Hôm qua, 29/12, nước bạn Bắc Hàn đã tổ chức quốc tang đồng chí Kim Jong-il, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Bắc Triều Tiên, một chiến sỹ cộng sản xuất sắc đã có những cống hiến to lớn cho phong trào cộng sản thế giới.
Đồng chí Kim, nhà cộng sản chân chính đã ra đi ở tuổi 69, với bao dự định giang dở về chương trình vũ khí hạt nhân và sự vô sản hoá đồng bào mình làm nòng cốt cho phong trào cộng sản quốc tế.
Đồng chí Kim Jong il là người thấm nhuần tư tưởng Mạc Lê, là nhà lãnh đạo chính thức Bắc Hàn trong 17 năm sau khi lãnh tụ vĩ đại Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), qua đời vào năm 1994. Trên thực tế, đồng chí Kim Jong-il cai trị Bắc Hàn trong suốt 37 năm kể từ khi người được chỉ định làm thừa kế cha mình vào năm 1974.
Năm đó, khi đồng chí Kim bắt đầu cai trị miền bắc cùng với cha, nền kinh tế miền bắc và miền nam Triều Tiên có quy mô gần như nhau. Nhưng vào năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã gấp 19 lần so với dân Bắc Hàn. (Tiên sư bọn tư bản)
Hàng triệu người đã chết đói trong suốt bốn năm cầm quyền đầu tiên của đồng chí Kim Jong-il bắt đầu từ năm 1994 và hàng trăm nghìn người đã bỏ chạy khỏi đất nước để tìm lương thực và việc làm.
Nhớ lại, khi bán đảo Triều Tiên giành được độc lập từ người Nhật vào năm 1945, hơn 80% cơ sở công nghiệp nằm trên lãnh thổ miền bắc. Trong suốt thời gian 65 năm cai trị của các đồng chí cộng sản kiên trung, Kim Il-sung và Kim Jong-il đã tàn phá chúng một cách hệ thống và biến Bắc Hàn thành một trong các quốc gia nghèo nhất và lạc hậu nhất thế giới. Nhờ đó, mà giai cấp vô sản ở Bắc Hàn trở nên đông đúc và hùng mạnh.
Khi làn sóng đỏ xuất phát từ cuộc cách mạng Tháng Mười ở Nga, loang sang Trung Quốc, rồi tràn vào Hàn, tràn xuống Việt Nam… bằng con đường bạo lực cách mạng, trấn áp giai cấp tư sản, cướp bóc tài sản của họ chia nhau, người dân trong khối này cũng mát mặt được một số năm.
Không lâu sau đó, tài sản này tiêu tan, các nước cộng bắt đầu đi vào ngõ cụt. Ở Trung Quốc, sau khi đồng chí Mao chết (1976) ít lâu sau đó, Đặng nắm được quyền lực và bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào năm 1978. Việt Nam sau khi suýt rơi xuống vực cũng đã tỉnh ngộ theo Tàu và năm 1986 cũng bắt đầu đổi mới.
Dẫu thành trì CNXH Liên Xô và các nước Đông Âu cũng đi trên con đường tiến tới dân chủ và chủ và thừa nhận nền kinh tế thị trường, nhưng đồng chí Kim Jong-il vẫn kiên định học thuyết Mạc Lê, đi theo hướng ngược lại.
Cùng với đó, đồng chí Kim Jong Il ca ngợi học thuyết “chủ thể” của cha mình, vốn đề cao việc tự dựa vào bản thân, là học thuyết dẫn đường duy nhất của đất nước để củng cố sự thừa kế kiểu vương triều.
Kể từ năm 2000, đồng chí Kim Jong-il đã họp thượng đỉnh với các tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo Hyun. Các cuộc họp thượng đỉnh này đã dẫn đến mở các các tour du lịch đến núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong. Nhờ đó, đồng chí Kim đã kiếm được một ít ngoại tệ. Có tiền, đồng chí Kim Jong-il bỏ vào vũ khí hạt nhân và mua sự trung thành của của các quan chức Bắc Hàn để duy trì sự kiểm soát quyền lực tối cao của mình.
Đồng chí Kim Jong-il đã bày tỏ sự kinh ngạc và thán phục sau khi chứng kiến các cải cách kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu dân Bắc Hàn cũng được mở mặt mở mày, cũng được no đủ thì chúng dửng mỡ mà quên ngay sự trung thành với lãnh tụ tối cao, cứ thế, lý tưởng cộng sản sẽ phai nhạt. Kinh nghiệm cha ông đã mách bảo đồng chí, bất cứ khi nào quyền thống trị tối cao bị đe dọa, đồng chí sẽ ra lệnh đóng cửa thị trường đất nước vốn là phương tiện sống còn duy nhất cho người dân sau khi chế độ tem phiếu thực phẩm bị bãi bỏ.
Trong những năm cuối đời mình, đồng chí Kim Jong-il đã bán quyền khai mỏ và thậm chí các hải cảng chủ chốt cho Trung Quốc trong nỗ lực kiếm tiền tuyệt vọng.
Chế độ của đồng chí Kim Jong-il đã đem lại nạn đói và sự đàn áp cho 24 triệu dân Bắc Hàn, tuy nhiên, đồng chí Kim đã chứng minh cho nhân loại thấy, CNXH vẫn là một loại ren quý hiếm, được đồng chí bảo tồn thành công mà không bị tuyệt chủng.
Thành kính thắp cho đồng chí nén hương, cầu mong cho đồng chí bình an nơi chín suối!
(Có sử dụng tư liệu từ các nguồn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét