31.12.11

Nhìn lại thế giới năm 2011


Ngoài những thảm họa thiên nhiên – như sóng thần tại Nhật, lụt lớn ở Thái Lan hay động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ – trong năm 2011, nhiều biến cố quan trọng đã xảy ra tại nhiều nước khác nhau, làm thay đổi cục diện chính trường thế giới. Trong số đó có không ít sự kiện mà cách đây một năm khó ai có thể đoán hay tin rằng sẽ xảy ra.
Bắc Phi thức tỉnh

Những biến cố này được khởi sự tại Tunisia hôm 18/12/2010, khi người dân nước này đồng loạt xuống đường biểu tình sau khi Mohamed Bouazizi, một sinh viên, tự thiêu để phản đối sự tham nhũng, đàn áp của cảnh sát của nước Bắc Phi này.
Trước làn sóng biểu tình ngày một mạnh của người dân, sau gần một tháng chống cự, Tổng thống Ben Ali buộc phải từ chức và cùng gia đình trốn chạy sang Ảrập Saudi.
Cuộc vùng dậy của người dân Tunisia – còn được gọi là cuộc ‘Cách mạng hoa Nhài’ – không chỉ chấm dứt 23 năm độc tài cai trị của ông Ben Ali tại Tunisia mà còn lan rộng sang các nước láng giềng khác.
Ở Ai Cập, bắt đầu từ ngày 25/01/2011, các cuộc biểu tình đã đồng loạt xảy ra và 18 ngày sau đó, tổng thống Hosni Mubarak đành phải từ chức, chấm dứt 30 năm cai trị nước này.
Sau Tunisia và Ai Cập, làn sóng biểu tình lan sang Lybia và cuối cùng chấm dứt 42 năm độc tài cai trị của đại tá Muammar Gaddafi tại quốc gia này. Nhưng khác hẳn với hai nhà độc tài kia, thay vì trốn chạy hay đầu hàng, ông Gaddafi kiên quyết tấn công, đàn áp người biểu tình và dẫn đến cuộc nội chiến đẫm máu.
Tuy vậy, trước sức mạnh của người dân Lybia và các cuộc không kích của liên quân, sau gần chín tháng chống cự, đại tá Gaddafi hết đường chạy và bị bắt. Không chỉ thế, vì ham mê quyền lực vô độ, thà chết chứ không bỏ quyền lực, ông phải chết một cách thê thảm, nhục nhã, gia đình ông phải sống cảnh ly tán, chết chóc.
Ngoài ba nước trên, các cuộc nổi dậy chống độc tài, toàn trị đã và đang xảy ra tại một số nước khác trong vùng như Syria và Yemen.
Chưa ai có thể khẳng định những cuộc nổi dậy chống độc tài, đòi tự do tại các nước Bắc Phi và Ảrập – thường được gọi là ‘mùa Xuân Ảrập’ – có thực sự ‘đơm chồi’, ‘nảy lộc’ và ‘sinh hoa’, ‘kết trái’ hay không.
Nhưng những gì diễn ra tại những nước này trong năm qua cho thấy không ai có thể mãi tự cho mình cái quyền độc tôn lãnh đạo nếu họ không được bầu lên một cách dân chủ, hợp pháp, nếu họ không biết đặt quyền lợi của dân trên hết. Cách đây một năm, chắc không ai có thể đoán rằng những nhà độc tài có trong tay tất cả mọi quyền lực như đại tá Gaddafi có thể bị hạ bệ và thậm chí bị giết hại một cách tàn nhẫn như vậy.
Việc người dân tại các nước Bắc Phi và Ảrập dám đứng lên chống chọi với những nhà độc tài nhiều thủ đoạn và dám làm tất cả để duy trì quyền lực cũng chứng mình rằng ‘không có gì quý hơn tự do’.
Biển Đông nổi sóng
Tranh chấp, căng thẳng Biển Đông cũng là một đề tài khác được giới dư luận thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam và các nước khu vực, quan tâm nhiều trong năm 2011.
Nhiều hội nghị diễn ra để bàn về tranh chấp Biển Đông

Tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN tại Biển Đông đã có từ lâu. Nhưng có thể nói 2011 là năm có nhiều căng thẳng nhất giữa các nước tranh chấp.
Chẳng hạn, dù Bắc Kinh và Hà Nội chính thức tuyên bố gia tăng quan hệ dựa trên ‘4 tốt’ và ‘16 chữ vàng’, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra, sau khi tàu Trung Quốc vào cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam vào tháng cuối tháng Năm.
Như hầu hết giới quan sát, phân tích nhận định, một lý do chính đã làm Biển Đông nhiều lần nổi sóng, gây căng thẳng và thậm chí có thể dẫn đến xung đột khu vực trong năm 2011 là thái độ mạnh bạo – nếu không muốn nói là hung hăng – của Trung Quốc trong việc nước này tuyên bố, khẳng định chủ quyền của mình tại Biển Đông.
Mỹ quay trở lại
Năm 2011 cũng là năm đánh dấu sự quay trở lại châu Á của Mỹ.
Trong một bài viết được đăng trên tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn định rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương vì theo bà các cỗ máy chính của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ này đều nằm ở châu Á-Thái Bình Dương.
Nhưng, cũng như nhiều nhà phân tích khác nhận định, Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, ngoài việc được coi là một miền đất hứa, châu Á cũng là vùng tiềm tàng nhiều bất ổn. Tranh chấp Biển Đông là một ví dụ.
Do đó, theo bà Hillary Clinton, để tận dụng được những cơ hội mà các nền kinh tế ở Á châu mang đến cũng như giới hạn được những xung đột trong khu vực, Mỹ cần phải sử dụng hết mọi khả năng, phương tiện ngoại giao để có thể gia tăng sự hiện diện, ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của mình tại châu Á-Thái Bình Dương.
Chuyến đi châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng 11, trong đó có điểm dừng chân tại Úc và Bali, Indonesia – nơi ông tham dự Hội nghị Á Đông lần đầu tiên – đánh dấu sự trở lại của Mỹ. Trong chuyến đi này, Tổng thống Obama cũng đã nhiều lần khẳng định rằng Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại Á châu cũng như cam kết rằng Mỹ sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực.
Điều đáng nói là – như nhận định của Elizabeth C. Economy trong một bài viết được đăng trên trang Council on Foreign Relations, hôm 22/11/2011 – việc Mỹ gia tăng sự hiện diện của mình tại Á châu làm an lòng các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc hay quan ngại về sự lớn mạnh của nước này.
Châu Âu khủng hoảng

Các nước châu Âu chao đảo vì khủng hoảng đồng euro
Một lý do khác dẫn đến việc Mỹ chú tâm nhiều hơn vào Á châu là sự suy thái kinh tế của châu Âu.
Theo kết quả của cuộc thăm dò dư luận – Trans-Atlantic Trends 2011 Survey – do The German Marshall Fund của Mỹ thực hiện được công bố vào tháng Chín năm nay, có đến 51 % người Mỹ được hỏi cho rằng đối với kinh tế của Mỹ các nước Á châu quan trọng hơn các nước thành viên của Cộng đồng chung châu Âu (EU).
Đúng vậy, 2011 là một năm tồi tệ với các nước châu Âu vì nhiều nước rơi vào khủng hoảng tài chính, kinh tế nghiêm trọng. Một số nước thành viên của EU, như Hy Lạp, Ý phải đối diện với nợ nần chồng chất, không thể xoay trả.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà châu Âu phải đối diện kể từ Thế chiến thứ Hai.
Khủng hoảng tài chính, kinh tế không chỉ làm lu mờ đi những thành quả kinh tế, chính trị mà các nước EU đạt được từ hơn 50 năm qua mà còn đe dọa đến những cố gắng, ý tưởng hội nhập và xây dựng một châu Âu thống nhất.
Tuy vậy, mặc dù chưa phải đã thoát khỏi đường hầm, nhưng sau cuộc họp thượng đỉnh quan trọng tại Brussels vào đầu tháng 12, ngoại trừ Anh, xem ra các nước EU đang tìm được một giải pháp chung cho khủng hoảng.
Hơn nữa, dù rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, nhìn toàn cục mọi chuyện không phải là đen tối đối với châu Âu. Trong một bài diễn văn đọc tại Đại học Zurich (Thụy Sỹ) hôm 9/11/2011, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy khẳng định rằng châu Âu vẫn là một khu vực ổn định, phồn thịnh và tự do nhất.
Có thể châu Á đang có thế mạnh về kinh tế, nhưng so với châu Âu, mức sống người dân tại châu Á vẫn còn thấp, nhiều quốc gia vẫn chưa thực sự dân chủ, tự do, chính quyền tham nhũng. Và đặc biệt, như căng thẳng liên quan đến tranh chấp Biển Đông hay việc một số nước trong vùng phải đặt vào tình trạng báo động khi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il qua đời cho thấy tại châu Á xung đột giữa các nước khu vực có thể xảy ra.
Nước Nga vùng dậy
Một bên suốt đời đấu tranh cho dân chủ, tự do và sau khi chết được thế giới tưởng nhớ, ca ngợi. Còn một bên độc tài, toàn trị và ngoại trừ truyền thông nhà nước Bắc Hàn và ‘một vài nước anh em’, dư luận chung đều không có gì thiện cảm khi hay tin ông qua đời. Qua đó cho thấy, dù sống ở đâu, xem ra ai cũng mong muốn có dân chủ, tự do.“  
Nếu 2011 được bắt đầu với việc người dân tại các nước Bắc Phi và Ảrập đứng lên đòi quyền tự do, dân chủ, cuối năm 2011 cũng có không ít biến cố chứng tỏ rằng dân chủ hóa là một tiến trình phát triển tất yếu của lịch sử, không ai có thể ngăn cản được.
Tại Nga, người dân đã đồng loạt xuống đường tố cáo đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Vladimir Putin gian lận trong cuộc bầu cử Hạ Viện hôm 04/12. Chẳng hạn, ngày 24/12 nhiều cuộc biểu tình đã diễn tại nhiều thành phố khác nhau tại Nga – trong đó tại thủ đô Moscow, có khoảng 50.000 người.
Những cuộc biểu tình này cũng phản đối, chỉ trích, đòi tẩy chay, loại trừ ông Vladimir Putin – người đã giữ chức Tổng thống và Thủ tướng Nga trong 13 năm vừa qua và sẽ ra tái tranh cử tổng thống vào tháng Ba năm tới.
Ngay cả Miến Điện – một nước được coi là độc tài – cũng có nhiều biến chuyển, cởi mở về chính trị trong trong thời gian gần đây. Điều đó cho thấy chỉ có những ai cố tình nhắm mắt làm ngơ, chỉ có những ai ham quyền quá độ – như ở Bắc Hàn và một số ít nước khác – mới không muốn chấp nhận quy luật chung đó.
Những ngày cuối năm, dư luận thế giới cũng quan tâm nhiều đến cái chết của hai nhà lãnh đạo: ông Vaclav Havel, cựu tổng thống Cộng hòa Czech và Kim Jong-il, ‘lãnh tụ kính yêu’ của Bắc Hàn – hai con người có hai lối sống khác biệt, để lại hai di sản đối nghịch và cũng nhận được hai thái độ trái ngược nhau từ dư luận khi họ qua đời.
Một bên suốt đời đấu tranh cho dân chủ, tự do và sau khi chết được thế giới tưởng nhớ, ca ngợi. Còn một bên độc tài, toàn trị và ngoại trừ truyền thông nhà nước Bắc Hàn và ‘một vài nước anh em’, dư luận chung đều không có gì thiện cảm khi hay tin ông qua đời. Qua đó cho thấy, dù sống ở đâu, xem ra ai cũng mong muốn có dân chủ, tự do.

Không có nhận xét nào: