RFA 18.02.2012
Vụ tranh chấp đất đai ở Tiên Lãng tiếp tục là đề tài gây nhiều tranh luận tại Việt Nam.
Sau khi có kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những sai phạm của chính quyền địa phương, sự việc được công luận quan tâm dưới cái nhìn rộng hơn về thực trạng quản lý và sở hữu đất đai.
Ngòi nổ Tiên Lãng
Theo nhiều người, đặc biệt là một số cựu lãnh đạo cao cấp, vụ Tiên Lãng có thể là ngòi nổ cho những dồn nén lâu nay về những bất cập trong chính sách đất đai dẫn tới chuyện cán bộ địa phương có toàn quyền tự tung tự tác, tự quyết định quyền sở hữu đất đai, dẫn tới những thiệt thòi lớn cho dân chúng, đặt biệt là thành phần nông dân.
Vụ việc ở Tiên Lãng nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước.Nguyên CT Lê Đức Anh
Theo báo chí trong nước, Tiên Lãng qua vụ Đoàn Văn Vươn bây giờ là một quả bom nổ chậm có thể lan rộng vì tỉnh thành nào của Việt Nam cũng có tình trạng oan sai về đất đai.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu trên VnExpress vào ngày 10/2 rằng: “Vụ việc ở Tiên Lãng nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước.”
Đại biểu Quốc hội, Sử gia Dương Trung Quốc thì cho rằng:“Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng chỉ là phần nổi rất nhỏ của một tảng băng chìm rất to của rất nhiều những vụ việc tương tự liên quan đến việc thực thi Luật đất đai ở các địa phương trên toàn quốc chỉ vì nó không vương mùi thuốc súng làm chúng ta giật mình".
Sửa Hiến Pháp và Luật đất đai
Nói chuyện với Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, ông Dương Trung Quốc cho là phải tìm ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tranh chấp đất đai kiểu Tiên Lãng:“Quan điểm của tôi là phải tìm tận gốc, Luật đất đai đã đưa đến tình hình phải xem xét nghiêm túc, từ lâu nay đã thấy chuyện là quyền lợi người dân không được bảo đảm và luật đã thể hiện sự hạn chế, sự bất cập so với tình hình mà vẫn chưa được sửa đổi, cộng với việc các nhóm lợi ích họ tác động vào.”
Trong khi đó, TS Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Tư pháp thì cho rằng, mọi thay đổi trước hết phải bắt nguồn từ Hiến pháp. Ông nói:
“Mọi thứ đều đụng tới vấn đề sở hữu, bây giờ đã tuyên bố đất đai là sở hữu toàn dân rồi nếu muốn sửa lại mà có gì thay đổi thì động chạm ngay vấn đề sở hữu cho nên bắt buộc phải sửa hiến pháp trước. Hồi năm 80 cũng đã sửa hiến pháp rồi mới ra luật…”
Cũng liên quan đến Hiến Pháp và quyền sở hữu đất đai, nguyên thứ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, từ Hiến pháp năm 1959, đến Hiến pháp 1992; và Luật Đất đai năm 2003 đều cho rằng “đất đai là sở hữu toàn dân”; đã dẫn đến những quan niệm không rõ ràng về quyền sở hữu đất đai; và vì vậy đã dẫn đến rất nhiều tranh chấp trong lĩnh vực này.
Quan điểm của tôi là phải tìm tận gốc, Luật đất đai đã đưa đến tình hình phải xem xét nghiêm túc, ...ô Dương Trung Quốc
Xuất phát từ những bất cập này, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ đề nghị một giải pháp 9 điểm, trong đó quan trọng nhất là phải “thay đổi hình thức sở hữu đất đai, nới rộng hoặc loại bỏ hoàn toàn cả về hạn điền cũng như thời hạn đối đất nông nghiệp. Định giá đất phải theo nguyên tắc phù hợp giá thị trường, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo cơ chế bồi thường một phần bằng đất, một phần bằng tiền gắn với quá trình thu lợi từ dự án đầu tư.”
Trong lúc nhu cầu sửa đổi Hiến Pháp và Luật đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế vẫn còn đang là vấn đề tranh luận trên lý thuyết tại nhiều diễn đàn lề phải; thì thực tế tại Tiên Lãng, mà cụ thể là trường hợp của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tiếp tục được báo chí lề trái quan tâm.
Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất trên các trang blog, các diễn đàn internet hiện nay là luật pháp Việt Nam sẽ phân xử như thế nào trong vụ án Đoàn Văn Vươn? Đâu là trách nhiệm của chính quyền huyện Tiên Lãng và đâu là mức độ vi phạm của anh em nhà ông Vươn trong vụ nổ súng hôm mồng 5 tháng Giêng vừa qua. Và liệu sau những kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vụ tranh chấp đất đai này sẽ được giải quyết như thế nào?
Bản kiến nghị
Tuần này, giới trí thức Việt Nam đã cho công bố một bản kiến nghị gửi Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị xem xét thay đổi tội danh đối với những người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị công an Hải Phòng bắt giam sau vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng.Bản kiến nghị viết rằng, quyết định thu hồi đất cũng như việc cưỡng chế thu hồi đất hôm 5 tháng 1 đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật, vì vậy cần phải xem xét lại các tội danh “giết người” và “chống người thi hành công vụ” đối với 4 anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn đang bị công an bắt tạm giam.
Theo luật sư Trần Vũ Hải, một trong những người khởi xướng bản kiến nghị này thì thay vì cáo buộc “chống người thi hành công vụ”, chỉ nên xem xét vụ án Đoàn Văn Vươn dưới khía cạnh “phòng vệ chính đáng”.
Bản kiến nghị cũng yêu cầu chính quyền giao trả lại khu đất cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn, và cho phép họ được trở về quản lý, khai thác khu đất mà họ đã có công khai phá, trước khi bị chính quyền cưỡng chế.
Đón nhận tin này, bà Nguyễn Thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn đã không dấu nỗi sự vui mừng trước những quan tâm của công luận cho trường hợp của gia đình bà. Nói chuyện với Quỳnh Chi, từ Tiên Lãng, bà Thương bày tỏ:
“Gia đình tôi rất cám ơn và rất vinh dự được đồng bào cả nước quan tâm. Cho tôi gởi lời cảm ơn mọi người”.
Được biết, chỉ sau một ngày được phổ biến trên các trang blog, đã có hàng trăm người Việt Nam cả trong và ngoài nước đồng ký tên vào bản kiến nghị ủng hô ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình ông, với hy vọng chính quyền sẽ có những phân xử hợp tình hợp lý nhằm mang lại công bằng cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn nói riêng, cũng như tạo một tiền lệ tốt cho tình trạng tranh chấp đất đai đang diễn ra khắp nơi tại Việt Nam.
Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khán thính giả vào tuần sau!
Theo dòng thời sự:
- Sửa hiến pháp để tháo “ngòi nổ”Tiên Lãng
- Tiên Lãng - Giơ cao đánh khẽ?
- Vụ Tiên Lãng - sự bùng nổ của mâu thuẫn
- Thẩm phán thú nhận sai sót trong vụ Tiên Lãng
- Khi người dân không ‘tâm phục, khẩu phục’
- Kết luận của Thủ tướng về vụ Tiên Lãng
- Ai sai phạm trong vụ án Đoàn Văn Vươn?
- Kiến nghị tập thể cho Đoàn Văn Vươn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét