21.2.12

Tổng thống Pháp Sarkozy chính thức vận động tranh cử nhiệm kỳ hai



Ứng cử viên N. Sarkozy tại cuộc mít tinh ở Marseille
Ứng cử viên N. Sarkozy tại cuộc mít tinh ở Marseille
Reuters

Trọng Thành
Cuộc mít tinh lớn đầu tiên của tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy tại Marseille hôm qua 18/02/2012, với tư cách ứng cử viên tổng thống nhiệm kỳ tới, là chủ đề được hầu hết các tờ báo chính ở Pháp quan tâm. Le Figaro chạy hàng tựa trên trang nhất : « Sarkozy : Một ý tưởng về nước Pháp », cùng với bài xã luận « Di sản của tướng de Gaulle».

« Liệu ông Nicolas Sarkozy còn có khả năng thực sự thay đổi hay không ? » là tựa trang nhất Le Monde. Libération có hàng tựa: « Ông Sarkozy ở Marseille. C’est l’élite finale », đây là một cách chơi chữ mà tờ báo dùng để châm biếm bài diễn văn của tổng thống Pháp, chỉ trích giới tinh hoa nhằm động viên dân chúng. Trên trang nhất tờ L’Humanité là hàng tựa « Nicolas Sarkozy lệch hẳn sang hữu » để nhận định về các quan điểm tranh cử của tổng thống Pháp. Trong khi đó, La Croix có bài xã luận nêu bật lo ngại về sự độc chiếm của hai ứng viên hàng đầu, Nicolas Sarkozy và François Hollande, có thể ngăn không cho các quan điểm khác tham gia vào cuộc tranh luận.
« Sarkozy : Một diễn văn về nước Pháp để chinh phục người Pháp » là bài viết chính trên Le Figaro. Bài viết cho biết, trong cuộc mít tinh lớn tại Marseille, với khoảng 10.000 người tham gia, tổng thống Sarkozy đã đưa ra các chỉ trích không khoan nhượng nhắm vào ứng cử viên đối lập Hollande. Tổng thống Pháp, đồng thời là ứng cử viên trong nhiệm kỳ tới, chỉ duy nhất dựa vào các tư tưởng của tướng de Gaulle và cũng tự đặt mình đứng lên trên các đảng phái giống như người sáng lập nền Cộng hòa V.
Tờ Les Echos chú ý đến một số đề xuất đặc biệt của tổng thống - ứng cử viên Nicolas Sarkozy - như đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về việc tăng mạnh đầu tư đến 30 tỷ euro để giải quyết nạn thất nghiệp, và bên cạnh đó, là việc cải cách thể thức bầu cử Quốc hội nhằm tạo điều kiện cho đại diện các đảng nhỏ tham gia vào chính trường.
Về thái độ của ứng cử viên đối lập François Hollande, Libération có bài « Ứng cử viên Hollande hoàn thiện chiến thuật né tránh », với nhận định : bị ông Sarkozy tấn công ào ạt, ứng cử viên đảng Xã hội chọn cách không trả lời … hoặc gần như không.
Theo thăm dò dư luận của OpinonWay dành cho Le Figaro và LCI, trong vòng một tuần, khoảng cách giữa hai ứng viên đứng đầu đã thu hẹp lại, ông Hollande được 29% người ủng hộ, trong khi đó tổng thống Pháp nhận được 27%. Trong vòng hai, khoảng cách giữa hai ứng viên vẫn còn rất xa, F. Hollande 56%, N. Sarkozy 44%. Tuy nhiên, còn có đến 25% người được hỏi còn chưa thể hiện quyết định của mình.
Syria : Cách mạng lan đến thủ đô Damas
Cuộc tuần hành của người dân Syria phản đối chế độ al-Assad, với vài chục nghìn người tham gia mới đây ngay tại thủ đô Damas, là chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm. Libération có bài « Khi đến lượt Damas dám vùng lên ». Tờ báo nhận định, thủ đô Syria kể từ khi cuộc nổi dậy bắt đầu cách đây 11 tháng vẫn là thành trì an toàn của chế độ cho đến trước cuộc biểu tình lớn ngày thứ Bảy (18/02/2012) vừa qua.
Dưới bầu trời tuyết giá, tại Mazzeh (một khu phố nằm ở vùng trung tâm phía Tây của thủ đô Damas), buổi đưa tang bốn thanh niên bị giết khi tham gia vào một cuộc biểu tình nhỏ vào ngày hôm trước, đã biến thành một cuộc tuần hành lớn khiến chế độ bị bất ngờ và làm phấn khích tinh thần của những người phản kháng. Để tránh đụng độ với các lực lượng an ninh, những người tham gia biểu tình không hô các khẩu hiệu kêu gọi thay đổi chế độ. Tuy nhiên, cuộc tuần hành lớn ngày thứ Bảy là một bước ngoặt quan trọng trong phong trào dân chủ Syria. Đây là điều mà chế độ al-Assad lo ngại nhất, bởi từ trước đến nay, vẻ bên ngoài bình yên tại thủ đô Syria đã được chính quyền Damas sử dụng như một trong các lý do chủ yếu để thuyết phục dân chúng Syria và cộng đồng quốc tế rằng : Phong trào phản kháng không đến mức quan trọng lắm.
Trong cuộc biểu tình vừa qua tại Damas, lo ngại việc có thêm nhiều người chết có thể thổi bùng lên sự phẫn nộ của dân chúng, các lực lượng an ninh của chính quyền thoạt tiên đã tỏ ra thận trọng, nhưng cuối cùng họ đã dùng lựu đạn cay và đạn thật bắn vào đoàn biểu tình khiến nhiều người bị thương.
Tờ Le Figaro mô tả Mazzeh – nơi diễn ra cuộc tuần hành chưa từng thấy tại Damas – là một khu phố khá giả, nằm không xa dinh tổng thống, nơi có nhiều doanh nhân, các đại sứ quán và các trụ sở cơ quan tình báo Syria. Cho đến trước cuộc biểu tình này, đây là địa điểm vẫn thường diễn ra các cuộc tuần hành ủng hộ chế độ.
Libération cho biết, theo một chuyên gia Châu Âu có mặt tại Damas, trong những tuần gần đây, sự ủng hộ của dân chúng thủ đô đối với chính quyền al-Assad không ngừng bị xói mòn. Sự bất mãn thụ động của người dân đã chuyển thành cuộc tuần hành rầm rộ ngày thứ Bảy ngay giữa thủ đô Syria. Hiện tại, các ban điều phối địa phương của phong trào đối lập kêu gọi Damas và Alep - hai thành trì của chế độ -, tiến hành tổng bãi công và « bất tuân dân sự » nhằm thể hiện tình liên đới với những khu vực bị đàn áp. Trong khi đó, các cơ quan đầu não của chế độ al-Assad tập trung toàn lực cho việc ngăn chặn phong trào. Theo nhận định của ông Fabrice Balanche, giám đốc Nhóm nghiên cứu về Địa Trung Hải và Trung Đông tại Lyon, các đơn vị thiện chiến của chế độ sẽ chiến đấu tới cùng.
Giải pháp ngoại giao hay can thiệp quân sự ?
Về thái độ của Hoa Kỳ đối với tình hình Syria, Libération có bài « Hoa Kỳ ở tư thế phòng thủ ». Bài báo cho biết, cho đến nay, sau khi không thuyết phục được Nga và Trung Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Syria tại Hội đồng Bảo an, Hoa Kỳ ưu tiên cho giải pháp ngoại giao, hơn là quân sự, đặc biệt với việc tổ chức cuộc họp của nhóm Những người bạn của Syria vào ngày thứ Sáu tới tại Tunis, nhằm gia tăng sức ép ngoại giao lên chính quyền Damas.
Hiện tại Washington đang xem xét việc lập ra một « hành lang nhân đạo » hay các khu vực bảo vệ thường dân tại khu vực giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ, theo đề nghị của Paris. Kế hoạch này đòi hỏi phải thiết lập một vùng cấm bay, có nghĩa là một can thiệp quân sự ở quy mô lớn. Thái độ của Hoa Kỳ trong việc này là thận trọng, vì lo ngại ảnh hưởng của al-Qaida và các lực lượng Hồi giáo cực đoan gia tăng trong bối cảnh xung đột bùng nổ dữ dội hơn. Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cho biết có dấu hiệu các mạng lưới khủng bố quốc tế tham gia vào các vụ tấn công khủng bố tại Alep và Damas. Tuy nhiên nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Obama hành động tích cực hơn để ngăn chặn các đàn áp.
Vẫn về phong trào đấu tranh dân chủ tại Syria, tờ l’Humanité có bài « Các cuộc biểu tình chống chế độ tràn tới Damas », với một nhận xét chung : Trong khi một số người hy vọng cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy (đặc biệt với thái độ sẵn sàng hỗ trợ của các nước như Qatar hay Ả Rập Xê Út), thì việc tiếp tục và tăng cường các cuộc biểu tình hòa bình cho phép tập hợp được đông đảo dân chúng thuộc các hệ phái tôn giáo khác nhau.
Trung Quốc : Một dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại miền Đông bị phản đối
Nhìn về Trung Quốc, le Monde chú ý đến việc các công chức một huyện thuộc tỉnh An Huy phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh láng giềng Giang Tây, với việc công bố trên mạng đầu tháng Hai này, kiến nghị của họ. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá hơn 7 tỷ euro tại Giang Tây bị phản đối vì đã không tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt là quy định không được xây dựng nhà máy hạt nhân cách một khu dân cư đông hơn 100.000 người trong vòng bán kính 10 km. Bên cạnh đó, những người phản đối lo ngại rằng nơi dự kiến xây dựng nhà máy điện có thể xảy ra động đất nặng.
Hiện tại, nhu cầu điện rất lớn, khiến Trung Quốc phải xây dựng khẩn cấp nhiều nhà máy hạt nhân. Bên cạnh 26 nhà máy đang xây dựng, có 16 nhà máy đã đi vào hoạt động.
Theo một người phụ trách về vấn đề năng lượng của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace Trung Quốc, việc các công chức một địa phương tỉnh An Huy tiến hành phản đối dự án điện hạt nhân mới đây liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn hạt nhân khủng khiếp tại Fukushima. Các tổ chức bảo vệ môi trường đã hoan nghênh việc Bắc Kinh hoãn phê chuẩn các dự án mới, sau tai nạn Fukushima.
Tại Trung Quốc, Apple bị kiện vì sao chép nhãn hiệu iPad
Vẫn về Trung Quốc, Le Monde cho hay tập đoàn tin học Apple vừa bị một công ty rất ít biết tới tại Trung Quốc kiện vì việc bán các máy tính với nhãn hiệu iPad tại Trung Quốc. Trên thực tế, vụ kiện này đã kéo dài từ vài năm nay. Các cơ quan xét xử đã đưa ra những phán quyết mâu thuẫn. Vào tuần trước, công ty Proview đã thuyết phục được chính quyền địa phương ở miền Đông Bắc Trung Quốc tịch thu các máy iPad đang bán trên thị trường Công ty này còn tìm cách yêu cầu các cơ quan hải quan không cho phép xuất khẩu iPad. Tuy nhiên trong hiện tại, hải quan Trung Quốc vẫn đợi lệnh từ Bắc Kinh.
Theo Le Monde, hình ảnh của tập đoàn tin học Apple trong tháng qua trở nên xấu đi, với việc tờ New York Times công bố một điều tra cho thấy có những liên hệ giữa áp lực hạ giá thành sản phẩm của Apple với đời sống khốn khổ của các công nhân Foxconn, doanh nghiệp nhận thầu của Apple.
Brazil : Những đêm nóng của vũ hội hóa trang Bate-Bola
Nhìn sang Châu Mỹ Latin, Le Monde đặc biệt chú ý đến vũ hội hóa trang Bata-Bola (thành phố Rio-Brazil) (tên ngày hội theo tiếng Bồ đào Nha có nghĩa là « đập đạn »). Trong những ngày này, dân chúng của các khu phố ngoại ô của Rio tổ chức những buổi diễu hành giả trang rầm rộ, với sự tham gia của đủ loại văn hóa từ các miền và các thời đại lịch sử khác nhau, từ những nhóm hề, những búp bê măng-ga khổng lồ, các đoàn chiến binh châu Phi cho đến các chiến binh thời Trung cổ. Khoảng từ 300 đến 400 nhóm như vậy diễn hành trên các đường phố Rio, mỗi nhóm có tới hàng trăm người tham gia.
Vũ hội hóa trang Bata-Bola là một ngày hội không chính thức, được tổ chức liên tục từ một thế kỷ nay tại Rio. Gốc gác của tên gọi này bắt nguồn từ trang phục của những người tham gia vũ hội. Vào lúc khởi đầu, các trang phục này thường được gắn với với một trái bong bóng lớn, làm từ ruột lợn (một trò chơi bắt nguồn từ thời Trung cổ ở Châu Âu). Khi diễu hành, bóng được giật dây và phát ra một tiếng nổ lớn như trái pháo.
Đối với nhiều người tham gia vũ hội Bata-Bola ở Rio, đây là thời điểm để được sống một cách mãnh liệt trong những cảm xúc cộng đồng, tình cảm bạn hữu hay những cuộc gặp gỡ vô cùng kỳ thú.
Múa rối nước Việt Nam tại Pháp
Không náo nhiệt, nhưng rất đáng chú ý là các cuộc biểu diễn nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đang diễn ra tại Paris, ở bảo tàng Quai Branly. Les Echos cho biết đoàn diễn môn nghệ thuật đặc sắc này sẽ tiếp tục đi vòng quanh nước Pháp trong tháng Ba và sẽ trở lại Grenoble vào đầu tháng Bảy.
TAGS: BẦU CỬ - PHÁP - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: