1.1.12

Bầu cử Quốc hội bổ sung tại Miến Điện : Trắc nghiệm về uy tín của phe đối lập



Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi vẫy cờ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện
Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi vẫy cờ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện
REUTERS

Trọng Nghĩa
Nhận xét chung của tất cả các nhà quan sát cho đến nay đều thống nhất trên một điểm : Lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà thành lập rất được lòng dân. Sắp tới đây, nhận xét này sẽ được kiểm nghiệm trong thực tế với cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung được tổ chức vào đầu tháng Tư năm 2012.

Trong một thông cáo đọc trên đài phát thanh và truyền hình vào hôm qua, 30/12/2011, Ủy ban Bầu cử Miến Điện cho biết là cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra ngày Chủ nhật 01/04. Những ai muốn tham gia sẽ phải đăng ký và nộp danh sách ứng cử viên trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 31 tháng Giêng 2012.
Tổng cộng sẽ có 48 đại biểu được bầu bổ sung lần này : 40 ghế dân biểu tại Hạ viện, 6 ghế Thượng nghị sĩ  và hai thành viên trong các Nghị viện địa phương. Cuộc bầu cử này được tiến hành nhằm bổ khuyết vào các chỗ bị bỏ trống sau khi một loạt những người được bầu trong cuộc tuyển cử vào tháng 11 năm 2010, đã trở thành bộ trưởng và thứ trưởng trong chính phủ dân sự của tổng thống Thein Sein.
Ngay trước khi ngày bầu cử được chính thức loan báo, bà Suu Kyi đã cho biết ý định ra tranh cử lần này. Đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà đã chính thức đăng ký hoạt động cách đây một tuần, sau khi chính quyền đã điều chỉnh luật bầu cử để họ có thể tham gia.
Theo giới quan sát, cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ là bài trắc nghiệm trên hiện trường đầu tiên về uy tín của đảng được quân đội Miến Điện hậu thuẫn so với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi dẫn đầu.
Đối với chính quyền của tổng thống Thein Sein, cho dù Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành được toàn bộ số ghế bổ sung trong cuộc bầu cử sắp tới, thực lực của đối lập vẫn không đủ để đe dọa đa số tuyệt đối mà đảng cầm quyền và quân đội đang nắm giữ trong nghị viện Miến Điện.
Thật vậy, hiện nay, quân đội Miến Điện mặc nhiên có 110 ghế trong Hạ viện có 440 dân biểu, và 56 ghế trong Thượng viện gồm 224 Thượng nghị sĩ. Trong số 498 ghế được đưa ra bầu cuối năm ngoái, đảng Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển do quân đội ủng hộ chiếm khoảng 80%.
Tuy nhiên, vì cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm 2010 không có sự tham gia của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, cho nên không thể biết được là chiến thắng của đảng được quân đội Miến Điện hậu thuẫn có thực sự thể hiện nguyện vọng của người dân hay không. Kết quả cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ cung cấp lời giải đáp đầu tiên.
Đối với Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cũng thế, dù đã từng thắng lớn trong cuộc bầu cử vào năm 1990 - mà kết quả không hề được tập đoàn quân sự Miến Điện công nhận – nhưng hơn 20 năm sau, liệu uy tín của họ còn nguyên vẹn hay không ? Ẩn số này cũng sẽ có đáp án vào ngày 01/04.
Riêng đối với bà Aung San Suu Kyi, cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ cho bà cơ hội tham gia một Quốc hội vẫn còn bị các đồng minh của chính quyền quân sự trước đây thống trị. Nếu đắc cử, hiển nhiên bà ​​sẽ trở thành lãnh đạo phe đối lập chính thức của Miến Điện trong Quốc hội.
Về phần chính quyền Miến Điện, việc bà Aung San Suu Kyi và Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tham gia đời sống chính trị sẽ mang lại cho họ tính chính đáng mạnh mẽ hơn, cả ở trong nước lẫn ngoài nước.
Theo nhiều nguồn tin thân cận với chính quyền Miến Điện, hiện tại, bản thân chính phủ cũng muốn bà Suu Kyi và đảng của bà có mặt trong Quốc hội để cung cấp cho định chế này tính chính đáng còn đang thiếu và giúp chế độ cải thiện hình ảnh của mình.
Các chuyên gia phân tích đều cho rằng giới lãnh đạo Miến Điện, được quân đội hậu thuẫn, đã nhận thức rõ ảnh hưởng to lớn của bà Suu Kyi đối với cộng đồng quốc tế. Họ cũng đã hiểu được rằng đóng góp của bà rất cần thiết, không chỉ để đạt được quyền làm chủ tịch ASEAN vào năm 2014 – điều mà họ đã giành được - mà còn là để thúc giục phương Tây bãi bỏ các biện pháp trừng phạt vốn đã kềm hãm sự phát triển kinh tế của Miến Điện từ năm 1988 đến nay.
TAGS: BẦU CỬ - CHÂU Á - CHÍNH TRỊ - MIẾN ĐIỆN - PHÂN TÍCH - ĐỐI LẬP

Không có nhận xét nào: