21.2.12

Nga: Nhà cầm quyền đang đi theo con đường nguy hiểm



Ông Putin và biểu hiệu đài "Tiếng Vọng Matxcơva"
Ông Putin và biểu hiệu đài "Tiếng Vọng Matxcơva"

Nguyễn Minh Cần
Ngày 14/02/2012, vừa xảy ra một vài sự kiện gây nhiều phản ứng trong dân chúng: Người ta vừa công bố thông báo cho biết Gazprom-media là cổ đông kiểm soát của đài “Echo Matxcơva” (Tiếng vang Matxcơva) quyết định triệu tập hội nghị cổ đông để bãi nhiệm trước thời hạn Hội đồng các giám đốc của “Echo Matxcơva”.
Tin này làm chấn động dư luận chẳng những ở Mátxcơva mà còn ở nhiều nơi khác, vì nó báo hiệu điều gì đó chẳng lành không chỉ cho “Echo Matxcơva” mà cả cho đất nước Nga.

Trước khi trình bày phản ứng của dư luận xã hội, chúng tôi xin nói rõ thêm để bạn đọc biết về đài “Echo Matxcơva”. Đó là một đài phát thanh phi chính phủ duy nhất ở Nga được thành lập dưới thời Liên Xô, đã được đăng ký và bắt đầu hoạt động từ tháng 8 năm1990. Qua nhiều biến thiên, đến nay tập đoàn Gazprom-media là cổ đông kiểm soát có 66% phiếu bầu trong đó công ty cổ phần. Số phiếu bầu còn lại thuộc về các nhà báo-cổ đông của “Echo Matxcơva”.
Mặc dù Gazprom-media là cổ đông kiểm soát, nhưng theo luật về các phương tiện truyền thông của Nga thì các sáng lập viên hay các cổ đông không có quyền can thiệp vào đường lối biên tập của đài, vì đường lối biên tập của đài chỉ thuộc quyền tổng biên tập của đài mà thôi. Tổng biên tập của đài là Alexei Benediktov, một nhà báo kỳ cựu.
Trả lời những người cho đài “Echo Matxcơva” là đài chống đối, ông Benediktov nói rõ rằng: “1. Đài chúng tôi không phải là đài chống đối, mà là đài thông tin. 2. Đài chúng tôi là nơi tranh luận của các lực lượng khác nhau. 3. Đài chúng tôi là nơi dành cho các sự phân tích và các ý kiến của các cơ cấu, lực lượng, tư tưởng chính trị khác nhau”.
Chính vì thế đài rất nổi tiếng, được đông đảo thính giả mến mộ vì những thông tin khách quan, những ý kiến khác nhau của nhiều bên tranh luận. Năm 2011, “Echo Matxcơva” được chấm điểm cao nhất, hơn cả những kênh truyền hình của Nhà nước. Cuối năm 2011, site của “Echo Matxcơva” có trên 300 000 lượt người đọc trong một ngày đêm. Cũng vì thế tin tặc đã nhiều lần đánh phá site của “Echo Matxcơva”. Tháng 4 năm 2011, Alexei Benediktov lại được bầu làm tổng biên tập trong ba năm nữa.
Alexei Benediktov (DR)

Bây giờ xin nói rõ vì sao có chuyện đột ngột xảy ra như vậy. Khi phong trào phản kháng của quần chúng dâng cao ở khắp nơi, đặc biệt là ở các thành thị, “Echo Matxcơva” với đường lối biên tập khách quan của mình đã đưa thông tin không thiên vị từ nhiều phía, đồng thời là diễn đàn tranh luận sôi nổi của các phe phái, các phong trào. Mọi lực lượng – dân chủ, liberal, cộng sản, phái tả, phái hữu, dân tộc chủ nghĩa (trừ quá khích, phát xít mới) – đều được trình bày quan điểm của mình trên “Echo Matxcơva”. Cho nên trên đài đã vang lên không ít lời phê phán thẳng thừng đối với hai ông Putin, Mevedev và các quan chức khác. Điều đó không làm vừa lòng các vị đã bị chỉ trích nặng nề. Ông Putin đã mấy lần trực tiếp nói với tổng biên tập của “Echo Matxcơva” về sự không hài lòng đó. Nhưng ông Benediktov làm sao thay đổi đường lối biên tập được vì đó là đường lối đã xác định ngay từ ngày thành lập “Echo Matxcơva” - đường lối thông tin trung thực, khách quan, phản ánh mọi quan điểm trong xã hội để người dân tự thấy đâu là đúng, là sai. Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của Gazprom-media (tập đoàn rất lớn mà Nhà nước chi phối) chính là mưu toan của chính quyền bóp nghẹt chút tự do còn lại của nhân dân.
Thông báo của Gazprom-media để bãi nhiệm Hội đồng các giám đốc của “Echo Matxcơva” trước thời hạn, chủ yếu là nhằm loại bỏ hai giám đốc độc lập là ông Alexandr Makovski và ông Evgheni Yasin. Khi thấy dư luận rất bất bình trước quyết định này thì Gazprom-media thanh minh là quyết định này hoàn toàn không có tính chính trị mà chỉ là thủ tục hành chính nội bộ thôi. Còn phát ngôn viên của thủ tướng, ông Peskov, vội vã tuyên bố là thủ tướng Putin không hề ra lệnh làm việc này.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Benediktov, tổng biên tập “Echo Matxcơva”, nói rằng: ông biết đây không phải là lệnh từ “cấp trên”, nhưng theo ông, đây là do cấp thi hành, khi nghe thấy ông Putin vài lần công khai tỏ ý không hài lòng với đài “Echo Matxcơva” thì họ tưởng đó là lệnh “Fas” (tiếng hô ra lệnh cho chó công vụ xông vào cắn kẻ gian – người viết ghi chú), nên họ thi hành. Ông nói thêm: “Nhưng, chừng nào tôi còn giữ chức tổng biên tập của đài thì tôi vẫn phải giữ vững đường lối biên tập đã định. Mà tôi còn làm tổng biên tập ba năm nữa”.
Còn thông cáo của đài “Echo Matxcơva”, chỉ nói nhẹ nhàng là “các nhà báo-cổ đông không hiểu được về quyết định này của Gazprom-media”, “Chúng tôi rất tiếc là do những sự kiện đó mà hai giám đốc độc lập là A. Makovski và E. Yasin, những người đã làm việc cho đài trên 11 năm, đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đài buộc phải ra đi”, “Chúng tôi hiểu rằng Gazprom-media không thể làm khác được, một khi các nhân vật có chức cao nhất đã có ý kiến phê phán đài” và “Đường lối biên tập của đài đã và sẽ dựa vào luật pháp của Liên bang Nga vì lợi ích của phúc lợi xã hội” (những chữ trong ngoặc kép dịch từ nguyên văn – người viết).
Sự phê phán mạnh mẽ nhất là từ các nhân vật đối lập. Để không phải kể lại dài dòng về những lời phê phán đó, người viết xin dẫn ra ở đây những câu ông Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Liên Xô, trả lời phỏng vấn của đài Tự do.
Hỏi: Ông nhận xét tình hình quanh vụ đài truyền thanh “Echo Matxcơva” như thế nào?
M.G.: Tôi nói xúc động. Tôi thấy xấu hổ điều đó xảy ra ở nước chúng tôi... Thật sự là tôi kinh ngạc. Đối xử như vậy với một đài truyền thanh dân chủ, độc lập mà dân chúng yêu mến, quý trọng, mà dân chúng nghe, sau đó còn đọc những tài liệu (của đài) trên internet... Thế mà hành động trắng trợn như vậy! Điều đó thật đúng là một cái tát vào mặt dư luận xã hội.
Hỏi: Ông nghĩ rằng việc đó đã được Kremli chuẩn nhận ư?
M.G.: Không có nghi ngờ gì cả. Chỉ cần nghe những lời nói dài dòng, giận dữ, chán ngấy và gượng gạo của phát ngôn viên ông Putin nói rằng Kremlin không dính dáng gì đến việc này thì đủ rõ.
Hỏi: Ông có nghĩ rằng sự thay đổi Hội đồng các giám đốc của “Echo” mới chỉ là bước đầu tiên không?
M.G.: Điều đó còn tùy những quá trình sẽ xảy ra trong xã hội.
Hỏi: Và tùy phản ứng của xã hội?
M.G.: Vâng. Còn tùy phản ứng của xã hội nữa. Nhưng nhà cầm quyền phải hiểu rằng trong tình hình này thì họ mất nhiều hơn các nhà báo. Nhưng vấn đề là họ có hiểu hay không... Ở đấy, họ thích những cách như thế. Thế giới tức giận, còn họ thì biểu dương: Đấy, chúng tao cương quyết như thế đấy, không phải như một số người... – thôi, mặc kệ họ.
Hỏi: Ông có ngại rằng tình hình sẽ xảy đến với tờ “Báo mới”? (tờ báo độc lập của tư nhân – người viết ghi chú)
M.G.: Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tôi xin nói trước: tôi sẽ bảo vệ tờ báo đó. Trong việc này có nhiều cách đáp lại khác nhau. Cả bằng lời nói, cả bằng hành động.
Xin nói thêm, có tin ngày 15/02, công tố đã mời ông Benediktov đến nói chuyện. Tổng biên tập đài đã cử luật sư của mình đến gặp. Nội dung câu chuyện thế nào chưa rõ.
Anna Niva (DR)

Còn một chuyện này nữa vừa buồn và vừa buồn cười, cũng gây ra bàn tán. Nhà báo Pháp Anna Niva vừa bị trục xuất ra khỏi nước Nga hôm Chủ nhật 12/02. Về Pháp, chị đã viết bài lên tờ Le Point bên Pháp kể lại câu chuyện mà chị gọi là “siêu thực”, chị đã bị trục xuất như thế nào.
Theo lời chị kể: Chị đến tỉnh Vladimir cách Matxcơva chừng 200 km, đang nằm trong khách sạn thì cô dọn buồng vào báo có người đến cần gặp. Ra hành lang, chị thấy năm người đàn ông, hai người tự xưng là nhân viên sở Di trú. Họ muốn kiểm tra giấy tờ của chị. Chị đưa hộ chiếu, có visa đầy đủ. Mọi thứ đều hợp lệ. Họ nói: “Nhưng chị phải đến đồn cảnh sát”. Họ đưa chị đến đồn cảnh sát. Ở đấy người ta tuyên bố với chị: “Bà đến đây mà lại gặp những đại diện của đối lập” (?!). Thế rồi họ đóng dấu hủy visa, buộc trong ba ngày phải rời khỏi nước Nga. Chị mới nhớ ra rằng mấy ngày trước chị có gặp mấy thành viên của đảng dân chủ liberal là đảng Yabloko. Chị sang Nga để viết một cuốn sách về nước Nga, không ngờ rằng việc chị gặp mấy thành viên của đảng dân chủ liberal ở một nước tự xưng là dân chủ lại là một... tội!
Buồn cười là kết thúc chuyện đó ở nước Nga: Ngày 14.2, thủ trưởng sở Di trú tỉnh Vladimir, Oleg Brechko, người đã thi hành lệnh của cấp trên trục xuất nhà báo Pháp, đã bị cách chức. Trong tờ quyết định của giám đốc cơ quan di trú liên bang Konstantin Romodanovski ghi rằng lỗi của thủ trưởng sở Di trú tỉnh Vladimir, Oleg Brechko, là đã rút ngắn thời hạn ở lại Nga của nhà báo Pháp (theo tin của Interfax). Thật là mỉa mai! Các nhà bình luận vạch ra rằng lại một “con dê tế thần” để vớt vát bộ mặt dân chủ của nước Nga dưới chế độ Putin!
Những sự kiện trên đây báo hiệu sự siết chặt hơn nữa chế độ chính trị và thái độ hung hăng của kẻ cầm quyền. Trong lúc phe đối lập đang chuẩn bị những cuộc đấu tranh tiếp tục sau ngày bầu cử thì ông Putin nói với những người ủng hộ ông ta: Nếu họ đưa một triệu người xuống đường thì chúng ta sẽ đưa 17 triệu người khắp nước Nga. Cảm thấy dường như hai bên không còn đủ bình tĩnh để lắng nghe ý kiến của nhau nữa, và những lời nói “sẵn sàng đối thoại” chỉ là những lời nói suông, lừa bịp mà thôi.
Càng ngày càng thấy rõ phe thân Putin muốn dùng chủ nghĩa dân tộc để lôi kéo quần chúng về phía mình. Họ luôn luôn tung ra luận điệu chống lại kẻ thù bên ngoài và bọn tay sai của chúng, ý nói những người phản bác lại đường lối và chế độ Putin. Đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, vì không biết lắng nghe ý kiến khác với mình nên phe thân Putin đang cố chia rẽ nhân dân thành hai khối đối chọi nhau – phe địch và phe ta. Đó là con đường dẫn đến xung đột, đến nội chiến, đến máu đổ đầu rơi. Nếu để lòng hận thù làm mê muội đầu óc thì hậu quả sẽ vô cùng lớn lao.
Nhà cầm quyền Nga đang đi theo con đường nguy hiểm! Mong sao họ sẽ kịp dừng lại.
Ngày 15.02.2012
TAGS: CHÍNH TRỊ - CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG - NGA - NGÔN LUẬN

Không có nhận xét nào: