Quân đội Nam Triều Tiên đã bắn trọng pháo vào Hoàng hải gây nguy cơ miền Bắc có thể tấn công trả đũa.

Các giới chức tại Seoul cho biết cuộc thao dượt sáng hôm nay là một hoạt động thường lệ trong đó có cuộc thực tập súng phóng lựu tự động và súng cối. Các trực thăng cơ tấn công cũng tham gia cuộc thực tập trong vùng đảo ở biên giới phía tây.

Một phát ngôn viên của ban tham mưu liên quân Nam Triều Tiên cho biết không có cuộc bắn phá nào hướng về phía lằn ranh giới phía bắc, là vùng biên giới đang tranh chấp.

Ngày hôm trước, Bắc Triều Tiên đã cảnh báo những cư dân trên 5 hòn đảo phải di tản để tránh cuộc pháo kích có thể diễn ra.

Và trong một thông điệp được đài phát thanh và các cơ quan thông tấn nhà nước loan tải, chỉ vài giờ đồng hồ trước khi bắt đầu cuộc thao diễn quân sự của miền Nam, Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận là một lời tuyên chiến rõ ràng chống lại miền Bắc.

Phát thanh viên của Bắc Triều Tiên nói rằng nếu Nam Triều Tiên nổ súng bừa bãi thì sẽ không tránh khỏi một cuộc tấn công trừng phạt nghiêm trọng gấp nhiều ngàn lần hơn vụ pháo kích vào đảo Yeonpyong.

Hôm 23 tháng 11 năm 2010, đáp lại một cuộc thao dượt quân sự của Nam Triều Tiên, Bắc Triều Tiên đã pháo kích vào hòn đảo vừa kể, làm 4 người thiệt mạng.

Các giới chức Nam Triều Tiên cho biết cư dân trên 5 hòn đảo nằm ở tiền tuyến đã được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn an toàn trước khi lực lượng quân đội Nam Triều Tiên bắt đầu cuộc thao dượt trọng pháo. 

Các giới chức cũng nói rằng chưa nhận thấy phản ứng nào của quân đội miền Bắc và không thấy có dấu hiệu nào về các hoạt động bất thường của quân đội.

Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ trong tuần này cũng tổ chức một cuộc thực tập chống tàu ngầm trong vùng Hoàng hải.

Bắt đầu từ ngày thứ hai tuần tới, binh sĩ Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ bắt đầu cuộc thực tập đầu tiên trong hai cuộc tập trận hằng năm với qui mô lớn, trong đó có nhiều ngàn binh sĩ của cả hai nước tham gia.

Các nhà phân tích tình báo Tây phương cho biết cuộc thay đổi lãnh đạo vừa qua tại Bình Nhưỡng khiến người ta khó lượng định được tính nghiêm trọng của lời đe dọa mới nhất của Bắc Triều Tiên. Theo các chuyên gia này là vì chưa rõ thành tích của nhà lãnh đạo mới Kim Jong Un, so với người cha quá cố của ông này là Kim Jong Il. 

Các chuyên gia cũng ghi nhận là có rất ít thông tin tình báo về động lực lãnh đạo của giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng từ khi ông Kim Jong Il qua đời tháng 12.

Gáo sư Kim Yeon-su, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại học quốc phòng Nam Triều Tiên, nói rằng ông không quan ngại quá mức về những lời cảnh cáo gần đây nhất của Bình Nhưỡng. Ông nêu ra việc những lời cảnh báo đó không phải do những thực thể cao nhất đưa ra cho nên không nên phóng đại đó là mối đe dọa lớn đối với miền Nam.

Giáo sư Kim nói rằng thời điểm đưa lời đe dọa đó có phần chắc gắn liền với cuộc đàm phán trong tuần này tại Bắc Kinh giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.

Các giới chức Hoa Kỳ cho rằng các cuộc đàm phán nhằm đo lường sự thành thực của Bình Nhưỡng về ý muốn đã được bầy tỏ là quay trở lại các cuộc đàm phán giữa 6 nước bàn về chương trình hạt nhân của họ.

Các cuộc đàm phán, có sự tham dự của hai miền Nam Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga đã không tái nhóm được từ năm 2008, khi Bình Nhưỡng rút khỏi cuộc họp.

Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và không có hiệp ước hòa bình. Một hiệp định đình chiến ký kết năm 1953 thực hiện thỏa thuận ngưng bắn sau cuộc nội chiến điêu tàn kéo dài 3 năm.