh đã hai lần đắc cử vào năm 2003 và 2007, và có lần bị bắt giữ vào năm 2009, vì hiệp hội các luật sư mang tên Công Minh do ông thành lập bị quy tội trốn thuế. Phải chăng việc ông ra ứng cử khiến nhà cầm quyền bối rối ?
Năm nay, ông bị ngăn trở phát biểu trước công chúng, và các sinh viên tình nguyện hỗ trợ ông trong chiến dịch tranh cử cũng bị làm áp lực. Một đoạn video đã đưa kịp lên mạng Vi Bác (tương đương YouTube của Trung Quốc) trước khi bị kiểm duyệt làm cho không thể truy cập được, cho thấy ông Hứa Chí Vĩnh trong sân trường hôm 7/11, được những người ủng hộ và sinh viên vây quanh. Ông tuyên bố : « Một cuộc bầu cử cần phải được tự do, mở rộng và trong không khí vui tươi. Vậy thì tại sao lại cấm việc các ứng cử viên tranh đua với nhau ? Một sự ganh đua nhiệt tình giúp cử tri được thực sự chọn lựa, và như thế chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà thôi. Người Trung Quốc đã dửng dưng trước tiến trình bầu cử quá lâu rồi ! ». 
Trong một thông điệp video khác, ông Hứa Chí Vĩnh than phiền lối xử sự « khác thường » của cuộc bầu cử lần này. Đó là hăm dọa, bóp méo các quy định bầu cử, sử dụng bạo lực đối với các ứng cử viên độc lập khác tại Bắc Kinh.
Ông Ngô Lập Hồng, một nhà tranh đấu ở Bắc Kinh chống lại các vụ trục xuất để trưng thu nhà đất, định ra ứng cử nhưng đã bị bắt cóc trong 15 ngày, thời gian đủ để không kịp làm các thủ tục theo quy định. Cô Trình Ngọc Đình, người mẫu 23 tuổi, mà việc cô tự ứng cử đã làm nổi đình nổi đám trên internet, đã không được đơn vị bầu cử ở địa phương mình cấp cho các biểu mẫu cần thiết đúng thời hạn. Còn Từ Xuân Liễu, một nhà báo trẻ tuổi trên mạng thất vọng cho Le Monde biết, mọi thứ đều gian dối. Hồi tháng 9, anh được báo là việc ra ứng cử ở Trung Khê thuộc quận Đông Thần không được chấp nhận, vì anh làm việc ở xa địa phương. Thế là Từ Xuân Liễu đành bỏ việc ở trang mạng Sưu Hồ. Đến ngày 17/10, anh được biết có thể bị loại khỏi danh sách. Ủy ban bầu cử ra hạn định đến sáng hôm sau phải hội đủ 11 chữ ký giới thiệu. Nhờ những người ủng hộ, anh thu thập được 22 chữ ký. Nhưng như thế quá ít so với hàng ngàn chữ ký của bí thư chi bộ khu phố, và bí thư đảng ủy một công ty của địa phương.
Từ Xuân Liễu đã phải tự mình đi vận động trực tiếp, mong cử tri sẽ ghi tên anh trong phiếu bầu – một công việc không dễ dàng. Phóng viên Le Monde ghi nhận, dọc con đường xung quanh địa điểm bầu cử, dầy đặc các tay chân thuộc bộ phận an ninh của ủy ban nhân dân khu phố theo dõi.
Trung Quốc trước thử thách khổng lồ về môi trường
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực môi trường, các thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh cho biết : « Trung Quốc đối mặt với thử thách sinh thái khổng lồ ». Thiệt hại từ tình trạng chất lượng của không khí, nước, đất đều bị xuống cấp tương đương 3% tổng sản phẩm nội địa của Trung Quốc.
Theo Le Figaro, cách đây vài hôm thủ đô Bắc Kinh đã bị một đám mây đen dầy đặc bao phủ, phải cấm lưu thông nhiều tuyến đường, và nhiều chuyến bay gặp trở ngại. Chính quyền Bắc Kinh nói đây là « một sự ô nhiễm nhẹ », nhưng đại sứ quán Mỹ tại đây đã lấy mẫu thử ngay và công bố là chất lượng không khí đang « ở mức nguy hiểm ». Thế là tờ báo chính thức của nhà nước Beijing Times lớn tiếng đả kích các nhà ngoại giao Mỹ đã phóng đại, trong khi cư dân mạng Trung Quốc không ngừng chế giễu.
Tờ báo nói thêm, bụi từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra nạn ô nhiễm, bên cạnh đó là xe cộ. Trong năm ngoái, mỗi ngày lại có thêm 2.000 chiếc xe mới được đăng ký tại Trung Quốc. Le Figaro nhắc lại, Trung Quốc hiện có 13 trên tổng số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, còn thủ đô Bắc Kinh đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm trên toàn cầu.
Không chỉ có không khí, mà chất lượng nước cũng thế. Theo số liệu chính thức, thì năm 2008 khoảng 300 triệu người Trung Quốc không có nước sạch để sử dụng. Nơi thì có quá nhiều fluor, nơi lại đầy các chất hóa học độc hại. Nhìn chung, có đến 25% lượng nước từ trên 1.000 nguồn nước uống được không đạt tiêu chuẩn quốc gia. Còn chất lượng đất cũng tệ hại : 1/10 diện tích đất canh tác bị nhiễm kim loại nặng.
Thiệt hại do môi trường bị ô nhiễm được ước tính lên đến 3% tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc, nhưng theo các con số không chính thức thì có thể lên đến từ 8 đến 12%. Mỗi năm có khoảng 50.000 cuộc biểu tình phản đối các công trình gây ô nhiễm tại Trung Quốc, tính ra mỗi tuần lên đến cả ngàn vụ !
Loài cây thủy tùng có nguy cơ tuyệt chủng
Cũng về vấn đề môi trường, Le Monde cho biết, Liên hiệp Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (UICN) vừa công bố Danh sách đỏ năm 2011, báo động « Trên một phần tư các loài tùng, bách trên thế giới đang bị đe dọa ». Theo báo cáo này, thì khu vực Thái Bình Dương có nhiều loài cây thuộc họ tùng, bách phong phú nhất, trong đó nguy cơ diệt chủng của một số loài chủ yếu ở vùng châu Á nhiệt đới.
Chẳng hạn như loài thủy tùng, có tên khoa học là Glyptostobus pensilis, vốn rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam, được xếp loại « bị đe dọa », nay được đưa lên hạng « nguy cấp sắp tuyệt chủng ». Nguyên nhân chủ yếu là do loài cây này mất dần diện tích, vì đất canh tác bị khai thác quá mức. Tại Trung Quốc, hiện không còn thủy tùng hoang dại trong thiên nhiên. Còn tại Việt Nam, nay có rất ít cây thủy tùng cho hạt có thể ươm được. Quần thể thủy tùng lớn nhất mới được phát hiện tại Lào đã bị hủy diệt, sau khi vùng đất này bị ngập lụt do dự án thủy điện Nậm Thôn trên sông Mêkông. Điều này có nghĩa, theo UICN, là loài này sẽ nhanh chóng tiến đến tình trạng « hoàn toàn bị tuyệt chủng trong thiên nhiên ».
Thư viện và học bổng cho trẻ em nghèo
Trên lãnh vực văn hóa xã hội, phụ trang của Le Figaro đăng bài viết dịch từ New York Times mang tựa đề « Từ Nepal đến Việt Nam, một Carnegie thời hiện đại ». Bài báo nói về tổ chức từ thiện Room To Read do ông John Wood, vốn là giám đốc tiếp thị của Microsoft sáng lập, đã thành lập nhiều thư viện tại các nước nghèo và trao học bổng cho các nữ sinh con nhà nghèo để các em được tiếp tục đến trường.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1998, khi ông John Wood trong chuyến đi Nepal tình cờ thấy một ngôi trường có 450 học sinh nhưng không có cuốn sách nào. Sau đó ông gởi tặng cả một núi sách, được một đoàn lừa chở đến, khiến các em học sinh hết sức vui mừng. Ông bèn từ chức để thành lập Room To Read, và đến nay tổ chức này đã lập được trên 12.000 thư viện tại khắp nơi trên thế giới, gấp 5 lần so với Andrew Carnegie, người đã đi tiên phong trong việc thành lập một loạt thư viện miễn phí tại Mỹ vào thế kỷ 19.
Riêng tại Việt Nam, tác giả bài báo đã đến tận một làng ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà tổ chức Room To Read đã phân phối cuốn sách thứ 10 triệu. Tác giả cũng gặp em Lê Thị Mỹ Duyên, sống trong một xã biệt lập, chỉ có thể đến được bằng đò. Do quá nghèo, em đã phải bỏ học, nhưng các cộng tác viên tại chỗ của Room To Read đã thuyết phục được gia đình cho em tiếp tục đến trường, và đóng học phí, mua đồng phục cho em, nhờ đó ngày nay Duyên có thể mơ đến việc vào đại học.
Trước một thư viện mà John Wood đã giúp thành lập ở miền tây Việt Nam, ông Wood nói với phóng viên New York Times, ông không thể chấp nhận được việc có đến 793 triệu người mù chữ, trong khi giải pháp của vấn đề là không hề đắt. John Wood cho biết trong 20 năm tới, ông định mở thêm 100.000 thư viện phục vụ cho 50 triệu trẻ em. Và trong 50 năm nữa, không còn bất cứ trẻ em nào trên thế giới phải nghe nói là : « Em đã được sinh ra không đúng chỗ, không đúng lúc, nên em không bao giờ có cơ hội được học hành ». 
TAGS: TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: