26.2.12

Những bài thơ viết về vụ án Tiên Lãng




Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Trong hơn một tháng qua, vụ nổ súng chống chính quyền cưỡng chế đất tại Tiên Lãng là đề tài làm cho dư luận theo dõi nhiều và gay cấn nhất.


RFA file/Source phapluat.vn
Anh Đoàn Văn Vươn và anh Đoàn Văn Quý.
Có lẽ đây là lần đầu tiên nhiều tờ báo cùng với hầu hết các trang blog của nhiều nhà văn tham gia với nhiều góc cạnh của vấn đề. Có blog chuyên tâm tìm bằng chứng cũng như các diễn tiến mới nhất của gia đình anh Đoàn Văn Vươn như blog Cu Vinh của nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Có blog tập trung các bài viết phân tích, tranh luận chia sẻ những chi tiết của vụ án, cũng có blog chuyên nói về chính quyền Hải Phòng nơi xảy ra vụ án, và có blog lại bàn những chuyện ăn ở khó khăn của gia đình nạn nhân ... Tựu trung ba chữ Đoàn Văn Vươn đang chiếm hết tất cả chủ đề của các trang blog cá nhân.
Đoàn Văn Vươn có lẽ sẽ rất ngạc nhiên khi biết dư luận chú ý đến trường hợp của anh nhiều như vậy. Bên cạnh các bài viết, hình ảnh, tranh luận có không ít bài thơ đã lấy nguồn cảm hứng từ hình ảnh của anh mà thành. Đây có lẽ là trường hợp hiếm hoi khi một người đang còn trong vòng lao lý lại được dư luận nhắc nhở một cách khác thường. Vừa trìu mến, thân thương, vừa ngậm ngùi tiếc rẻ.
Cách nhắc nhở anh trong hoàn cảnh chật chội của tự do báo chí hiện nay làm người quan tâm suy nghĩ. Có yếu tố nào đó khác thường trong vụ án Tiên Lãng hay không đến nỗi những bài thơ yêu mến anh Vươn, công khai chống lại sự lên án của pháp luật nay đang rệu rã và rất cần thay máu. Pháp luật mà đại diện cho nó là Tòa án hình như đang băn khoăn trước ngã ba đường. Xử hay không xử người đã bắn vào hệ thống?
Những bài thơ viết về Đoàn Văn Vươn xuất hiện trên các trang mạng xã hội với nhiều phong cách khác nhau nhưng điểm giống nhau rõ nhất là tác giả của chúng lấy anh Vươn như một gạch nối để liên kết với những hành vi chuyên quyền, độc ác và tàn nhẫn của những kẻ cầm quyền. Hiện tượng này có thể nguy hiểm cho nhận thức rằng tại Việt Nam không còn luật pháp, hay luật pháp đang bị bóp méo lợi dụng để thành phần cường hào ác bá địa phương khuynh loát tài sản xương máu của người dân.

Mạnh như ý trời

Căn nhà ông Vươn ở ngoài khu cưỡng chế vẫn bị ủi sập. Source phapluat.com
Căn nhà ông Vươn ở ngoài khu cưỡng chế vẫn bị ủi sập. Source phapluat.com
Bài thơ của Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động đã đánh động dư luận bằng cảm xúc của một nhà báo trước điều mà ông gọi là bạo quyền. Hình ảnh một nông dân với vầng trán rám đen, tóc cháy râu ngô của Đoàn Văn Vươn cộng hưởng với tiếng nổ của súng hoa cải tuy sức sát thương không lớn nhưng sự chấn động của tinh thần Đoàn Văn Vươn đã làm cho nhà báo Tống Văn Công phải buộc miệng kêu lên là mạnh như ý trời, ông viết:
Tiếng bom của anh rung chuyển núi sông!
90 triệu đồng bào hướng về Tiên Lãng.
Lương tri bốn biển bàng hoàng
Lời dân lành cất lên bằng thuốc nổ!
Một cựu binh hiến tuổi trẻ xây nền chế độ
Một kỹ sư vươn lên sóng dữ, tìm ước mơ
Vầng trán rám đen, tóc cháy râu ngô.
Kìa đôi mắt, hãy nhìn đôi mắt!
Cạn kiệt niềm tin, ứ đầy u uất.
Đôi mắt ấy không thấy đường đi tới,
Trời sập đen, không tìm thấy đường lui!
Khi tòa án đánh lừa thần công lý
Khi bạo quyền giả danh cưỡng chế
Cả nước đầy những tiếng dân oan.
“Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”
Câu ca dao đã chết, đột nhiên sống lại.
“Người cày có ruộng!”, ước mong giản dị,
Tưởng đã giành được, hóa ra mơ hồ!
Sắp Tết! Chúng ào tới đập bát hương trên bàn thờ,
Giật bát cơm trên tay trẻ nhỏ,
Giập lửa bếp, tắt niềm vui người vợ!
Ôi, phải đem mạng sống hòng thay đổi thế cờ!
Lột mặt nạ kẻ mạo danh nhân dân, hiện nguyên hình kẻ cướp
Những kẻ mồm rao giảng pháp quyền, chân giẫm đạp mọi nguồn sống.
Chặn tay chúng! Giải oan cho muôn vạn dân oan!
Ý chí Đoàn Văn Vươn vang lên trong tiếng nổ
Nguyện vọng 70 triệu nông dân, bé họng, thấp cổ
Mạnh như ý Trời!



Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhìn Tiên Lãng với đôi mắt vừa bi thương, phẫn nộ vừa bị cái hào hùng của tiếng súng hoa cải thuyết phục. Ông không ngại ngần khi nói lớn lên sự thật là lần đầu tiên trong chế độ của người cộng sản có một nông dân đã bắn lại cái chính quyền từ nó mà ra. Qua bài Gió Tiên Lãng nhà thơ viết:

GIÓ TIÊN LÃNG

nosung1-250.jpg
Công an, cảnh sát cơ động bao vây nhà của gia đình Ông Đoàn Văn Vươn, ảnh chụp hôm 05-01-2012. Courtesy ĐatViet.
Lần đầu trong thời cộng sản
một người nông dân
bắn vào chính quyền
đã chiến thắng 


Đoàn Văn Vươn
gió Tiên Lãng thổi anh ra khắp nước
lấy mạng sống giữ ruộng vườn
khi chính quyền thành bọn cướp
từ thân phận con lươn
anh nổ súng trước
để được làm con người
đất của dân máu và nước mắt
sao cướp ngày đến cướp mồ hôi ?


chính quyền đối thoại với dân bằng súng
cướp nhà cướp đất quen rồi
vụ cướp đầm tôm xã Vinh Quang, Tiên Lãng
súng của dân đã cất lời
cả nước bênh người nông dân liều mạng
lịch sử bừng hoa cải gió xuân ơi


ông thủ tướng phải về Hải Phòng
tháo ngòi nổ
nông dân bị đẩy tới chân tường
trời tích bão nén cuồng phong phẫn nộ
tiếng súng bắn vào chính quyền Đoàn Văn Vươn
lại thành cơ may cứu chế độ
trả lại dân ruộng vườn
trả biển lại cho lòng dân sóng vỗ


Đoàn Văn Vươn
anh phải bắn để còn chân lý
chứng tỏ mình còn là người
khi lòng dân biến thành vũ khí
chính quyền sao nhốt được gió trời ?


Đoàn Văn Vươn
không ai nhốt được lịch sử
không ai bỏ tù được quê hương
gió Tiên Lãng dựng biển bờm sư tử
gió hoa cà hoa cải gió tình thương …

Hãy trả lại công lý cho anh em Đoàn Văn Vươn

2012114122650_IMG_123456-250.jpg
Ông Đoàn Văn Vươn tại trại giam, ảnh chụp tháng 02/2012. Photo courtesy of anhp.vn
Với nhà thơ Bùi Chí Vinh thì thân phận tù tội của anh em nhà Đoàn Văn Vươn mới là điều ông quan tâm. Những câu thơ tự do có sức thu hút kỳ lạ của bài thơ "Hãy trả lại công lý cho anh em Đoàn Văn Vươn" khó tan trong lòng người đọc vì chất men của các chi tiết: tàn nhẫn, bạo quyền, súng và chó săn đã làm nóng lên cảm giác. Bài thơ như một phân cảnh của điện ảnh, miêu tả nhẹ nhàng nhưng đầy thuyết phục của toàn cảnh bức tranh Đoàn Văn Vươn dưới họng súng, nhà giam... Đoàn Văn Vươn phải được trả tự do là ước muốn của nhiều người và Bùi Chí Vinh ghi nhận đây là điều không thể khác.


Khi người đứng đầu chính quyền kết luận vụ Tiên Lãng làm sai
Điều đó có nghĩa anh em Đoàn Văn Vươn làm đúng
“Sai trong giao đất, sai trong cưỡng chế thu hồi”
Sai càng chất chồng khi huy động chó săn và họng súng

Người nông dân ở đầm hoang chỉ có đôi tay trắng
Cởi áo lính ra kiếm mảnh đất cắm dùi
Tin pháp luật không bao giờ bội tín
Dám hy sinh cả con gái mình đổi hai bữa cầm hơi

Người nông dân ở đầm hoang tử chiến với thiên tai
Dùng cái đầu kỹ sư biến đất cằn thành đất ngọc
Biến nơi cò gáy khỉ ho thành nơi có tiếng người
Tôm cá lội chẳng cần ơn mưa móc

Làm sao chấp nhận những kẻ không đổ mồ hôi đến nhà mình trấn áp
Đã sống làm cây ngay thì chết đứng cũng lẽ thường
Khi người đứng đầu chính quyền kết luận các ngài “sứ quân” phạm pháp
Thì việc đầu tiên nên làm là trả lại công lý cho Đoàn Văn Vươn!

Coi chừng “Máu thắm Đồng Nọc Nạn” tập 2

Vu-an-noc-nan-1-250.jpg
Di tích lịch sử quốc gia đồng Nọc Nạn có cụm tượng tái hiện sự kiện lịch sử đồng Nọc Nạn. japtiensinh.net.
Cũng nhà thơ Bùi Chí Vinh trong bài  Coi chừng “Máu thắm Đồng Nọc Nạn” tập 2,  người đọc thích thú cùng với ông xem lại vở tuồng “Máu thắm Đồng Nọc Nạn” và rồi sau đó phát hiện ra lắm điều bi tráng đối với kịch bản dựa trên câu chuyện có thật vào năm 1928 tại Bạc Liêu này.

Hồi nhỏ coi tuồng cải lương “Máu thắm Đồng Nọc Nạn”
Cường hào kết hợp thực dân khủng bố dân lành
Con giun bị xéo mãi cũng oằn, sao chịu được?
Chết là cùng, cùng bẻ nạng chống trời xanh

Trời xanh không có mắt giữa cõi U Minh
Ác bá càng lúc càng giàu lên, người nghèo càng ngày càng ốm đói
Chúng giành giật của dân từ thuế đất đến thuế thân
Đốt lúa, bắn người hỏi ai chịu nổi?

Che Guevara nói “Cách mạng tượng hình trong nghèo đói”
Đồng Nọc Nạn không biết ông Tây Che Guevara là ai, nhưng biết lũ bạo tàn
Biết máu đào luôn quý hơn nước lã
Biết nước đầy ly thì tràn, biết thương xót đất khai hoang

Ngày xưa coi tuồng cải lương khi tuổi mới 15
Nước mắt đầm đìa tôi đi làm cách mạng
Máu tôi chan hòa cùng với máu nông dân
Cùng nổi dậy bắt mặt trời tỏa sáng

Ngày hôm nay không ai chiếu lại “Máu thắm Đồng Nọc Nạn”
Nhưng tuồng cải lương thuở đó cứ chập chờn
Cứ chập chờn những người nghèo vùng Tiên Lãng
Khai phá đầm hoang đổi máu lấy miếng cơm

Khai phá đầm hoang Hải Phòng đổi cả cái chết của đứa con
Để có được bữa ăn xanh và sạch
Chẳng cần tước phong danh hiệu “kỳ nhân”
Đoàn Văn Vươn biết thế nào là lá lành đùm lá rách

Đất đai là sở hữu của toàn dân chứ không độc quyền vài quan chức
Không thuộc sắc lệnh vua ban, khi cao hứng thu hồi
Đất đai không dành cho kẻ ngồi mát ăn bát vàng trục lợi
Mỗi tấc đất tấc vàng đều tóe máu, đẫm mồ hôi

Dồn ép người nghèo đến đường cùng, hậu quả tất sinh sôi
Cái ác đồng loã với đồng tiền vô cảm
Bạo lực làm sao che nổi luật trời
Coi chừng xảy ra những tập tiếp theo của vở “Máu thắm Đồng Nọc Nạn”
Tống Văn Công, Trần Mạnh Hảo, Bùi Chí Vinh là những nhà văn, nhà thơ nhà báo thành danh vì vậy thơ của họ ngập tràn sự sống và bần bật niềm rung động từ sự kiện Tiên Lãng.
Bên cạnh những câu thơ tóe máu, hừng hực lửa và đầy hình ảnh của họ xuất hiện một bài thơ khác, với dạng thức khác và ý tứ cũng hoàn toàn khác. Bài thơ mang tên "Bình Vươn Đại Cáo" trên trang blog Trúc Xanh. Khi mới đọc lên người ta dễ dàng mỉm cười với hình ảnh đạo mạo, khoan hòa nhưng mạnh mẽ từ tuyệt phẩm Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi nay "biến dạng" thành một bài hịch mang đậm tính hài hước nhưng lại tố cáo một cách cụ thể từng việc làm sai trái của nhà nước Tiên Lãng.

Bình "Vươn" Đại Cáo

do-huu-ca-250.jpg
Giám đốc CA Hải Phòng Đỗ Hữu Ca. Photo courtesy of Trần An Lộc/danlambaovn.blogspot.com. Add caption
Từng nghe:
Làm chính phủ trước phải đe dân
Ai phản kháng phải trừ cho bạo.
Như nước Đại Vệ ta từ trước
Vốn xây nền cộng sản từ lâu
Chức tước, ngôi bậc đã phong
Lợi lộc, quyền uy mặc tình chia chác
Từ bao năm trước, mượn sức dân xây nền độc lập
Trải bao năm sau, độc tài hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Đàn áp dân thời nào cũng có.
---
Cho nên:
Văn Vươn chí thú làm ăn nên thất bại
Cường hào ác bá cướp đất làm ngang lại nên công
Huyện Tiên Lãng bắt sống Văn Vươn
Xã Vinh Quang đánh người cô phụ
Việc nay xem xét
Chứng cứ còn ghi.
---
Mới đây:
Anh em họ Đoàn, ngăn biển lấp đất
Mồ hôi chan mặt, máu đổ xuống đầm
Trải mười mấy năm đội đá vá trời
Nơi Cống Rộc mới tạo thành cơ nghiệp
Người người ngợi khen, báo chí ca tụng
"Kỳ tài đất Tiên Lãng" đã thành danh
---
Than ôi!
Cũng do thấy tiền tài hoa mắt
Bởi nghe điều lợi lộc ù tai
Bọn cường hào ác bá phủ huyện bàn nhau
Đem điều lợi nhử quan đầu tỉnh
---
Bởi thế:
Đại ca Ca huy động công an, bộ đội
Trang bị tận răng, hơn trăm quân số
Thủy bộ hai đường, "trực diện, nghi binh"
"Hợp đồng tác chiến cực kỳ hay"
Tài cả mưu sâu, "có thể viết thành sách"
Cao kế ấy, Gia Cát Lượng phải chào thua
Binh lược này, tướng Churchill đành bái phục
Thế trận xuất kỳ, lấy mạnh chống yếu
Dùng quân mai phục, lấy thịt đè người.
---
Ngờ đâu:
Tức nước vỡ bờ, già néo đứt dây
Bom tự tạo nổ tung, khiếp hồn quân hung bạo
Đạn hoa cải bay vèo, bạt vía lũ cường quyền
Mất hồn hết vía, kéo nhau lui
Động phách kinh tâm, tìm chỗ nấp
Thấy đã yên yên, tràn quân tới
Kéo ập vào nhà, chỗ bỏ không.
Giận đã cành hông, mất mày mất mặt
Bắt chó, đuổi gà, phá nhà thành bình địa mới đã nư
Vợ dại, con thơ chúng cũng chẳng từ
Bụng mang dạ chửa, dùi cui thúc vào bụng
Lợi dụng câu "vợ chồng nghĩa trọng", "chị em tình thâm"
Ép Văn Quý, Văn Vươn, Phạm Thái ra đầu thú
---
Thương ôi:
Trong một phút đất bằng dậy sóng
Cửa nhà cơ nghiệp bỗng tiêu tan
Gia đình, vợ con xẻ nghé tan đàn
Nỗi oan ấy vì ai mà nên nỗi?
Dân chúng gần xa ai tường nông nỗi
Cũng thở dài đấm ngực mà than:
Thượng bất chánh, hạ tắc loạn mới lắm dân oan
Chính sách bậy, lãnh đạo sai mới sinh phản kháng
Một đồn mười, mười đồn trăm, dư luận râm ran
Báo đài dù nhiều, ra rả một giọng cũng khó lòng ém nhẹm.
---
Thế nên:
Tể tướng ngự ngôi cao mà làm thinh hoài cũng ngượng
Đóng cửa họp bàn một tháng sắc chỉ mới ban ra
Truyền cho bay, lũ phủ huyện quan nha
Truy trách nhiệm, điều tra, trình ta rõ.
---
Đến một hôm:
Cờ mở, trống dục, uy nghi tể tướng đăng đường nghị án
Phóng viên, báo chí, lăng xăng tốc ký ghi âm lời vàng ban.
---
Xét rằng:
Lệnh giao đất là sai, lệnh lấy đất càng sai
Lệnh cưỡng chế cũng sai tuốt luốt
---

doan-v-vuon-dantri-250.jpg
Ông Lê Văn Hiền(nay đã bị đình chỉ công tác): "Khi hết thời hạn thuê đất mà chủ đầm không trả thì cưỡng chế" (ngày 12/1/2012). Source dantri-online.
Nhưng thương vì:
Các quan nha vì Đảng tận trung
Lo lót nhiều lại "nhân thân tốt"
Đã chấp nhận điều tra, thành tâm tự kiểm
Tạm đình chỉ công tác mười lăm hôm gọi là cảnh cáo
Đợi chuyện êm êm, một hai tháng để dư luận nguôi nguôi
Ai về ghế nấy, "Vũ Như Cẩn" vẫn giữ tên
Quyền chức phục hồi, "Nguyễn Y Vân" không đổi họ.
---
Còn về:
Văn Vươn cùng đồng bọn
Tội âm mưu chống người thi hành công vụ đã quá rõ ràng
Tội cố ý giết người, đả thương sai nha khó lòng chối cãi
Khẩn trương xét xử, tức khắc thi hành
Xử một răn trăm, để dân oan từ nay hết hòng nhúc nhích!
---
Thế mới biết:
Tể tướng trí sâu tợ biển
Công chính chẳng khác Bao Công
Tôi tớ theo hầu, mặc lòng làm bậy đều được che chở
Lừng danh chưa từng trị tội, nhân ái như thể cha hiền.
Còn lũ dân oan, trí thức phản biện
Cứ trông gương Hà Vũ, họ Đoàn đấy mà lo.
---
Hoan hô!
Một vở tuồng hạ màn quá đã!
Công đức này oanh liệt ngàn năm
Bốn phương biển cả thanh bình
Ban chiếu ra oai khắp chốn

Xa gần bá cáo
Ai nấy đều hay


Đóng lại các trang web cùng những bài thơ viết về Tiên Lãng người đọc không khỏi ngậm ngùi tự hỏi: Tại sao đã hơn một thế kỷ trôi qua mà máu của cánh đồng Nọc Nạn vẫn còn chảy trên ruộng đồng Tiên Lãng. Nhà thơ, bằng những cảm nhận tế vi của mình đã bật máu ra mà viết cho người nông dân, còn nhà nước, những công bộc lãnh tiền thuế từ người dân có rung động chút nào không hay lại tiếp tục đưa tay thu đơn khởi kiện của người nông dân một cách máy móc và vô cảm để rồi sau đó bỏ mặc cho những Tiên Lãng khác thi nhau xuất hiện, thi nhau phẫn uất và thi nhau rơi vào quên lãng?

Theo dòng thời sự:

Góp Ý

Không có nhận xét nào: