KẺ LẠ CỦA HOÀNG HÔN
Anh định đến thăm em lần cuối
Nhưng mà nay lần cuối cũng không còn
Nắng ở lại bên sông rồi nắng tắt
. . . . .
Nguyễn Kim Ngân
Tối hôm qua, 29-12-2011, như mọi năm, cuộc họp mặt kỷ niệm Phong trào Đấu tranh của Thanh niên-Sinh viên-Học sinh Sài gòn và các giới được tổ chức, lần nầy tại Nhà hàng Đông Hồ 3, đường Lê Hồng Phong.
Chỉ mới bước vào sảnh, tôi đã cảm nhận ngay một không khí hơi lạ.
Không gian lịch sự, ghế bàn ngay ngắn, sân khấu hoành tráng. Đặc biệt, dàn người phục vụ ăn mặc đi đứng rất chỉnh chu và các khuôn mặt đều trẻ trung. Trực giác cũng cho tôi biết, nhiều em có chức năng chuyên nghiệp làm nhiệm vụ về trật tự và cả những máy ảnh, máy quay phim biết chĩa vào ai và những ai. Đây chính là điều khác lạ với mọi năm. Đêm nay dường như quá khứ đã được canh giữ cẩn mật. Tôi nhận ra ở đâu đó có nỗi lo lắng về sự có mặt tất nhiên của những lãnh đạo phong trào đã từng xuất hiện bày tỏ lòng yêu nước những ngày tháng 6 vừa qua.
Như thế, buổi lễ diễn ra đương nhiên là rất trật tự. Và trật tự đã diễn ra suốt cả buổi liên hoan. Rất chu đáo về việc sắp xếp chương trình, và đặc biệt về bộ phận điều khiển âm thanh. Có hai anh nhạc sĩ của phong trào đứng ra điều khiển: nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh, và nhạc sĩ Trần Xuân Tiến.
Phần giới thiệu quan khách cũng trân trọng và đầy đủ: các nhân sĩ, các vị có tên tuổi của các đoàn thể trong phong trào đấu tranh, các má, các anh lãnh đạo của phong trào SVHS…và sau đó dĩ nhiên có vài vị có chức quyền đương nhiệm.
Sau một bài hát tốp ca nghiêm túc do hai nhạc sĩ làm chủ đạo, anh Huỳnh Tấn Mẫm, đại diện Phong Trào, được giới thiệu lên phát biểu. Anh phát biểu với nội dung rất súc tích và gây xúc động. Sự thành thật xuất phát từ nội tâm, anh gởi lời cảm ơn đến các nhân sĩ, trí thức, các đoàn thể cũng như các tôn giáo đã từng ủng hộ, giúp sức cho phong trào đấu tranh của TN-SV-HS Sài Gòn, đã từng che chắn cho những trận đòn roi tra tấn thập tử nhất sinh, và cả sự gắn bó cho đến hôm nay. Lời anh gây xúc động như cảm giác về một sự chia tay … Anh Trần Xuân Tiến, người dẫn dắt chương trình, bằng cảm xúc nhất thời, hoặc là từ một suy nghĩ sâu sắc đã nói về “sự vắng mặt dần dần” qua năm tháng của những con người, cùng nhau một thời đấu tranh, là lẽ đương nhiên của tạo hóa, và có lẽ cũng đã đến lúc bàn giao thế hệ …
Không khí trầm lắng, và anh Bí thư Thành Đoàn đương nhiệm lên phát biểu.
Bàn giao thế hệ là điều tất yếu, tiếp nối truyền thống là điều tin tưởng. Nhưng nung nấu và hoài niệm là không thể chấm dứt.
Xen kẽ các phát biểu là các tiết mục múa và hát. Các chị, dù đã cao tuổi, múa vẫn dẻo và duyên dáng trong các bộ trang phục đúng chuẩn, không kém gì các đoàn chuyên nghiệp, nhưng sự bốc lửa trong tim là điều có khác.
Và những bài ca, một thời đã gây cảm xúc sâu đậm trong lòng nhân dân, đã được tái hiện sắc sảo gợi lại một không gian sinh động của ngày trước.
Những bài hát và giọng ca đầy khí thế chống ngoại xâm, bộc lộ lòng yêu nước nồng nàn cùng với khát vọng thiết tha về Độc lập, Tự do và Dân chủ đã được cất lên, đã sống dậy, làm xao động một bầu không khí hào hùng và trong sáng của một thời quá khứ, một thời trẻ trung của các thế hệ Thanh niên và Thiếu niên lúc bấy giờ, mà nay đã là lứa tuổi ngoài 50, 60, và 70. Những bài ca lay động lòng người khó ai quên được.
Bài Người Mẹ Bàn Cờ (nhạc Trần Long Ẩn, lời thơ Nguyễn Kim Ngân) nói lên sức mạnh của lòng dân, tay không chiến đấu. Bài Đồng Lúa Reo ( Tôn Thất Lập) nói lên hình ảnh mong ước của một tương lai phát triển từ nông thôn đến thành thị. Bài Hát Từ Đồng Hoang (Miên Đức Thắng ) vẽ nên cảnh người dân nghèo bị áp bức bóc lột bởi những chính sách hà khắc bất công, quyết giành lại mảnh đất sống cho mình. Bài Không Ai Ngăn Nổi Lời Ca (La Hữu Vang) lại là tiếng kêu đòi cương quyết về Tự do, Dân chủ…và kết thúc bằng Dậy Mà Đi (Nguyễn Xuân Tân).
Thật tài tình cho Ban Tổ Chức về sự điều khiển chương trình.
Không khí nồng nàn đầy hưng phấn của Phong Trào trong quá khứ đã chấm dứt “ngay trong quá khứ,” như một nhát dao chém thật bén, cắt lìa hiện tại để chuyển sang tiệc ăn với những món ăn cũng chỉnh chu và ngon miệng.
Chương trình diễn ra rất sít sao. Không ai phát biểu “tự phát” ngoài chương trình đã định. Tiếc thay, dự định gởi gắm những suy nghĩ về truyền thống yêu nước của phong trào đô thị cho thế hệ trẻ từ những khuôn mặt lãnh đạo tiêu biểu của phong trào cũng được ai đó nhẹ nhàng tắt âm thanh. Cái không khí trang nghiêm không hợp với một ngày hội quần chúng! Không có tiềng vui đùa nghiêng ngả, náo nhiệt mà hồn nhiên, thiếu trật tự nhưng là của đời thường. Nó có phần giống như một buổi lễ để tôn vinh và cũng để khép lạimột quá khứ…
Thực khách lịch sự, yên ổn ngồi ăn, lặng nghe những dư âm sâu lắng của quá khứ đọng lại, rồi trôi theo những món ăn với một vị đắng đắng.
Và lời tuyên bố bế mạc.
Anh Lê Công Giàu vội vàng và lúi húi trao tay cho anh André một món quà nhỏ để góp sức cùng anh gởi đến những góa phụ ở Lý Sơn và nói lời cảm ơn người đã có lần cứu mạng sống của anh trong nỗ lực âm thầm của một trái tim. Một sự xúc động lan tỏa giữa nhóm người đứng quanh.
Tôi gặp chị Tư- trưởng Ban Tổ chức- kịp nói một câu hờ hững: ”Hay lắm chị Tư, đêm nay chị tổ chức thật là chặt chẽ !”, chị hửng hờ đáp: “Thế à, toàn là tiền túi và đi xin không đấy, phải nói anh em đóng góp đi chứ “. Tôi nhoẻn miệng cười. Đêm truyền thống thật sự kết thúc !
*
* *
Như thường lệ, mỗi năm sắp đến ngày kỷ niêm Phong trào, anh nhà thơ Nguyễn Kim Ngân lại thu xếp cái đìa nuôi tôm nho nhỏ của anh bên cạnh hẻm núi, từ Phú Yên đón xe đò vào Sài Gòn dự.
Khi buổi tiệc kết thúc, anh lặng lẽ dúi cho tôi một bài thơ chép tay anh mới viết. Lời thơ thoáng nét bùi ngùi không thể gọi được tên. Những bạn nào thích thơ thẩn thì đọc chơi. Tôi chép đây :
KẺ LẠ CỦA HOÀNG HÔN
Anh định đến thăm em lần cuối
Nhưng mà nay lần cuối cũng không còn
Nắng ở lại bên sông rồi nắng tắt
Ta sắp thành kẻ lạ của hoàng hôn
Kẻ lạ của hoàng hôn, không có địa chỉ để đến
Không có người để gặp
Chỉ là áng mây xa đã đủ sắc màu tan hợp
Chỉ như sương trắng ban mai kéo xuống đắp chiều tà
Có điều chi buồn vui xin thứ lỗi
Cái ta đi tìm hình như không gặp nhau
Ta phải kịp trồi lên tìm dưỡng khí
Đã thấy mình đuối sức trước sông sâu
Lãng đãng đường chiều đất đá dăm
Một bên rừng núi, một bên sông
Sông lở, núi trôi, em nghiêng ngả
Nát nhàu bụi bặm bánh xe qua.
Kẻ lạ thu mình làm kẻ lạ
Chiếc mũ, chiếc khăn làm mặt nạ
Ta như ngựa đã đóng móng,
Và che bờm, rong ruổi với đường xa.
Ngày cuối năm,
Chúc bạn bè gần xa một năm mới an lành.
H.Đ.N.
* Tác giả Hạ Đình Nguyên, từng là Chủ tịch Ủy ban Đấu tranh thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975. Mời xem thêm: - 257. Một thoáng Hoàng sa 1974: “Anh hãy ngồi xuống đây!” (Ba Sàm). - Đừng giẫm lên cỏ các anh chị ơi…! (Tiền vệ). – Tôi yêu sự đổi mới và trung thành với tương lai (Tiền Vệ). – Cụm từ này không phải của nhân dân (bauxitevn).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét