13.4.12

Bắc Hàn sẽ làm gì sau thất bại tên lửa



2012-04-13
Vụ phóng thử tên lửa vào sáng ngày 13 tháng 4 vừa qua của Bắc Hàn đã bị Mỹ và Nhật bản lên án là đi ngược lại với luật pháp quốc tế cũng như cam kết của nước này với thế giới.

RFA/Korean
Dân chúng Bắc Hàn theo dõi cuộc phóng hỏa tiễn được trực tiếp chiếu trên truyền hình
Vụ phóng thử được lãnh đạo Bắc Hàn trông đợi cuối cùng đã thất bại. Thất bại này có ý nghĩa thế nào với lãnh đạo Bắc Hàn, và phản ứng của thế giới ra sao? Việt Hà phỏng vấn giáo sư Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu về chính sách an ninh Nhật Bản, thuộc viện nghiên cứu Okazaki, về vấn đề này.


Việt Hà: Thưa ông, xin ông cho biết thất bại trong vụ phóng thử tên lửa lần này của Bắc Hàn có ý nghĩa thế nào đối với nước này?


Tetsuo Kotani: trước hết thì Bắc Hàn vừa mới tuyên bố là cuộc phóng thử đã thất bại, nhưng trong chương trình phát triển tên lửa, họ có thể học được nhiều điều từ thất bại này. Mặc dù lần này thất bại nhưng các nhà khoa học bắc hàn vẫn có thể học được kinh nghiệm từ lần này và do đó đối với Bắc Hàn nó cũng có một khía cạnh tích cực.


Tất nhiên là đối với Kim Jong Un thì ông ta đã bị mất mặt trong lần này. Chúng ta cũng đang chờ đợi là UN sẽ có phản hồi sớm, tôi không chắc về phản ứng của Trung Quốc nhưng cộng đồng quốc tế đang cố gắng đưa ra các thông cáo lên án vụ phóng thử này. Theo tôi bây giờ Bắc Hàn sẽ lại càng có lý do để quay lại chương trình hạt nhân của mình để lấy lại danh dự vì vụ phóng thử thất bại lần này.


Việt Hà: Thế giới coi việc Bắc Hàn sử dụng những vụ thử tên lửa kiểu này như một con bài mặc cả với Mỹ, theo ông thất bại lần này ảnh hưởng thế nào tới tương lai những mặc cả giữa nước này và Mỹ?


Tetsuo Kotani:  Tôi không tin là Bắc Hàn sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay phóng thử tên lửa của mình. Họ dùng các chương trình này làm lá bài ngoại giao, đồng thời họ cũng kiên quyết sẽ phát triển bằng được tên lửa tầm xa và chương trình hạt nhân của mình. Và đây sẽ là khó khăn mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong các năm sắp tới vì sự kiên quyết theo đuổi của Bắc Hàn.


Việt Hà: Vậy theo ông thì Hoa Kỳ sẽ có phản ứng thế nào về vụ thử lần này để có thể ngăn chặn các vụ thử tiếp theo có thể trong tương lai?
Bắc Hàn sẽ không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân hay phóng thử tên lửa của mình. Họ dùng các chương trình này làm lá bài ngoại giao, đồng thời họ cũng kiên quyết sẽ phát triển bằng được tên lửa tầm xa và chương trình hạt nhân của mình.
GS Tetsuo Kotani


Tetsuo Kotani:  Năm nay là năm bầu cử tại Mỹ, vì vậy Tổng thống Barack Obama không thể đưa ra các phản ứng yếu với Bắc Hàn. Ít nhất theo tôi thì Mỹ cũng sẽ gia tăng các cấm vận với Bắc Hàn ở Hội đồng bảo an, theo tôi Washington sẽ phải ngưng chương trình viện trợ thực phẩm cho Bắc Hàn.


Việt Hà:  Nhưng có lo ngại là Bắc Hàn có thể nói rằng vì Mỹ không thực hiện cam kết viện trợ và Bắc Hàn bắt buộc phải từ bỏ thỏa thuận giữa hai bên và quay lại với chương trình làm giàu uranium của mình. Điều này còn nguy hiểm hơn, liệu Mỹ có thể có cách nào khác để ngăn chặn việc này?


Tetsuo Kotani:  Đúng vậy, nhưng nếu chính phủ Mỹ có phản ứng yếu thì chính quyền của tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với những chỉ trích rất nặng nề từ trong nước, nhất là từ đảng cộng hòa. Cho nên vào ngay lúc này tôi không nghĩ Washington sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận viện trợ thực phẩm với Bắc Hàn.


Việt Hà: Xin cảm ơn ông.





Video: Bắc Hàn loan báo sẵn sàng phóng hỏa tiễn

Không có nhận xét nào: