Viết Lê Quân (Tamnhin.net) - Đã khá muộn để vớt vát lại sự hồi phục của những nhóm ngành sản xuất chính, nhưng vẫn chưa phải quá trễ để minh chứng cho khả năng và uy tín điều hành kinh tế của Chính phủ theo cách phải chọn một trong hai: hoặc quyền lợi riêng biệt của nhóm ngân hàng, hoặc quyền lợi có tính xã hội và dân sinh của khối doanh nghiệp.
Ở hai đầu đối trọng
Một đầu cán cân kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục bị đè nén bởi quyền lợi của những nhóm lợi ích rất riêng biệt và cũng rất “đặc thù”. Vào thời điểm tháng 11/2011, khi lần đầu tiên người đứng đầu ngành ngân hàng tuyên bố trước Quốc hội là sẽ không một ngân hàng nào phải phá sản, con số doanh nghiệp phải giải thể hoặc lâm vào tình cảnh tương tự đã lên đến 50.000!
Với sức nặng từ “chỉ tiêu” tồn tại ngân hàng ở một đầu cân, đầu cân bên kia đã biến mất hoàn toàn một loại chỉ tiêu khác: tỷ lệ phá sản cho phép của doanh nghiệp. Khác hẳn với mức lợi nhuận vài ba ngàn tỷ đồng hàng năm của mỗi ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất chỉ còn duy nhất triết lý tự thân: To be or not to be!
Nhưng với công tác lập kế hoạch và giám sát điều hành, lại đã xảy ra một hiện tượng rất lạ, khi từ một cơ quan tham mưu gần gũi cho Chính phủ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến các quan chức trong Chính phủ mới được thành lập từ tháng 8/2011 đến nay, đều đã không nêu ra bất kỳ sự hứa hẹn nào về giải pháp khống chế hoặc giảm thiểu tỷ lệ doanh nghiệp lâm vào đường cùng.
Vào quý đầu của năm 2012, thế đường cùng của khối doanh nghiệp còn trở nên “minh bạch” hơn: chỉ theo con số công bố chính thức, đã có thêm hàng chục ngàn doanh nghiệp phải giải thể và ngưng hoạt động do thiếu vốn. Nhưng ở một đầu cân khác, báo cáo của Bộ KHĐT vẫn lặp lại một đánh giá quen thuộc đến nhàm chán: “Tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm 2012 có những chuyển biến tích cực. Các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có bước phát triển”.
“Những chuyển biến tích cực” đã phát lộ như thế nào? Bức tranh mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phác thảo té ra lại có một nét chấm phá rất dị biệt: ít nhất 10% số doanh nghiệp - một tỷ lệ không nhỏ chút nào - đã phải ngừng hoạt động. Còn theo nhận định của chuyên gia, trong quý 4/2011, ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng đến sản xuất là rất rõ ràng khi chỉ số tăng trưởng công nghiệp giảm từ 9% xuống còn 6,8%. Đến tháng 2/2012, chỉ số này đã có một buớc thụt lùi sâu sắc về ngưỡng 4%, đặc biệt nhóm ngành chế tạo chỉ tăng 2,4% so với mức tăng 12% trong 7 tháng đầu năm 2011. Rất nhiều ngành có tỷ trọng đóng góp lớn trong tổng giá trị sản xuất thậm chí còn tăng trưởng âm.
Với thực trạng ngày càng trở nên khốn khó như thế, thật nan giải để có thể nêu ra một kết luận nào khác hơn việc những dấu hiệu của đình đốn sản xuất đã hiên hiện rõ rệt.
Nhưng từ hơn một năm qua, kể từ khi nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu về thắt chặt chi tiêu và tín dụng, trong giới điều hành chính sách và cơ quan quản lý nhà nước lại chưa hề xuất hiện một cụm từ chính thức nào thừa nhận trạng thái “đình lạm” của nền kinh tế, cho dù thực tế cấu thành những yếu tố của tình trạng nạn lạm phát treo cao và phần lớn khu vực sản xuất bị đình đốn đã quá đủ để thuyết minh cho bức tranh kinh tế - xã hội năm 2011 với gam màu đậm đặc u tối.
“Chỉ tiêu” thất nghiệp vì thế dường như cũng bị “quên lãng”. Nói đúng hơn, tỷ lệ thất nghiệp chính thức, thường được mô tả như hệ quả của con số doanh nghiệp phá sản theo thống kê chính thức, là không có gì đáng lo ngại. Nhưng chỉ cần nhìn vào cảnh hàng trăm ngàn công nhân không có tiền mua vé tàu về quê ăn tết 2012 cũng đủ thấy hoàn cảnh bĩ cực về thu nhập dẫn đến trạng thái bĩ cực về xã hội đã dâng cao đến thế nào.
Nguồn cơn nào, những cơ quan hay nhóm lợi ích nào đã gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra hậu quả trên?
7 tháng và những “chuyển biến tích cực”
Cho đến nay, điều được gọi là “quyết tâm” của Chính phủ đối với việc kềm giữ chỉ số lạm phát dưới một con số trong năm 2012 có vẻ như không thực sự có ý nghĩa. Nếu quý 1 năm 2012 được đánh dấu như một “chuyển biến tích cực” khi lạm phát tăng tổng cộng chưa đầy 3% trong quý và đặc biệt chỉ có 0,16% trong tháng 3, thì một nghịch lý quá lớn lại đang tồn tại ngay trong lòng thể chế kinh tế: cần ưu tiên mục tiêu khống chế lạm phát như một động thái đánh đổi tăng trưởng, hay vì động thái quá “quyết liệt” như vậy mà đã vô hình trung triệt tiêu phần lớn sức sản xuất xã hội?
Thực ra đã có quá nhiều tranh luận trong giới điều hành và chuyên gia về câu hỏi và cũng là nghịch lý trên. Phương án được xem là ổn thỏa nhất là làm sao dung hòa được mục tiêu kềm giữ lạm phát và đồng thời khơi dậy khả năng tạo ra giá trị thặng dư cho các ngành sản xuất.
Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu như trạng thái “đình lạm” đã tồn tại trong suốt một thời gian dài từ giữa năm 2011 đến nay, thì cái cách mà những cơ quan có chức năng điều tiết tín dụng và tài chính nhằm phục vụ nền kinh tế như Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính lại cũng bộc lộ quá nhiều dấu hiệu đình trệ.
Những cơ hội tốt nhất để phục hồi phần nào đó sức sản xuất đã bị hai cơ quan này, đặc biệt là NHNN, bỏ qua. 5 tháng liên tiếp chỉ số lạm phát dưới 1% vào nửa cuối năm 2011 có ý nghĩa như một cơ hội hơn là một lời hứa giảm lãi suất.
Hoặc cần đặt ngược lại vấn đề là nếu lãi suất được kéo giảm từ tháng 9/2011 thì sự thể liệu có khả quan hơn? Đó cũng là thời điểm mà lần đầu tiên trong năm 2011, con số gần 50.000 doanh nghiệp phá sản và giải thể được công bố như một thực tế đầy bức xúc.
Song từ tháng 9/2011 đến nay lại đã trôi qua hơn nửa năm mà không có bất kỳ một dấu hiệu cải thiện nào của nền kinh tế, nếu không nói là tình hình còn tệ hơn khá nhiều. Suốt 7 tháng qua, trong ít nhất sáu lần người đứng đầu Chính phủ đích thân yêu cầu “giảm ngay lãi suất” thì đã có đến năm lần yêu cầu này bị người đứng đầu NHNN cố tình trì hoãn.
Cũng trong 7 tháng qua, bất chấp tình trạng chết dở sống dở của doanh nghiệp ở một đầu cân, đầu cân bên kia vẫn nhịp nhàng tung hứng hoạt động của các nhóm lợi ích vàng và ngân hàng. Hàng loạt “chuyển biến tích cực” đã phơi lộ: các doanh nghiệp và ngân hàng kinh doanh vàng thi nhau làm giá và thao túng trong mọi khâu từ nhập khẩu, sản xuất, niêm yết đến tiêu thụ…; thị trường liên ngân hàng sôi động với tình trạng lãi suất liên ngân hàng có lúc tăng đến 30%, nhưng lại chỉ nhằm phục vụ cho ý đồ gây sức ép về thanh khoản và động cơ thâu tóm lẫn nhau; bất chấp lượng vốn ứ đọng khá lớn trong hệ thống ngân hàng, lãi suất cho vay vẫn không được NHNN điều chỉnh theo cách thức áp trần hoặc bằng vào những biện pháp thực hạ, dẫn đến lượng vốn chảy vào doanh nghiệp chỉ như nước trên sa mạc…
Vào quý 1/2012, sau khi “loạn lạc” từ thị trường vàng và liên ngân hàng đã tạm lắng, sự náo động duy nhất lại thuộc về một thị trường có tính đầu cơ rất cao, kèm theo vô số đồn đoán về việc một số ngân hàng nào đó đã tung tiền nhàn rỗi để “gom hàng” và “đánh lên” chứng khoán.
Nhưng trong bối cảnh nhộn nhạo của các thị trường đầu cơ từ khi Chính phủ mới được thành lập, đến nay đã có những thông tin xác thực về nguy cơ hiện hữu một phần ba doanh nghiệp ngành mía đường phải phá sản, hoặc tỷ lệ hàng tồn kho tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái… Bầu sữa tín dụng - “nồi cơm” của các ngân hàng, đã bị NHNN siết chặt trong một toan tính quá nặng về quyền lợi nhóm lợi ích ngân hàng và vàng mà bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
Bởi thế, gần đây một số hiệp hội ngành nghề đã phải tán thán “Đến khi lãi suất giảm thì doanh nghiệp đã kiệt sức!”.
Uy tín của Chính phủ có bị tổn thương?
Trong một cuộc họp của Thủ tướng với giới chuyên gia vào tuần cuối tháng 3/2012, lần đầu tiên xảy ra sự việc chủ tịch một ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh - Ngân hàng ACB - đã chính thức bác bỏ lập luận về “khó khăn thanh khoản” do thống đốc Nguyễn Văn Bình thuyết minh, với dẫn cứ rất cụ thể: ACB hiện còn tồn đến 3 tỷ USD mà không cho vay được.
Rõ ràng, con số hàng trăm ngàn tỷ đồng tồn ứ trong hệ thống ngân hàng, chí ít cũng nằm trong nhóm G12, không phải chỉ là lời đồn đoán. Mà đó là một hiện thực, mô tả cho nghịch lý quá thâm sâu về chuyện ngân hàng dôi dư vốn, nhưng nền kinh tế và các doanh nghiệp lại bị “đói ăn”, dẫn đến hậu quả “đình lạm” trong năm 2011 và hiện tượng giảm phát hiện nay, hoặc triển vọng thiểu phát trong cả năm 2012 này.
Từ thực tế đời sống xã hội, các tầng lớp dân cư và trí thức, không phải đã không có những lời cảnh báo về giảm phát và thiểu phát. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc nếu siết quá chặt tín dụng, hệ quả tăng trưởng thấp dù sẽ góp phần “làm đẹp” con số lạm phát, nhưng về lâu dài sẽ lại là tác nhân sinh ra lạm phát. Khi đó, như một cơ thể trọng bệnh kéo dài quá lâu, khả năng hồi phục sẽ khó khăn hơn nhiều so với hiện nay. Khi đó, động lực sản xuất sẽ bị giảm về mức tối thiểu khiến cung hàng hóa trở nên khan hiếm hơn hẳn, làm cho giá cả hàng hóa có thể tăng lại. Mà như thế thì không thể nói khác hơn là bóng ma lạm phát những năm trước một lần nữa sẽ tái hiện.
Trong trường hợp sớm nhất, theo chuyên gia Phạm Đỗ Chí, lạm phát có thể bùng phát ngay từ quý 3/2012.
“Quyết tâm kềm giữ lạm phát” của Chính phủ vì thế đang có nguy cơ bị lung lay. Nguy cơ này lại càng đậm đà sắc màu xã hội khi những nhóm lợi ích được bao cấp - điện và xăng dầu, có thể lấy lý do thiểu phát mà thoải mái tăng giá. Gần đây, những dạo đầu cho kịch bản này đã bắt đầu khởi động.
Cho đến giờ, có lẽ đã khá muộn để vớt vát lại sự hồi phục của những nhóm ngành sản xuất chính, nhưng vẫn chưa phải quá trễ để minh chứng cho khả năng và uy tín điều hành kinh tế của Chính phủ. Minh chứng đó chỉ có thể được thể hiện theo cách phải chọn một trong hai: hoặc quyền lợi riêng biệt của nhóm ngân hàng, hoặc quyền lợi có tính xã hội và dân sinh của khối doanh nghiệp.
Tại thời điểm này, thời gian không còn ủng hộ cho bất kỳ một “độ trễ” nào của minh chứng trên. Nếu dân chúng vẫn thường được ghép cho đặc tính “dễ bị tổn thương” thì Chính phủ sẽ cảm thấy thế nào nếu nhượng bộ cho sự tự tung tác của nhóm lợi ích ngân hàng mà sẽ còn gây ra nhiều hậu quả cho dân tộc trong tương lai không xa?
Uy tín của Chính phủ có bị tổn thương hay không thì cũng vậy. Dân cũng chỉ biết hậm hực trong lòng chứ làm gì được ai. Nói quá thì lại cũng lại kiểm điểm nghiêm túc, chịu trách nhiệm, vân vân, xong rồi lại đâu đóng đấy và tiền thầy vẫn bỏ túi.
Sống theo điều 4 hiến pháp nhé!. Chính phủ, do lực lượng lãnh đạo nhà nước (chính phủ + quốc hội + tòa án/viện kiểm sát) CHỈ ĐỊNH, thì "Uy tín của Chính phủ có bị tổn thương?", thì có ảnh hưởng gì đến dân ?. Dân đâu có quyền chọn chính phủ (theo hiến pháp)